You are on page 1of 10

CỘI NGUỒN KẸT NƯỚC NGẬP LỤT ĐÔ THỊ DO

KHOẢNG CHÊNH GIỮA KHOA HỌC KHÍ TƯỢNG


THỦY VĂN VÀ CHUẨN CÔNG TRÌNH THOÁT NƯỚC

Vũ Đức Thắng
Phó Chủ tịch, Hội tư vấn
Khoa học công nghệ và quản lý TP.HCM

Hưởng ứng hội thảo PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ BỀN VỮNG ngày 15 tháng 5 năm
2010, do Chủ tịch Lê Hoàng Quân yêu cầu viết bài trong công văn số 1826 ngày
26/4/2010, chỉ sau 10 ngày quy định rất gấp, chúng tôi đã nghiên cứu viết xong và xin
gửi tới cuộc hội thảo bài viết về Cội nguồn kẹt nước ngập lụt đô thị do khoảng chênh
giữa Khoa học Khí tượng thủy văn và chuẩn mực công trình thoát nước.
Bài viết rút gọn đúng 10 trang, thuộc Nhóm vấn đề thứ 2 chung của 3 thành phố,
chủ đề số 10 của Phụ lục công văn và có tóm tắt nửa trang theo đúng yêu cầu hội thảo.
Chúng tôi rất mong được Ban Chỉ đạo và Ban Tổ chức giúp đỡ để ý kiến chúng
tôi được chuyển tới các đại biểu và mong được các nhà chuyên môn quan tâm nghiên cứu
để chặn đứng ngay nguy cơ kẹt nước, để các đô thị và ngoại thành nông thôn lẫn núi rừng
cùng nhau phát triển bền vững.
Xin trân trọng cảm ơn.
Một mùa mưa nữa lại đến sát rồi.
Lại có những tiếng kêu cứu khóc than vì mất người mất của vang lên khắp từ núi rừng
về đô thị do sạt lở, đất “chuồi”, lũ bùn, ngập đường, kẹt nước. Nhiều cuộc hội thảo quốc tế về
tác động của biến đổi khí hậu đối với ngập lụt đô thị đã dóng thêm một hồi chuông báo động
về mưa ngập sẽ có tác động đến cuộc sống con người ngày càng mạnh hơn. Các trận mưa lớn,
mưa mạnh, mưa dài ngày càng dữ dội. Dù dự đoán theo kịch bản lạc quan hay bi quan thì tình
cảnh đều nghiêm trọng và rồi đây trên lãnh thổ nước ta sẽ càng có thêm nhiều vùng phải sống
trong sợ hãi. Tuy nhiên, khi các đại biểu ra về thì tình hình vẫn là như cũ, năng lực hệ thống
thoát nước vẫn khó có thể đổi mới theo kịp với mức độ khắc nghiệt của biến thiên khí hậu.
Tình hình kẹt nước thậm chí vẫn càng ngày càng trầm trọng.
Lần tìm lại cội nguồn, ta mới thấy: hoá ra các nhà thiết kế và xây dựng vẫn luôn luôn
phải tính toán thi công, nghiệm thu để cho ra đời những công trình thoát nước theo những
chuẩn mực cũ, chưa kịp thời cập nhật thay đổi cho kịp với tình huống mới. Nên chăng, việc
đổi mới tư duy và phương pháp luận cần bắt đầu từ chuẩn mực công trình thoát nước đô thị?
1. Tổng quan về thuộc tính của nước và nghịch cảnh kẹt nước:
1.1. Nước mềm dịu nhưng Kẹt nước căng thẳng hơn Kẹt xe:
“Nước là một hợp chất có khả năng biến đổi hình dạng cực giỏi để chiếm lấy những
khoảng không bất kỳ nhằm đạt được mục tiêu tiến gần nhất về trung tâm trái đất”. Điều đó
tưởng chừng như quá đơn giản, rất dễ nhận ra. Vậy mà trong cuộc sống thực tế vẫn có nơi có
lúc con người không thỏa mãn được yêu cầu đơn giản ấy ngay cả ở những đô thị sang trọng
phồn vinh.
Thực ra, nước cũng dễ tính và yêu cầu của nó cũng không có gì cầu kỳ phức tạp.
Nước không cần nhà lầu để trú ngụ, cũng chẳng đòi xe hơi để di chuyển, chẳng ham muốn
đường phố sạch đẹp, đèn mầu, cảnh quan mỹ lệ để dừng bước thưởng thức vui chơi. Nó chỉ
cần một cái ống có diện tích, độ dốc và phương hướng hợp lý là kéo nhau đi hết sạch. Thậm
chí ở đâu có hang hốc, lỗ nẻ, độ rỗng thì nó cũng chẳng kén chọn gì mà cứ hăng hái theo đó
thấm đi. Ngẫm ra nhu cầu của nó cũng chẳng cao xa.
Nước cũng dễ sai khiến, dễ khép mình vào khuôn mẫu, không biết đòi hỏi, kêu ca,
chống đối như nhũng động tử của dòng xe mắc kẹt. Vậy mà sao ta không tạo ra được những cái
ống cho nước chảy và những lỗ rỗng cho nước thấm đi? Hóa ra nói và nghĩ thì rất dễ nhưng thực
hiện lại vô cùng phức tạp và rối rắm. Bởi việc tạo cho nước một cái khe để thoát hoặc thấm
được còn bị phụ thuộc rất nhiều vào các hoàn cảnh kinh tế, kỹ thuật, xã hội, với một dây
chuyền quản lý khít khao chặt chẽ và một hệ thống chuẩn mực có cơ sở pháp lý vững vàng
chính xác.
