You are on page 1of 171

1

PHẦN A: ĐỘC CHẤT HỌC ĐẠI CƯƠNG

CHƯƠNG I

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ ĐỘC CHẤT HỌC


Nội dung chương 1 nhằm giới thiệu một số khái niệm cơ bản trong độc chất học như:
Độc chất học, chất độc, độc tính, độc lực, ngộ độc, các nguồn gây độc, cách phân loại chất
độc, phân loại ngộ độc... Các kiến thức về các quá trình động học, cơ chế gây ngộ độc và các
yếu tố ảnh hưởng đến tác dụng của chất độc cũng được đề cập đến trong chương này.

1. Một số kháI niệm


1.1. Độc chất học
a. Định nghĩa và đối tượng của độc chất học
Độc chất học là một ngành khoa học chuyên nghiên cứu về các chất độc, bao gồm
việc phát hiện ra các chất độc, đặc tính lý hoá học của chúng và những ảnh hưởng sinh học
cũng như biện pháp xử lý những hậu quả do chúng gây ra. Độc chất học - toxicology có
nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp: toxikon - chất độc, logos - khoa học.
Từ xa xưa, đối tượng của độc chất học chỉ là một số ít chất độc được sử dụng để
đầu độc người và súc vật. Ngày nay, độc chất học hiện đại nghiên cứu tính chất lý hóa của
các chất độc có nguồn gốc thực vật, khoáng và tổng hợp, cơ chế gây độc, mối tương tác
giữa chất độc và cơ thể.
Độc chất học Thú y là môn khoa học nghiên cứu về các chất độc và tác động của
chúng đối với cơ thể động vật.
Độc chất học thú y là một phần đặc biệt của độc chất học, là môn học thực nghiệm
lâm sàng. Đối tượng của môn học là nghiên cứu về tính chất, tác dụng, ý nghĩa của chất độc,
nguyên nhân gây ngộ độc, sinh bệnh học, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị ngộ độc.

b. Sự liên quan của độc chất học thú y với các môn học khác
Là môn học thực nghiệm lâm sàng, độc chất học thú y có liên quan đến hàng loạt các
môn học:
- Môn hóa học và dược lý học cung cấp những hiểu biết cơ bản về tính chất hóa học,
động học, cơ chế tác dụng của các chất độc có nguồn gốc vô cơ và hữu cơ.
- Môn thực vật, vi sinh vật và động vật giúp nghiên cứu các độc tố thực vật, động vật,
nấm và côn trùng.
Độc chất học đặc biệt có quan hệ gần gũi với các môn học:
- Sinh lý bệnh: nghiên cứu về sinh bệnh học, về tiến triển của bệnh do ngộ độc.
- Hoá sinh: cơ thể bị ngộ độc gây ra nhiều biến đổi các chỉ tiêu hóa học, hàm lượng và
chất lượng men, hàm lượng các hormon giữ vai trò quan trọng trong trao đổi chất. Xác định
những biến đổi này bằng các phương pháp nghiên cứu hoá sinh là rất cần thiết để phân tích
tiến triển của quá trình ngộ độc.

1
2

- Bệnh lý học: cung cấp phương pháp mổ khám và phân tích các bệnh tích đại thể, vi
thể giúp chẩn đoán ngộ độc.
- Dịch tễ học: giúp phân biệt bệnh do ngộ độc với các bệnh truyền nhiễm, ký
sinh trùng.
- Vệ sinh thú y và thức ăn gia súc liên quan đến phương pháp phòng ngộ độc.
c. Các lĩnh vực nghiên cứu của độc chất học
Các lĩnh vực nghiên cứu của độc chất học liên quan đến nhân y và thú y gồm:
- Độc chất học mô tả: Đánh giá nguy cơ do phơi nhiễm với chất độc hoặc môi trường
thông qua các kết quả thu được từ các xét nghiệm độc tính.
- Độc chất học cơ chế: Giải thích cơ chế gây độc, từ đó có thể dự đoán nguy cơ và cơ
sở khoa học để điều trị ngộ độc.
- Độc chất học lâm sàng: Nghiên cứu các bệnh do ngộ độc, nhiễm độc, cách chẩn đoán
và điều trị ngộ độc, nhiễm độc.
- Độc chất học phân tích: Nghiên cứu các phương pháp phát hiện và thử nghiệm chất
độc và các chất chuyển hoá của chúng trong vật phẩm sinh học và môi trường. Đây là một
ngành của hoá phân tích.
- Độc chất học môi trường: Nghiên cứu sự chuyển vận của chất độc và các chất
chuyển hoá của chúng trong môi trường, trong chuỗi thực phẩm và tác dụng độc của các chất
này trên cá thể và trên quần thể.
- Độc chất học công nghiệp: Nghiên cứu về ảnh hưởng độc hại của môi trường lao
động công nghiệp đối với người và súc vật.
- Độc chất học pháp y: Các xét nghiệm độc chất và khám lâm sàng các trường hợp ngộ
độc, nhiễm độc mang tính pháp lý.
1.2. Chất độc
a. Khái niệm chất độc
Chất độc (poison) là những chất vô cơ hay hữu cơ có nguồn gốc thiên nhiên hay do
tổng hợp, khi nhiễm vào cơ thể và đạt đến nồng độ nhất định có thể gây hiệu quả dộc hại cho
cơ thể sống.
Gary D. Osweiler lại đưa ra định nghĩa về chất độc như sau: chất độc là những chất
rắn, lỏng hoặc khí, khi nhiễm vào cơ thể theo đừơng uống hoặc các đường khác sẽ gây ảnh
hưởng đến các quá trình sống của các tế bào của các cơ quan, tổ chức. Các tác động này phụ
thuộc vào bản chất và độc lực của các chất độc.
Khái niệm khác của chất độc là độc tố (toxin) được dùng để chỉ các chất độc được sản
sinh (có nguồn gốc) từ các quá trình sinh học của cơ thể và được gọi là độc tố sinh học (biotoxin).
Trong quá trình nghiên cứu về chất độc cần lưu ý một số điểm sau:
- Chất độc là một khái niệm mang tính định lượng. Mọi chất đều độc ở một liều nào
đó và cũng vô hại với liều rất thấp. Giới hạn giữa 2 liều đó là phạm vi các tác dụng sinh
học. Theo Paracelsus (1493 - 1541): “tất cả mọi chất đều là chất độc, không có chất nào
không phải là chất độc. Liều lượng thích hợp sẽ phân biệt được một chất độc và một thuốc”.
Aspinrin (acid acetyl salicylic) là thuốc hạ sốt chống viêm được dùng trong điều trị từ nhiều

2
3

năm nay, nhưng có thể gây chết người với liều 0,2 - 0,5 g/Kg. Sắt, đồng, magne, kẽm là
những nguyên tố vi lượng cần thiết trong thành phần thức ăn chăn nuôi, nhưng nếu quá liều
thì có thể gây ngộ độc.
- Về mặt sinh học, một chất có thể độc với loài này nhưng lại không độc với loài khác.
Carbon tetraclorid gây độc mạnh cho gan trên nhiều loài, nhưng ít hại hơn đối với gà. Một số
loài thỏ có thể ăn lá cà độc dược có chứa belladon.
- Một chất có thể không độc khi dùng một mình, nhưng lại rất độc khi dùng phối hợp
với chất khác. Piperonyl butoxid rất ít độc với loài có vú và côn trùng khi dùng một mình,
nhưng có thể làm tăng độc tính rất mạnh của các chất dùng cùng do nó có tác dụng ức chế các
enzym chuyển hoá chất lạ (xenobiotic - metabolizing enzymes) của cơ thể.
- Độc tính của một chất độc có thể thay đổi khi xâm nhập vào cơ thể qua các đường
khác nhau như: qua đường uống, đường hô hấp, qua da, qua đường tiêm...
b. Khái niệm độc tính và độc lực
- Khái niệm độc tính: được dùng để miêu tả tính chất gây độc của chất độc đối với cơ
thể sống.
- Khái niệm độc lực: là lượng chất độc trong những điều kiện nhất định gây ảnh hưởng
độc hại hoặc những biến đổi sinh học có hại cho cơ thể.
Khi nghiên cứu về độc lực, cần quan tâm đến mối quan hệ giữa liều lượng chất gây
độc và đáp ứng của cơ thể bị ngộ độc. Theo quy định quốc tế, liều lượng của chất độc được
tính bằng milligram (mg) chất độc/1kg khối lượng cơ thể gây ảnh hưởng sinh học nhất định.
ở một số loài động vật hoang dã hoặc loài cá, độc lực được thể hiện bằng nồng độ
các chất độc trong thức ăn động vật hoặc nước. Nồng độ gây tử vong (LC - Lethal
Concentration) là nồng độ chất độc thấp nhất trong 1 kg thức ăn chăn nuôi hoặc trong 1 lít
nước (đối với cá) gây chết động vật. Độc lực trong ngộ độc cấp tính được tính theo LC50 -
nồng độ gây chết 50% động vật.
* Một số khái niệm về liều lượng được sử dụng để xác định độc lực của chất độc:
- ED50 (Effective Dose): liều có tác dụng với 50% động vật thí nghiệm.
- Liều tối đa không gây độc (HNTP - Highest Nontoxic Dose): là liều lượng lớn
nhất của thuốc hoặc chất độc không gây những biến đổi bệnh lý cho cơ thể.
- Liều thấp nhất có thể gây độc (TDL - Toxic Dose Low): Khi cho gấp đôi liều này sẽ
không gây chết động vật.
- Liều gây độc (TDH - Toxic Dose High): là liều lượng sẽ tạo ra những biến đổi bệnh
lý. Khi cho gấp đôi liều này sẽ gây chết động vật.
- Liều chết (LD - Lethal Dose): là liều lượng thấp nhất gây chết động vật. LD có các tỷ
lệ khác nhau như: LD1- liều gây chết 1% động vật; LD50: liều gây chết 50% động vật; LD100:
liều gây chết 100% động vật.
* Độ an toàn của thuốc: được xác định dựa trên các chỉ số:
- Chỉ số điều trị (TI - Therapeutic Index): là tỷ số giữa LD50 và ED50.
LD50
TI =
ED50

3
4

- Tiêu chuẩn an toàn (SSM- Standart Safety Margin) là tỷ số giữa LD1 và ED99:
LD1
SSM =
ED99
c. Phân loại chất độc
Chất độc có thể được phân loại theo nhiều cách: theo nguồn gốc, bản chất lý hoá của
chất độc, phương pháp phân tích chất độc, độc lực, tác động của chất độc trên các hệ cơ quan
của cơ thể và nguồn lây nhiễm chất độc.
* Phân loại theo nguồn gốc chất độc:
- Chất độc có nguồn gốc thiên nhiên: động vật, thực vật, vi sinh vật.
- Chất độc có nguồn gốc tổng hợp, bán tổng hợp.
* Phân loại theo bản chất lý hoá của chất độc:
- Các chất độc ở dạng khí, lỏng, chất rắn.
- Các chất độc vô cơ: kim loại, á kim, axit, bazơ.
- Các hợp chất hữu cơ: các hợp chất chứa carbon, các loại thuốc trừ sâu, aldehyd,
các axit hữu cơ, các ester, các hợp chất chứa nitơ, các hợp chất chứa lưu huỳnh, các
alcaloid, glycosid.
* Phân loại theo phương pháp phân tích chất độc: theo Stas-Otto
- Chất độc hoà tan trong nước hay các dung dịch axit, kiềm.
- Chất độc hoà tan trong ether.
- Chất độc có thể chiết tách được trong các dung môi hữu cơ.
* Phân loại chất độc theo độc lực

Bảng 1.1. Phân loại chất độc theo độc lực


Phân loại Độc lực
(LD50)
Rất độc (extremely toxic) < 1mg/kg
Độc lực cao (highly toxic) 1 - 50 mg/kg
Độc lực trung bình (moderately toxic) 50-500 mg/kg
Độc lực thấp (slightly toxic) 0,5 - 5 g/kg
Không gây độc (practically nontoxic ) 5 - 15g/kg
Không có hại (relatively harmless) >15g/kg

* Phân loại theo tác động của chất độc trên các hệ cơ quan của cơ thể:
- Các chất độc tác động trên hệ thần kinh: cafein, strychnin, cyanid, chì,
hexachlorophen, thuốc trừ sâu clo hữu cơ...
- Các chất độc tác động trên hệ tiêu hoá: asen, selen, canxi clorua, sulfat đồng, muối
thủy ngân vô cơ...

4
5

- Các chất độc tác động trên gan, mật: tetraclorua carbon, phenol, aflatoxin, fumonisin,
acetaminophen, toluen, đồng...
- Các chất độc tác động trên thận: thuốc kháng sinh nhóm aminoglycosid,
oxytetracyclin, sulfonamid, kim loại nặng, ochratoxin...
- Các chất độc tác động trên hệ hô hấp: carbon monoxid, kim loại nặng, carbon dioxid,
formaldehyd, thuốc trừ sâu phospho hữu cơ, fumonisin...
- Các chất độc tác động trên hệ tim, mạch: digitalis, digitoxin, cafein, cocain,
monesin, amphetamin...
- Các chất độc tác động trên hệ máu: aspirin, benzen, chloramphenicol,
chlorpromazin, estrogen, phenylbutazol, T2 mycotoxin (đây là các chất gây thiếu máu).
- Các chất độc tác động trên hệ sinh sản: testosteron, zearalenon, dicoumarol,
corticosteroid, fumonisin, chì, cadmi, selen...
- Các chất độc tác động trên da: acid, base, formaldehyd, iodin, muối thủy ngân,
phenol, các chất nhạy cảm quang học...
* Phân loại theo tác dụng đặc biệt của chất độc:
- Chất độc gây ung thư:
+ Các chất độc có nguồn gốc thiên nhiên: aflatoxin B1, alcaloid pyrolizidin, aquilid A
trong cây dương xỉ, alcanylbenzen trong cây de vàng.
+ Hợp chất ung thư hình thành khi chế biến thực phẩm: nitrosamin, các chất
hydratcarbon đa vòng thơm, các amin dị vòng.
+ Một số thuốc thú y: diethylstibestrol (DES).
- Chất độc gây đột biến: Hầu hết các chất gây ung thư đều có tác dụng gây đột biến.
- Chất độc gây quái thai: các hợp chất este phospho hữu cơ, thuốc trừ sâu loại
carbamat, thuốc diệt nấm chứa thủy ngân, cloramphenicol.
* Phân loại theo nguồn gây độc:
- Các chất gây ô nhiễm không khí, nước và thực phẩm
- Các chất phụ gia trong thực phẩm
- Các hoá chất trong công nghiệp và các dung môi.
- Thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y.
- Các nguồn khác.
d. Các nguồn chất độc
Con người và động vật có thể bị ngộ độc bởi rất nhiều chất độc đến từ nhiều nguồn
trong cuộc sống.
* Các chất gây ô nhiễm không khí, nước và thực phẩm
- Bản chất các chất gây ô nhiễm không khí, nước, thực phẩm và nguồn gây ô nhiễm
thường liên quan đến vùng địa dư.
- Nguồn chính gây ô nhiễm không khí là do các phương tiện giao thông, các quá trình
công nghiệp, các loại nhà máy điện. Các chất gây ô nhiễm không khí thường gặp là: CO, các
oxit nitơ, các oxit lưu huỳnh, các hydro carbon.

5
6

- Nước thường bị ô nhiễm bởi các hoá chất, các chất hữu cơ từ cống rãnh, từ nước thải
của các nhà máy, từ ruộng đồng có dùng hoá chất bảo vệ thực vật...
- Các chất gây ô nhiễm lương thực thực phẩm, thức ăn chăn nuôi có thể tồn tại trong
thực phẩm ở dạng thô, dạng đã nấu chín hoặc đã qua chế biến. Có nhiều loại độc: độc tố của
vi khuẩn (như ngoại độc tố của Clostridium botulinum), độc tố của nấm (aflatoxin của
aspergilus), độc tố của động vật, alcaloid của cây, các tồn dư của thuốc trừ sâu...
* Các chất phụ gia trong thực phẩm, thức ăn chăn nuôi
Các chất phụ gia được cho vào thực phẩm, thức ăn chăn nuôi với nhiều lý do khác
nhau: để bảo quản (kháng khuẩn, kháng nấm hoặc chống oxy hoá); để thay đổi tính chất vật
lý, nhất là trong quá trình chế biến; để thay đổi hương vị, thay đổi màu hoặc mùi. Nói chung,
các chất này đều an toàn và không có độc tính trường diễn. Tuy nhiên, hiện nay đã có tới hàng
trăm, thậm trí hàng nghìn chất phụ gia được sử dụng trên toàn thế giới, và rất nhiều chất trong
số đó còn chưa có các biện pháp thích hợp để phát hiện và đánh giá. Ngoài ra còn chưa biết
được các tác dụng tương hỗ (tương tác) giữa những chất này hoặc giữa chúng với thực phẩm,
thức ăn chăn nuôi.
* Các hoá chất trong công nghiệp và các dung môi
Trong công nghiệp, rất nhiều hoá chất được sử dụng và chúng tồn tại ở môi trường
làm việc với nồng độ cao, có thể gây độc. Bao gồm:
- Các chất vô cơ: các kim loại chì, đồng, thuỷ ngân, kẽm, cadmi, khí carbon
monoxyd, fluoride.
- Các chất hữu cơ: Hydrocarbon mạch thẳng (hexan) hydrocarbon mạch vòng (benzen,
toluen, xylen), hydro carbon gắn halogen (dicloromethan, tricloroethylen), cồn (methanol,
ethylenglycol), các dẫn xuất nitro (nitrobenzen).
Các dung môi thường gặp ở môi trường công nghiệp, trong nghiên cứu và trong cuộc
sống hàng ngày. Ngoài tác dụng tại chỗ trên da (tẩy mỡ, kích ứng), nhiều chất gây dộc toàn
thân (hệ thần kinh trung ương, tạo máu). Các dung môi thường gặp là:
- Hydrocarbon mạch thẳng: hexan...
-Hydrocarbon mạch thẳng có halogen: methylen diclorid, cloroform, carbon
tetraclorid...
- Rượu mạch thẳng: methanol, ethanol...
- Hydrocarbon mạch vòng thơm: benzen, toluen...
* Hóa chất bảo vệ thực vật
Hóa chất bảo vệ thực vật bao gồm thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ bệnh...Các
chất này tuy có độc tính chọn lọc trên cỏ hoặc côn trùng nhưng khi sử dụng vẫn gây ô nhiễm
không khí, đất, nước...và từ đó có thể gây độc cho người và súc vật.
* Thuốc thú y dùng điều trị gia súc gia cầm
Thuốc thú y, nhất là các thuốc có độc tính cao nếu dùng không đúng, quá liều, không
đúng chỉ định, sự tương tác giữa các thuốc khi dùng phối hợp… có thể gây ngộ độc thuốc thú
y ở vật nuôi.
e. Sự vận chuyển của chất độc trong môi trường
Các chất hoá học như hoá chất bảo vệ thực vật, các khí thải công nghiệp được giải
phóng ra môi trường hiếm khi được lưu lại tại chỗ hoặc giữ nguyên dạng. Nhiều hoá chất sau

6
7

đó bị phân giải bởi vi khuẩn và nấm rồi nhanh chóng bị khử độc, thường bị cắt vụn thành hợp
chất có thể nhập vào chu trình carbon, nitơ và oxy. Các chất khác đặc biệt là hữu cơ chứa
halogen, là những chất ít nhiều không bị chuyển hoá bởi vi khuẩn và tồn tại trong đất như
chất ô nhiễm, lại nhập vào các cây lương thực - thực phẩm... ví dụ DDT và chất chuyển hoá
chính của nó DDE có thể tồn tại nhiều năm sau khi đã ngừng phun DDT.
- Các chất độc dễ tan trong mỡ sẽ dễ bị cơ thể hấp thu khi phơi nhiễm trong không khí,
đất, nước và dần dần được tích luỹ cho đến khi đạt nồng độ gây độc.
Sự tích lũy hóa chất bảo vệ thực vật trong chuỗi sinh học thực phẩm được thể hiện như sau:
* Hóa chất bảo vệ thực vật tích lũy trong đất:
Động vật không xương sống ở đất không xương sống ăn mồi
Động vật có xương sống ở đất chim/loài có vú ăn mồi
Dư phẩm trong đất
Cây mọc từ đất Động vật ăn cỏ người
* Hóa chất bảo vệ thực vật tích lũy trong nước:
Dư phẩm trong nước sinh vật nổi rận nước và lớp giáp xác cá
chim ăn cá, người và động vật.

1.3. Ngộ độc


a. Khái niệm ngộ độc
Ngộ độc là trạng thái rối loạn những hoạt động sinh lý bình thường của cơ thể do chất
độc gây ra. Chất độc ức chế một số phản ứng sinh hoá học, ức chế chức năng của enzym. Từ
đó chất độc có thể ức chế hoặc kích thích quá độ lượng các hormon, hệ thần kinh hoặc các
chức phận khác của tế bào làm cho cơ thể có những triệu chứng, phản ứng khác thường.
b. Phân loại ngộ độc
Có nhiều cách phân loại ngộ độc. Trong thú y chủ yếu phân loại theo thời gian xảy ra
ngộ độc. Tuỳ thuộc vào từng chất và phản ứng của cơ thể, tác dụng gây độc thường xuất hiện
rất sớm. Tuy nhiên, có chất gây tác dụng chậm (chloaramphenicol gây thiếu máu suy tuỷ sau
khi đã ngừng dùng thuốc hàng tuần), hoặc rất chậm, 20 - 30 năm sau khi tiếp xúc với hoá chất
độc mới thấy xuất hiện ung thư.
* Ngộ độc cấp tính:
Ngộ độc tính cấp tính là những biểu hiện ngộ độc xẩy ra rất sớm sau một hoặc vài lần cơ
thể tiếp xúc với chất độc. Tùy thuộc vào chất gây độc, đường xâm nhiễm chất độc, biểu hiện
ngộ độc có thể xảy ra 1- 2 phút hoặc 30 phút đến 60 phút sau khi cơ thể hấp thu chất độc và
thường là dưới 24 giờ. Đa số trường hợp ngộ độc cấp tính chuyển sang dạng á cấp tính hoặc
mạn tính.
* Ngộ độc bán cấp (á cấp tính)
Xảy ra sau nhiều ngày, có khi sau 1- 2 tuần. Sau khi điều trị, khỏi nhanh nhưng thường để
lại những di chứng thứ cấp với những biểu hiện nặng nề hơn. Ví dụ ngộ độc oxit carbon. Ngộ độc
á cấp tính có khi chuyển sang thành dạng mạn tính.
* Ngộ độc mạn tính
Ngộ độc mạn tính chỉ xuất hiện sau nhiều lần phơi nhiễm với độc chất, có khi là
hàng tháng, hàng năm. Vì vậy, những biểu hiện của nhiễm độc thường là những thay đổi

7
8

rất sâu sắc về cấu trúc và chức phận của tế bào, khó điều trị. Ví dụ: tác dụng gây ung
thư, gây đột biến gen, gây quái thai, gây độc cho gan, thận, hệ thần kinh dẫn đến suy
giảm chức năng không hồi phục. Ngộ độc mạn tính cũng có thể trở thành cấp tính trong
những điều kiện nhất định (ngộ độc chì).
Cùng một chất lại có thể biểu hiện tác dụng độc khác nhau tuỳ theo nhiễm độc cấp
hoặc mạn: nhiều hydrocarbon gắn clor khi nhiễm độc cấp (liều cao) thì gây độc trên thần kinh
trung ương, nhưng khi nhiễm độc mạn (liều thấp trong thời gian dài) thì lại có biểu hiện gây
ung thư (gan), rất ít tác dụng độc trên thần kinh.
* Tác dụng tiềm ẩn: là loại phản ứng không được thể hiện trong nhiều ngày, tháng hay
thậm chí hàng năm (ví dụ như tác dụng gây ung thư và gây độc thần kinh của một số chất hữu
cơ). Tác dụng tiềm ẩn thường xẩy ra sau khi ngừng phơi nhiễm với chất độc một thời gian dài.
2. động học của chất độc

Động học của chất độc (toxicokinetics) chuyên nghiên cứu các quá trình chuyển vận
của chất độc (nói chung là các chất lạ-xenobiotics) từ lúc được hấp thu vào cơ thể cho đến khi
bị thải trừ hoàn toàn. Các quá trình đó là: Sự hấp thu (Absorption); Sự phân bố (Distribution);
Sự chuyển hóa (Metabolism); Sự thải trừ (Excretion, Elimination).