Trong thực tế, còn rất nhiều ràng buộc, không phải cứ muốn là làm được. Và đô thị đã
kẹt xe rồi, mùa mưa đến khắc phục kẹt nước còn khó hơn nhiều nữa.
1.2. Nghịch cảnh kẹt nước: Đầu tư càng nhiều càng ngập:
Đến nay nhiều nhà quản lý đô thị đã nhất trí công nhận một sự thực: “Càng đầu tư
chống ngập nhiều, thì nước lại càng ngập nặng”.
Xin lấy ví dụ tại TP. Hồ Chí Minh. Từ cuối thế kỷ 20, khi bắt đầu bức xúc về ngập lụt
đòi hỏi tốn kém nhiều ngân quỹ cho công trình chống ngập thì có 8 điểm rồi 12, 24, 28 đến 36
điểm ngập… đã coi là nóng bỏng xôn xao. Cuối thế kỷ trước, đã có nhiều cuộc họp hứa hẹn
quyết tâm “Sài Gòn Cô tiên năm 2000 không thể bị ngập nước, ướt chân, lấm dép ...”. Nhưng
sang năm 2001 đã tăng tới 100 điểm ngập.
Dư luận càng bức xúc, các công trình xóa ngập càng được đầu tư rót vốn.
Năm 2001 xóa được 10 điểm ngập nhưng lại phát sinh 24 điểm mới.
Năm 2003, xóa tiếp lại phát sinh tiếp, số điểm ngập nhích lên con số 97.
Năm 2004 đầu tư quyết liệt, nỗ lực xóa được 56 điểm ngập nhưng phát sinh thêm 36
điểm ngập mới. Số điểm ngập còn 91.
Năm 2005 xóa được 61 điểm đáng lẽ chỉ còn 30 điểm ngập. Thế nhưng lại có các
điểm ngập mới “trồi” ra, cho nên thành phố còn đến 79 điểm ngập.
Đầu năm 2007, TP có 85 điểm ngập, nỗ lực xóa được 14 điểm ngập, người đô thị tạm
thấy đỡ lo.
Nhưng sang năm 2008, TP thống kê có 100 điểm ngập (trong đó có 29 điểm ngập tồn
tại nhiều năm bị bỏ sót chưa đưa vào danh sách). Trong số 100 điểm ngập này, có 54 điểm
ngập do mưa, 12 điểm ngập do triều cường, 34 điểm ngập do mưa trùng với triều cường, cộng
là 88 điểm ngập do tác động của mưa.
Đến nay số điểm ngập đã tăng lên tới 170 mặc dù năm 2008 đã cố gắng xóa được 26
điểm ngập.
Trên đây chỉ là những số liệu chưa đầy đủ, có thể chưa bằng với số liệu thống kê chính
thức, nhưng cũng phác họa được một quang cảnh chạy đua mà dường như con người còn
chậm hơn nước ngập. Điều đáng sợ là ở chỗ ai ai cũng lo toan cố gắng hết mình mà vẫn
không đạt được điều mong muốn (chứ nếu do có sai sót lơ là thì chỉ việc sửa cái sai ấy đi là
tình hình tốt đẹp ngay). Không chỉ ở TP. Hồ Chí Minh mới khó khăn căng thẳng như vậy, mà
cả Hà Nội và các thành phố khác cũng đang nguy ngập vì mưa đã tới nơi rồi.
2. Lần tìm về đến cội nguồn kẹt nước và ngập lụt:
Hội thảo tranh luận về ngập lụt rất nhiều nhưng đến nay dường như vẫn chưa xác định
hết địa chỉ kẹt nước là do cái sai là ở khâu nào?
Nếu không phải tại nước thì tại ai?
Báo chí và dư luận bức xúc, chất vấn, phê phán, phát hiện nhưng vẫn chưa kết luận được là
tình trạng ngập lụt đô thị do người nào gây ra, chưa thấy ai bị phạt vì gây ra ngập lụt đô thị. Trước
thanh tra và pháp luật ai cũng đều đúng cả. Dường như mọi nguyên nhân của vấn nạn kẹt nước
còn nhiều bí ẩn đang chờ các nhà khoa học khám phá.
Bây giờ ta thử điểm lại xem một số khâu cơ bản có liên quan đến ngập lụt đô thị.
2.1. Trước hết xét đến căn nguyên kẹt nước ngập lụt đô thị là do tham nhũng:
Dư luận thường cảnh báo có thể kẹt nước là tại có sự tham nhũng.
Nhưng ai tham nhũng? Chưa hề bắt được vụ nào tham nhũng mà gây tác động trực
tiếp đến kẹt nước ngập lụt đô thị để đem ra xử, bất quá là thâm lạm chút ít vật liệu tiền bạc,
chiếm tỷ lệ khá nhỏ so với vốn đầu tư và đã xử lý như những công việc thường ngày.
Nhìn chung, tham nhũng là chuyện tổng quát của nhiều quốc gia, nhiều thời điểm,
đang được đấu tranh phòng chống quyết liệt, nhưng không phải là nguyên nhân trực tiếp làm
nước ngập. Có những quốc gia có tham nhũng nhưng cống của họ vẫn thông. Thậm chí nếu
tham nhũng ở mức độ nào đó thì cống vẫn còn trơn, nước vẫn còn chẩy mạnh.
Tham nhũng tác hại mạnh ở chỗ làm tốn kém tiền bac hoặc giảm bớt tuổi thọ công
trình. Giả dụ từ trăm năm bị gặm nhấm mất 2/3 thì vẫn còn tới 30 năm thoát nước, nghĩa là
vẫn còn chảy thoát được lâu hơn thời hạn bảo hành. Vì vậy, nói chung tham nhũng không làm
tắc cống. Vả lại nếu có người tham nhũng cao tay thì họ không dại gì làm tắc cống để mất đi
nguồn lợi dồi dào của họ.
Vậy không hẳn tham nhũng đã là nguyên nhân trực tiếp gây tắc cống, làm ngập lụt đô
thị.
2.2. Kẹt nước do sai sót trong xây dựng, nghiệm thu:
Công trình thoát nước nào cũng đều phải qua thủ tục nghiệm thu chặt chẽ, với nhiều
chuyên gia cấp cao, từng phải học nhiều năm và có chức năng, chứng chỉ, bổ nhiệm mới được
nghiệm thu công trình. Công trình thoát nước nào cũng được kiểm định kỹ càng, đánh gíá theo
chuẩn và xác nhận chất lượng tốt mới đưa vào sử dụng. Tệ lắm thì cũng đạt yêu cầu ở mức trung
bình, tức là dùng được để thoát nước. Xưa nay chưa có ai bị bắt tội là nghiệm thu kiểm định sai,
bởi có hàng ngàn thiết bị, hàng ngàn trang luật lệ nguyên tắc khắt khe không thể nào sai được.
Có thể có cá nhân là kỹ sư thi công có sơ suất rủi ro sai sót gây ra đổ vỡ lệch lạc lún sụt công
trình phải đi tù, nhưng cũng rất hãn hữu. Nếu có thì bên thi công phải bồi thường đập đi làm
lại cho đến khi đủ tiêu chuẩn được nghiệm thu và cuối cùng đều được hoàn công giải ngân
thanh toán.
Vậy thì bất cứ đường cống nào được coi là thi công xong đều không thể kẹt nước.
Cũng chưa từng có kỹ sư nào bị buộc tội vì nghiệm thu sai mà làm tắc cống ngập nước. Có cả
một tập thể Hội đồng nghiệm thu xác nhận đạt thì mới được khánh thành bàn giao. Vậy thì
không thể có chuyện tắc cống, ngập lụt do xây lắp nghiệm thu. Nghe thì có vẻ hơi khó tin,
nhưng thực tế cuộc sống là như vậy. Nhưng đến lúc mưa rơi lại vẫn thấy có hệ thống cống
thoát nước được cấp giấy đạt đủ yêu cầu chất lượng mà vẫn kẹt nước. Lại phải xét thêm khâu
khác.
2.3. Kẹt nước do khảo sát thiết kế sai:
Một khi xảy ra sự cố kẹt nước, việc đầu tiên dư luận thường truy cứu trách nhiệm
người thiết kế. Nhưng thực tế hơn nửa thế kỷ qua trong rất nhiều dự án về thoát nước đô thị,
chưa thấy có đồ án thiết kế sai lầm chủ quan gây ra kẹt nước ngập lụt đô thị phải đưa ra xét
xử. Trừ một số khuyết điểm lẻ tẻ được phát hiện và xử lý mang tính thường ngày, được sửa
ngay tại hiện trường, cho đến nay, mọi dự án đầu tư đường cống đều được rà soát bởi một hệ
thống quản lý chặt chẽ và những chuẩn mực thiết kế nghiêm ngặt và được duyệt bởi các cơ
quan quản lý cấp cao. Cá nhân người thiết kế có thể sai nhưng khi lập đề án để được cấp trên
duyệt phải qua nhiều cấp kiểm soát, thẩm tra, phản biện, thẩm định đến mức không còn sai sót
gì trong đồ án thì mới được phê duyệt cho thi công. Vì vậy mọi đề án thiết kế khi được đưa
vào thi công đều phải được một hệ thống cơ quan và các nhà chuyên môn và quản lý đánh giá
là tốt.
Giả sử có kẻ nào cố tình phá hoại bằng cách thiết kế sai, thiếu, dở, để làm cho thành
phố bị kẹt nước ngập lụt, thì bản thiết kế ấy cũng phải bị loại bỏ ngay trước khi được cơ quan
cấp trên phê duyệt cho thực hiện.
Tóm lại từ khâu thiết kế đến thi công, nghiệm thu các công trình thoát nước đều có
một hệ thống quản lý kỹ thuật chặt chẽ, đến mức nếu có chỗ nào sai thì cũng không thể lọt
lưới ra đời được. Xem thế thì đủ biết nếu chỉ xét theo tình thế trước mắt thì nguyên nhân gây
kẹt nước ngập lụt đô thị về mặt chủ quan còn rất nhiều bí ẩn.