2.1. Sự xâm nhập của chất độc

Các chất độc trước khi nhập vào cơ thể, phải vượt qua nhiều “hàng rào” bảo vệ của cơ
thể (da, niêm mạc, các mô,...), vì vậy sự xâm nhập của chất độc phụ thuộc một phần vào bản
chất các hàng rào và một phần vào chính các đặc điểm phân tử của chất độc (độ lớn phân tử,
tính hoà tan trong mỡ/nước, pH, mức độ ion hoá,...).
a. Chất độc xâm nhập qua màng sinh học
* Cấu tạo màng sinh học
Các màng sinh học có vai trò làm hàng rào, ngăn cản sự hấp thu các chất độc. Da,
niêm mạc đường tiêu hoá, niêm mạc đường hô hấp đều là những hàng rào, khác nhau về độ
dày mỏng, nhưng đều có tính chất chung cơ bản sau:
- Là những lá mỏng, bản chất là lipoprotein được tạo bởi 2 hàng phân tử chủ yếu là
phospholipid và cholesterol mà những cực kỵ nước quay ra 2 phía và được tạo bởi protein.
Các cực kỵ nước giữ cho cấu trúc liporotein của màng được toàn vẹn.
- Tỷ lệ lipid: protein thay đổi từ 5:1 cho màng myelin đến 1:5 cho cấu trúc bên trong của ty
thể. Tỷ lệ này rất ảnh hưởng đến sự xâm nhập của chất độc. Giữa các màng này có các ống dẫn,
đường kính thay đổi từ 4Å0 (màng tế bào mao mạch não) đến 45Å0 (màng cầu thận), có thể cho
qua các phân tử nhỏ không tan trong lipid, trọng lượng phân tử từ 100 - 200 dalton.
Các chất độc không ion hoá dễ khuếch tán qua màng sinh học hơn các chất ion
hoá. Các acaloid như strychnin bị ion hoá mạnh ở môi trường acid của dạ dày (súc vật
ăn thịt, ăn tạp) nên không biểu hiện tác dụng độc, nhưng khi vào đến môi trường kiềm
của ruột, strychnin không bị ion hoá, được hấp thu và gây độc. Số lượng dạng ion hoá và
không ion hoá phụ thuộc vào pKa của chất độc và pH của môi trường. pKa là logarit âm của
hằng số phân ly acid. Theo phương trình Henderson - Hasselbach:
Đối với 1 acid yếu:
Dạng không ion hoá
Log = pKa - pH
Dạng ion hoá

8
9

Đối với 1 base yếu:


Dạng ion hoá
Log = pKa - pH
Dạng không ion hoá
Tuy nhiên, còn có những ngoại lệ như pralidoxim (2 - PAM), paraquat, diquat lại vẫn
được hấp thu nhiều dưới dạng ion.
Thông số thứ 2 có ảnh hưởng đến sự xâm nhập của chất độc vào cơ thể là hệ số phân
tán (partition coeffcient) được đo bằng nồng độ chất độc trong pha lipid/nồng độ chất độc
trong pha nước. Như vậy, chất độc có hệ số phân tán cao dễ tan trong lipid, có tính ưa mỡ
(lipophilịcity) cao và dễ xâm nhập vào cơ thể hơn.
* Chất độc xâm nhập qua màng sinh học
Chất độc có thể xâm nhập qua màng sinh học bằng các phương thức sau:
- Phương thức lọc: Những chất có trọng lượng phân tử thấp (100 – 200 dalton) tan
được trong nước nhưng không tan được trong mỡ sẽ qua được các lỗ lọc trên màng tế
bào (d = 4 - 45A0) do sự chênh lệch áp lực thuỷ tĩnh. Đa số các chất độc có trọng lượng
phân tử cao nên vận chuyển theo đường này không nhiều.
- Phương thức khuếch tán thụ động: Cách vận chuyển này chiếm ưu thế đối với phần
lớn các chất độc. Các chất ít bị ion hoá và có nồng độ cao ở bề mặt màng dễ khuếch tán qua
màng. Sự khuếch tán của chất độc là acid và base yếu phụ thuộc vào hằng số phân ly pKa của
chất độc và pH của môi trường.
Ví dụ phenobarbital là một acid yếu có pKa = 7,2; nước tiểu bình thường có pH cũng
bằng 7,2 nên phenobarbital bị ion hoá 50%. Khi nâng pH của nước tiểu lên 8, độ ion hoá của
thuốc sẽ là 86%, do đó thuốc không thấm được vào tế bào. Vì vậy, trong điều trị nhiễm độc
phenobarbital: truyền dung dịch NaHCO3 1,4% để kiềm hoá nước tiểu, đề tăng thải trừ thuốc
Đối với chất độc dạng khí, hơi (ví dụ thuốc mê bay hơi), sự khuếch tán từ không khí
phế nang vào máu phụ thuộc vào áp lực riêng phần của chất khí gây mê có trong không khí
thở vào và độ hoà tan của khí mê trong máu.
- Vận chuyển tích cực: Chất độc được chuyển từ bên này sang bên kia màng sinh học nhờ
chất vận chuyển (carrier) đặc hiệu có sẵn trong màng sinh học. Nếu chất độc có cấu trúc hoá học
tương tự chất nội sinh thì nó sẽ sử dụng chung carrier. Ví dụ: 5 - fluorouracil được vận
chuyển bởi hệ vận chuyển pyrimidin, chì được vận chuyển bởi hệ vận chuyển calci. Cơ chế
này còn cho phép vận chuyển cả những chất ít tan trong lipid.
b. Cách chất độc xâm nhập vào cơ thể
Cách chất độc xâm nhập vào cơ thể gọi là đường phơi nhiễm hay đường hấp thu chất độc
Chất độc có thể xâm nhập vào cơ thể qua 3 đường cơ bản: qua da, qua đường tiêu hoá
và qua đường hô hấp. Đây là những đường hấp thu tự nhiên khi cơ thể tiếp xúc với môi
trường. Súc vật có thể bị ngộ độc thuốc thú y theo các đường khác như tiêm, thụt trực tràng.
* Chất độc xâm nhập qua da
Da là một mô phức tạp, nhiều lớp, chiếm khoảng 10% trọng lượng cơ thể. Da hầu như
không thấm với phần lớn các ion và dung dịch nước, tuy nhiên lại thấm với nhiều chất độc ở
pha rắn, lỏng hoặc khí.
Tuỳ theo từng vùng, lớp biểu bì có độ dầy khác nhau. Chỗ dầy thì nhiều keratin hơn,
lớp này tạo nên hàng rào của biểu bì, nhưng đồng thời cũng là nơi dự trữ chất độc. Một số
dung môi hữu cơ gây tổn hại lớp lipid (aceton, methanol, ether) sẽ làm tăng tính thấm của da.

9
10

Các chất không gây tổn hại lớp lipid (ether có chuỗi dài, dầu olive) làm giảm tính thấm. Da
cũng chứa các enzym chuyển hoá thuốc, chất độc. Hoạt tính chuyển hoá của toàn bộ da bằng
khoảng 2 - 6% của gan.
* Chất độc xâm nhập qua đường tiêu hoá
Là đường chủ yếu hấp thu các chất độc với một số đặc điểm sau:
- Có thể hấp thu một lượng lớn chất độc
- Bị chuyển hoá một phần khi qua gan lần thứ nhất.
- Có pH thay đổi từ acid (1 - 3 ở dạ dày ), tăng dần tới kiềm (6 - 8 ở ruột) nên hấp thu
các chất độc có pKa khác nhau.
- Có quá trình vận chuyển tích cực dễ hấp thu, nhất là khi chất độc có cấu trúc giống
với chất dinh dưỡng của cơ thể.
* Chất độc xâm nhập qua đường hô hấp
Sự hấp thu qua đường hô hấp có 2 đặc điểm quan trọng:
(1) Niêm mạc hấp thu có diện tích rất rộng (ở người là 80 - 100 m2) bằng khoảng 50
lần diện tích da.
(2) Khoảng cách giữa diện hấp thu với tuần hoàn chỉ dầy 1 - 2 mm, vì vậy khí độc có
thể vào tuần hoàn sau vài giây.
Về sự xâm nhập các chất độc qua đường hô hấp, cần lưu ý một số đặc điểm sau:
- Trong chu kỳ hô hấp, luôn có một thể tích khí tồn lưu lại trong phổi, vì vậy các khí
độc chậm thải trừ và sẽ dễ bị hấp thu trở lại.
- Các chất độc hấp thu qua đường hô hấp được phân làm 2 loại:
(1) Các chất tuân theo các định luật về chất khí, bao gồm: dung môi, hơi và khí.
(2) Các chất không tuân theo định luật trên, bao gồm các dạng hạt, khí dung, mây mù,
khói... Rất nhiều yêú tố có thể làm dễ dàng hoặc ngăn cản sự xâm nhập này.
Các hạt có đường kính > 5 mm thường lắng đọng trong vùng mũi họng. Các hạt < 2
mm lắng đọng trong các nhánh khí phế quản, ở đó, các niêm mao niêm dịch sẽ đẩy chúng ra
với tốc độ 1 mm/phút và thời gian bán thải < 5 giờ. Khoảng 80% thanh thải của phổi là qua
đường này. Khi tới thanh môn các bụi thải sẽ được nuốt vào đường tiêu hoá hoặc ho, khạc đẩy
ra ngoài. Ngoài ra, hiện tượng thực bào trên đường hô hấp cũng đóng vai trò rất tích cực trong
việc thanh thải các chất độc. Các thực bào sẽ đưa chất độc vào bạch mạch và có thể sẽ tích luỹ
trong một thời gian dài. Các hạt £ 1 mm có thể vào đến tận phế nang, hình thành các nốt cùng
với sự phát triển một màng lưới sợi reticulin.
Các chất khí sẽ qua phế nang vào máu, chất nào có độ hoà tan cao sẽ được hấp thu
nhiều thời gian để đạt được độ thăng bằng khí: máu ở phế nang thường > 10 phút đối với các
khí ít tan. Các khí độc càng dễ tan thì thời gian đạt được cân bằng càng dài, có khi tới 1 giờ.
Chưa thấy có sự vận chuyển tích cực ở đường hô hấp, tuy nhiên, thẩm bảo
(pinocytosis) có thể có vai trò quan trọng.
2. 2. Sự phân bố chất độc
Các dịch trong cơ thể được phân vào 3 gian cơ bản: nước trong huyết tương, nước trong
khe gian bào và nước trong tế bào. Huyết tương đóng vai trò quan trọng trong việc phân phối các
chất độc đã được hấp thu. Chất độc sau khi được hấp thu vào máu, một phần sẽ gắn vào protein
huyết tương, phần tự do sẽ qua được thành mạch để chuyển vào các mô, vào nơi tác dụng, vào mô

10
11

dự trữ, hoặc bị chuyển hoá rồi thải trừ. Nhiều khi các sản phẩm chuyển hoá lại độc hơn chất mẹ,
trở lại vòng tuần hoàn để lại được phân phối lại vào cơ quan và gây độc (Sơ đồ1.1).
Sự khác biệt lớn giữa thuốc và chất độc là thuốc có tỷ lệ tan trong nước cao hơn và dễ
bị ion hoá hơn, vì vậy dễ bị thải trừ. Còn chất độc hại dễ tan trong lipid không bị ion hoá nên
thường gắn mạnh vào mô, gây độc hoặc tích luỹ lâu trong cơ thể.
Trong máu, thuốc gắn chủ yếu vào phần albumin của protein huyết tương. Vì các
chất độc thường rất ưa mỡ nên lại hay gắn mạnh vào lipoprotein. Sự gắn này cũng xảy ra
ở các nơi dự trữ (gan, thận, mô mỡ,...), hoặc vị trí tác dụng (hemoglobin, mô thần
kinh,...). Dạng chất độc tự do ở huyết tương, dịch khe luôn được giữ ở trạng thái cân
bằng, vì vậy khi nồng độ dạng tự do giảm thì chất độc lại được giải phóng từ kho dự trữ
ra. Đây là cơ chế của nhiễm độc mãn tính.
Do đặc tính hoá học khác nhau nên mỗi loại chất độc có ái lực đặc biệt với các mô. Ví
dụ: flo thường đọng lại ở xương và răng do tạo các hợp chất florophosphat calci: các kim loại
nặng, tác dụng với gốc thio (-SH) có nhiều trong tế bào sừng (lông, tóc, móng); chì được giữ
lại trong huyết cấu; các chất trừ sâu có halogen (DDT, lindan) gắn nhiều tế bào mỡ.
Sự phân bố của cùng một loại chất độc trong ngộ độc cấp tính và mạn tính nhiều khi
cũng khác nhau: trong ngộ độc cấp tính chì, thường thấy nó có nhiều ở gan và thận; nhưng
trong ngộ độc mạn tính lại thường thấy chì ở tuỷ xương, tóc, huyết cầu.

Phơi nhiễm với chất độc

Chất độc xâm nhập vào cơ thể

Sự phân phối Thải trừ

Chuyển Chuyển hoá Chuyển


hoá thành thành sản hoá thành
chất độc phẩm liên hợp chất ít độc

Phân phối lại

Tương tác với các phân tử lớn Luân chuyển


(Protein, DNA, RNA, receptor,...) và sửa chữa

Các tác dụng độc


(Di truyền, ung thư, quái thai, miễn dịch,...)

11
12

Sơ đồ 1.1: Sự phân bố chất độc trong cơ thể


* Chất độc tích lũy
- Khi nhiễm độc liên tục trong nhiều ngày dễ gây tích lũy chất độc. Sự tồn lưu chất
độc trong cơ thể lâu ngày khi gây ngộ độc và gây chết được gọi là tích lũy chất độc.
- Tích lũy hóa học: là loại tích lũy trước khi biến thành chất không có hại và đào thải
ra ngoài một liều thì lại nhiễm thêm một liều khác mới. Điều này giải thích hiện tượng tích
lũy của strychnin và asen.
1.3. Sự chuyển hoá chất độc
a. Vai trò của sự chuyển hoá chất độc
Chất độc được coi là những chất lạ (xenobitics), không thể dung nạp được, phải bị thải trừ.
Chất độc thường là những phân tử tan được trong mỡ, không bị ion hoá vì vậy dễ thấm
qua màng sinh học, thâm nhập vào trong tế bào và giữ lại trong cơ thể. Muốn thải trừ, những
chất này phải được chuyển hoá thành các phân tử có cực, dễ bị ion hoá, do đó sẽ ít tan trong
mỡ, khó gắn vào protein, khó thấm vào tế bào, và vì thế, tan trong nước, dễ bị thải trừ (qua
thận, phân,...).
* Các enzym chính xúc tác quá trình chuyển hoá chất lạ
Quá trình chuyển hóa có thể xảy ra ở một số nơi trong cơ thể với sự xúc tác của một số
enzym như sau:
- Các chất lạ (xenobiotic) thường được chuyển hóa thành các dạng khác nhau nhờ hệ
các men oxy hóa có chức năng hỗn hợp (MFOs - micrsomal mixed function oxidase). Lưới nội
mô trơn là nơi để MFOs khu trú và hoạt động, đặc biệt là gan, ở đó hoạt động của enzym tăng
lên đáng kể trong vòng một vài ngày cơ thể phơi nhiễm với chất độc. Cytocrom P450 giữ vai
trò quan trọng trong chuyển hóa nhiều xenobiotics. Hệ MFO hoạt động trrước hết trên các
hợp chất thân mỡ không phân cực. MFOs thêm vào các nhóm chức năng có cực và ít thân mỡ
hơn.
- Men protease, lipase, decarboxylase xúc tác chuyển hóa chất độc tại niêm mạc ruột.
- Huyết thanh: esterase
- Vi khuẩn ruột: reductase, decarboxylase
- Hệ thần kinh trung ương: mono amin oxydase, decarboxylase.
b. Các phản ứng chuyển hoá chính
Các phản ứng chuyển hóa chất độc dược chia làm 2 giai đoạn (2 pha):
* Chuyển hóa giai đoạn 1
Đây là các phản ứng chuyển hóa giai đoạn 1, chuẩn bị xenobiotic cho chuyển hóa giai đoạn 2.
- Các phản ứng giai đoạn 1 có thể được kích hoạt nhờ phản ứng enzym. Hệ MFOs
được kích hoạt để tăng hoạt tính bằng sự giải phóng trước đó 1 hợp chất ngoại lai y hệt hay
tương tự, thường lần lượt tăng quy trình chuyển hóa sinh học của những hợp chất này.
Barbiturat, hydro carbon, halogen và steroid nội sinh lẫn tác nhân gây cảm ứng enzym MFOs.
- Chuyển hóa giai đoạn 1 có thể bị ức chế (ví dụ bằng pyperonyl, butoxide, được sử
dụng để tăng tính độc trong côn trùng).

12
13

Qua phản ứng ở pha này, chất độc ở dạng tan được trong mỡ sẽ trở nên có cực, dễ tan
trong nước. Nhưng về mặt tác dụng sinh học, chất độc có thể mất hoạt tính, hoặc chỉ giảm
hoạt tính, hoặc đôi khi là tăng hoạt tính, trở nên có hoạt tính.
- Các phản ứng chính ở pha này gồm:
+ Phản ứng oxy hoá: là phản ứng rất thường gặp, được xúc tác bởi các enzym của
microsom gan, đặc biệt là hemoprotein, cytocrom P450.
+ Phản ứng thuỷ phân do các enzym esterase, amidase, protease,... Ngoài gan, huyết thanh
và các mô khác (phổi, thận,...) cũng có các enzym này.
+ Phản ứng khử carboxyl (khử COO): decarboxylase.
* Chuyển hóa giai đoạn 2
Là một chuỗi các phản ứng liên hợp có liên quan đến những xenobiotic đã được
chuyển hóa ở giai đoạn 1 thành những phân tử có cực, mang nhóm chức hydroxyd, amino,
carboxyl hoặc halogen để có thể tham gia dễ dàng các phản ứng liên hợp với các chất chuyển
hoá nội sinh như đường, acid amin, glutathion, sulfat,...
- Quá trình liên hợp tạo ra một hợp chất ít thân mỡ hơn và tan nhiều trong nước hơn
chất ban đầu.
- Các sản phẩm của quá trình liên hợp dễ đào thải hơn trong nước tiểu và thường ít độc
hơn hợp chất mẹ hoặc các chất chuyển hóa của giai đoạn 1.
- Các sản phẩm liên hợp thường là acid glucuronic, acid amin, các acetat, sulfat và
glutathione.
Các phản ứng liên hợp chính: các phản ứng liên hợp với axit glycuronic, axit sulfuric,
axit amin (chủ yếu là glycin), phản ứng acetyl hoá, methyl hoá. Các phản ứng này đòi hỏi
năng lượng và cơ chất nội sinh.
Một số chất hoàn toàn không bị chuyển hoá, đó là những hợp chất có cực cao (như
axit, base mạnh), không thấm qua được lớp mỡ của microsom. Phần lớn được thải trừ nhanh
như hexamethonium, methotrexat.
Một số hoạt chất không có cực cũng có thể không bị chuyển hoá; barbital, ether,
halothan, dieldrin.
* Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình chuyển hoá chất độc
- Bệnh gan: gan là cơ quan chuyển hóa quan trọng nhất của cơ thể. Các bệnh làm
giảm quá trình chuyển hóa sinh học ở gan là xơ gan, nhiễm độc gan, caxinom và ứ mật (sắp
xếp theo mức độ ảnh hưởng) do làm giảm hoạt động của MFOs.
- Sự tái sinh các mô gan đã bị tổn thương làm tăng quá trình chuyển hóa sinh học.
- Sự định vị chất độc trong các mô cùng với hoạt động MFOs có thể ảnh hưởng đến
quá trình chuyển hóa sinh học. Các tác nhân bị phân chia mạnh trong mô mỡ, xương hay não
sẽ không tham gia các quá trình chuyển hóa sinh học.
- Tuổi súc vật: súc vật sơ sinh và súc vật già có thể thiếu enzym cần thiết cho quá
trình chuyển hóa sinh học.
- Thiếu chất dinh dưỡng dẫn đến thiếu các chất hóa học cần thiết cho quá trình tổng
hợp các enzym hay các chất liên hợp. ví dụ: thiếu chất khoáng như canxi, đồng, sắt, magie,
kẽm, các vitamin E, C, B và các protein.

13
14

Loài, giống gia súc khác nhau, hoạt động của enzym ở giai đoạn 1 và 2 khác nhau (ví
dụ, hoạt động của enzym N - dimethylation ở chuột lang yếu hơn so với các động vật khác).
- Tính biệt có thể ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa sinh học. ở con đực, hoạt lực
của MFO thường cao hơn, liên quan đến steroid nội sinh như testosterol.
- Đường phơi nhiễm với chất độc có thể có ảnh hưởng đến tác dụng gây độc. Chất độc
nhiễm qua đường miệng sẽ qua gan trước khi vào hệ cơ quan khác làm tăng khả năng chuyển
hóa sinh học.
- Nhiệt độ cơ thể giảm làm giảm hoạt tính của các enzym microsom.
- Sự biến đổi của các cytocrom P450 và glutathione khử (GSH) theo ngày và đêm liên
quan đến quá trình biến đổi sinh học.
- Chất gây cảm ứng enzym chuyển hoá: có tác dụng làm tăng sinh các enzym ở
microsom gan, làm tăng hoạt tính các enzym này.
1.4. Sự đào thải chất độc
Chất độc thường được thải trừ khi đã qua chuyển hoá.
a. Đào thải chất độc qua thận
Đây là đường thải trừ quan trọng nhất của các chất tan trong nước, có trọng lượng
phân tử nhỏ hơn 300.
* Quá trình thải trừ
Lọc thụ động qua cầu thận: hoạt chất dạng tự do, không gắn vào protein huyết tương
được lọc ở đây.
Bài tiết tích cực qua ống thận: quá trình này xảy ra chủ yếu ở ống lượn gần, do phải có
chất vận chuyển nên tại đây có sự canh tranh để thải trừ.
Tái hấp thu ở ống thận: là quá trinh khuếch tán thụ động qua ống thận, quá trình này
xảy ra ở ống lượn gần và ống lượn xa. Các chất tan trong lipid, không bị ion hóa ở pH nước
tiểu tuy đã thải trừ trong nước tiểu ban đầu lại được tái hấp thu vào máu.
* ý nghĩa lâm sàng
Làm tăng thải trừ để điều trị nhiễm độc: kiềm hoá nước tiểu, làm tăng độ ion hoá của
phenobarbital, tăng thải trừ khi bị nhiễm độc phenobarbital.
b. Đào thải chất độc qua mật
Sau khi chuyển hoá ở gan, các chất chuyển hoá có trọng lượng phân tử lớn hơn 300 sẽ
thải trừ qua mật để theo phân ra ngoài. Phần lớn sau khi bị chuyển hoá thêm ở ruột sẽ được tái
hấp thu vào máu để thải trừ qua thận.
Một số chất sau khi thải trừ qua mật xuống ruột lại được tái hấp thu về gan theo đường
tĩnh mạch gánh để lại vào vòng tuần hoàn, được gọi là chất có chu kỳ ruột - gan. Những chất
này tích luỹ trong cơ thể, làm kéo dài tác dụng (morphin, tetracylin, digitalis trợ tim...).
c. Đào thải chất độc qua phổi
Các chất độc thể hơi, có tính chất bay hơi thải trừ qua phổi, bao gồm: (1) Các chất bay
hơi như rượu, tinh dầu (eucalyptol, menthol). (2)Các chất khí: halothan. Ether etylic.

14
15

d. Đào thải chất độc qua sữa


Các chất tan mạnh trong lipid (các alcaloid, barbiturat, các chất chống viêm phi
steroid, tetracycilin..), có trọng lượng phân tử dưới 200 thường dễ dàng thải trừ qua sữa.
Vì sữa có pH hơi acid hơn huyết tương nên các chất là acid yếu có nồng độ thấp hơn
và các chất là base yếu có thể nồng độ trong sữa hơi cao hơn huyết tương.
3. Cơ chế tác dụng của chất độc

Nội dung phần 3 bao gồm:


(1) Cơ sở phân tử của tổn thương tế bào do ngộ độc, nhiễm độc: Các chất độc
(xenobiotics) khi qua chuyển hóa tạo thành các chất ưa điện tử (Electrophile), gốc tự do (Free
radical), chất ái nhân (Nucleophile), chất phản ứng oxy hóa khử (Redox). Cơ chế tác dụng của
chất độc được giải thích dựa trên tác hại của các chất chuyển hoá này.
(2) Cơ chế gây độc đặc trưng trên cơ quan, tổ chức được giải thích đối với từng cơ
quan, hệ cơ quan của cơ thể.
3.1. Cơ sở phân tử của tổn thương tế bào do ngộ độc, nhiễm độc
Tổn thương tế bào là cơ sở của hầu hết các tác dụng độc hại. Tác dụng gây độc của
chất độc là kết quả của sự rối loạn chức năng một số quá trình sinh học trong cơ thể.
Sự phức tạp của đáp ứng độc hại in vivo có thể được giải thích do tương tác của các tế
bào trong các mô, ảnh hưởng lẫn nhau giữa các cơ quan và đối với toàn bộ cơ thể. Khi cơ thể
bị ngộ độc, các quá trình sinh học trong cơ thể có thể bị ngừng trệ hoặc vượt quá giới hạn sinh
lý bình thường và ảnh hưởng đến các hệ cơ quan chịu sự điều khiển của chúng.
Đáp ứng tế bào đối với các hoá chất độc xảy ra thông qua 2 cơ chế: ảnh hưởng đến
cấu trúc và ảnh hưởng đến chuyển hoá trong tế bào.
- ảnh hưởng đến cấu trúc: Tính toàn vẹn của màng tế bào bị thay đổi sẽ ảnh hưởng
đến sự vận chuyển các thể dịch và chất điện phân, đến sự điều chỉnh thể tích tế bào.
- ảnh hưởng đến chuyển hoá:
(1) Làm giảm năng lượng sẵn có cho quá trình vận chuyển tích cực, tổng hợp các cao
phân tử và duy trì cân bằng thẩm thấu (bơm kali – natri)
(2) Làm xáo trộn điều khiển axit nucleic, gây biến tính protein cấu trúc dẫn đến
ngừng trệ tổng hợp protein. Quá trình tăng trưởng bị ảnh hưởng (hiện tượng tăng sinh hay ung
thư) do DNA bị phá huỷ, không được sao chép đúng hoặc vượt quá khả năng điều khiển sự ổn
định nội môi
(3) Gây tích lũy các chất béo và các sắc tố bất thường.
Một số xenobiotics (acid mạnh, base mạnh, nicotine, aminoglycoside, ethylene oxide,
methyliscyanate, kim loại nặng, HCN, CO) là chất độc trực tiếp, trong khi độc tính của các chất
khác lại phụ thuộc phần lớn vào các chất chuyển hóa của chúng. Quá trình chuyển hóa sinh học
các xenobiotics thành những sản phẩm có hại được gọi là sự hoạt hóa. Đối với một số xenobiotics,
sau chuyển hóa sinh học, tính chất lý, hóa học bị thay đổi dẫn đến tác dụng độc hại làm thay đổi
cấu trúc hoặc vi môi trường của quá trình sinh học. Ví dụ : acid oxalic được hình thành từ ethylen
glycol có thể gây nhiễm acid và giảm canxi huyết cũng như tắc ống thận do kết tủa canxi oxalat.
Một số chất độc phản ứng với enzym hoặc thụ thể. Ví dụ: hợp chất phospho hữu cơ parathion
được chuyển hóa thành chất ức chế men cholinesterase. Tuy nhiên, hay gặp nhất là các các trường
hợp xenobiotics khi qua chuyển hóa tạo thành các phân tử khác nhau trong cơ thể, đó là:
- Electrophile: chất ái điện tử (ưa điện tử)

15
16

- Free radical: gốc tự do


- Nucleophile: chất ái nhân (ưa nhân)
- Redox – active reactant: chất phản ứng oxy hóa khử.
a. Sự hình thành chất ưa điện tử
Các hợp chất lạ (xenobiotics) qua chuyển hoá sinh học, dưới tác động của các men
micrsom oxyhóa có chức năng hỗn hợp (MFOs - micrsomal mixed function oxidase) sẽ chuyển
thành dạng trung gian ưa điện tử (electrophyle). Electrophile là các phân tử chứa một nguyên tử
thiếu electron có thể phản ứng bằng cách dùng chung điện tử với nguyên tử giầu điện tử.
MFOs là một hệ enzyme không đặc hiệu, có vai trò chủ yếu trong chuyển hoá giai
đoạn 1 (oxy hoá các chất độc ưa mỡ) chuẩn bị cho quá trình liên kết và bài tiết các xenobiotic
trong lưới nội tương. Các chất trung gian ưa điện tử mới được tạo thành qua chuyển hóa sẽ
liên kết đồng hoá trị với các cao phân tử quan trọng trong tế bào (lipid, protein, DNA) và làm
chúng bị biến tính.
Liên kết đồng hoá trị của chất độc với các cao phân tử liên quan đến tổn thương tế bào
và quá trình gây ung thư (carcinogenesis), mặc dù vai trò của liên kết đồng hoá trị trong
những trường hợp này còn chưa được chứng minh bằng thực nghiệm.
Các electrophiles đồng thời cũng liên kết với glutathione khử (GSH). Sự liên kết này
được coi là cơ chế phòng vệ trong tế bào.
b. Sự hình thành các gốc tự do
* Gốc tự do và sự hình thành gốc tự do
Trong cấu trúc nguyên tử và phân tử, các điện tử luôn ở dạng cặp đôi và các cặp đôi
này luôn vận chuyển tại một vùng quỹ đạo xác định, xung quanh hạt nhân gọi là quỹ đạo phân
tử. Một điện tử trong mỗi cặp điện tử có số năng lượng quay (spin quantum number) + 1/2 và
điện tử còn lại có số năng lượng quay là - 1/2. Gốc tự do là dạng xuất hiện không phụ thuộc,
độc lập theo đúng nghĩa “tự do”, là một nguyên tử hoặc một mảnh phân tử chứa một hoặc
nhiều hơn điện tử không cặp đôi chỉ có một mình quay trên quỹ đạo
Bảng 1.2. Một số ví dụ về gốc tự do
Tên gốc tự do Công thức gốc ý nghĩa
*
Nguyên tử hydro H Gốc tự do đơn giản nhất
Trichloromethyl - Gốc có carbon ở trung tâm (điện tử không cặp đôi kết hợp với
carbon), CCl3* được hình thành trong quá trình chuyển hóa của dung
môi carbon tetraclorid trong gan và gây tác động độc hại cho dung
môi
CCl3*
- Gốc có carbon ở trung tâm thường được sử dụng phản ứng nhanh
với O2 để tạo gốc peroxyl theo phản ứng sau:
CCl3* + O2 CCl3O2
*
Superoxyd O2 Gốc có oxy ở trung tâm, phản ứng rất hạn chế
Hydroxyl Gốc có oxy ở trung tâm, phản ứng mạnh, có hoạt tính rất mạnh, tấn
OH*
công mọi phân tử trong cơ thể người.
Peroxyl RO2* Gốc có oxy ở trung tâm, được hình thành trong quá trình phá vỡ peroxyd
RO* hữu cơ, kể cả các con đường khác.
Alkoxyl
Oxyd của nitơ NO* Oxyd nitric (NO*) được hình thành trong cơ thể từ amin L-arginin

16
17

NO2* Nitơ dioxyd (NO2*) được hình thành khi cho NO* phản ứng với O2 và
xuất hiện trong không khí bị ô nhiễm hoặc khói của các chất hữu cơ bị
đốt cháy (khói thuốc lá).
(dấu hình * chỉ loại gốc tự do)
Gốc tự do đơn giản nhất là nguyên tử của nguyên tố hydro với 1 proton và 1 điện tử
đơn. Ví dụ: paraquat, doxorubincin và nitrofurantoin có thể nhận một điện tử từ men khử để
tạo thành gốc tự do (free radical). Những gốc này có thể chuyển một điện tử cho oxy phân tử
tạo thành ion gốc tự do O2- (superoxide anion radical) và phục hồi xenobiotic mẹ để tiếp tục
tạo thành các gốc tự do mới.
* Hoạt động của gốc tự do và tính độc hại của nó
Một số hóa chất độc (ví dụ paraquat herbicides) khi bị oxy hoá bởi MFOs thành các
gốc tự do cùng với sự chuyển electron cho oxy, tạo thành gốc superoxid-02-. Gốc superoxid
(gốc đa oxy) phản ứng với lipid chưa no (polyunstatared), quy nạp 1 chuỗi phản ứng tự xúc
tác, tạo thành các gốc lipid tự do và sau đó peroxid hoá lipid.
GSH (glutation khử) có thể bị giảm hoạt tính, từ đó thúc đẩy quá trình phá huỷ oxy và
dẫn đến kết quả là tế bào bị chết. Các tác nhân làm giảm hoạt tính GSH lại làm tăng độ nhạy
cảm của tế bào đối với quá trình peroxid hoá lipid.
Sau khi hình thành các gốc tự do, xuất hiện một số tác dụng độc hại như phá hủy tổ
chức, hoặc là một trong những nguyên nhân gây ung thư. Gốc lipid phản ứng với oxy tạo
thành gốc peroxid. Các phân tử lipid tự phản ứng với các gốc tự do trở thành các gốc lipid tự
do và tạo ra chuỗi phản ứng phá huỷ (còn gọi là chuỗi peroxid hóa màng tế bào). Quá trình
peroxid hóa lipid phá huỷ các màng tế bào và nội bào quan, làm giảm sự toàn vẹn cấu
trúc và giảm khả năng kiểm soát sự hấp thụ chọn lọc và vận chuyển chủ động qua màng
tế bào.

Sơ đồ 1.2. Sự hình thành các gốc tự do do hoá chất độc và tác hại của chúng

Hoá chất độc hoặc sản phẩm chuyển hoá độc hại

Ức chế chuyển hoá năng lượng


làm yếu ATP

Tích luỹ natri và canxi trong dịch


bào tương

Na+/K+ ATPase Mg+/Ca+ ATPase


giảm giảm

Nước tràn vào phospholipase 17


hoạt hóa canxi
18

Hoá chất và các sản phẩm chuyển hoá độc hại làm triệt tiêu gradien H+ trong ty thể
dẫn đến ức chế quá trình phosphoryl oxy hoá làm hạn chế sử dụng oxy và làm giảm quá trình
tạo ATP, tỷ lệ ADP/ATP tăng, đồng thời tạo ra nhiều gốc phospho vô cơ, gây biến dạng, đứt
nát màng ty thể. Do màng ty thể bị tổn thương nên vào bên trong tế bào nhiều, K+ thoát ra
ngoài và Ca++ đi vào thì Mg++ cũng thoát ra ngoài, do đó ảnh hưởng đến sự hoạt hoá ATP ase.
Những biến đổi của ty thể (trung tâm cung cấp năng lượng cho mọi hoạt động sống
của tế bào) làm cho năng lượng dự trữ trong tế bào giảm đi rõ rệt, quá trình đường phân yếm
khí tăng lên, tích tụ nhiều axit lactic gây giảm pH của bào tương làm ảnh hưởng tới nhân,
màng tế bào và các bào quan khác.
Màng tế bào là màng không thấm do đặc tính duy trì sự cân bằng bên trong của các
ion và H2O thông qua bơm Natri trên màng tế bào. Bơm này vận chuyển ion Na+ và ion
K+ vào tế bào, hoạt động này tiêu tốn ATP. ATP giảm làm hoạt động của bơm Natri suy
yếu. Kết quả là các ion Na+ vào tế bào nhiều và K+ thoát ra ngoài, mỗi lần di chuyển theo
một gradient H+ . Trong tế bào, tỷ lệ Na+/K+ tăng, tế bào cũng mất ion và tích tụ Ca++, tỷ
lệ Ca++/ Mg++ tăng.
Sức kháng màng tế bào yếu, bơm Natri mất tác dụng, nước thấm vào tế bào, tế bào
trương phồng lên. Lysosome cũng bị trương lên, tính thấm màng tăng, các enzym thoát ra vào
dịch tế bào tham gia quá trình huỷ tế bào. Sự mất cân bằng canxi gây hoạt hoá phospholipase,
màng tế bào tự tiêu huỷ, mất chức năng làm hàng rào, tế bào sưng và bị tổn thương không
phục hồi dẫn đến hoại tử tế bào (Sơ đồ 1.3.).
- Các nhóm thiol protein (ví dụ, glutathionic) trong tế bào cũng có thể bị các gốc tự do
làm giảm hoạt tính và các tế bào cao phân tử bị tổn thương nặng nề hơn.
c/ Sự bảo vệ chống lại các gốc tự do nhờ các tác nhân chống oxyhoá - antioxidant
(1) Men SOD - Superoxid dismutase: xúc tác quá trình khử anion superoxid O2- thành
hydrogen peroxid H2O2 . Men MnSOD có tâm hoạt động là mangan có thể loại trừ được anion
superoxid O2- sinh ra ở ngay ty thể. Men SOD liên kết với đồng và kẽm (CuZnSOD) có tâm
hoạt động là Cu, có hoạt tính cao và có nhiều trong bào tương (cystosol), loại bỏ gốc anion
superoxid O2- thoát ra ngoài bào tương. Nhờ hai enzym này nên gốc anion superoxid O2-
không đến được màng tế bào.

18
19

(2) Men catalase được tập trung nhiều trong peroxisome của tế bào và xúc tác phản
ứng biến hydro peroxid thành nước và oxy.
Hydroperoxyd H2O2cũng là một chất có hoạt tính cao nên độc hại. Hệ enzym catalase
và glutathion peroxydase (GSHPX) có thể loại trừ nó:
H2O2 catalase 2H2O + 3O2
Catalase vận chuyển H2O2 thành 2 chất hoàn toàn vô hại là nước và oxy tam bội.
Nhưng catalase chỉ thể hiện tác dụng xúc tác khi nồng độ H2O2 lớn hơn 10-8 mol/l. Dưới nồng
độ đó, catalase không có tác dụng.
(3) Men glutathion peroxidase GSHPX, 1 enzym chứa selen xúc tác phản ứng biến
hydroperoxid thành nước và rượu. Hoạt độ GSHPX phụ thuộc nồng độ Se trong huyết thanh.
Khi H2O2 có nồng độ lớn hơn 10-8 mol/l, enzym catalase bị bất hoạt do một cơ chế
chưa rõ. Khi nồng độ H2O2 giảm xuống dưới trị số nói trên, GSHPX được hoạt hóa, và xúc tác
cho phản ứng khử H2O2 bằng glutathion:
H2O2 + 2GSH GSHPX GSSG + 2 H2O
Glutathion dạng oxy hóa GSSG lại chuyển về dạng khử nhờ enzym glutathion
reductase.
Giống như các enzym SOD, catalase và GSHP X có ở nội bào, ở ty thể vì H2O2
cũng là một sản phẩm của hô hấp tế bào như O2 -. Hai men này hầu như không có mặt ở
dịch ngoại bào.
Cần lưu ý là superoxyd. H2O2 thường xuyên sinh ra do sự phân hủy peroxyd, đồng
thời thường xuyên mất đi do tác dụng của catalase và GSHP X , nên tồn tại ở một nồng độ cân
bằng nào đó. Nồng độ cân bằng này luôn nhỏ hơn 10-8 mol/l.
Superoxyd O2- và peroxyd hydro H2O2 cũng tồn tại trong tế bào ở nồng độ cân bằng
của chúng, tuy là rất nhỏ, nhưng sẽ phản ứng với nhau. Đây là một phản ứng rất quan trọng,
vì sản sinh ra 2 sản phẩm: 1O2 (oxy đơn bội) rất nguy hại và - OH (gốc hydroxyl) lại còn nguy
hại hơn nhiều. Chính gốc - OH là sản phẩm nguy hại nhất do hô hấp tế bào sinh ra:
O2- + H2O2 = -OH + OH- + 1O2
Phản ứng này được gọi là phản ứng Haber Weiss, có thể tiến hành không cần xúc tác.
Các ion sắt, đồng làm xúc tác phản ứng này, làm tốc độ của nó tăng lên rất nhiều. Phản ứng
trên nếu có xúc tác được gọi là phản ứng Fenton.
(4) Vitamin E đóng vai trò là một chất chống oxy hoá sinh học, trong đó alpha
tocopherol là quan trọng hơn cả, có nhóm hydroxyl trên vòng benzen có vai trò làm giảm gốc
tự do, ngăn cản các phản ứng oxy hóa chất béo, ngăn cản sự hủy hoại màng tế bào và sự chết
của tế bào.
c. Sự hình thành nucleophile
Sự hình thành nucleophile là một cơ chế không phổ biến (ít gặp, ví dụ: sự tạo thành
cyanid từ amygdalin dưới tác dụng của men bacterial b - glucosidase trong bệnh gut ở
người).
Carbon monoxide là chất chuyển hóa độc hại của dihalomethane do khử halogen oxy
hóa. Một số chất trung gian chuyển hóa nuleophile được tạo thành trong gan nhờ quá trình
hydroxylation như hydroxylamin có thể tạo methaemoglobin.

19
20

d. Sự hình thành chất phản ứng oxy hóa khử


Trong quá trình khử nitrat thành nitrit ví dụ: methaemoglobin tạo thành khi nitrat
chuyển thành nitrit và gây độc
Một số xenobiotics không tương tác hoặc không chỉ tương tác với các tế bào đích nội
sinh để gây độc, chúng làm thay đổi vi môi trường sinh học. Gồm có: (1) Các tác nhân làm thay
đổi nồng độ ion trong pha nước (aqueos biophase), như acid và các chất chuyển hóa thành acid,
như methanol và ethylene glycol, như 1,4-dinitrophenol và pentachlorophenol phân ly các
proton phenolic trong khu vực khuôn (matrix) của ty lạp thể làm triệt tiêu proton gradient, do đó
trì hoãn tổng hợp ATP; (2) Các dung môi và chất tẩy làm thay đổi pha lipid trong màng tế bào
và phá hủy chức năng màng; (3) Các xenobiotics khác gây độc bằng cách chiếm chỗ: ví dụ một
số hóa chất như ethylene glycol hình thành chất kết tủa ở trong ống thận. Bằng cách chiếm vị trí
liên kết bilirubin với albumin, hợp chất như sulfonamid gây bệnh vàng nhân não (kernicterus) ở
trẻ sơ sinh. Carbon dioxid chiếm chỗ oxygen trong phế nang gây ngạt thở.
3.2. Cơ chế gây độc đặc trưng trên cơ quan, tổ chức
a. Cơ chế gây tổn thương hóa học
Cơ chế gây tổn thương hoá học trực tiếp trên các mô làm thay đổi các chức năng điều
khiển sự ổn định nội môi phụ thuộc màng của tế bào. Sự phá hủy này thường xảy ra khi màng
tế bào tiếp xúc với những chất ăn mòn mạnh như axit, bazơ, các hợp chất gây đông vón
protein hoặc có tác dụng phá huỷ lipid màng tế bào. Sự tàn phá do hóa chất thường xảy ra tức
thì (có nghĩa là không có giai đoạn tiềm ẩn), tại chỗ và không đặc hiệu. Những vùng nhạy
cảm nhất với tổn thương hoá học là da, mắt, đường hô hấp trên và xoang miệng. Các chất hay
gây tổn thương hoá học trực tiếp là axit, bazơ, phenol, aldehid, cồn, sản phẩm cất của dầu và
một số muối kim loại nặng.
b. Cơ chế gây hoại tử tế bào biểu mô
Độc tố sinh học có thể gây hoại tử biểu mô trên khắp cơ thể. Hoại tử biểu mô thường
xảy ra ở các tế bào có hoạt tính chuyển hoá và khả năng sao chép mạnh, đó là tế bào của ống
thận, túi mật, tuỷ xương và biểu mô ruột. Chất độc thường ảnh hưởng đến các enzyme chủ
chốt hoặc các quá trình chuyển hoá trung gian trong các tế bào nói trên.
Cơ chế gây thiếu hụt năng lượng (giảm hoặc ngừng quá trình sản sinh adnosin
triphosphate (ATP)) làm giảm khả năng vận chuyển chủ động và điều chỉnh các chất điện
phân và nước của tế bào. Giảm tổng hợp các enzyme hoặc các protein cấu trúc.
Các chất độc gây thiếu máu cục bộ (giảm dòng chảy của máu) sẽ gây ra thiếu oxy mô
bào, dẫn đến tình trạng thiếu hụt năng lượng và sự phá huỷ các tế bào.
c. Cơ chế tác động thông qua ức chế hoặc cạnh tranh enzyme
Thông thường, các enzyme xúc tác các phản ứng của tế bào trong điều kiện nhiệt độ
và nồng độ nhất định. Do tương tác hoá học trực tiếp với chất độc, các enzyme có thể bị ức
chế hoặc thay đổi hoạt tính. Quá trình ức chế hay cạnh tranh enzyme bao gồm cả sự thay đổi
cấu trúc không gian bậc 3, 4 của các enzyme. Sự tương tác enzyme - chất độc mạnh hay yếu
ảnh hưởng đến mức độ và thời gian ngộ độc.
ức chế cạnh tranh là khái niệm nói về ảnh hưởng của chất độc đến hoạt tính của
enzyme. ức chế đạt tối đa khi chất cạnh tranh có cấu trúc tương tự enzyme. Phức hợp enzyme
- chất ức chế có tính thuận nghịch và phân tử chất ức chế không bị thay đổi trong phản ứng.

20
21

Ví dụ như axid oxalic (độc tố thực vật) và fluorcacetate (rodenticid - chất diệt loài
gậm nhấm) ức chế lần lượt succinic dehydrogenase và aconitase trong chu trình axid
tricarboxylic. Thuốc diệt côn trùng organophosphate và carbamate ức chế cholinesterase.
d. Cơ chế gây độc do ảnh hưởng đến các quá trình chuyển hoá hoặc tổng hợp của cơ thể
Các chất độc tác động theo cơ chế này thường ảnh hưởng đến các sản phẩm cần cho
năng lượng, cho cấu trúc hoặc quá trình tăng trưởng.
Phosphoryl - oxy hoá là quá trình giải phóng năng lượng trong chuỗi vận chuyển
electron, phosphoryl hoá adenosine diphosphate (ADP) thành adenosine triphosphate (ATP).
Các chất phá ghép, điển hình là các chất diệt nấm 2,4 dinitrophenol (DNP),
chlorophenol và arsenate làm tăng sử dụng oxy. Năng lượng bị tiêu hao dưới dạng nhiệt chứ
không lưu trữ trong liên kết phosphate giàu năng lượng, do đó nhiệt độ cơ thể tăng.
Các chất diệt nấm chứa thiếc có 3 nhóm thế ức chế phosphoryl oxy hoá làm hạn chế
sử dụng oxy và giảm quá trình tạo ATP. Kết quả là cơ thể cũng mệt mỏi và yếu dần tương tự
như tác dụng của các chất phá ghép (oxidative uncouple) nhưng không bị sốt.
Chất độc gây tổn thương DNA hoặc gắn với ribosome trong quá trình vận chuyển
hoặc phiên mã dẫn dến ức chế tổng hợp acid nucleic và ức chế tổng hợp protein. Nhiều chất
ức chế kết hợp với tiểu phần ribosome lớn hoặc nhỏ. Một số chất độc alki hoá DNA, ức chế
sự sao chép hoặc phiên mã. Cơ chế này thường gặp ở giai đoạn trì hoãn hoặc tiềm ẩn của chất
độc trước khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng. Ví dụ như nhiễm độc aflatoxin, các hợp
chất thủy ngân hữu cơ và amantine (độc tố nấm Amanita phalloides).
Chất độc tác động đến hệ lưới nội mô thô cản trở quá trình chuyển hoá mỡ. Kết
quả của cơ chế này là: (1) Giảm tổng hợp protein nhận (lipid acceptor protein). (2)
Giảm kết hợp phospholipide và triglyceride trong quá trình vận chuyển lipoprotein dẫn
đến tích luỹ mỡ trong tế bào.
e. Cơ chế tác dụng trên hệ thần kinh
Các phản xạ bình thường có thể được tăng cường thông qua phong toả sự dẫn truyền
thần kinh ức chế của cung phản xạ. Kết quả là cơ thể không điều khiển được các phản xạ và
kết thúc bằng các cơn co giật như bệnh uốn ván. Cơ chế tác dụng này thường gặp trong ngộ
độc strichnin, do phong toả glycin (chất trung gian hóa học của quá trình ức chế) trong hệ
thống phản xạ tuỷ sống.
Chất độc có thể làm thay đổi tính thấm của màng tế bào thần kinh đối với các ion. Các
dòng natri và kali bị chất độc như DDT và pyrethrin làm thay đổi, dẫn đến thay đổi ngưỡng
tác động trên màng tế bào.
Chất độc ức chế các enzym thiết yếu cho chức năng cân bằng, làm thay đổi đặc tính
dẫn truyền qua xinap thần kinh (Ví dụ: thuốc trừ sâu loại phospho hữu cơ ức chế men
cholinesterase).
Cơ chế gây tổn thương hệ thần kinh trung ương (CNS) hoặc hệ thần kinh ngoại vi ảnh
hưởng đến chức năng nơron và dẫn truyền trục thần kinh. Những tổn thương thần kinh này
thường là mãn tính và có thể là vĩnh viễn.
Hoại tử nơron là do tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của chất độc đến các nơron. (1)
Tác động trực tiếp: các hợp chất thủy ngân hữu cơ làm suy yếu sự tổng hợp protein thần kinh
thiết yếu. (2) Tác động gián tiếp: thiếu oxy mô do cacbon monooxide hay cyanide gây tổn
thương thần kinh thứ phát.