2.4. Kẹt nước, ngập lụt là bởi tại Trời:
Có lẽ quy kết cho Trời là dễ nhất, vì ai cũng thấy rõ, đến nỗi có thơ:
“Nắng mưa là bởi tại trời
Ngập đường kẹt nước đâu người nào sai…”
Nhưng Trời trong phạm trù ngập lụt kẹt nước lại chính là tập hợp các yếu tố Thời tiết
Khí tượng Thủy văn trong Đại dương không khí mà các nhà Khoa học đã điều tra nghiên cứu
hàng mấy trăm năm nay, thậm chí còn có di sản kinh nghiệm dân gian hàng ngàn năm tổng
kết lại để các nhà khoa học kế thừa và nâng cao thành lý luân.
Khoa học và Kinh nghiệm Thời tiết Khí tượng Thủy văn không thể nào sai được. Có
thể nói rất nhiều lý do kẹt nước, nhưng rút cục cái sai nằm ở khâu nào thì cũng khó mà gút lại,
để đánh thông chỗ tắc.
2.5. Nước nằm kẹt lại và ngập lụt từ ở cội nguồn ngay tại khoảng chênh giữa
Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Chuẩn mực công trình thoát nước:
Nên chăng nhìn về cội nguồn xa hơn để đổi mới tư duy và phương pháp luận?
Chuyện kẹt nước ngập lụt đúng là nghịch cảnh đầy thử thách cam go. Dường như
trong tư duy và phương pháp luận về thoát nước đô thị thì còn có nhiều chỗ chưa phù hợp với
mưa chăng?
Có nhiều vấn đề cần phải bàn từ gốc, bởi phàm đã là cống thì thường tắc ở đầu nguồn,
còn nếu tắc ở cuối nguồn thì đến lúc nào đó có thể bị áp lực tích lũy thổi bung đi (giống như
trám lỗ hà ở thân đê ta vẫn phải trám từ thượng lưu dòng thấm vậy).
Nhìn lại thực tế các cuộc hội thảo ta thấy các nhà Khoa học Khí tượng Thủy văn đã
biết trước rất nhiều thực trạng căng thẳng và nguy cơ hiểm họa về mưa rơi nước ngập. Đồng
thời họ cũng sử dụng mọi kênh thông tin để cảnh báo cho toàn dân biết rõ. Các nhà Tài chính
cũng đang trù liệu nhiều khoản tiền lớn cho việc này, để ngay bây giờ hoặc tương lai cần dùng
là có.
Tuy nhiên, các nhà quy hoạch xây dựng ngành thoát nước thì cũng chỉ biết vậy và
cùng toàn dân lo lắng. Còn khi trở về bàn giấy thì họ vẫn phải tư duy, tính toán, thiết kế và xây
dựng, nghiệm thu theo những chuẩn mực cũ đã thành văn bản pháp lý rồi. Do đó hệ thống xử
lý nước và thoát nước vẫn phải đúc theo khuôn mẫu như cũ, các cá nhân nào có muốn làm
theo các nhà khí tượng thủy văn cũng không thể nào theo được. Một trong những vấn đề cần
đổi mới tư duy có lẽ là việc giải phóng sức ì của các chuẩn mực công trình thoát nước như đề
xuất ở mục tiếp theo đây.
3. Khoảng chênh giữa khoa học khí tượng thủy văn và chuẩn mực công trình
thoát nước:
3.1. Bước tiến đột phá của khoa học khí tượng thủy văn vượt trước thiên nhiên:
So với thời Giáo sư Nguyễn Xiển đặt nền móng ngành khí tượng thủy văn và các dự
báo thời tiết từ hơn nửa thế kỷ trước thì đến nay việc nắm vững quy luật khách quan của mưa
nắng trên trời ở nước ta đã đạt nhiều bước tiến rất lớn về khoa học.
Có thể nói vắn tắt rằng chúng ta đã có những chuyên gia khí tượng thủy văn cực giỏi,
có những công cụ tinh vi và khả năng dự báo hiện đại, đồng thời có sự liên thông hợp tác quốc
tế rộng rãi và vững chắc để xem xét, dự đoán tác động của thời tiết mây mưa trên toàn cầu với
độ chính xác đạt tầm quốc tế. Từ đó đã có những dự báo, cảnh báo về nguy cơ mưa lũ ngày
càng tăng dữ dội, là những dự báo có cơ sở khoa học đáng tin cậy để có giải pháp đề phòng
kịp thời.
3.2. Thực tế quan trắc tính toán cũng thấy mưa rơi ngày càng mãnh liệt:
Chưa biết đến các con số định lượng của các nhà khí tượng thủy văn, người dân bình
thường cũng đều có thể nhận thức bằng định tính rằng các trận mưa lớn gần đây ngày càng
nhiều và mạnh hơn những năm trước. Không cần phải đợi đến tương lai xa như trong dự báo,
ngay giờ đây, ngay trước mắt quang cảnh kẹt nước, ngập lụt, tắc cống, triều dâng căng thẳng đã
được thấy nhãn tiền. Một công dân cũng có thể phát biểu rằng: hệ thống thoát nước của đô thị
và cả ngoại thành, nông thôn, rừng núi cần được cải tiến tốt hơn.
3.3. Các chuẩn mực quy hoạch và thiết kế vẫn án binh bất động, bình chân như
vại:
Mặc cho các nhà khí tượng thủy văn nhiều lần nghiêm khắc cảnh báo, đưa ra những số
liệu và luận cứ đáng sợ, thậm chí còn có người lớn tiếng nhắc nhở: “Biến đổi khí hậu nếu
không kiểm soát nổi sẽ khiến nền văn minh sụp đổ”, nhưng công việc thiết kế, xây lắp hệ
thống thoát nước thì vẫn như cũ không có gì thay đổi.
Các nhà quy hoạch, thiết kế là người tạo nên vóc dáng của hệ thống thoát nước cũng
thấy tình hình nghiêm trọng, nhưng khi trở về bàn giấy của mình thì cách thức nghiên cứu, tư
duy và thiết kế thẩm định vẫn giữ nguyên theo các chuẩn mực pháp quy, theo một hệ thống tư
duy và chuẩn mực đã định sẵn từ lâu, không thể tùy nghi sửa đổi.
3.4. Những hệ thống chuẩn mực nghiêm ngặt và không cập nhật kịp thời:
Xét về lý thuyết học thuật thì có nhiều vấn đề rất mênh mông, cao sâu, phức tạp,
nhưng khi thực hành thì lại quy về một hệ thống chuẩn mực rất cụ thể và bất di bất dịch.
Đó là một hệ thống các tiêu chuẩn, định mức, quy trình, quy phạm, thiết kế định hình
được quy định rất cụ thể và được ban hành dưới dạng các văn bản pháp luật, pháp quy và
nguyên tắc nghề nghiệp, xuyên suốt từ khâu quy hoạch đến dự án đầu tư, thiết kế và xây lắp,
nghiệm thu khai thác.
Đó là một hệ thống chuẩn mực bao gồm cả các công thức, các hệ số tính toán, các
hướng dẫn về quy cách cấu tạo chi tiết, các giải pháp thực hiện, các mẫu mực quy mô, các
định mức cụ thể và cả các bảng tra tính sẵn.
Muốn nói gì thì nói, nhưng bắt tay vào làm thì bất cứ nhà chuyên môn nào cũng phải
tuân theo từng chữ, từng nét trong hệ thống chuẩn mực này. Có thể nói rằng đó là cái khuôn
để đúc nên hệ thống thoát nước, hệ thống điều tiết hậu quả của gió mưa. Khi cống tắc, thậm
chí trào ngược, sụp đổ, người ta đem ra soi xét theo hệ thống chuẩn mực này, nếu kỹ sư không
hề sai sót vi phạm chỗ nào sẽ được tuyên bố vô tội. Bởi đó là tại trời đã gây ra thảm họa ngoài
phạm vi thiết kế thông thường. Hệ thống chuẩn mực này rất cụ thể chi tiết và phức tạp, không
thể nói hết, cho nên để có một ý niệm khái quát, xin được nêu lên một ví dụ trong một công
việc, đại ý như sau:
Muốn tính được một đường cống lớn hay nhỏ phải biết được lượng nước chảy do mưa
mà đường cống ấy phải đảm bảo thoát hết là Qp (m3/sec).
Cống rộng, sức chảy thoát Q > Qp thì nước thoát hết.
Ngược lại, cống hẹp Q < Qp thì nước bị ứ đọng lại
Các bất đẳng thức này chẳng khác gì chuyện xẩy ra trong cái bồn rửa chén ở nhà ta:
Khi bị rác chắn thì ứ đọng chảy chậm, còn Q = 0 là bịt kín hết thì tắc nước hoàn toàn. Muốn
tính được Qp không thể theo ý riêng của bất cứ nhà khoa học tài ba nào, mà phải giở quy
chuẩn ra, bắt buộc phải tính theo công thức định sẵn. Ví dụ công thức mang bí số là (2-1):
Qp = Ap x j x Hp x F x dI (m/sec) (2-1)
Công thức này có cơ sở lý luận rất cao siêu nhưng khi thực hành tính toán thì rất dễ,
một học sinh trung học được hướng dẫn cũng có thể theo đó để gán các giá trị cụ thể vào mà
tính được ra kết quả như các kỹ sư. Các hệ số Ap, j, d đều có các bảng quy định sẵn, chỉ tra
bảng là có ngay kết quả.
Chẳng hạn:
* Ap thì tra theo bảng (2-3) theo ts , và Fl và vùng mưa.
*ts thì tra theo bảng phụ thuộc vào Fs và vùng mưa.
Trong đó Fs và Fl là hai hệ số tùy thuộc vào địa mạo và vùng mưa.
Fs = bs0,6 / (msJs0,3 (j Hp)0,4) (2-3)
Fl = 1000 L / (ml Jl F1/4 (j Hp)1/4) (2,3)
Ta thấy ở đây có các yếu tố ảnh hưởng quyết định đến lượng nước chảy là:
1/ Địa mạo:
Được tính theo công thức kinh nghiệm xuất phát từ cảm quan (cảm nhận và quan sát)
tại hiện trường, qua các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm theo những giả định và mô hình
nào đó được nghiên cứu từ nước ngoài và giả thiết rằng nó phù hợp với điều kiện của Việt
Nam là xứ nhiệt đới nhiều mưa.
2/ Vùng mưa:
Lãnh thổ Việt Nam được phân thành 28 vùng mưa theo kết quả nghiên cứu từ lâu.