21
22

Chất độc hủy myelin (demyelination) ảnh hưởng đến dẫn truyền thần kinh do thay đổi
sự lan truyền của hiệu thế vận động dọc trục thần kinh.
f. Cơ chế gây tổn thương hệ mạch (mao quản) và máu
Chất độc tác động trực tiếp của đến các tế bào tuỷ xương làm giảm hoặc ngừng sản
sinh tế bào máu.
Quá trình tổng hợp huyết sắc tố có thể chịu tác động của chất độc theo một số cơ chế
sau: (1) Giảm tổng hợp huyết sắc tố hoặc tăng lượng tiền thân huyết sắc tố dẫn đến tình trạng
thiếu máu, từ đó dẫn đến rối loạn chuyển hoá porphyrin. (2) Sắt trong hemoglobin có thể bị
oxy hoá từ sắt hoá trị II thành sắt hoá trị III, tạo thành methemoglobin không có khả năng vận
chuyển oxy (methemoglobin được tạo ra trong ngộ độc nitrit). (3) Quá trình oxy hoá làm biến
chất hemoglobin, tạo ra các thể Heinz làm tăng cả 2 quá trình thực bào hồng cầu và tan máu
tự nhiên. Hemoglobin mèo rất mẫn cảm với quá trình tạo các thể Heinz.
Cacbon monoxide rất giống hemoglobin, có thể gắn với hemoglobin tạo thành
carbonxyhemoglobin không vận chuyển được oxy.
Bệnh đông máu do độc tính của vitamin K dẫn đến xuất huyết thứ phát. Các chất diệt
loài gạm nhấm như narfarin và brodifacoum ngăn sự tái hoạt hoá của vitamin cần thiết cho
quá trình tổng hợp prothrombin và các yếu tố VII, IX và X.
g. Các chất có tác dụng tương tự những sản phẩm chuyển hoá và chất dinh dưỡng thông thường
Tác dụng của các hormon estrogen ngoại sinh có thể giống tác động của các hormon
nội sinh bình thường. Độc tố nấm estrogen, độc tố thực vật và chất bổ sung thức ăn có thể làm
thay đổi chu kỳ sinh sản.
Các thành phần dinh dưỡng như vitamin D, selen và iod nếu vượt quá ngưỡng cần
thiết có thể gây nhiễm độc các cơ quan bị ảnh hưởng khi thiếu các chất này.
h. Cơ chế làm suy giảm đáp ứng miễn dịch (immunosuppression)
Đây là phản ứng của cơ thể đối với các chất độc công nghiệp và độc tố tự nhiên.
Các chất độc này ảnh hưởng đến cả miễn dịch dịch thể và miễn dịch tế bào gián
tiếp, giảm tổng hợp kháng thể, ngăn cản bổ thể và một số quá trình khác. Chức năng
trung tính của tế bào lympho thay đổi và giảm sự hình thành tế bào lympho
(lymphoblastogenesis). Các chất độc ảnh hưởng đến miễn dịch gồm: kim loại nặng,
dioxin và độc tố nấm (mycotoxins).
i. Cơ chế tác dụng gây quái thai, chết thai
Một trong các nguyên nhân gây quái thai, chết thai là do độc tố ảnh hưởng đến các tế
bào mẫn cảm trong quá trình hình thành các cơ quan (organogenesis).
Chất độc tác động trong ba tháng đầu tiên mang thai thường dẫn đến những hậu quả
nghiêm trọng đe doạ sự sống của bào thai. Hầu hết các tác dụng làm thay đổi hình thái của
bào thai, gây quái thai xảy ra trong ba tháng đầu tiên mang thai.
Chất độc tác động trong trimester thứ ba làm giảm sự tăng trưởng, phát triển hình thái
của bào thai.
k. Cơ chế tác dụng gây ung thư
Giai đoạn đầu của ung thư do tác động của chất độc thường kết hợp với sự phá huỷ
DNA vượt trội hoặc quá trình khôi phục không hoàn thiện DNA bị phá huỷ.

22
23

Các chất hoá học gây kích thích mô hoặc gây tổn thương các cao phân tử đã thúc đẩy
quá trình ung thư. Dấu hiệu của ung thư do chất độc thường khởi đầu bằng sự phá huỷ DNA.
3.3. ảnh hưởng độc hại của chất độc
ảnh hưởng độc hại của chất độc bao gồm: (1) ảnh hưởng mang tính dược lý, như
ức chế quá mức hệ thống thần kinh trung ương của barbiturat (chính là tác dụng dược lý
được dùng trong điều trị, nhưng quá mức); (2) ảnh hưởng độc hại bệnh lý, ví dụ
acetaminophen gây tổn thương gan; tác dụng độc hại về gen, như mù tạc nitơ (nitrogen
mustard) gây ung thư.
Khi nồng độ hoá chất ở trong mô chưa đạt ngưỡng giới hạn thì tác dụng thường sẽ
hồi phục. Khi mô bị tổn thương, nó vẫn có khả năng tái tạo lại. Tuy nhiên, các tổn thương
trên hệ thần kinh trung ương gần như không hồi phục được vì các nơron không có khả
năng phân chia và tái tạo.
Trong các ảnh hưởng độc hại của chất độc có thể nói đến:
- ảnh hưởng tại chỗ và ảnh hưởng toàn thân:
Tác dụng tại chỗ là độc tính xảy ra ngay tại nơi tiếp xúc với chất độc: các chất ăn mòn
gây tổn thương đường tiêu hoá khi uống. Tác dụng toàn thân xẩy ra sau khi chất độc đã được
hấp thu vào tuần hoàn sẽ gây tổn thương cho hệ thần kinh trung ương. Phần lớn các chất độc
hệ thống sẽ chỉ gây độc cho một vài cơ quan đích và cơ quan đích chưa hẳn đã là nơi tích luỹ
nhiều chất độc nhất: DDT tích luỹ rất nhiều ở mô mỡ, nhưng không gây một tác dụng độc nào
ở đó cả. Theo thứ tự, tác dụng độc thường xẩy ra ở hệ thống thần kinh trung ương, máu, hệ
tạo máu, gan, thận, phổi.
- ảnh hưởng hiệp đồng xẩy ra khi hiệu quả kết hợp 2 hoặc nhiều chất độc lớn hơn nhiều
so với từng hiệu quả riêng lẻ. Tác dụng này xảy ra nếu một chất hóa học ảnh hưởng đến độ
hòa tan, khả năng liên kết, chuyển hóa hay quá trình thải trừ của một chất khác.
- ảnh hưởng tăng tiềm lực xẩy ra khi một chất làm tăng độc tính của một chất khác,
thậm chí chất tăng độc lực chỉ có độc lực rất thấp hoặc không độc.
- ảnh hưởng đối kháng xẩy ra khi 2 chất kết hợp làm ảnh hưởng đến tác dụng của
nhau. ảnh hưởng đối kháng có thể: (1) Là một phản ứng sinh lý, như tác dụng của epinephrin
đối kháng với tác dụng làm giảm huyết áp của phenobarbital. (2) Là một quá trình chuyển
hóa, ví dụ cồn ethyl cạnh tranh với ethylene glycol trong chất chống đông, cản trở quá trình
hoạt hóa các sản phẩm chuyển hóa độc. (3) Mang tính chất hóa học, như chất càng cua
(EDTA) tạo chelat bền với chì, làm giảm độc tính của chì.
Chất độc xâm nhập vào cơ thể qua các đường nhau, sau một thời gian ngắn đều được
phân bố vào toàn cơ thể. Tùy theo tính chất lý hóa và điều kiện xâm nhập vào cơ thể, chất độc
có thể tồn lưu ở một số bộ phận. Chất độc tác dụng ngay vào các tế bào sống và làm rối loạn
hoạt động của chúng.
a. ảnh hưởng đến hệ thần kinh
Phần lớn các chất độc đều ít nhiều tác dụng lên hệ thần kinh gây rối loạn chức năng
vận động, cảm giác.
Các loại thuốc mê như cloroform tác dụng lên não và tủy sống làm mất phản xạ, cuối
cùng tác dụng lên hành tủy gây ngừng thở. Nhiều trường hợp gây hôn mê như thuốc ngủ, thuốc
phiện, rượu etynic. Các chất thuộc nhóm amphetamin, long não, atropin và thế phẩm, clo hữu
cơ gây kích thích, vật vã. Strychnin và mã tiền gây co cứng (kích thích tủy sống quá mức).

23
24

Các chất gây rối loạn cảm giác như Streptomycin, quinin, salicylat gây chóng mặt,
Santonin, quinacrin làm hoa mắt, Streptomycin, kanamycin, neomycin gây điếc.
Một số chất tác dụng lên hệ giao cảm, gây giãn đồng tử mắt như adrenalin, ephedrin,
atropin, nicotin. Ngược lại một số chất như eserin, acetylcolin, prostigmin làm co đồng tử
mắt.
b. ảnh hưởng đến bộ máy tiêu hóa
Các chất độc khi xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa thường gây nôn mửa, đó là
phản ứng đầu tiên của cơ thể (ngộ độc thủy ngân, thuốc phiện, photpho hữu cơ…); nhưng
cũng do tác dụng của chất độc trên hệ thần kinh làm co bóp mạnh cơ hoành.
Các chất độc như photpho hữu cơ, nấm và một số kim loại như chì, thủy ngân, bitmut
có thể gây tiết nước bọt nhiều; ngược lại atropin làm khô miệng; axit, kiềm kích thích đường
tiêu hóa như; thuốc chống đông máu, dẫn xuất salicylat gây chẩy máu đường tiêu hóa.
c. ảnh hưởng đến gan
Gan là một cơ quan nằm ở ngã tư đường tiêu hóa. Từ tĩnh mạch cửa, gan nhận tất cả
các chất do chuyển hóa thức ăn cung cấp và các chất độc. Mặt khác, các chất chứa trong
máu qua hệ thống đại tuần hoàn đều các tác dụng đến gan. Hầu như trường hợp ngộ độc nào
cũng có tổn thương ở gan. Rượu làm xơ hóa gan, thoái hóa mỡ trong ngộ độc photpho, asen;
vàng da trong ngộ độc AsH3 .
d. ảnh hưởng đến tim mạch
Các chất trợ tim dùng quá liều đều gây độc. Cafein, adrenalin, amphetamin... làm tăng
nhịp tim. Digitalin, eserin, photpho hữu cơ làm giảm nhịp tim. Đặc biệt trong ngộ độc gan cóc
và nhựa da cóc mạch không đều; trong ngộ độc quinidin, imipramin có thể gây ngừng tim.
Một số chất ảnh hưởng đến sự co giãn mạch. Acetylcolin làm giãn mạch, cựa lõa
mạch làm co mạch máu.
e. ảnh hưởng đến máu
Các thành phần huyết tương, hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu trong máu đều có thể bị
thay đổi dưới tác dụng của chất độc:
(1) Huyết tương: Các thuốc mê (cloroform, ete) là giảm pH, hạ thấp dự trữ kiềm và tăng kali
của huyết tương. Nọc rắn Viperide làm tăng khả năng đông máu, ngược lại loại Colubride làm
mất khả năng đó.
(2) Hồng cầu: Số lượng hồng cầu trong một cm3 tăng lên trong trường hợp ngộ độc gây phù
phổi (clo, photgen, cloropicrin) do huyết tương thoát ra nhiều nên máu bị đặc lại. Hồng cầu bị
phá hủy khi bị ngộ độc chì, nhiễm tia X, benzen hoặc các dẫn xuất của amin thơm. Khi oxit
các bon liên kết với hemoglobin tạo ra cacboxyhemoglobin làm mất khả năng vận chuyển oxy
nên cơ thể bị ngạt. Các dẫn xuất nitro thơm, anilin, nitrit oxy hóa sắt II, chuyển hemoglobin
thành methemoglobin làm ngừng khả năng vận chuyển oxy.
(3) Bạch cầu: Số lượng bạch cầu giảm trong ngộ độc benzen, gây thiếu máu. Ngược lại trong
ngộ độc kim loại nặng bạch cầu tăng.
(4) Tiểu cầu: Số lượng tiểu cầu có thể hạ xuống còn vài chục nghìn trong ngộ độc benzen.
Mặt khác dưới tác dụng của chất độc một số thành phần mới xuất hiện: Ví dụ trong
ngộ độc chì xuất hiện chất copropocphirin; trong ngộ độc axit mạnh xuất hiện
hematopocphirin. Có thể dựa vào những chất này để chẩn đoán ngộ độc.

24
25

f. ảnh hưởng đến bộ máy hô hấp


Các chất độc xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp có thể gây: (1) Tại chỗ như ho,
kèm theo chảy nước mũi, nước bọt. Ví dụ: các hơi độc, hơi ngạt. (2) Tác dụng toàn thân như
khí CO gây tím tái.
Chất độc ức chế hô hấp gây ngạt thở tiến tới ngừng thở như thuốc phiện, cyanic, thuốc
ngủ. Một số chất có thể gây phù phổi như: hydrosulphit, photpho hữu cơ.
g. ảnh hưởng đến thận
Chất độc có thể tác động lên các chức phận của thận. Thủy ngân, chì, cadimi làm tăng
ure và albumin trong nước tiểu. Axit oxalic, thuốc chống đông máu, cantharit gây đái ra máu.
Các dung môi hữu cơ có clo gây viêm thận. Nhiều chất gây vô niệu như thủy ngân,
sulphamid, mật cá trắm.
Nước tiểu là một loại mẫu thử quan trọng trong kiểm nghiệm độc chất.
4. các yếu tố ảnh hưởng đến tác dụng của chất độc

Để có tác dụng gây độc, các chất độc hoặc các sản phẩm chuyển hóa của chúng phải
đạt được nồng độ đủ cao trong khoảng thời gian nhất định trong cơ thể (tùy loại chất độc).
Các yếu tố khi tương tác với nhau có thể làm thay đổi đáp ứng của cơ thể đối với chất độc,
ảnh hưởng đến đáp ứng liều lượng và chẩn đoán ngộ độc. Mặc dù từng yếu tố không gây ảnh
hưởng lớn, nhưng nếu nhiều yếu tố cùng tác động thì ảnh hưởng của chúng sẽ trở nên có ý nghĩa.
Các yếu tố ảnh hưởng đến tác dụng của chất độc bao gồm:
- Các yếu tố thuộc về chất độc: thường có ảnh hưởng đến quá trình tương tác của chất
độc với thụ thể hoặc màng tế bào.
- Các yếu tố trong động vật chủ: thường làm thay đổi mức độ gây độc, giải độc hoặc
sự thích ứng của cơ thể với chất độc.
- Các yếu tố trong môi trường có ảnh hưởng đến chất độc hoặc động vật chủ.
4.1. Các yếu tố thuộc về chất độc
a. Bản chất vật lý và hoá học của chất độc
Bản chất vật lý và cấu tạo hoá học của chất độc có ảnh hưởng đến tác dụng gây độc của
chất đó. Ví dụ: hợp chất trioxit arsenic As2O3 dạng kết tinh thô tác dụng chậm và ít độc, dạng
mảnh của As2O3 là loại chất độc nguy hiểm. Nhiều chất độc tan trong dầu độc hơn là tan trong
nước (các chất hoá học có phosphor và thuốc trừ sâu). Phospho vàng là rất độc còn phospho
đỏ lại có tỷ lệ nhất định nào đó trong cơ thể. Phospho hoá trị 3 độc hơn phospho hoá trị 5.
Bari cacbonat rất độc song bari sunfat lại không độc. Độc tính của các hợp chất hữu cơ là do
các cấu trúc đặc hiệu. Thay đổi các nhóm chức làm thay đổi tính độc. Ví dụ: thay nhóm metyl
ở C9 của dimidium bromid bằng 1 nhóm ethyl thành ethyldium bromid sẽ gây độc gan.
* Độ tinh khiết của một chất có thể làm thay đổi độc tính của chất đó. Ví dụ: chế
phẩm thương mại dioxin (2, 3, 7, 8 Detra clorodibenzon p. dioxin) - TCDD, do hình thành các
phần chính 2, 4, 5 - T tạo ra chất độc màu da cam rất nguy hiểm cho người và gia súc.
* Sự biến đổi các phân tử hoạt động cơ bản làm thay đổi các tính chất hóa học
và đáp ứng của thụ thể. Ví dụ như sự trao đổi các anion tạo thành các muối khác nhau
(sulfat đồng thành oxít đồng) và tạo chelat với các kim loại nhằm tăng cường hấp phụ
các chất độc kim loại nặng.

25
26

* Sự không ổn định của chất độc do điều kiện sử dụng có thể ảnh hưởng đến độc
tính. Thuốc trừ sâu phospho hữu cơ coumaphos có thể phân hủy trong thùng đựng có độ sâu
thành protosan, có độc tính cao hơn đối với loài nhai lại.
* Độ hòa tan, tính phân cực và sự ion hóa
Chất độc là chất lỏng hoặc hòa tan trong dung môi tác dụng nhanh và mạnh hơn những chất
ở thể rắn. Những chất không hòa tan trong nước, cồn, dầu, mỡ thì không hấp thu vào cơ thể.
Ví dụ: Sullimat (HgCl2) hòa tan nên gây độc. Calomen (HgCl) không hòa tan trong
nước nên tác dụng kém hoặc không có tác dụng.
- Các chất độc tan mạnh trong lipid dễ hấp thu qua lớp lipoprotein màng tế bào hơn là
các chất không có đặc tính này.
- Các chất không phân cực có trọng lượng phân tử thấp dễ hấp thu qua màng tế bào
hơn các phân tử phức hợp có trọng lượng phân tử cao.
- Các chất chứa các nhóm ion hóa ở điều kiện pH sinh lý tan nhiều trong nước hơn và
khó hấp thu qua màng tế bào. Gồm các amin, carboxyl, phosphat và sulfat.
- Sự liên kết của chất độc với protein (ví dụ albumin) làm giảm độc tính của chất độc
thông qua việc hạn chế sự hấp thu qua màng tế bào. Liên kết chất độc- protein còn làm chậm
quá trình đào thải do khả năng lọc qua tiểu cầu thận của chất độc bị giảm.
b. ảnh hưởng của tá dược
Dung môi hòa tan chất độc là môi trường để pha loãng và vận chuyển một chất hóa
học hay thuốc, gồm nước, propylene glycol, dung môi hữu cơ, các loại gôm hoặc keo tổng
hợp hoặc tự nhiên. Chất độc hòa tan trong nước tác dụng mạnh hơn trong dầu mỡ, trong cồn
mạnh hơn cả trong các loại dung môi nói trên.
- Tá dược lỏng không phân cực và tan trong mỡ có thể vận chuyển các chất độc hóa
học qua hầu hết các màng tế bào sinh học.
- Các thành phần hoạt chất trong dạng huyền phù (thể vẩn) hoặc nhũ tương có độc tính
hơn là nếu chúng hòa tan trong tá dược lỏng.
- Tá dược (đôi khi là các thành phần khí trơ) có thể gây độc, ví dụ súc vật bị ngộ độc
bởi chất vận tải hydrocarbon trong thuốc trừ sâu. Việc sử dụng những chất vận tải chưa được
kiểm nghiệm (chẳng hạn như kerosence) sẽ gây ngộ độc.
- Sự hình thành các bột hút ẩm, huyền phù và nhũ tương ảnh hưởng đến tốc độ đọng
(duy trì) các chất độc trên lông và da súc vật và tốc độ hấp thu các chất này qua đường tiêu
hóa. Ví dụ: thuốc bảo vệ thực vật gây ngộ độc do có thể đọng lại trên lông và da động vật gây
tích lũy một lượng thuốc vượt quá giới hạn cho phép.
- Thuốc bột hay nhũ tương không được trộn đều trong quá trình bào chế làm thay đổi
nồng độ hoạt chất trong hỗn hợp thuốc. Một phần trong hỗn hợp thuốc có nồng độ hoạt chất
cao, phần còn lại nồng độ hoạt chất lại thấp.
c. Tương tác hóa học trực tiếp
Các hóa chất khi dùng phối hợp trực tiếp có thể tạo dạng kết tủa không tan, làm giảm
hoặc độc tính hoặc tác dụng. Những tương tác làm thay đổi thành phần hóa học có thể làm
thay đổi độc tính sẵn có của chất độc đó, ví dụ:
- Sự thay đổi các anion trong muối đồng (ví dụ như sulfat đồng thành oxyd đồng) có
thể thay đổi độc tính của đồng

26
27

- Sự thủy phân các nhóm este của các hợp chất hữu cơ, ví dụ như thuốc trừ sâu
organophosphat có thể làm giảm độc tính.
d. Liều lượng chất độc
Tác dụng của chất độc lên cơ thể phụ thuộc vào liều lượng của chúng. Liều lượng này
có thể là: (1) Liều điều trị: lượng chất độc dùng điều trị bệnh; (2) Liều gây độc: gây những
trạng thái bệnh lý; (3) Liều chết: gây chết động vật.
Độc tính của chất được xác định bởi LD50 - liều gây chết 50% động vật thí nghiệm.
LC50 (Lethal Concentration 50): Liều gây chết ngạt (tính cho các loại khí độc- mg/m3) 50%
động vật trong vòng 4 giờ.
ALD (Apperoximathy Lethal Doses): Liều gây độc - thể hiện đủ các dấu hiệu nhiễm
độc (nhưng động vật không chết).
TED (Toletance Effectiviv Dose): Liều tác động tối đa cơ thể có thể chịu đựng được.
* Sự nhắc lại liều độc:
Sự nhắc lại liều độc dẫn tới gây độc rõ hơn là sử dụng liều độc chỉ một lần. Khi nhiễm
độc lại làm cho chức năng cơ thể khó có thể hồi phục do tổ chức bị tổn hại. Tuy nhiên cũng có
trường hợp khi lặp liều gây độc nhiều lần dẫn đến sự điều chỉnh chống lại chất độc (liều á cấp
tính) và miễn dịch thực sự. Với các loại độc chất bài tiết nhanh, thì 1 liều độc mạnh có tác
dụng gây độc mạnh hơn sự lặp lại liều á cấp tính. Ví dụ ở thỏ với một liều gây độc á cấp tính
kéo dài của cyanid có thể không gây độc vì đợc biến đổi thành thiocyanat.
4.2. Các yếu tố thuộc về cơ thể
a. Loài động vật
Chất độc có thể độc với này mà không độc với loài vật khác. Điều này rất có ý nghĩa
trong việc sản xuất thuốc trừ sâu, diệt côn trùng và các chất điều trị hoá học. Ví dụ morphin ít
độc đối với gia súc hơn với con người. Gia cầm kháng với nhiều chất độc hơn là gia súc. Ví
dụ thuốc trừ sâu DDT có thể gây độc qua tiếp xúc với da, đặc biệt lớp kitin của côn trùng. Đối
với gia súc ít độc hơn vì ít hấp thu qua da. Hấp thu chất độc qua đường niêm mạc tiêu hoá ở
chó rất nhanh, chỉ cần 1 lượng nhỏ đã gây triệu chứng ngộ độc. Trong gan thỏ chứa 1 ester có
thể phá huỷ rất nhanh atropin nên thỏ không bị ngộ độc cà độc dược. Một loại hành tây biến
màu đỏ có tác dụng diệt côn trùng, sâu bọ nhưng lại không độc với chuột đồng.
Sự mẫn cảm với một số chất độc ở các loài gia súc còn chưa được giải thích rõ. Ví dụ:
Morphin gây yên tĩnh thần kinh ở người và chó nhưng lại gây kích thích đối với mèo và các loại
gia súc khác. Bê giống Priesishen Kall được ăn 23 - 42 mg Gossypol/kg trọng lượng (chất độc
chiết từ hạt bông) đã bị chết. Giống bê Jersey Kalle ăn tới 82 mg/kg P lại không bị ngộ độc.
Súc vật nhai lại mẫn cảm với các hợp chất kim loại nặng hơn các loài vật khác (ngựa,
chó, mèo, lợn). Liều chết của carbonat chì ở ngựa là 500-700gam nhưng ở trâu, bò chỉ 50gam.
Đối với súc vật nhai lại: độc tố thực vật lại ít gây độc hơn so với các loài khác. Ví dụ:
trâu, bò cho ăn lá ngón phơi khô từ 25 - 30 gam trong 4 ngày liên tục cũng không bị ngộ độc.
Trong khi đó ngựa chỉ ăn 30 gam trong 1 lần là bị chết ngay. Có thể giải thích là hoạt chất gây
độc và các glucozid khác trong lá ngón và một số chất độc có nguồn gốc thực vật khác bị
phân hủy do quá trình lên men của vi sinh vật trong dạ cỏ. Chất độc bị pha loãng dạ cỏ của
động vật có sừng.
Súc vật có hệ thần kinh càng phát triển thì càng mẫn cảm hơn với một số chất độc.