3/ Lượng mưa Hp:
Được ấn định cho từng vùng trong một bảng đã định sẵn như một định mức tem
phiếu cấp phát cho thần mưa đi thi hành công vụ:
Ví dụ:
Ở Vườn Bách thảo - Hà Nội, lượng mưa chỉ được tính cho rơi từ 322mm đến 131 mm/ngày.
Lượng mưa ở ga Hải Phòng chỉ được tính với giá trị mưa rơi từ 129mm đến 359mm/ngày.
Lượng mưa ở Phú Bài - Huế chỉ được tính từ 224mm đến 741mm/ngày.
Lượng mưa ở Tân Sơn Nhất - TP. Hồ Chí Minh chỉ được rơi từ 96mm đến 197mm/ngày.
Lượng mưa ở Ô Môn - Cần Thơ chỉ được từ 78mm đến 181mm/ngày.
Lượng mưa ở Cai Lậy - Tiền Giang chỉ được rơi từ 78mm đến 163mm/ngày.
Mặc cho thực tế hàng ngày mưa nhiều hay ít, vẫn cứ tính theo định mức này.
Trên đây chỉ là một công thức nhỏ trong hàng trăm chuẩn mực, công thức, điều kiện,
tình huống để có một ví dụ khái quát về quá trình tư duy để tính ra được lưu lượng nước để
làm căn cứ thiết kế xây cống thoát nước to hay nhỏ cho vừa. Rõ ràng là nhà thiết kế có thể
không cần chú ý gì đến những lời cảnh báo của nhà khí tượng thủy văn, hay đến xu hướng khí
hậu mưa rơi nước chảy bên ngoài cửa sổ. Không chú ý đến thậm chí không biết cũng chẳng
sao. Nhưng nếu người thiết kế không chú ý đến các bảng biểu tính sẵn, các chuẩn mực đã
được quy định trước, lỡ bị lãng trí tra lầm hàng này ra cột khác, thì bản thiết kế sẽ bị vứt bỏ,
lương thưởng có thể bị khấu trừ, thậm chí có thể bị ra tòa xét xử.
Còn thần mưa, xem ra không chịu tuân theo tiêu chuẩn định mức dưới trần gian, mặc
kệ bảng định mức tiêu chuẩn mưa rơi hạn hẹp, cứ tự ý ngày càng làm mưa lớn thì tất nhiên hệ
thống cống theo các chuẩn mực kỹ thuật ngặt nghèo đương nhiên sẽ không thoát hết mà lượng
mưa dôi ra ắt sẽ tích tụ gây ra kẹt nước và ngập lụt cả ở đô thị lẫn miền nông thôn, rừng núi.
Vậy thì ngập lụt tại trời hay tại chính ta không kịp thời cập nhật, nâng cao các chuẩn
mực công trình để thỏa mãn CUNG – CẦU?
4. Phải nghiên cứu các luận cứ để cập nhật nâng cao các chuẩn mực công trình:
Tại hội thảo quốc tế về tác động của biến đổi khí hậu đối với ngập lụt đô thị tại TP. Hồ
Chí Minh ngày 24/6/2009, sau khi nhiều nhà khoa học khí tượng thủy văn cảnh báo lượng
mưa, cường độ mưa, thời gian mưa, phân bố mưa ngày càng tăng nghiêm trọng, tuy tôi không
được đọc tham luận, nhưng có phát biểu đặt vấn đề: “Có nên tổ chức các đề tài nghiên cứu
thay đổi cập nhật các tiêu chuẩn tính toán mưa rơi, và các chuẩn mực thiết kế hệ thống
thoát nước đô thị hay không?”.
Câu hỏi ấy không hề được chủ tọa và các nhà khoa học quan tâm tranh luận và
giải đáp rõ ràng.
Một giáo sư tiến sĩ về công trình đã đến nói riêng với tôi ở hàng ghế rằng “Thiết kế mà
không tuân theo chuẩn mực thì loạn. Người ta đã thiết lập nên chuẩn, ban hành thành luật
pháp, sao có thể tùy tiện đổi thay”. Một gíáo sư khác nói nhỏ: “Chuyện này cứng lắm. Đụng
vào tốn nhiều công sức lắm” .
Đáng tiếc là quan điểm của tôi cho rằng “con người đặt ra quy chuẩn thì con người
cũng có thể đổi thay qui chuẩn theo một tiến trình nghiên cứu và ban hành văn bản pháp quy
chặt chẽ”, đến khi hôi thảo xong cũng không ai hưởng ứng.
Đến nay đã cả năm rồi, tôi chưa tìm được ai đồng cảm.
Từ diễn đàn này tôi đề nghị các nhà quản lý, các Hội khoa học chuyên môn quan tâm
động viên chất xám và các nhà khoa học dành nhiều công sức để làm các công trình nghiên
cứu cập nhật và đổi thay quy chuẩn thoát nưóc.
Một quy chuẩn dù cứng rắn đế đâu cũng đều có thể thay đổi nếu có luận cứ vững chắc.
Luận cứ ấy là một tổ hợp các bài toán kinh tế kỹ thuật, để lựa chọn đánh giá dung hoà các
mâu thuẫn giữa yêu cầu, khả năng và điều kiện ràng buộc, để đạt được mục tiêu kết quả tối
ưu.
Trong bài toán lớn đó có hàng loạt đề tài có tính học thuật rất cao, rất khó. Nếu giải
được thì đáp ứng đúng ngay vào những yêu cầu thiết thực của cuộc sống, mang lại lơi ích cụ
thể lớn lao.
Không thể có một hệ thống nào chẩy thoát hết được lượng mưa lớn nhất mà các nhà
khoa học cảnh báo. Không thể có một hệ thống thoát nước nào dám đảm bảo không kẹt nước.
Chỉ có những hệ thống thoát nước gây ra kẹt nước ngập nước trong phạm vi cho phép về thời
gian, số lần và mức nước chấp nhân được, sao có sự hài hoà cân đối tốt nhất giữa kinh phí
đầu tư và thiệt hai do chịu ngập có mức độ và kiểm soát được.
Do đó bài toán tối ưu hóa các chuẩn mực thoát nước vừa khó, vừa cao, vừa thú vị. Để
quí vị độc giả thư giãn bằng cách diễn đạt bài toán này dưới dạng đời thường, xin gợi ý mô
hình khái quát bài toán qua câu chuyện như sau:
Một gia đình nọ, đầu tiên có 2 người, mỗi năm tăng dần, nay thành 8 người. Nếu tính
bình quân thì chỉ cần xây một căn nhà theo giá trị trung bình là (8+2)/2 =5 người. Nếu theo số
liệu quan trắc độ tăng từng năm, năm đầu 2 người năm sau tăng dần đến năm thứ n là 8 người,
rồi tính độ lệch phương sai theo Cv, Cs, tra biểu đường cong xác suất theo lý thuyết thống kê
sẽ cho trị số trung bình xác suất thì có thể tăng thêm ví dụ thành Nbq = 6 người chẳng hạn.
Lấy đó làm chuẩn, thiết kế ngôi nhà cho 6 người ở thôi, thì đương nhiên sẽ có 2 người phải
ngủ ngoài đường.
Bây giờ là lúc phải lo bài toán kinh tế đầu tư. Nếu đủ tiền xây nhà theo tiêu chuẩn cho
8 người thì quá tốt. Tuy nhiên do ràng buộc về kinh tế và nguồn vốn, chỉ xây nhà theo tiêu
chuẩn trung bình thôi thì ắt phải có người đi ngủ nhờ hàng xóm, và chịu đựng mọi hệ lụy khó
khăn. Chẳng ai ngủ cả 24 giờ, cho nên nếu chấp nhận hạ tiêu chuẩn xuống, thay nhau vào nhà
ngủ theo ca thì cũng được, sẽ đỡ tốn ngân quỹ xây nhà lớn. Giải quyết cho khéo và có sức
thuyết phục về tình trạng mâu thuẫn giữa cung và cầu, giữa chuẩn mực và khả năng kinh tế
cho phép của hệ thống thoát nước đúng là thú vị.
Lại có một nhà khác, có ông bố kiên trì đo đạc thống kê chiều dài bàn chân của con
mình trong hơn 100 tháng tức gần 10 năm, được một chuỗi số liệu khảo sát thực tế N = 120 số
liệu với Lmin = 8cm và Lmax = 20cm.
Nếu lấy trung bình số học là 12cm để đóng giày cho con thì e rằng chưa sử dụng hết
sức mạnh của lý thuyết thống kê. Ông bèn tính trị số bình quân theo tần suất p%, rồi phương
sai, độ lệch chuẩn, rồi chọn đường cong phân bố xác suất, tính ra theo p = 1% được giá trị tính
toán, ví dụ là L100 = 18cm chẳng hạn, rồi cân nhắc trên ngân quỹ của mình.
Nếu đóng giày thỏa mãn tới Lmax = 20cm thì quá tốn.
Đóng giày theo p = 1% thì L100 = 18cm sẽ tiết kiệm hơn.
Ông bèn bảo: “Con ơi, con đâu có đi giày suốt 24/24 giờ? Thực tế con chỉ đi mỗi ngày
2/24 giờ thôi nên ráng chịu đi giày ngắn, L = 18cm, sẽ kinh tế hơn. Chịu khó, chịu khổ trong 2
giờ cho ngón chân thò ra phía trước, gót chân dư ra phía sau đế giày một chút, thì ngân sách
chi tiêu của gia đình sẽ nhẹ gánh hơn”.
Vậy đó, tiêu chuẩn cao thì đầu tư lớn. Không thể chi tiêu lớn thì phải liệu cơm gắp
mắm. Ta không dám và không thể so sánh với hệ thống lý luận hoàn chỉnh của việc tính toán
năng lực của hệ thống thoát nước với chuyện đo chân sắm giày.
Nhưng ở đây cũng có đôi chút đơn giản hóa để diễn tả tình cảnh của hệ thống thoát nước.
Đâu có cống nào chảy suốt 24/24 giờ với lưu lượng cực đại? Thực tế cống để khô trong quá nửa
năm, rồi mưa nhỏ chỉ chảy róc róc đôi chút. Và chỉ có một số giờ nào đó chảy đầy mặt cắt ướt và
lâu lắm mới có một lần mưa to chảy ngập hết mặt cắt thủy lực và gây tình trạng ứ dềnh trong vài
ba tiếng hoặc nửa buổi một ngày. Vậy thì không thể nào thiết kế cống to đến mức thỏa mãn
được mọi cơn mưa cực đại. Phải chấp nhận có lúc cống khô rang, có lúc chảy tràn, chảy ngập
và có thể ứ dềnh trong thời gian T nhất định.