27
28

Ví dụ: Liều chết của morphin ở thỏ là 300 - 400mg, nhưng ở người là 6 mg. Như vậy,
thỏ có thể chịu đựng được liều độc cao hơn gấp xấp xỉ 70 lần so với người. 5mg atropin gây
độc nặng ở người nhưng chó và thỏ ăn với lượng lớn hơn 100 lần (500 mg) vẫn không chết.
- Gia súc có sừng rất mẫn cảm với tetracyclin, chloroform và kim loại nặng đặc biệt là
thủy ngân.
- Ngựa mẫn cảm với độc tố nấm đặc biệt là stachybotrys alternans và dendrodochium
toxicum và stibium kalium tartaricum.
- Gia cầm mẫn cảm hơn với muối ăn, cyanhydric.
- Mèo mẫn cảm với a. carbonic.
Korneven (1912) đã sắp xếp thứ tự mẫn cảm của gia súc đối với đa số chất độc như sau:
1: Lừa; 6: Lợn;
2: La; 7: Gia cầm;
3: Ngựa; 8: Trâu, bò;
4: Mèo; 9: Dê, cừu;
5: Chó; 10: Thỏ.
- Gia cầm thường ít mẫn cảm hơn với độc tố nấm; chó với dầu crotono; mèo với
apomorphin; dê với thuốc lá, hạt thầu dầu; gà với strychnin; thỏ với atropin (Radkevich, 1952).
* Đặc điểm giải phẫu ở các loài động vật khác nhau ảnh hưởng đến tác dụng của chất
độc
- Động vật nhai lại lưu giữ một lượng lớn thức ăn trong dạ cỏ, làm kéo dài thời gian
hấp thu chất độc. Độc tính của chất độc giảm do chất độc đã qua chuyển hóa bởi hoạt động
của vi sinh vật trong dạ cỏ. Tuy nhiên, quá trình chuyển hóa sinh học trong dạ cỏ cũng có thể
hoạt hóa dẫn đến làm tăng độc tính của một số tác nhân gây độc (ví dụ, nitrat chuyển hóa
thành nitrit).
- Ngựa, chuột, thỏ không có khả năng nôn sinh lý do cấu tạo giải phẫu, vì vậy chất độc
lưu giữ trong đường tiêu hóa, gây độc mạnh hơn so với những động vật có thể nôn được.
- Những con vật thiếu sắc tố ở da sẽ dễ bị tác động của các chất độc gây nhiễm độc
quang học (phototoxicosis).
- Hàng rào máu - não ngăn cản chất độc xâm nhập vào trong não. ở một số động vật,
hàng rào máu - não kém phát triển, tạo điều kiện cho chất xâm nhập vào não, dẫn đến ngộ độc
(ví dụ, ngộ độc ivermertin ở chó Colli).
* Đặc điểm chuyển hóa liên quan đến loài và gen ảnh hưởng đến tác dụng của chất độc
- ảnh hưởng của chuyển hóa giai đoạn 1: Sự chuyển hóa các chất độc thành chất có
độc tính cao hơn giữa các loài là rất khác nhau. ở chó, quá trình chuyển hóa chất diệt loài gặm
nhấm fluoroacetate thành fluorocitrate xảy ra nhanh hơn và độc tính của nó lớn hơn gấp 6- 8
lần đối với chuột. ở chuột và cừu chỉ hình thành một lượng rất nhỏ độc tố aflatoxin có hoạt
tính sinh học, vì vậy chúng có sức đề kháng với độc tố này tốt hơn so với các loài khác.
- ảnh hưởng của chuyển hóa giai đoạn 2: giữa các loài có sự khác nhau của các quá
trình chuyển hóa giai đoạn 2, dẫn đến chậm chuyển hóa và chậm thải trừ chất độc.
- ở mèo và chuột Gunn sự hình thành glucuronic giảm và do vậy nhiều khả năng bị
nhiễm độc các chất như phenol ở nhiều động vật này là cao.

28
29

- Quá trình liên hợp với acid sulfuric của các chất độc ở lợn xảy ra yếu hơn so với ở
các loài vật khác.
- Acid mercapturic ít được hình thành ở chuột lang.
- Không thấy có quá trình acetyl hóa các hợp chất amin thơm ở chó.
b. Cá thể
Cá thể trong cùng loài có thể phản ứng khác nhau với chất độc. Tác dụng gây độc
được xác định theo đáp ứng của cơ thể đối với chất độc.
- Dị ứng: là kết quả của miễn dịch trung gian và quá trình cảm ứng trước đó đối
với một chất hóa học. Những phản ứng này được coi là phản ứng quá mẫn. Nhiều chất hóa
học có thể gây dị ứng. Phản ứng dị ứng thường đặc trưng cho loài và không liên quan đến
liều lượng. ở những động vật nhạy cảm, liều lượng thấp có thể gây dị ứng nghiêm trọng
với một chất độc. Thường quan sát thấy phản ứng dị ứng ở các cơ quan hệ tiêu hóa , hệ
tim mạch, phổi, mắt, và da.
- Phản ứng đặc ứng: nguyên nhân có thể do một quá trình chuyển hóa hoặc giải độc
bất thường trong cơ thể và thường có tính di truyền. Phản ứng xảy ra tương tự như ở cơ thể
bình thường nhưng với liều lượng rất thấp.
Trường hợp ít gặp hơn là đáp ứng của những động vật có những phản ứng bất thường
đối với một hóa chất độc nhất định.
c. Tính biệt
Phản ứng với các chất độc cũng khác nhau theo giới tính (cái và đực) ví dụ như thuốc
trừ sâu Parathion hay Potasan độc với chuột cái hơn là đực. Có thể chúng có mối liên quan
với hoocmon sinh dục đực.
ở súc vật non chưa trưởng thành, rất ít có sự khác biệt trong phản ứng đối với
xenobiotics giữa con đực và con cái. Gia súc cái thường có sức đề kháng với chất độc kém
hơn con đực, đặc biệt là con có chửa, liều rất nhỏ của cựu lõa mạch (Clavicep purpurea) đã
gây sảy thai. Sự mẫn cảm khác nhau với chất độc ở con đực, con cái có liên quan đến trạng
thái của cơ quan sinh sản. Tuy nhiên, ở các con cái bị cắt buồng trứng và con đực bị thiến
không quan sát thấy sự khác nhau này.
* Sự khác nhau về hormon.
Hàm lượng testosteron cao và không thay đổi ở con đực giúp quá trình chuyển hóa
chất độc mạnh hơn so với con cái. Các độc tố có tác dụng giống hormon (ví dụ, mycotoxin
zearalenone) có ảnh hưởng lớn đến tính biệt của súc vật.
Thời kỳ con vật có chửa và cho con bú tạo ra sự thay đổi rõ rệt về hormon và
chuyển hóa: kích thước các cơ quan như gan, tuyến thượng thận, buồng trứng, tử cung và
hàm lượng protein tăng rõ rệt. Một số trong lượng protein tăng cường (protein
microsomal) thúc đẩy quá trình chuyển hóa của chất độc. Sự phát triển của nhau thai làm
tăng chuyển hóa một số xenobiotics.
Bò đang cho sữa nếu nhiễm độc một số độc tố thân mỡ (DDT, polychlorirelted
biphenyls (PCBs) thường bị nhẹ hơn súc vật khác vì một phần chất độc được thải qua sữa.
Quá trình tiết sữa còn làm tăng kích thước và trọng lượng của ruột non, cho phép pha loãng
các độc tố được hấp phụ qua đường miệng.

29
30

d. Tuổi
Cường độ tác động của chất độc phụ thuộc nhiều vào lứa tuổi. Súc vật non, súc vật
già đều mẫn cảm với chất độc hơn là súc vật trưởng thành do cơ thể súc vật non chưa hoàn
thiện, chức năng giải độc kém, còn súc vật già thì các cơ quan giải độc lại bị suy yếu, sức đề
kháng giảm.
Chó còn bú mẹ mẫn cảm với santonin gấp 100 lần so với chó trưởng thành. Tuy nhiên
chó con lai chịu được liều atropin cao hơn chó lớn. Sự đa dạng trong phản ứng cơ thể của súc
vật non đối với các chất độc được giải thích bằng sự phát triển chưa đầy đủ (chưa hoàn thiện)
của các cơ quan, tổ chức về hình thái cũng như về chức năng (chủ yếu là hệ thần kinh) và sự
thay đổi nhanh chóng về trọng lượng cơ thể. Theo Radkevich, liều chết của chất độc nếu ở
ngựa 4-15 tuổi là 1 thì ở ngựa 1tuổi là 1/2, 6 tháng tuổi là 1/4, 3 thnág tuổi là 1/8 và 1 tháng
tuổi là 1/16 - 1/24.
Súc vật sơ sinh mẫn cảm đặc biệt với chloroform, morphin nhất là bê, nghé, ngựa con.
* Tuổi súc vật ảnh hưởng đến khả năng hấp phụ chất độc qua màng tế bào:
Niêm mạc đường tiêu hóa và hàng rào máu - não ở con vật non kém phát triển hơn,
vận chuyển chủ động hiệu quả kém hơn con đã trưởng thành. ở súc vật non, lượng enzym
chuyển hóa chất độc ít hơn và chất lượng kém hơn súc vật trưởng thành.
Những thay đổi trong cấu tạo cơ thể ảnh hưởng đến sự phân bố và tàng trữ chất độc.
Cơ thể súc vật sơ sinh chứa nhiều nước hơn và ít mỡ hơn, trong khi những động vật già mất đi
các protein cấu trúc nhưng lại tăng tích lũy mỡ và collagen.
e. Khối lượng cơ thể
Đại gia súc có thể chịu được độc cao hơn so với tiểu gia súc vì ở đại gia súc chất độc
được pha loãng hơn trong máu dẫn đến tác dụng của chất độc yếu đi. Nếu liều gây độc hoặc
liều chết của ngựa và trâu, bò là 1 thì lợn sẽ là 1/5 - 1/20, chó, dê, cừu là 1/10 - 1/20, mèo và
chim là 1/20 - 1/50 (Frohner - Volker). Gia súc béo bị ngộ độc các chất độc tích lũy trong mỡ
ở liều cao hơn gia súc gầy.
f. ảnh hưởng của quá trình phân bố và đào thải đến tác dụng của chất độc.
* Sự phân bố và tàng trữ chất độc làm tăng hoặc giảm nồng độ của chúng ở các thụ thể
Các chất tan nhiều trong mỡ có thể tích lũy trong một số cơ quan nhất định (ví dụ
thuốc trừ sâu DDT tích lũy trong mô thần kinh).
Sự liên kết xenobiotics với các chất nội sinh, như protein huyết tương làm tăng tích
lũy xenobiotics trong cơ thể nhưng có thể hạn chế bớt độc tính.
Bệnh gan với triệu chứng ứ mật ngăn cản quá trình bài tiết, dẫn đến tích lũy một số
chất độc trong máu. Khi các sắc tố thực vật bài tiết trong mật được lưu giữ laị trong máu và
vận chuyển lên da sẽ xuất hiện sự cảm quang do ánh sáng mặt trời làm cho các sắc tố này biến
thành photodinamic.
* Các chất lạ có thể cạnh tranh nhau vị trí liên kết với protein huyết tương
Sự liên kết với protein huyết tương hạn chế hấp thu chất độc qua màng tế bào, ngăn
cản gắn chúng với thụ thể.
Chất ít độc hoặc không độc có thể chiếm chỗ chất độc trong liên kết với protein huyết
tương, kết quả là: (1) Chất độc bị chiếm chỗ chuyển thành dạng tự do và độc tính của nó tăng

30
31

thêm. Ví dụ phenylbutazole chiếm chỗ warfarin trong liên kết với protein huyết tương, do đó
tăng độc tính của warfarin; (2) Chất được thay thế trong liên kết với protein huyết tương có
thể được bài tiết nhiều hơn, dẫn đến giảm độc tính.
* Sự khác nhau trong vận chuyển chủ động các acid hay các base qua thận
Sự vận chuyển này có thể ảnh hưởng đến sự đào thải chất độc (ví dụ sự bài tiết chất
diệt cỏ 2, 4 - dichlorophenoxyacetic ở chó kém do hệ vận chuyển chất hữu cơ kém phát triển).
g. Yếu tố bệnh lý
Bệnh gan có thể là nguyên nhân làm giảm các quá trình tổng hợp các cao phân tử liên
kết có chức năng bảo vệ, dẫn đến tăng tác dụng của chất độc. Glutathione, ligandin và
metallothionein là những ví dụ về cao phân tử liên kết do gan tổng hợp.
Khả năng bị ngộ độc cao khi có bệnh gan, thận… nơi mà chất độc bị tiêu độc và đào thải.
Bệnh thận làm thay đổi quá trình tái hấp thu của thận, ảnh hưởng đến đào thải chất độc.
Kích thích nhu động ruột non sẽ làm giảm thời gian vận chuyển và hấp thu chất độc
theo đường uống. Trong trường hợp viêm hoặc loét dạ dày làm tăng hấp thu chất độc.
- Súc vật sau khi làm việc nặng nhọc, mệt mỏi dễ bị ngộ độc hơn. Theo Ivanov
Cmoleski khi bị căng thẳng thần kinh hoặc thần kinh trung ương bị ức chế hoặc kích thích đều
dễ bị nhiễm độc hơn trạng thái bình thường.
h. Hiện tượng cơ thể nhờn với chất độc
Là hiện tượng một số cá thể dần dần tự thích nghi và có sức chống chịu với liều lượng
có thể gây độc hoặc gây chết các cá thể khác. Súc vật hay nhờn với các chất độc như: asen,
atropin, morphin, ricin. Ví dụ: Chó bị quen với morphin chỉ sau 3 lần sử dụng. Hiện tượng
quen, nhờn có thể gặp ở hầu hết các chất độc. Sức đề kháng của cơ thể với một chất độc bị
suy giảm khi mắc bệnh truyền nhiễm, kí sinh trùng, ngộ độc các chất khác... Trong cùng một
cơ thể đã quen với chất độc như morphin hoặc cocain nhiều trường hợp hệ thần kinh có thể
chịu được với liều gây độc cao hơn nhưng các cơ quan khác như ruột, gan, thận... lại mẫn
cảm hơn với những chất này.
4.3. Các yếu tố môi trường
a. Đường xâm nhiễm chất độc
Chất độc có thể xâm nhiễm vào cơ thể qua miệng, da và đường hô hấp. Trong điều trị
có thể qua đường tiêm (bắp, dưới da, tĩnh mạch). Đường xâm nhiễm ảnh hưởng đến quá trình
chuyển hóa chất độc. Chất độc qua miệng và xoang bụng trước tiên là đến gan, trong khi đó
chất độc xâm nhập qua đường hô hấp lại tiếp cận trước tiên với phổi.
- Chất độc xâm nhiễm qua đường tiêu hóa: Phụ thuộc vào các yếu tố như độ rỗng của
dạ dày, khả năng nôn sinh lý. Những súc vật như lợn, chó, mèo.. khi ăn phải chất độc có tính
chất kích thích niêm mạc đường tiêu hóa (sulphat đồng…) thì chất độc dễ bị loại thải do nôn.
Vì vậy ít thấy những súc vật này bị ngộ độc những chất đó.
- Chất độc nhiễm qua da: súc vật thường bị trúng độc độc tố nọc rắn, côn trùng đốt,
các thuốc trị ngoại ký sinh trùng khi bôi, phun lên da...
- Chất độc bay hơi nhiễm qua đường hô hấp.
* Vị trí, loại mô hấp thu chất độc có thể ảnh hưởng đến độc tính của chất độc

31
32

- Khả năng hấp thu qua các vùng da khác nhau của cơ thể là khác nhau. Ví dụ, vùng da
mỏng nhiều mạch máu như vùng bẹn dễ hấp thu chất độc hơn những vùng da dầy hoặc vùng
da bị sừng hóa.
- Tiêm vào vùng có nhiều mạo mạch sẽ thúc đẩy quá trình hấp thu chất độc.
- Sự tích lũy trong mô liên kết và kho dự trữ mỡ làm chậm quá trình hấp thu chất độc.
* Sự Phân nhỏ liều lượng hàng ngày làm giảm độc tính đối với các chất gây ngộ độc
cấp tính, được chuyển hóa và bài tiết nhanh. Nếu tác nhân gây độc là một chất độc tích lũy, có
tác dụng mãn tính, độc tính ít bị ảnh hưởng bởi sự phân nhỏ liều lượng hơn.
b. Khối lượng và nồng độ của chất độc
* Khối lượng và nồng độ của chất độc ảnh hưởng đến mức độ và tỷ lệ phơi nhiễm chất
độc. Một chất có thể gây độc với liều lượng thấp nếu được pha loãng trong thức ăn cho súc
vật ăn cả ngày theo chế độ tự do.
* Quy tắc về khối lượng và nồng độ cho phép đánh giá độc lực của chất độc qua phơi
nhiễm tự nhiên.
Ví dụ, liều lượng nitrat gây độc đưa qua ống thông vào đường tiêu hóa là 200 mg/kg thể
trọng đối với trâu bò, nhưng lại là 1000- 2000 mg/kg thể trọng nếu được phân bổ tự nhiên trong cỏ.
c. Nhiệt độ môi trường
- Nhiệt độ môi trường thấp sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển hóa chất độc trong cơ thể. Trong
trường hợp này có thể do hoạt động chuyển hóa của cơ thể tăng để giữ ấm cho cơ thể động vật.
- Nhiệt độ có thể ảnh hưởng đến lượng và kiểu tiêu thụ thức ăn của súc vật, do đó sự
phơi nhiễm với độc tố trong thức ăn cũng thay đổi.
- Nhiệt độ môi trường cao làm tăng lượng nước tiêu thụ, tăng phơi nhiễm chất độc qua
nước. Súc vật khát nước có thể uống nhanh và hấp thu một lượng chất độc qua nước.
- Nhiệt độ môi trường cao làm tăng sự mẫn cảm của cơ thể đối với chất độc, thay đổi
quá trình chuyển hóa hoặc điều tiết nhiệt. Các chất oxy hóa làm tăng nhiệt độ cơ thể và tác
dụng gây độc của chúng tăng khi trời nóng. Nhiễm độc thuốc trừ sâu qua da có thể nặng hơn
khi thời tiết nóng. Lúc này, máu chuyển nhiều đến da để làm mát da, nhưng máu tập trung
nhiều lại tạo điều kiện hấp thu nhanh thuốc trừ sâu.
d. áp suất không khí
Những thay đổi đáp ứng của cơ thể với các chất độc thường liên quan đến những thay
đổi về áp suất oxy trong môi trường. Khí oxy cao áp được sử dụng để xử lý nhiễm độc carbon
monoxide, barbiturat, cyanide.
e. Chế độ ăn uống và dinh dưỡng
- Các chất độc có thể bị khử độc tính bởi thành phần thức ăn tự nhiên hoặc các tác
nhân trị liệu được đưa vào cơ thể. Ví dụ: Acid phytic (inositol hexaphosphate) ở thực vật có
thể tạo chelat với các kim loại và khoáng chất, từ đó làm giảm sự hấp thu của chúng.
- Canxi và kẽm trong thức ăn thực tế ảnh hưởng đến quá trình hấp thu chì, cạnh tranh
lẫn nhau hệ vận chuyển cation hóa trị 2.
- Tanin và protein tạo phức với các chất độc và giảm sự hấp thu của chúng.

32
33

* Sự ngon miệng có thể làm tăng lượng chất độc được đưa vào cơ thể. Ví dụ, chất diệt
loài gặm nhấm có vị thơm bao parafin được dùng để làm tăng sự ngon miệng, vì vậy tăng
lượng tiêu thụ với loài gặm nhấm.
* Thiếu hoặc quá thừa dinh dưỡng ảnh hưởng đến tác dụng của chất độc.
- Súc vật bỏ ăn sẽ bị thiếu năng lượng, glucose trong máu giảm dẫn đến giảm hoạt tính
các enzym chuyển hóa chất độc.
- Thức ăn thiếu protein làm suy yếu tổng hợp enzym, hoạt tính của men MFO, nồng
độ glutathione trong gan giảm.
- Thiếu vitamin, đặc biệt là vitamin E và C chống oxy hóa dẫn đến làm tăng quá trình
tổn thương tế bào do hình thành gốc tự do.
f. Nguyên nhân gây ngộ độc
Nguyên nhân gia súc bị ngộ độc thường là do ăn phải hoặc uống, thở hoặc qua da
những chất độc có trong tự nhiên hay do con người gây ra.
+ Nguồn khoáng chất gây độc: Chủ yếu là nước có chứa flor, nitrat có thể gây chết người và
gia súc. Molypden, selen có nguồn gốc từ đất có thể gây độc cho bò.
+ Độc tố thực vật: Có nhiều loại chất độc tố thực vật
+ Chất độc công nghiệp: Chì (Pb) và arsen (As) là sản phẩm ô nhiễm của công nghiệp.
Khí flor, bụi, khói có chứa flor cũng là sản phẩm của các nhà máy công nghiệp - Nhiễm độc đồng,
molypden, ảnh hưởng tia phóng xạ qua các nhà máy điện nguyên tử, nước thải từ các nhà máy có
chứa phenol.
+ Hóa chất bảo vệ thực vật: gây nên ngộ độc cho nhiều loài gia súc. Đặc biệt ngộ độc
thuốc trừ sâu với gia cầm trong đó quan trọng nhất là phospho và phospho kẽm.
+ Thuốc thú y: Dùng quá liều.
+ Thức ăn và nước uống: Cỏ đá (cỏ 3 lá) có chứa dicumarol, solanin ở mầm khoai tây,
sản phẩm lên men từ thức ăn thiu, ôi, các loại củ, hạt, nấm độc, v.v... nitrat, petrol, ether, kim
loại nặng trong nước là nguyên nhân gây ngộ độc cho gia súc, gia cầm.

Câu hỏi ôn tập


1. Khái niệm độc chất học và các lĩnh vực nghiên cứu của độc chất học?
2. Đối tượng, nhiệm vụ của độc chất học thú y?
3. Khái niệm chất độc và phân loại chất độc?
4. Khái niệm ngộ độc và phân loại ngộ độc?
5. Trình bày sự xâm nhập của chất độc qua màng tế bào?

33
34

6. Nêu các cách xâm nhập của chất độc vào cơ thể?
7. Giải thích sự phân bố và chuyển hoá chất độc trong cơ thể?
8. Nêu các đường thải trừ chất độc?
9. Nêu khái niệm chất ưa điện tử (Electrophile) và tác hại của nó?
10. Nêu khái niệm gốc tự do (Free radical) và tác hại của nó?
11. Nêu khái niệm chất ái nhân (Nucleophile) và tác hại của nó?
12. Nêu khái niệm chất phản ứng oxy hóa khử (Redox) và tác hại của nó?
13. Trình bày cơ chế gây độc đặc trưng trên cơ quan, tổ chức của chất độc?
14. Giải thích ảnh hưởng của chất độc đến các cơ quan, tổ chức?
15. Trình bày các yếu tố cơ thể ảnh hưởng đến tác dụng của chất độc?
16. Trình bày các yếu tố thuộc về chất độc ảnh hưởng đến tác dụng của chất độc?
17. Trình bày các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến tác dụng của chất độc?

34
35

Chương II

Chẩn đoán và điều trị ngộ độc


Nội dung chương 2 bao gồm các kiến thức về các bước chẩn đoán ngộ độc. Các biện
pháp phòng và điều trị ngộ độc cũng được giải thích cụ thể trong chương này.
1. Chẩn đoán ngộ độc
1.1. Khái niệm
Chẩn đoán ngộ độc là việc đánh giá, phát hiện các dấu hiệu, triệu chứng của sự rối
loạn chức năng của các cơ quan, tổ chức của cơ thể để tìm ra nguyên nhân gây ngộ độc, nhằm
điều chỉnh những tác dụng của chất độc, xử lý và điều trị ngộ độc, nhiễm độc.
Chẩn đoán ngộ độc bao gồm các loại sau:
a. Chẩn đoán lâm sàng (clinical diagnosis): được thực hiện trước tiên để xác định các hệ cơ
quan nào bị ảnh hưởng bởi chất độc (ví dụ: sốc, động kinh nghiêm trọng, ngừng hô hấp…),
theo dõi và khống chế các triệu chứng để cứu sống bệnh súc.
b. Chẩn đoán tổn thương bệnh lý (lesion diagnosis) được thực hiện để mô tả những biến đổi
bệnh lý ở mô, tổ chức (ví dụ: hoại tử trung tâm tiểu thùy gan).
c. Chẩn đoán bệnh căn (etiologic diagnosis): Đây là chẩn đoán quan trọng nhất, nhằm xác định
nguyên nhân gây độc hoặc nguồn gây độc, là cơ sở để tiến hành các biện pháp trị liệu và phòng
chống cụ thể. Trong quá trình chẩn đoán nguyên nhân gây ngộ độc cho súc vật cần lưu ý:
- Khi chưa chẩn đoán được nguyên nhân gây độc không nên sử dụng các loại thuốc
đối kháng để giải độc.
- Bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, tránh những chất độc tồn đọng trong chuỗi thức ăn
thông qua việc khẳng định được chất cụ thể gây độc.
- Xác định trách nhiệm và tránh được thiệt hại do ngộ độc, nhiễm độc gây ra.
1.2. Chẩn đoán ngộ độc
Ngộ độc là loại bệnh xảy ra hàng loạt với một lượng lớn súc vật. Vì vậy việc chẩn
đoán sớm và chính xác là bước rất quan trọng để phòng và điều trị ngộ độc có hiệu quả. Chẩn
đoán ngộ độc bao gồm các bước sau:
a. Thu thập thông tin về nguyên nhân và điều kiện gây ngộ độc.
Vai trò của cán bộ thú y là tìm được nhiều thông tin có thể sử dụng trong thực tế chẩn
đoán. Qua hỏi trực tiếp những người chăn nuôi, chủ gia súc. Thu các thông tin về loài, số lượng
súc vật bị ngộ độc, loại thức ăn cho gia súc ăn trước đó vài tuần và thời điểm xảy ra ngộ độc.
Ngộ độc thường xảy ra do khâu cho ăn, chăm sóc và sử dụng súc vật. Một trong
những nguyên nhân gây ngộ độc thường xuyên nhất đối với gia súc chăn thả là cây cỏ độc.
Đối với súc vật nuôi nhốt, ngoài các thực vật độc ra, súc vật còn bị ngộ độc bởi thức
ăn bị hỏng, ôi thiu, thức ăn nhiễm nấm mốc, vi khuẩn và độc tố của chúng.
Gia súc, gia cầm còn bị ngộ độc bởi các hóa chất BVTV, như các hợp chất clor hữu
cơ, phosphor hữu cơ, một số hợp chất vô cơ như carbamid, muối ăn, sulfat đồng, calci và natri
asenat, natri fluorid, phosphot kẽm... các chất hóa học là phân hữu cơ cũng có thể gây ngộ
độc. Ngoài ra súc vật còn bị ngộ độc bởi nọc độc khi bị động vật độc cắn (rắn, nhện, ong...).

35
36

Cần xác định xem có xảy ra sự phơi nhiễm với loại chất độc (độc tố) đã được biết đến
hoặc bị nghi ngờ không?
Hỏi chủ gia súc những thay đổi về địa điểm, nguồn thức ăn, việc sử dụng chất hoá học
(ví dụ: phun thuốc diệt côn trùng, bón phân cho đồng cỏ, sử dụng thuốc thú y điều trị cho súc
vật) và những ứng dụng khác có thể gây ngộ độc, nhiễm độc (bảng 2.1). Nếu cần thiết phải
kiểm tra nơi nuôi nhốt súc vật.
Sự có mặt của một loại chất độc trong môi trường hay thậm chí súc vật đã ăn phải chất
độc đó chưa đủ để khẳng định được nguyên nhân gây ngộ độc. Đây mới chỉ là những gợi ý
cho phương hướng điều tra tiếp theo, đó là:
- Khẳng định được sự phơi nhiễm với chất độc là đủ để gây ngộ độc.
- Ghi lại các triệu chứng lâm sàng, những biến đổi về trao đổi chất, biến đổi ở các mô
điển hình trong quá trình súc vật phơi nhiễm với với chất độc bị nghi ngờ.
- Xác định mức độ gây độc của chất độc đối với cơ quan hay mô đích.
Bảng 2.1. Những thông tin cần thu thập để chẩn đoán ngộ độc, nhiễm độc ở vật nuôi

1. Dữ liệu về chủ gia súc 2. Dữ liệu về bệnh súc


Ngày: Loài:
Tên chủ gia súc: Giống:
Địa chỉ: Tính biệt:
Số điện thoại: Trọng lượng:
Tuổi:

* Tiểu sử tình trạng sức khoẻ của bệnh súc


Tình hình bệnh tật trong 6 tháng trước khi súc vật bị ngộ độc.
Tình hình phơi nhiễm với chất độc của các súc vật khác trong vòng 30 ngày trước khi
xảy ra ngộ độc.
Lịch tiêm phòng
Các biện pháp trị liệu, phun, tẩy thuốc... trong 6 tháng về trước
Lần khám bệnh cuối cùng của bác sỹ thú y.
Quy mô đàn (đối với súc vật nuôi theo đàn).
Súc vật mua về hay được nuôi tại gia đình.
Tình trạng ốm, chết của đàn (đối với súc vật nuôi theo đàn).
Cá thể đầu tiên bị ngộ độc (bị ốm) được phát hiện: cần tìm hiểu con vật này đã sống
khoẻ mạnh trong thời gian bao lâu? Hiện tượng ngộ độc đã xuất hiện trong đàn khi nào?
* Dữ liệu về môi trường
Thu thập các dữ liệu về:
- Nơi ở của súc vật (ví dụ: đồng cỏ, rừng, lô đất, feedlot, gần sông hoặc ao; Chuồng
nuôi, Khu nhà kín có hệ thống thông gió; ở trên sàn gỗ giát trên hố phân, gần đường tàu hoả,
gần khu công nghiệp, gần bãi rác).

36
37

- Những thay đổi gần nhất về sự phơi nhiễm với môi trường (ví dụ: sự di chuyển,
phun chất diệt côn trùng, chất diệt loài gặm nhấm, xây dựng mới, cải tạo các khu nhà cũ, di
chuyển phân…).
* Dữ liệu về khẩu phần ăn, nước uống của súc vật
- Chế độ ăn: Những thay đổi về khẩu phần ăn gần đây (số lần cụ thể có liên quan đến
các triệu chứng đã quan sát được). Sự thay đổi phương thức cho ăn (ví dụ: từ phương thức
cho ăn hạn chế sang phương thức cho ăn tự do). Sự có mặt của các thức ăn ôi thừa và bị
hỏng.
- Nguồn nước uống, thay đổi trong việc cung cấp nước uống.
b. Kiểm tra các triệu chứng lâm sàng.
Bệnh do ngộ độc thường được phân biệt với các bệnh khác do sự đa dạng về các triệu
chứng lâm sàng. Nguyên nhân ở đây là do nguồn gốc, tính chất lý hóa, động học của chất độc,
sự mẫn cảm của súc vật.
Để chẩn đoán ngộ độc cần quan sát các triệu chứng lâm sàng sau:
Bảng 2.2: Triệu chứng lâm sàng thường gặp ở gia súc bị ngộ độc

Mất điều hoà Nôn mửa Vàng da


Tiết nước bọt ỉa chảy Chảy máu
Mù/thị giác Phân có máu đen Hemoglobin-niệu
Trầm cảm Ăn nhiều Huyết niệu
Vui vẻ Khát nhiều Kiệt sức
Động kinh Đa niệu Sốt
Khản tiếng Khó thở Yếu
Các loại khác (mô tả rõ)
Ngộ độc cấp thường xảy ra với các triệu chứng liên quan đến các hệ cơ quan: tiêu hóa,
thần kinh, hô hấp, tuần hoàn, tiết niệu...
Những dấu hiệu thường xuyên nhất của ngộ độc đường tiêu hóa là: Tiết nước bọt, nôn,
chướng hơi, ỉa chảy, có thể táo bón với sự biến đổi của phân (chứa chất nhầy, máu...), đau
bụng và đôi khi nổi mề đay.
Các dấu hiệu của ngộ độc thần kinh thường là: tăng quá trình hưng phấn thần kinh
biểu hiện: bồn chồn không yên, trạng thái thao cuồng (có xu hướng di chuyển về phía trước,
chân trước co và đạp mạnh), co giật, thở mạnh, co giật kiểu động kinh và kiểu giật rung
thường quan sát thấy ở ngộ độc chì, atropin, veratrin, anconitin và picrotoxin.
Sau trạng thái co giật (hoặc ngay lập tức) có biểu hiện ức chế, thể hiện tê liệt và liệt.
Các dấu hiệu về hô hấp thường là thở gấp, thở khó, ngạt thở, ho, chảy nước mũi, tím
tái, bồn chồn...
Các triệu chứng về tim mạch: mạch nhanh, yếu.
Các triệu chứng về tiết niệu: có hiện tượng đái nhiều, đái dắt, xuất hiện albumin niệu,
huyết niệu, tế bào biểu mô thận trong nước tiểu hoặc bí đái trong một số trường hợp.

37
38

Khi bị rối loạn trao đổi khí, súc vật rất khó thở, mạch nhanh, kết mạc mắt đỏ, co
giật, thân nnhiệt hạ, hôn mê, chết (ngộ độc các sản phẩm thực vật chứa cyano, ngộ độc
nitrat, nitrat...).
Rối loạn đông máu khi bị rắn độc cắn (do độc tố cardiotoxin trong nọc rắn).
Viêm dộp da do chất nhạy cảm quang học chứa trong một số loại cỏ làm thức ăn chăn
nuôi (Fagopyrum vulgare, Fagopyrum esculentum).
Những triệu chứng lâm sàng thường là những thông tin có giá trị được sử dụng để
chẩn đoán ngộ độc. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào các triệu chứng lâm sàng cũng chưa đủ để kết
luận về chất gây ngộ độc vì hàng ngàn các chất hoá học khác nhau có thể gây ra những triệu
chứng tương tự ở một số cơ quan nhất định của cơ thể (nói cách khác là cơ quan và mô có thể
có phản ứng tương tự với nhiều chất hoá học khác nhau).
Nhiều bệnh do nhiễm khuẩn, rối loạn nội tiết, rối loạn trao đổi chất gây ra các triệu
chứng giống ngộ độc (ví dụ như nôn, động kinh…).
Sự tiến triển của các triệu chứng lâm sàng cũng có giá trị chẩn đoán trong ngộ độc.
Bác sĩ thú y khi khám bệnh có thể chỉ thấy được một trong các giai đoạn tiến triển của căn
bệnh. Vì vậy cần hỏi chủ gia súc về những triệu chứng khác nếu có.
Thời gian xuất hiện và thời gian duy trì các triệu chứng lâm sàng có thể giúp nhận
dạng một vài chất độc và loại bỏ những chất độc khác.
Tỷ lệ súc vật bị ngộ độc và tỷ lệ chết cũng có thể giúp xác định loại chất độc, sự tồn
tại và hàm lượng của chất độc.
Ngoài ra còn có các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến khả năng mẫn cảm của súc vật
với chất bị nghi là gây độc, đó là: (1) Loài gia súc; (2) Tính biệt; (3) Sự tương tác giữa chất
độc với các chất dinh dưỡng, các loại thuốc điều trị hay chất hoá học khác; (4) Stress hay tổn
thương bệnh lý ở cơ quan, tổ chức trước khi bị ngộ độc.
* Tiến triển bệnh
Phụ thuộc vào:
- Ngộ độc tối cấp: ít xảy ra. Xảy ra trong vòng 1 - 2 giờ hoặc thời gian ngắn hơn (acid
silinic, kali cyanit, nitrit)
- Ngộ độc cấp: xảy ra đột ngột, tiến triển nhanh sau khi ăn thức ăn có độc hoặc nhiễm
độc. Gia súc thường bị chết.
- Ngộ độc bán cấp: tiến triển trong vài ngày, sau khi điều trị có thể khỏi, có trường hợp chết.
- Ngộ độc mãn: tiến triển chậm, triệu chứng lâm sàng không rõ, thường xảy ra khi súc
vật bị nhiễm chất độc thường xuyên, kéo dài. Triệu chứng thường là ở đường tiêu hóa hơn là
thần kinh.
* Tiên lượng (prognose)
Tiên lượng của bệnh do ngộ độc được xác định dựa trên mức độ nặng nhẹ của bệnh,
bản chất và liều lượng chất độc cũng như khả năng trung hòa, đào thải chất độc khỏi cơ thể.
- Trong các triệu chứng về thần kinh, triệu chứng kích thích thần kinh được coi là có
tiên lượng tốt hơn là trạng thái trầm uất. Xấu nhất là triệu chứng bại liệt, thường dẫn đến chết.
Co giật không phải lúc nào cũng có tiên lượng xấu.

38
39

- Bản chất của chất độc có ý nghĩa trong việc đánh giá tiên lượng. Loài vật ăn cỏ khi
bị ngộ độc độc tố thực vật thường có tiên lượng tốt hơn ngộ độc các chất độc có nguồn gốc
khoáng hoặc tổng hợp, do khó xác định được lượng các chất này đã hấp thu vào máu và
chúng thường được chậm thải trừ ra khỏi cơ thể (ví dụ, asen, chì, thủy ngân...)
- Các triệu chứng niêm mạc dạ dày, ruột xuất huyết nhất là ở súc vật non, suy giảm
hoạt động tim mạch, trụy tim mạch.
- Súc vật bị ngộ độc nhưng nôn được có tiên lượng tốt hơn là không nôn.
c. Kiểm tra các tổn thương bệnh lý
Việc xác định chính xác các cơ quan, mô và các qúa trình trao đổi chất chịu ảnh hưởng
nhiều nhất bởi chất độc là một yếu tố quan trọng trong chẩn đoán ngộ độc. Đặc tính của các
hệ cơ quan có thể sử dụng để đưa ra những chẩn đoán phân biệt phù hợp với những dấu hiệu
lâm sàng. Các chất độc khác nhau có thể gây những biến đổi đặc trưng ở các cơ quan, tổ chức.
Nếu bệnh súc bị chết, cần mổ khám kỹ và thu thập các mẫu thích hợp. Việc mổ khám
tổng thể xác bệnh súc cần được thực hiện bởi chuyên gia độc chất học và chuyên gia bệnh lý.
Những tổn thương bệnh lý do ngộ độc thường là: viêm dạ dày ruột, gan nhiễm mỡ, hoại tử
giữa tiểu thùy gan, sưng vỏ thận, hemoglobin niệu, tim phì đại, tích nước xoang ngực, phù kẽ
phổi, mắt sưng tấy. Nhiều chất độc gây các tổn thương bệnh lý đại thể và vi thể đặc trưng.
Chất chứa dạ dày, ruột cần được kiểm tra về màu sắc, sự có mặt của cây cỏ, các vật lạ,
viên thuốc, nang thuốc...
Các mẫu tổ chức cần được bảo quản trong dung dịch đệm formalin 10% để kiểm tra
bệnh tích vi thể.
Ribac và Gorii dựa vào tác động của chất độc đến các cơ quan của cơ thể và những
biến đổi bệnh lý ở các cơ quan này, chia chất độc thành 6 nhóm:
- Chất độc đường ruột: gồm: hợp chất phosphor, asen, thủy ngân, bari, bismus... và
một số saponin, alcaloid (morphin, protoveratrin...) glycoalcaloid (solanin...). Các chất độc
này biến đổi chủ yếu ở ruột già, gan và các cơ quan tiêu hóa khác.
- Chất độc thận: tổn thương chủ yếu ở nhu mô thận. Gồm phosphor, asen, sắt, đồng,
chì, thủy ngân và một số thực vật gây độc.
- Chất độc máu: Máu màu socola: methemoglobin- nitrat, nitrit. Gây hủy huyết
(hemolyse): saponin. Tăng độ nhớt của máu: toxanbumin.
- Chất độc gây dãn mạch, hạ huyết áp: làm tổn thương thành mạch: các muối
bari, asen...
- Chất độc xương: gây osteonopoza (thủy ngân), tăng phát triển mô xương (ngộ độc
cấp các hợp chất phosphor, fluor).
- Chất độc da: gây tổn thương da như phosphor, clor, iod, các chất photosensibiliti.
Cần lưu ý là sự phân chia trên đây chỉ mang tính chất tương đối. Chất độc trong các
nhóm trên không phải lúc nào cũng gây ra những biến đổi như đã miêu tả. Đôi khi các chất độc
gây ra những biến đổi bệnh lý rất đa dạng và với mức độ khác nhau ở các súc vật bị ngộ độc.
Biến đổi bệnh lý thường rõ nét trong các trường hợp ngộ độc mạn tính.
- Ngộ độc alcaloid thường đi liền với các biến đổi bệnh lý như: khó thở, các cơ quan ứ
máu, xuất huyết. Khi mổ khám xác định động vật bị ngộ độc, có thể thấy mùi đặc trưng.

39
40

d. Các xét nghiệm cơ bản cần thiết


Các xét nghiệm cơ bản giúp phát hiện mức độ huỷ hoại đặc trưng đối với các cơ quan,
tổ chức, góp phần xác định chất gây độc và định hướng trong điều trị. Các xét nghiệm này
bao gồm:
* Các xét nghiệm máu: (1) Các chỉ tiêu sinh lý máu: Số lượng hồng cầu, bạch cầu,
công thức bạch cầu. Tốc độ máu đông (prothrombin time- PT, thrombopastin time - PTT); (2)
Các chỉ tiêu sinh hóa máu: hoạt độ một số enzym như SGOT, SGPT, choliesterase... Điện
giải máu (canxi, magiê, kali, natri). pH máu, độ kiềm dự trữ trong máu, độ thẩm thấu huyết
tương (osmolality)...
* Các xét nghiệm nước tiểu: huyết niệu, bilirubin, hemoglobin, trụ niệu và oxalat.
Ngoài ra trong những điều kiện cho phép cần triển khai:
* Điện tâm đồ: trong ngộ độc những chất gây rối loạn nhịp tim như digitalis, quinidin,
ngộ độc củ ấu Tàu, trứng cóc, lá ngón...
* Chụp X quang phổi: ngộ độc các chất gây phù phổi, xẹp phổi.
* Các xét nghiệm độc chất
Phân tích chất độc bao gồm các xét nghiệm về:
- Thực vật: xác định loại thực vật gây độc.
- Nấm: Xác định sự có mặt của nấm mốc gây độc và độc tố của chúng.
- Vi khuẩn: Xác định sự có mặt của vi khuẩn gây độc và độc tố của chúng.
- Phân tích hóa nghiệm: Xác định chất độc trong thức ăn, nước uống, trong chất chứa
dạ dày, dạ cỏ, diều (gia cầm), dịch ruột, một số cơ quan nội tạng như gan, thận...
- Sinh học: cho súc vật ăn những thức ăn nghi có nhiễm chất độc, xác định độ gây độc
của thức ăn bằng một số phương pháp trong độc chất học.
Sự có mặt, hàm lượng của chất độc, độc tố hay dạng chuyển hoá của nó trong các tổ
chức thường là dấu hiệu quan trọng nhất để xác định ngộ độc.
Để chẩn đoán ngộ độc, các phân tích hoá nghiệm không nên sử dụng độc lập vì một số
lý do sau:
- Hàm lượng hoá chất độc phát hiện thấy trong mô thường tương thích với tình trạng
ngộ độc; tuy nhiên, một số hoá chất gây ngộ độc nhưng lại có mặt trong tổ chức ở hàm lượng
rất thấp (dưới giới hạn kiểm tra).
- Một số chất hoá học (ví dụ như các hợp chất phospho hữu cơ) có thể gây ngộ độc mà
không phát hiện thấy trong mô bằng các phương pháp phân tích thông thường.
- Một số hoá chất độc có thể tích luỹ với hàm lượng cao ở một số mô nhất định mà
không gây ngộ độc (ví dụ: hợp chất clo hữu cơ tích lũy trong mô mỡ...).
- Sự kết hợp của chất độc với các tác nhân hoặc chất dinh dưỡng khác có thể làm giảm
hoạt tính chất độc lưu giữ trong mô (ví dụ như thuỷ ngân có thể kết hợp với selen và protein
tạo thành một phức hợp lưu trữ trong mô mà không gây độc).
* Các phương pháp xét nghiệm độc chất hiện nay bao gồm:

40
41

- Sắc ký lớp mỏng: chủ yếu định tính chất độc. có thể phát hiện hầu hết các chất gây
độc thông thường như thuốc trừ sâu (PPHC, clo hữu cơ), thuốc diệt chuột, thuốc ngủ, các chất
độc trong cây (alcaloid, glycosid)…
- Các máy quang phổ khối, sắc ký khí, sắc ký lỏng hiệu năng cao… có thể định lượng
nồng độ chất độc, tuy nhiên chỉ một số phòng thí nghiệm hiện đại mới được trang bị những
máy này.
1.3. Lấy mẫu cho các xét nghiệm chẩn đoán ngộ độc
a. Các nguyên tắc lấy mẫu kiểm tra ngộ độc
* Các mẫu bệnh phẩm: Khi lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm, cần lưu ý:
- Máu là môi trường chính để vận chuyển chất độc trong cơ thể.
- Lấy mẫu chất nôn hoặc phân khi súc vật bị ngộ độc qua đường tiêu hóa. Một số chất
độc được đào thải qua phân.
- Nước tiểu là đường chính bài tiết nhiều chất độc, độc tố.
- Da và tóc rất quan trọng đối với các trường hợp phơi nhiễm với chất độc qua da.
Trong tóc tích luỹ kim loại và một số hợp chất hữu cơ gây độc mạn tính.
* Các cơ quan quan trọng cần phải lấy mẫu để xét nghiệm chất độc:
- Gan là cơ quan chính tham gia chuyển hoá và bài tiết chất độc.
- Thận là đường bài tiết quan trọng đối với nhiều chất độc.
- Dạ dày và ruột non phản ảnh ngộ độc do mới phơi nhiễm với chất độc qua đường
miệng nhưng không quan trọng đối với những chất tích lũy hoặc gây ngộ độc mãn tính.
* Các mẫu từ môi trường: Kết quả xét nghiệm các mẫu môi trường góp phần tìm ra
nguồn chất độc hoặc là những gợi ý về nguồn phơi nhiễm. Các mẫu sẽ bao gồm:
- Những mẫu thức ăn, nước mới được sử dụng.
- Cây cỏ bị nghi là gây ngộ độc.
- Mồi, bả có chứa chất độc.
- Các chất hoá học, thuốc diệt côn trùng, dung môi và các vật dụng mà súc vật có thể tiếp xúc.
- Các loại thuốc có thể gây ngộ độc cho súc vật hoặc gần đây được sử dụng trong trị
liệu.
- Thức ăn, nước, cây cỏ mà động vật đã ăn rất cần thiết cho việc phát hiện các nguồn
gây độc. Một điều quan trọng phải lưu ý là những loại thức ăn đã gây ngộ độc có thể không
còn tồn tại đến thời điểm kiểm tra.
b. Các mẫu bệnh phẩm và mẫu từ môi trường cần thiết cho chẩn đoán ngộ độc
Bảng 2.3: Các mẫu bệnh phẩm và mẫu từ môi trường cần thiết
cho chẩn đoán ngộ độc
Mẫu
Lượng
bệnh ý nghĩa chẩn đoán
mẫu
phẩm
1. Trước khi bệnh súc bị chết