Bởi vậy phải có hệ thống chuẩn mực, bao gồm những vấn đề ví dụ trên đây và nhiều
nguyên tắc, nhiều điều kiện ràng buộc khác nữa để có một hệ thống thoát nước được coi là
chuẩn hóa, tốt và hiện đại trong khuôn khổ pháp luật.
Vấn đề là phải giải quyết mâu thuẫn để đạt tối ưu và cập nhật kịp điều kiện biến đổi
môi trường. Giải quyết vấn đề này phải triển khai nhiều công trình nghiên cứu sáng tạo, sử
dụng các công cụ toán học mạnh mẽ, vận dụng đủ các loại hình từ tuyến tính đến phi tuyến
tính, tối ưu hóa các hàm mục tiêu với rất nhiều thông số phức tạp, xét được đủ mọi điều, mọi
mặt để tìm ra các đáp số tin cậy hơn và hiện đại hơn.
Nên chăng cần tổ chức những đề tài nghiên cứu liên ngành - tổ chức hợp tác giữa các
nhà khoa học khí tượng thủy văn với các nhà nghiên cứu thiết kế để không ngừng cải tiến, cập
nhật, tối ưu hóa các chuẩn mực để cho việc tắc cống, ngập cống được xảy ra trong các điều
kiện phù hợp với chỉ tiêu môi trường đô thị văn minh hơn, có hiệu quả kinh tế thực sự tốt hơn,
phù hợp với thực tế khách quan không ngừng biến đổi.
5. Kết luận và đề nghị:
- Cội nguồn của vấn nạn kẹt nước và ngập lụt ở ngay tại khoảng chênh giữa Khoa
học Khí tượng Thủy văn và Chuẩn mực công trình thoát nước.
- Nên khuyến khích một số đề tài nghiên cứu rà soát lại các Chuẩn mực thiết kế để
nâng cao cập nhật cho phù hợp với sự biến đổi khí hậu và khả năng đầu tư của nền kinh tế,
đảm bảo chất lượng cuộc sống đô thị, giải quyết tận gốc nạn kẹt nước và sự bất cập của hệ
thống thoát nước.
- Trước mắt, nên tạo điều kiện để tổ chức nghiên cứu nhiều đề tài khoa học để làm
cho lời cảnh báo của các nhà khoa học thấm vào các đồ án quy hoạch và thiết kế thoát nước.
Trước hết là nên nghiên cứu sửa đổi đưa chuỗi số quan trắc thống kê mà các nhà khí tượng thủy
văn đã dày công thu thập trong 20 năm qua (1988-2008) vào để tính lại sửa đổi các số liệu về chuẩn
mưa đã lập từ năm 1987 để kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền xem xét cho phù hợp với biến
động khách quan.
- Riêng TP. Hồ Chí Minh, xin cho triển khai sớm đề tài “Nghiên cứu hiệu quả kinh tế
của việc điều chỉnh các chuẩn mực thiết kế quy hoạch đầu tư cho hệ thống thoát nước” để
đáp ứng tốt nhất giữa mâu thuẫn cung cầu, và khắc phục tình trạng càng đầu tư theo chuẩn mực cũ,
càng tăng thêm điểm ngập.
- Rộng hơn một chút xin được lưu ý nghiên cứu “cải tiến các công thức kinh nghiệm
mà ta tiếp thu từ các nước ôn đới khô ráo và các nước hàn đới giá lạnh tuyết băng cho phù hợp
với điều kiện mưa ẩm trong hoàn cảnh Việt Nam”. Nhiều hệ số lựa chọn theo kinh nghiệm,
theo ước đoán cảm quan tại cảnh quan địa mạo, đem đối chiếu với thảm thực vật rừng mưa
nhiệt đới Việt Nam, theo cảnh ngộ đô thị hóa đặc biệt ở Việt Nam chắc chắn là khác hẳn với
nước ngoài. Trước kia vì gấp gáp, ta học được gì là đem về áp dụng vào Việt Nam ngay mà
không có hiệu đính chỉnh sửa, chắc không khỏi có chỗ cần cải tiến. Không kỳ vọng ở những
phát minh quá lớn, chỉ cần thay đổi một con số mũ lũy thừa, một hệ số kinh nghiệm, một chỉ
tiêu m, J, t, j, d, Ap, Fl, Fs trong ví dụ khái quát ở mục 3. 4) trên đây hay các công thức tương
đương cũng đủ coi là luận văn có tầm khoa học cao và hiệu quả kinh tế rất to lớn và thiết thực.
- Nên có một không gian hay địa điểm nào đó để các nhà khí tượng thủy văn và các
nhà nghiên cứu thiết kế cùng ngồi lại chung sức sáng tạo, chung tay nghiên cứu để xóa đi
khoảng cách và tình trạng một bên thì cứ nói, một bên thì cứ nghe rồi làm như chuẩn mực cũ.
Tốt nhất, nơi đó là một đề tài nghiên cứu được Sở Khoa học Công nghệ cho đăng ký
và chỉ đạo triển khai sớm, vừa có kinh phí để hợp tác với nhau, vừa có ý tưởng và giải pháp
thiết thực đóng góp cho thành phố.

You might also like