41
42

Máu Để phát hiện sự phơi nhiễm với hầu hết kim loại, các nguyên tố vi
5 - 10 ml
lượng, chotinesterase, thuốc trừ sâu và glycol ethylene, giúp đánh
giá hình thái hồng cầu và bạch cầu,
Huyết 5 - 10 ml Xác định chất điện giải, nitơ urê, nitơ ammoniac và chức năng các
thanh cơ quan của cơ thể; các kim loại, thuốc thú y và vitamin.
Nước tiểu 50 ml Phát hiện ancaloit, kim loại, chất điện phân, kháng sinh, thuốc,
sulfonamides và oxalates.
Phân 250 g Phát hiện các chất độc qua đường miệng, các loại thuốc, chất độc
được bài tiết trước tiên qua mật.
Chất nôn 250 g Phát hiện tất cả các loại chất độc đã hấp thụ, đặc biệt là những chất
độc không thể tìm thấy trong mô (phospho hữu cơ, ionophores).
Tóc 5 - 10 g Phát hiện sự phơi nhiễm với các chất diệt côn trùng, sự tích luỹ
mạn tính một số kim loại (ví dụ asen, selen)
2. Sau khi bệnh súc bị chết
Gan 100 g Là nơi xảy ra các phản ứng chuyển hoá chính của cơ thể, nơi tích
luỹ các kim loại, các chất diệt côn trùng có hại, alkaloit, phenol và
một số mycotoxin: Túi mật được dùng để phát hiện ra các độc tố
tập trung trong mật (ví dụ như chì). Mẫu cần được bảo quản lạnh.
Thận 100 g Cơ quan bài tiết chính đối với các chất kháng sinh và các loại thuốc
khác, các chất độc đã qua chuyển hoá, alkaloit, chất diệt cỏ, một số
kim loại, hợp chất phenol, oxalate.
Chất chứa 500 g Xácđịnh các chất độc phơi nhiễm qua đường miệng trong thời gian
dạ dày gần nhất.
Chất chứa 500 g Xác định các chất độc phơi nhiễm qua đường miệng.
dạ cỏ Một số chất độc có thể bị thoái biến ở dạ cỏ (ví dụ như nitrate,
độc tố nấm).
Định lượng chất độc khó do có sự khác nhau về nồng độ và thiếu
sự tương quan giữa hàm lượng chất độc trong dạ cỏ với hàm lượng
chất độc trong mô. Mẫu lấy từ vài vị trí trong dạ cỏ và được bảo
quản lạnh.
Mỡ 250 g Phát hiện các chất độc tích luỹ trong mỡ (ví dụ chất diệt cỏ clo hữu
cơ, dioxin)
Dịch mắt Toàn bộ Phát hiện chất điện phân (ví dụ natri, canxi, kali, magiê) nitơ
mắt amoniac, nitrat, nitơ urê, hàm lượng kali và urê, sử dụng để dự
đoán thời điểm con vật bị chết.
Tách riêng thuỷ dịch và thuỷ tinh dịch.
Não Toàn bộ Phát hiện một số độc tố thần kinh (ví dụ thuốc trừ sâu clo hữu cơ,
não pyrethrin, natri, thuỷ ngân).
Tách riêng não theo mặt cắt dọc và tách nhân đuôi để phát hiện
cholinesterase. Nửa bán cầu não được bảo quản lạnh, 1/2 cố định
trong dung dịch đệm fomalin 10%.
Môi 2 Kg Nên lấy các mẫu đại diện và sau đó trộn lẫn thành một mẫu
trường hỗn hợp composite hoặc giữ lại các mẫu riêng lẻ (nhằm phát hiện
thức ăn nguy cơ khác nhau trong thứcăn).
Cỏ xanh, 5 kg Mẫu được từ nhiều vị trí trên đồng cỏ hay trong nhà kho.
thức ăn ủ Silage nên được xử lý lạnh để tránh bị mốc và hỏng.
chua

42
43

Mồi, bả Tất cả Toàn bộ số mồi, bả và nhãn mác bị nghi gây độc cần giữ lại để xét
nghiệm.
Nước 0,5 - 1lít Phát hiện nitrat, sulphat, kim loại, tảo và thuốc bảo vệ thực vật.
Trước khi lấy mẫu từ giếng hay bể chứa cần để nước chảy làm sạch
ống. Mẫu nước được lấy từ khu vực nghi phơi nhiễm với chất độc và
được giữ sạch đến khi phân tích.
Đất 1kg Mẫu đất được lấy từ độ sâu của rễ nếu thấy có hiện tượng ngộ độc
do cây cối. Mẫu đất lấy từ nhiều vị trí và có sự cố vấn của các nhà
khoa học về nông học và đất.

c. Bảo quản mẫu gửi xét nghiệm


Việc bảo quản mẫu, gửi xét nghiệm là rất cần thiết để có thể tiến hành phân tích một cách
đầy đủ. Các mẫu bệnh phẩm được gửi xét nghiệm kèm theo danh sách mẫu, các phát hiện
trong quá trình chẩn đoán, kết quả mổ khám… (bảng 2.3). Mẫu bệnh phẩm phải được giữ
sạch, không bị hư hỏng. Mỗi mẫu được đựng trong túi nhựa hoặc bình thủy tinh trong riêng
biệt, vô trùng. Các mẫu cần xét nghiệm thuốc trừ sâu, các hợp chất hữu cơ hàm lượng thấp
được đựng trong lọ thủy tinh tốt hơn là túi nhựa.
Việc bảo quản các mẫu bệnh phẩm là rất quan trọng. Hầu hết các mẫu cần được
làm lạnh trừ khi những phân tích cụ thể đòi hỏi cách xử lý khác. Làm lạnh mẫu nhằm
tránh cho các chất độc khỏi bị phân hủy, tránh được sự phát triển của vi khuẩn và nấm
mốc, ngăn không cho cho các tác nhân dễ bay hơi biến mất (ví dụ như amoni hay
cyanide). Tuy nhiên nhiệt độ lạnh có thể ức chế hoạt tính một số men trong các test nhạy
cảm, làm kết quả không chính xác. Vì vậy, nếu có nghi ngờ về biện pháp bảo quản cần sự
tư vấn từ phòng thí nghiệm độc chất học.
Huyết thanh cần được tách khỏi phần máu đông để kết quả phân tích không bị ảnh
hưởng bởi các thành phần khác trong máu.
Trong phân tích độc chất không chỉ xác định sự có mặt của chất độc mà còn phải xác
định liều lượng và mức độ gây độc của các chất độc này.
1.4. Chẩn đoán phân biệt
Để có thể can thiệp và xử lý kịp thời khi súc vật bị ngộ độc do các nguyên nhân khác
nhau, cần chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây độc và chẩn đoán phân biệt với những bệnh
khác. Bệnh do ngộ độc thường có những đặc điểm sau:
- Ngộ độc cấp: Súc vật ốm nặng đột ngột, ốm đồng loạt nhiều con, nguyên nhân không
rõ, khi đã loại trừ những nguyên nhân như cảm lạnh, bệnh truyền nhiễm... và thường bị chết.
- Bệnh không lây, mắc bệnh đồng loạt, triệu chứng và các biến đổi bệnh lý của các cơ
quan đều giống nhau, sau khi loại bỏ được nguyên nhân được nghi là gây độc thì bệnh ngừng
lan ngay.
- Xuất hiện các triệu chứng đường tiêu hóa (tiết nước bọt, nôn, ỉa chảy hoặc táo bón,
đau bụng, bỏ ăn...) và các triệu chứng thần kinh (hung hãn kích thích hoặc ủ rũ, co giật, run
cơ, vân động loạng choạng, liệt, hôn mê...).
- Nhiều trường hợp gây vàng da thường là do gan bị tổn thương (ngộ độc các chất
khoáng).
- Thân nhiệt bình thường hoặc thấp hơn, rất ít khi sốt.

43
44

Trong một số trường hợp ngộ độc, mùi đặc trưng của chất độc rất có ý nghĩa chẩn
đoán. Mùi trong hơi thở, hơi chọc từ dạ cỏ hoặc mùi từ chất nôn, nước tiểu... Ví dụ
Hexacloran: mùi mốc đặc trưng.
Nếu mổ khám sớm có thể phát hiện thấy mùi ở các cơ quan nội tạng như: dạ dày,
ruột, phổi..
Kiểm tra nơi xảy ra ngộ độc, thức ăn còn thừa, những thứ đã bỏ rác, các chất hóa học
gần với súc vật cũng giúp phát hiện được nguyên nhân gây ngộ độc
- Ngộ độc cần được phân biệt với các bệnh truyền nhiễm. Phân biệt được với bệnh
truyền nhiễm là không sốt.
- Các kết quả xét nghiệm về vi sinh vật, ký sinh trùng và độc chất học có giá trị quyết
định để chẩn đoán phân biệt với bệnh truyền nhiễm, ký sinh trùng.
- Các bệnh thiếu dinh dưỡng: không phát hiện thấy các chất độc, đồng thời phát hiện thấy
thiếu thành phần vitamin, khoáng trong thức ăn. Súc vật non thường hay mắc bệnh này. Bệnh thiếu
dinh dưỡng thường ở dạng mạn tính còn ngộ độc trong đa số các trường hợp là cấp tính.
- Khi phát hiện thấy chất độc trong phân, nước tiểu, máu... nhưng không xuất hiện các
triệu chứng ngộ độc, chưa thể chẩn đoán là ngộ độc. Chỉ khi cùng với sự có mặt của chất độc
trong các xét nghiệm là các triệu chứng lâm sàng đặc trưng mới xác định là ngộ độc bởi 1 loại
chất độc (ví dụ ngộ độc mạn tính chì, thủy ngân...).
2. Điều trị ngộ độc
Điều trị ngộ độc ở vật nuôi có thể thực hiện theo 3 nguyên tắc: (1) Điều trị nguyên
nhân (Etiologic). (2) Điều trị theo cơ chế sinh bệnh học (pathogenetic). (3) Điều trị triệu
chứng (symptomatic).
Khi súc vật bị ngộ độc cấp phải xử trí và triển khai cấp cứu chống độc càng sớm càng
tốt. Tránh cho súc vật tiếp tục tiếp xúc với nguồn gây độc băng cách di chuyển súc vật khỏi
nơi ô nhiễm. Ngừng ngay cho thức ăn hoặc nước uống nghi có độc. Chủ gia súc và những
người có thể bị ngộ độc khi chăm sóc bệnh súc (ví dụ khi súc vật bị ngộ độc do khí độc trong
chuồng nuôi hoặc da, lông súc vật bám các thuốc trừ sâu, thuốc diệt ngoại ký sinh trùng…).
Các phương pháp điều trị nhằm mục đích:
- Loại trừ chất độc ra khỏi cơ thể.
- Phá hủy hoặc trung hòa chất độc.
- Điều trị các rối loạn triệu chứng (giải quyết các hậu quả của ngộ độc).
Cần lưu ý là khi đã xuất hiện các dấu hiệu của ngộ độc gây ảnh hưởng đến các chức
năng sống của bệnh súc thì việc điều trị triệu chứng, nâng cao sức đề kháng của cơ thể là quan
trọng nhất và bao giờ cũng được áp dụng trước tiên (trước khi tiến hành các biện pháp loại
trừ hoặc thải trừ chất độc ra khỏi cơ thể).
2.1. Loại chất độc ra khỏi cơ thể
Việc loại chất độc khỏi cơ thể bằng nhiều biện pháp càng nhanh càng tốt nhằm giảm
tối đa sự hấp thu chất độc vàp máu, đồng thời tăng thải chất độc ra ngoài. Đối với súc vật bị
ngộ độc qua đường tiêu hóa, biện pháp này có hiệu quả nhất trong vòng 2 giờ đầu bị ngộ độc,
sau 4 giờ sẽ ít tác dụng.
a. Loại chất độc bám trên da, mắt

44
45

Làm sạch da, lông súc vật bằng nước ấm, xà phòng nếu chất độc bám vào da, lông.
Súc vật lông dài thì cắt bớt. Nếu chất độc bám vào mắt cần phun rửa mắt liên tục bằng nước
sạch hoặc nước muối sinh lý 0,9% từ 10 đến 15 phút. Chất độc là acid hay base cần duy trì
pH= 6,5 - 7,5 sau khi rửa mắt.
b. Loại chất độc qua đường tiêu hóa
* Gây nôn
Xử lý ngay vài phút sau khi súc vật ăn hoặc uống phải chất độc.
Chống chỉ định trong các trường hợp sau:
- Loài gậm nhấm, thỏ, ngựa và súc vật nhai lại hoặc không thể nôn sinh lý hoặc gây
nôn không an toàn và không hiệu quả.
- Bệnh súc bị hôn mê, bị động kinh, co giật có thể bị ngạt thở trong khi gây nôn.
- Bệnh súc bị ngộ độc xăng, dầu hoặc các chất độc bay hơi dễ bị viêm phổi nếu gây nôn.
Biện pháp gây nôn được thực hiện chủ yếu ở chó và lợn, có thể dùng các chất gây nôn sau:
- Siro ipeca: 1 - 2 ml/kg cho chó, mèo - 3 ml/kg. Nếu sau 15 - 20 phút thuốc không có
tác dụng thì dùng liều lặp lại. Nếu sử dụng cùng với than hoạt tính sẽ bị vô hoạt.
- Apomorphin: Tiêm cho chó liều 0,04 mg/kg i.v, i.m; 0,08 mg/kg s.c. Có thể bị nôn
quá mức hoặc triệu chứng ức chế thần kinh. Không dùng cho mèo.
- Nước oxy già 3% cho uống liều 2 - 5 ml/kg thể trọng. Dùng không quá 40 - 50ml/con.
- Xylazin: 1,1 mg/kg i.m có hiệu quả với mèo. Bệnh súc có thể bị ức chế hô hấp.
- Đối với lợn tiêm veratrin (hormotonon, lentin) 0,02 - 0,03 g/kg thể trọng.
- Lấy lòng trắng trứng hoà trong nước lạnh 2-3 quả/1lit, cho vật uống.
* Rửa dạ dày
Nếu không gây nôn được thì phải rửa dạ dày. Đây là biện háp hiệu quả nhất đối với
chất độc dạng lỏng và dạng bột dễ tan. Rửa dạ dày hiệu quả nhất trong 60 phút đầu, nếu chất
độc nhiều và là miéng to có thể trong 2 - 3 giờ đầu sau khi bị ngộ độc vẫ tốt. Khi rửa lấy 250 -
300 ml dịch rửa đầu tiên để phân tích xác định chất độc. Dung dịch để rửa dạ dày có thể là:
- Dung dịch Kali permanganat 1 - 2 %; là chất oxy hóa phản ứng dễ với các chất hữu cơ.
- Dung dịch Natri hydrocarbonat 5 ‰ (nếu ngộ độc bằng acid thì không dùng vì giải
phóng khí CO2 gây chướng bụng, thủng dạ dày).
- Dung dịch Magnesium oxyd hoặc Magnesium hydroxyd để trung hòa acid dùng
nồng độ 2,5 % (tính cho MgO).
- Huyết thanh mặn đẳng trương: dùng cho mọi trường hợp,
- Rửa dạ dày (ngựa) bằng nước có than hoạt tính 3%, tanin 1% (trong trường hợp ngộ
độc alcaloid).
Những bệnh súc bị ngộ độc acid hoặc base mạnh, strychnin, uống phải chất dầu hoặc
hôn mê sâu thì không rửa dạ dày.
* Hấp phụ chất độc trong dạ dày, ruột

45
46

Than hoạt hấp phụ các chất độc, giảm thiểu tác dụng độc hại. Hấp thụ hầu hết các chất
độc, thuốc, thực ăn có trong dạ dày, ruột non. Có hiệu quả nhất với các phân tử lớn, không
phân cực. Một số chất hấp thụ kém với than hoạt, đó là: sắt, lithium, kali, cyanide, acid muối
và rượu.
Chống chỉ định: Không dùng cho bệnh súc hôn mê, co giật trừ khi có điều kiện đã
được đặt ống nội khí quản và cho thuốc chống co giật.
Liều lượng than hoạt tính: 2 - 5 g/kg thể trọng hòa trong nước theo tỷ lệ 2g/5ml nước.
Theo tài liệu của Nikov: ĐGS: 400 - 700 g, TGS: 30 - 80g/con.
+ Các chất nhuận tràng:
Các chất này kích thích nhu động ruột, thải những chất chưa bị hấp phụ hết bởi than
hoạt, giảm hấp thu chất độc trong ruột và ngăn bị táo bón do than hoạt.
- Magie sulfat và natri sulfat: liều lượng 250 mg/kg pha dung dịch 6 - 10%. Tác dụng
sẽ nhanh hơn nếu cho cùng một lượng nước lớn - dung dịch.
- Sorbitol 70%: Liều lượng 3 ml/kg per. ose.
- Lợn, chó, mèo dùng chất tẩy dầu như dầu thầu dầu, tuy nhiên các chất tẩy dầu chống
chỉ định khi ngộ độc các chất phosphor, santonin, DDT, phosphor hữu cơ hoặc những chất
độc tan trong dầu.
+ Thụt trực tràng:
Nên kết hợp thụt trực tràng với rửa dạ dày, thường dùng dung dịch NaCl 9‰ 1 - 2
lít/giờ.
* Mở dạ dày hoặc mở dạ cỏ bằng phẫu thuật
Trong trường hợp không can thiệp được bằng các biện pháp khác như gây nôn, rửa dạ
dày, hấp phụ bằng than hoạt... có thể mở dạ dày hoặc dạ cỏ bằng phẫu thuật. Ví dụ: súc vật
nuốt phải thỏi kim loại đặc biệt là kim loại nặng hoặc nhựa đường, hắc ín, dầu công nghiệp...
c. Thải chất độc qua đường khác
* Qua đường hô hấp
Một số chất độc ở thể khí hoặc dễ bay hơi có thể loại nhanh chóng ra khỏi cơ thể bằng
đường hô hấp. Để con bệnh nằm ở nơi thoáng, mát (trừ trường hợp ngộ độc những chất gây
phù phổi: phosgen, clo, SO2...). Có điều kiện dùng máy trợ hô hấp nồng độ oxy 50 %.
* Qua đường thận
+ Để thải nhanh chất độc ra khỏi cơ thể dùng các chất lợi tiểu, chất gây toát mồ hôi
như liqmor kali acetic, diuretin..., dùng pilocarpin ở trạng thái tim phổi bình thường.
- Truyền nhiều dịch, có thể cho dung dịch đường ưu trương, thuốc lợi niệu (nếu không
bị bệnh thận). Chú ý là khi đái nhiều có thể mất chất điện giải Na+, K+, Cl-...
- Một số chất độc có tính acid yếu thường đào thải nhanh trong môi trường kiềm
(barbiturat) hoặc giảm tác dụng ở môi trường kiềm (phosphor hữu cơ); thường đưa dung dịch
kiềm vào cơ thể bệnh súc nhưng cần theo dõi pH của máu không để vượt quá 7,6 vì nếu kiềm
quá sẽ ức chế hô hấp. Một số chất độc giảm tác dụng trong môi trường acid nhưng trong lâm
sàng giảm pH của máu dễ gây biến chứng nên ít áp dụng để điều trị.
- Trong nhân y dùng phương pháp lọc máu bằng thận nhân tạo. Phương pháp này
nhanh hơn nhưng rất tốn kém.

46
47

* Pha loãng máu


Nếu chất độc đã hấp thu vào trong máu, cần tiến hành các biện pháp làm loãng, trung
hòa và đào thải nhanh chất độc.
Chất độc có thể được pha loãng bằng cách: thải bớt máu (chích máu) ĐGS: 1l
máu/100kg thể trọng. Sau đó truyền dung dịch nước muối sinh lý hoặc glucose hoặc cho súc
vật uống một lượng nước lớn qua ống thông thực quản. Thải bớt máu có chất độc là biện pháp
hiệu quả nhất ở giai đoạn sớm của ngộ độc đặc biệt khi có các triệu chứng thần kinh, tim
mạch và tích nước phổi. Chống chỉ định khi trụy tim mạch (niêm mạc nhợt nhạt, mạch nhỏ,
nhanh, huyết áp thấp). Ví dụ nhiễm độc barbiturat, các chất phá vỡ hồng cầu, như hydro
arsenid hoặc chất độc làm biến đổi hemoglobin (tạo hemoglobin).
Trong mọi trường hợp dùng nước đường ưu trương, có ảnh hưởng tốt đến trao đổi
chất, đến cơ tim, kích thích glycogenase và chức năng giải độc của gan, khả năng kháng độc
của cơ thể càng cao nếu dự trữ glycogen càng cao.
+ Sử dụng vitamin trong một số trường hợp ngộ độc:
B comflex trong tổn thương thần kinh do ngộ độc.
Vitamin K trong tổn thương gan. Vitamin P trong ngộ độc có tổn thương thành mạch
và tăng tính thấm thành mạch (asen, bensol).
Trong hầu hết các trường hợp ngộ độc có nguồn gốc khoáng và các chất tổng hợp, cần
thiết bổ sung vitamin đặc biệt vitamin C và B, tiêm tĩnh mạch kết hợp với glucose.
2.2. Phá hủy hoặc trung hòa chất độc bằng các chất kháng độc
a. Nguyên lý trong điều trị đối kháng
* Định nghĩa chất kháng độc: Chất kháng độc (chất đối kháng-antidot) là những chất
có tác dụng đặc biệt, đối lập với tác dụng của một chất độc.
* Nguyên lý trong điều trị đối kháng
Chất đối kháng thường được sử dụng khi súc vật bị phơi nhiễm với chất độc và có
biểu hiện ngộ độc trên lâm sàng.
+ Lựa chọn chất đối kháng và liều lượng dựa trên:
- Liều lượng được xác định dựa trên liều đã sử dụng cho động vật thí nghiệm hoặc
kinh nghiệm của nhân y.
- Thời gian tác dụng của chất đối kháng sẽ khác nhau phụ thuộc vào thời gian tác dụng
của chất độc.
- Một số chất đối kháng có thể gây độc nếu dùng quá liều hoặc thời gian điều trị quá
kéo dài.
- Hiệu quả điều trị sẽ ngược lại nếu dùng chất đối kháng trong trường hợp không phát
hiện đúng chất gây độc. Vì vậy chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây độc là bước rất quan
trọng để dùng chất đối kháng trong giải độc.
+ Hiệu quả điều trị đối kháng bị hạn chế do:
- Chưa thực hiện sự khử độc (decontamination) ở súc vật bị ngộ độc.
- Liên quan đến loài giống, lứa tuổi súc vật.

47
48

b. Các chất kháng độc (chất đối kháng-antidot) - Cơ chế giải độc
* Các chất đối kháng hóa học
Các chất đối kháng hóa học thường tương tác với chất độc hoặc trung hòa chất độc.
+ Chất đối kháng liên kết với chất độc tạo thành phức hợp không qua được màng tế
bào hoặc làm cho chất độc không gắn được với thụ thể đặc hiệu nữa. Ví dụ:
- Acid dimercaprol và acid dimercaptosuccinic là các hợp chất sulfhydryl liên kết với
kim loại nặng như asen, chì làm chúng không được gắn với thụ thể của chúng.
- Chất càng cua EDTA, deferoxamin, D - penicillamin tạo chelat với kim loại nặng,
tạo thành phức hợp dễ tan trong nước, dễ thải trừ qua nước tiểu.
- Antivenin chống nọc rắn và kháng thể chống digitoxin là các tác nhân miễn dịch gắn
đặc hiệu với nọc độc hoặc độc tố.
+ Chất đối kháng thông qua chuyển hóa:
Một số chất đối kháng tham gia chuyển hóa chất độc thành các sản phẩm ít độc hơn.
Ví dụ:
- Nitrit kết hợp với hemoglobin và cyanid tạo thành cyanmethemoglobin ít độc hơn
cyanid, giải phóng cytocrom oxydase trở lại hoạt động cứu con vật khỏi bị ngạt nội hô hấp.
Dùng khi giải độc các glucozid chứa xit cyanhydric.
- Thiosulfate có nhóm sulfate liên kết với cyanid tạo thành thiocyanate để dễ thải qua
nước tiểu.
* Các chất đối kháng dược lý
Các chất đối kháng này có tác dụng trung hòa hoặc đối lập với tác dụng của chất độc
thông qua các cơ chế:
+ Ngăn chặn quá trình chuyển hóa chất độc thành các sản phẩm độc hơn
Ví dụ: Ethanol và 4 - methylpyrazole (4 - MP) cạnh tranh với alcohol dehydrogenase
ngăn cản sự tạo thành chất trung gian độc hại từ ethylen glycol.
+Làm tăng đào thải chất độc.
Các chất đối kháng trong nhóm này làm thay đổi bản chất lý hóa của chất độc, dẫn đến
làm tăng lọc chất độc qua tiểu cầu thận và giảm tái hấp thu ở ống thận.
Ví dụ: mobibden và sulfate kết hợp với đồng tạo phức hợp dễ tan trong nước và dễ
đào thải qua nước tiểu.
+ Chất đối kháng cạnh tranh thụ thể với chất độc.
Cơ chế tác dụng trong trường hợp này là đối kháng cạnh tranh.
Ví dụ: Naloxon phong bế tác dụng của các opioid thông qua cạnh tranh thụ thể với các
chất độc này.
+ Chất đối kháng phong bế thụ thể của chất độc.
Ví dụ: Atropin phong bế tác dụng của acetylcholin tại synap thần kinh và ở đầu nối
thần kinh - cơ.
+ Chất đối kháng hồi phục chức năng bình thường của cơ thể bị ngộ độc:

48
49

Ví dụ: Trong trường hợp bị ngộ độc nitrit, chất đối kháng là xanh methylen kết hợp
với NADPH (Reduce Nicotinamid Adenin Dinucleotid) để khử ion Fe3+ của methaemoglobin
thành ion Fe2+ của haemoglobin, tham gia vận chuyển oxy.
c. Các chất kháng độc thường dùng trong thú y
Acetylcystein: điều trị ngộ độc acetaminophen. Liều cho uống: 140 mg/kg, 70 mg/kg 6
giờ cho một lần, không quá 7 lần. Tương kỵ với amphotericin B, tetracyclin, erythromycin,
ampicillin, nước oxy già.
Amonium molybdat: điều trị ngộ độc đồng ở cừu. Liều cho uống 200 mg/ngày, cho 3
tuần. Nếu ngộ độc cấp tiêm tĩnh mạch 1,7 - 3,4 mg/ngày, tiêm 3 lần cách nhật.
Antivenin: điều trị ngộ độc độc tố nọc rắn, tiêm tĩnh mạch 1 ống, tiêm 1 lần.
Atropin sulfat: điều trị ngộ độc các chất ức chế men cholinesterase (anticholinesterase).
Liều lượng 2 mg/kg: tiêm tĩnh mạch 1/4 liều, tiêm dưới da 3/4 liều. Tương kỵ với thuốc tiêm natri
bicarbonat.
Calci dinatri EDTA (Calci dinatri Ethylen Diamin Tetraacetic Acid): là chất gắp kim
loại nặng, dùng điều trị ngộ độc chì, kẽm. Liều lượng 110 mg/kg/ngày, chia 3 - 4 liều/ngày,
liều đầu tiêm tĩnh mạch, 3 liều sau tiêm dưới da, không dùng quá 5 ngày. Trong nhân y có
dạng ống 500 mg, pha 1 - 2 ống trong dung dịch glucose 30 - 50%, tiêm tĩnh mạch nhiều lần.
Theo Holm và cộng sự, tiêm tĩnh mạch cho ngựa 66 mg/kg. Theo Radeleff: 110 mg/kg cho
bò. (Trích theo Phạm Khắc Hiếu).
Dimercaprol (BAL - British Anti –Lewisite): là chất gắp kim loại nặng, điều trị ngộ độc
asen, thủy ngân, chì và vàng. Liều tiêm bắp trước khi xuất hiện triệu chứng 3 mg/kg, 8 giờ tiêm 1
lần, khi đã có triệu chứng ngộ độc tiêm 6 mg/kg 8 giờ 1 lần, tiêm 3 - 5 ngày. Cần theo dõi chức
năng thận trong quá trình điều trị.
D-Penicillamin: điều trị ngộ độc chì, liều cho uống 110 mg/kg cho 1 - 2 tuần. Khám
lại bệnh súc 1 tuần sau đợt điều trị đầu tiên. Liều điều trị ngộ độc đồng ở chó là 10 - 15 mg/kg
cho uống 2 lần trong ngày, cho hàng ngày.
Ethanol 20%: điều trị ngộ độc ethylen glycol. Tiêm tĩnh mạch cho chó 5,5 ml/kg tiêm 5
lần cách nhau 4 giờ, sau đó tiêm tiếp 4 lần cánh 6giờ. Đối với mèo: 5 ml/kg i.v. 5 lần cách 6 gờ,
rồi 4 lần cách 8 giờ.
Natri nitrit: điều trị ngộ độc cyanid. Liều tiêm tĩnh mạch 22 mg/kg. Có thể dùng natri
thiosulfat 660 mg/kg i.v.
Nước lòng trắng trứng: (hòa tan 6 lòng trắng trứng vào thành 1 lít, có thể thêm chất
thơm cho dễ uống) tạo với kim loại nặng albuminat không tan.Pralidoxim chlorid (2 - PAM):
điều trị ngộ độc thuốc trừ sâu phospho hữu cơ, tiêm tĩnh mạch hoặc dưới da liều 10 - 15 mg/kg 2 -
3 lần/ngày đến khi khỏi.
Tanin: làm kết tủa alcaloid, glycosid trong các cây độc thành những chất khó tan, khó
hấp thu, dễ đào thải theo phân. Liều cho uống: 5 - 15 g (ngựa), 10 - 25 g (trâu bò), 2 - 5g (bê,
nghé, ngựa non, dê, cừu), 1 - 2 g với lợn, chó 0,1 - 0,5 g.
Vitamin C (acid ascorbic): điều trị ngộ độc đồng ở chó. Liều cho uống hàng ngày 500 -
1000 mg/con. Chống methemoglobinemia ở mèo, liều cho uống 30 mg/kg, 4 lần/ngày.
Vitamin K: điều trị ngộ độc các chất chống đông máu coumarin và indanedion. Liều
cho uống hoặc tiêm dưới da 2 - 5 mg/ngày chia 2 lần, sau đó cho uống 2 - 3 mg/kg/ngày chia
3 lần tiêm 1 tuần.

49
50

Xanh methylen 1 %: Điều trị ngộ độc nitrat, nitrit hoặc chlorat cho nhiều loài gia súc, gia
cầm. Liều tiêm tĩnh mạch 4 - 15 mg/kg; có thể tiêm nhắc lại sau 6 - 8 giờ. Gây methemoglobinemia
hoặc thể Heinz ở mèo. Tương kỵ với chất kiềm, các chất oxy hóa khử.
2.3. Hối sức cấp cứu và điều trị triệu chứng
Trong điều trị ngộ độc cấp, một mặt vì chưa biết ngay chất độc nào (đang chờ kết quả
phân tích), mặt khác chất chống độc không nhiều, con bệnh có thể bị chết vì rối loạn các chức
phận. Vì vậy hồi sức cấp cứu và điều trị triệu chứng có vai trò rất quan trọng. Sau đây là
những hội chứng chính do ngộ độc cần được can thiệp cấp cứu và điều trị kịp thời:
a. Điều trị suy hô hấp
Đặt ống nội khí quản, hỗ trợ hô hấp, cho thở oxy hoặc carbogen khi bệnh súc bị khó
thở, ngạt thở. Trường hợp ngộ độc Clo, Brom, phosgen, SO2... không làm hô hấp nhân tạo.
Nếu bị ngạt do tê liệt men phải dùng xanhmethylen hoặc glutation, chúng sẽ phản ứng với
nước và cung cấp oxy cho cơ thể:
Sau khi làm hô hấp nhân tạo có thể dùng thuốc kích thích hô hấp:
- Ephedrin: tiêm bắp 1- 2 ml dung dịch 3%.
- Amphetamin: tiêm tĩnh mạch 0,01- 0,02 g.
- Theophylin hòa tan: tiêm tĩnh mạch hoặc dưới da 0,25 g ừ 3 lần/24h.
- Lobelin dung dịch 1 % tiêm tĩnh mạch tối đa 0,1 g/ngày.
- Doxapram 1 - 10 mg/kg tiêm tĩnh mạch. Quá liều gây động kinh hoặc bệnh súc rơi
vào trạng thái hôn mê.
b. Điều trị rối loạn nhịp tim
Atropin sulfat, tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp 0,01 - 02 mg/kg khi ngộ độc hợp chất
phospho hữu cơ, digitalis.
Glycopyrrolat tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp 0,005 - 0,01 mg/kg khi ngộ độc carbamat,
phenothiazin,
c. Chống shock
Nguyên nhân shock là do nôn mửa, ỉa chảy, xuất huyết dẫn đến giảm thể tích máu,
giảm cung lượng tim đột ngột do rối loạn nhịp tim: truyền tĩnh mạch dung dịch ringer lactat
hoặc chất thay thế huyết tương.
d. Điều trị triệu chứng thần kinh
Thường là hôn mê hoặc động kinh, co giật. Để giảm co giật tiêm tĩnh mạch diazepam
0,5 mg/kg , tiêm nhắc lại sau 10 - 20 phút. Có thể dùng phenobarbital 6 mg/kg i.v.
Điều trị hôn mê, ức chế thần kinh bằng doxapram, camphora, cafein.
e/ Chống rối loạn nước, điện giải và toan kiềm
Chống mất nước và chất điện giải bằng cách truyền dung dịch glucose 5 % và dung
dịch NaCl. Trường hợp ứ nước (giảm protid máu và Na+ trong huyết tương) thì không dùng
dung dịch NaCl, dùng đơn thuần glucose.
Điều chỉnh toan kiềm bằng các thuốc sau:

50
51

- Nếu thừa kiềm dùng thuốc lợi liệu nhóm Fonurit như acetazolamid thải kiềm ra nước
tiểu, hoặc bù toan bằng cách truyền dung dịch NH4Cl 8,3‰.
- Nếu toan huyết thì truyền dung dịch NaHCO3 15‰.
f. Chống biến chứng máu
- Ngộ độc nitrit tạo methemoglobin dùng xanhmethylen, tiêm tĩnh mạch 4 - 50 ml
dung dịch 1%.
- Ngộ độc làm máu chậm đông thì truyền tiểu cầu hoặc máu tươi; cho thêm thuốc
nhóm corticoid (ví dụ tiêm tĩnh mạch depersolon).
- Trường hợp tan huyết chủ yếu điều trị bằng truyền máu.
Tóm lại việc cấp cứu ngộ độc nặng là phải điều trị toàn diện bằng hô hấp, tuần hoàn,
thần kinh... đồng thời áp dụng các thuốc giải độc đặc hiệu.
Câu hỏi ôn tập
1. Trình bày các bước chẩn đoán ngộ độc ở vật nuôi?
2. Các nguyên tắc lấy mẫu và bảo quản mẫu cho xét nghiệm chuẩn đoán ngộ độc?
3. Chuẩn đoán phân biệt bệnh do ngộ độc với các bệnh khác?
4. Giải thích các biện pháp phòng và điều trị ngộ độc ở vật nuôi?
5. Nêu khái niệm chất kháng độc, cơ chế kháng độc và cho ví dụ
phần b : độc chất học chuyên khoa

Chương III

Các chất độc vô cơ

Nội dung chính của chương: Giới thiệu về nguyên nhân, độc tính, cơ chế gây độc cũng
như những triệu chứng, bệnh tích điểu hình đặc trưng của từng kim loại nặng trên từng loại
vật nuôi. Trên cơ sở đó đưa ra các biện pháp phòng trị kịp thời, phù hợp với từng loại chất
độc khi động vật bị ngộ độc kim loại nặng và các chất độc vô cơ khác có lẫn trong môi
trường, thức ăn, nước uống hay dùng thuốc quá liều.
Các kim loại được giới thiệu trong chương bao gồm: Asen, Bari, Cadimi, Chì, Đồng...
1. Đại cương
Chất độc vô cơ có khá nhiều, trong số đó nhiều nguyên tố vô cơ là chất nguy
hiểm, gây độc cho môi trường nhưng lại là các nguyên tố vi lượng cần thiết cho sự sinh
trưởng và phát triển bình thường của sinh vật trên trái đất: cây trồng, động vật nuôi nông
nghiệp và cả con người.
Để thấy rõ mặt tích cực cũng như tiêu cực của các kim loại nặng, nhằm nâng cao hiệu
quả sử dụng, đồng thời giảm bớt thiệt hại, Schwart đã dùng cụm từ "cửa sổ nồng độ -
concentration window" để vạch ra giới hạn nhân tạo giữa 3 mức khác nhau.
- Mức vi lượng cần thiết nhằm duy trì, đảm bảo sự sống.
- Mức nhỏ hơn vi lượng cần thiết (thiếu hụt) gây các rối loạn chuyển hóa cho cơ thể.

51
52

- Mức cao hơn vi lượng cần thiết - nhiễm độc, gây tác dụng phụ.
Như chúng ta đã biết, ngay cả những nguyên tố rất độc như asen, chì, cadimi cũng đòi
hỏi một mức vi lượng cần để duy trì và phát triển cơ thể sống.
1.1. Nguyên nhân gây ô nhiễm kim loại nặng
Nguyên liệu dùng trong chế biến phân bón cho cây trồng, thức ăn chăn nuôi công nghiệp.
Các hộp kim loại dùng trong bảo quản và chứa đựng thức ăn đồ hộp: dùng hộp chì,
thiếc đựng thức ăn, nếu trong đó là các sản phẩm của động vật có lẫn khí H2S sẽ hình thành
chì sulphur mầu đen gây độc.
Kim loại lẫn vào thức ăn trong quá trình chế biến: nấu, nướng, chứa đựng, bảo quản...
Do ô nhiễm môi trường, các nhà náy hóa chất thải kim loại độc hại vào môi trường.
Thông qua trao đổi chất, cây trồng, động vật nuôi hấp thụ làm cho mức kim loại độc hại có
trong sản phẩm cao, gây ngộ độc cho người, động vật tiếp theo.
1.2. Tác hại của các kim loại nặng
Gây ngộ độc cấp tính như asen đễ gây chết động vật
Gây ngộ độc mãn tính hay tích lũy như chì dùng trong bảo quản đồ hộp, thủy ngân...
Trong bảo quản thức ăn dễ làm hư hỏng, giảm giá trị dinh dưỡng của thực phẩm như
chỉ cần một lượng nhỏ muối kim loại cũng đủ để phân hủy các vitamin C và B1...
2. Ngộ độc các chất độc vô cơ
2.1. Ngộ độc kim loại nặng
a. Asen (As)
* Nguyên nhân gây ngộ độc
Asen kim loại là chất có mầu xám, ra ngoài không khí bị oxy hóa thành asen tryoxit
As2O3 rất độc gọi là thạch tin. Đốt cháy có mùi tỏi. Asen được phân bố rộng khắp thiên nhiên,
thức ăn, nước uống, trong cơ thể động vật, thực vật, nhất là các loài nhuyễn thể. Liều thấp nó
được coi là nguyên tố vi lượng dùng kích thích tiêu hóa, tăng tích lũy, lông mượt, da bóng,
tăng trọng nhanh, cơ xương phát triển...
Asen liều cao rất độc, nó được đưa vào cơ thể động vật thông qua các đường sau:
- Rau, cỏ, sản phẩm nông nghiệp bị nhiễm độc thuốc bảo vệ thực vật như: đồng asenat,
chì và canxi asenat... trị nấm, côn trùng nông nghiệp.
- Các chất kích thích tăng trọng có bổ sung thêm nguyên tố vi lượng trong thức ăn
công nghiệp của thú nuôi.
- Các a xit kakodylic, kakodylat - hợp chất hữu cơ của asen có hóa trị 3 hay 5 dùng trong y
học, thú y để phòng, trị bệnh giang mai, sốt rét định kỳ, lỵ amip, ký sinh trùng đường máu...
- Sử dụng nước ngầm ở vùng đất bị nhiễm asennic thiếu sự quan tâm kiểm tra.
Nguyên nhân gây ngộ độc cấp tính
Ngộ độc cấp tính asen do uống nhầm thuốc, dùng thuốc quá liều (tiêm tĩnh mạch các
hợp chất hữu cơ của asen trị ký sinh trùng đường máu), do đầu độc, thức ăn bị nhiễm asenic...
Nguyên nhân gây ngộ độc trường diễn:

52
53

Trên lâm sàng ta hay gặp hiện tượng ngộ độc trường diễu do tích lũy asen từ cỏ, rau
xanh, các sản phẩm nông nghiệp... Con vật có biểu hiên triêu chứng kém ăn, tiêu chảy, gầy
còm, rụng lông, da khô hay có thể bị eczema.
Dùng thuốc chứa các dẫn xuất của asen trị bệnh trong thời gian dài hay gặp ở chó
nhập ngoại, trâu, bò ngựa bị ký sinh trùng đường máu
Động vật ăn thức ăn xanh: cỏ, củ, rau quả... chứa nhiều dư lượng thuốc trừ sâu. Cỏ mọc ở
vùng đất bị nhiễm asen nặng. Ăn cỏ quanh nhà máy sản xuất, chế biến các hợp chất của asen...
ở người, ngộ độc trường diễn do tích lũy asen là kết quả bệnh nghề nghiệp bị nhiễm
asen từ quá trình chế biến công nghiệp.
Hiên nay với người, nhà nước đã có qui định hàm lượng asen tồn dư cho phép trong
củ, quả, rau xanh tối đa 1,4 ppm.
Các hóa chất dùng trong công nghệ chế biến thực phẩm không được phép nhiều hơn
3ppm. Nếu như các nhà sản xuất, chế biến thực phẩm thực hiện nghiêm ngặt qui định trên của
nhà nước, lượng asen hàng ngày người nhận được từ 0,025 - 0,033 mg/kg thể trọng. Liều tối
đa asen có thể nhận được hàng ngày ở người 0,05 mg/kg thể trọng. Tiêu chuẩn châu âu
(1999/29/E.C ngày 29/4/1999) cho phép hàm lượng asen có trong thức ăn hỗn hợp của mọi
loại động vật trừ thủy sản là 2 mg/kg.
* Độc tính: Liều LD 50 của natri aseniat cho uống là 42 mg/kg, còn dạng trioxid asenic
là 385 mg/kg. Liều gây độc của trioxid asenic gấp 3 - 10 lần so với natri aseniat. LD 50 khi
tiêm bắp cho chuột natri aseniat là10 - 12 mg/kg; gia cầm cho ăn 0,01 - 0,1 g; lợn, chó 0,05 -
0,1 g; dê 0,2 - 0,5 g; trâu, bò, ngựa 1,0 - 4,0 g/con. Liều độc và liều gây chết của asen cách
nhau tương đối xa trên cùng loài vật tùy theo dạng asen vô cơ hay hữu cơ.
Bảng 3.1: Liều gây chết của asen vô cơ (As2O3 ) trên động vật
Liều gam/con
Loại động vật
Uống Bôi vết thương
Ngựa 10,0 - 15,0 2,0
Đại gia súc có sừng 15,0 - 20,0 2,0
Tiểu gia súc có sừng 5,0 - 10,0 0,2
Lợn 0,5 - 1,0 0,2
chó 0,1 - 0,2 0,02

Với người liều 0,06 gam đã có biểu hiện độc, liều 0,15 gam/người sẽ bị chết
Thực tế asen được hấp thu qua da, vết thương thấp hơn nhiều so với qua đường tiêu
hoá. Nhưng nồng độ gây trúng độc do lượng asen hấp thu qua da và vết thương lại xuất hiện
sớm và thấp hơn nhiều so với liều qua đường tiêu hoá khoảng từ 10 - 15 lần.
* Động học
Các chế phẩm của asen đều tan trong nước, lipid, nên dễ hấp thu qua ống tiêu hóa,
tập trung nhiều trong gan, thận. Khi bị trúng độc, triệu chứng đầu tiên hay gặp là các biểu
hiện bệnh lý trên đường tiêu hóa, gan và thận. Asen còn được tích lũy nhiều trong xương
và các tổ chức đã hóa sừng: lông, móng, sừng... Da bị tổn thương và niêm mạc đường hô

53
54

hấp cũng hấp thu được asen. Phần lớn được thải trừ qua mật, phần còn lại thải qua thận,
phổi, sữa và tuyến mồ hôi.
* Cơ chế
Hiện nay vẫn chưa xác định rõ được cơ chế tác dụng của asen. Khi vào cơ thể tùy
dạng bào chế, tùy cơ địa, asen có thể chuyển từ hóa trị 3 sang hóa trị 5 và ngược lại. Do vậy
tác dụng của asen có lúc là khử oxy, có lúc lại oxy hóa. Liều ít, asen lại thúc đẩy hoạt động
của men trong tế bào.
Trong cơ thể nó kết hợp với nhóm - SH của men oxy hóa nên giảm quá trình đồng
hóa. Khi asen có hóa trị 3 dễ kết hợp với cystein tạo phức tác dụng như chất xúc tác quá trình
oxy hóa mạnh hơn cystein, với liều cao, quá trình này lại bị ức chế.
Asen làm giãn mao quản, nhất là vùng đầu và ruột, nên sẽ cải thiện được tuần hoàn,
tăng sự hấp thu. Liều cao gây liệt mạch quản, nôn, tiêu chảy ra máu, viêm, hoại tử ruột. Asen
rất độc với hệ mao mạch do làm liệt thần kinh vận mạch và tác dụng trực tiếp đến cơ trơn của
thành mao mạch. Ngoài mao mạch đường tiêu hóa, mao mạch thận (quản cầu, ống thận đều
bi giãn) cũng bị phá hủy, tổn thương. Vật bị tụt huyết áp rất nhanh, đặc biệt trên chó.
Với hệ thần kinh, asen có tác dụng ức chế thần kinh. Nếu nhiễm độc kéo dài gây viêm
thần kinh và tủy sống.
Trên hệ tuần hoàn do hệ thống tạo máu bị phá hủy dẫn đến thiếu máu, giảm bạch cầu.
* Triệu chứng: Ngộ độc asen thường ở 2 dạng:
* Dạng cấp tính: Ngộ độc asen thường ở 2 dạng:Tùy liều lượng, tủy loại vật mà các biểu
hiện trúng độc sau 30 phút hay hàng ngày. Nếu tiêm tĩnh mạch nhầm thuốc, quá liều vật suy yếu,
tim nhanh, mạch yếu, thở hổn hển, đồng tử rãn, chết rất nhanh trong vòng 1 - 10 giờ.
Với chó triệu chứng xuất hiện sau 2 - 3giờ, trâu bò có thể 20 - 30 giờ. Động vật chảy
nước dãi, nước bọt, nước mũi nhiều, khó nuốt, khát nước, nôn ọe (chó, mèo, lợn). Sau đó
đau bụng dữ dội, nôn ra máu, nặng có thể nôn ra máu tươi, tiêu chảy phân màu cà phê dữ
dội, có khi ra máu tươi. Động vật khát nước, suy kiệt do mất nước và điện giải, tụt huyết áp,
hôn mê sau liệt mà chết khoảng 1 - 5 ngày. Bệnh nặng có thể chết đột ngột do trụy tim
mạch, tụt nhiệt độ.
* Dạng mạn tính: Triệu chứng toàn thân: do mao quản dưới da bị tổn thương dẫn đến
các bệnh lý trên da eczema, rụng lông, hoàng đản... Động vật chán ăn, tiêu chảy phân lẫn máu
do bị viêm dạ dày ruột. Động vật bị suy dinh dưỡng, thiếu máu, xác gầy còm, sau bị tê liệt,
viêm khớp. Con cái có thể bị xẩy thai.
* Bệnh tích
Bệnh tích đường tiêu hóa ở thể cấp tính rất rõ: mạch máu dãn to, viêm dạ dày - ruột nặng;
gan, thận xưng to, xuất huyết lấm tấm. Với gia cầm bị viêm, xuất huyết dạ dày cơ, dạ dày tuyến.
Dạng mạn tính: xác gầy, lông sơ xác, phù thũng dưới da, niêm mạc miệng vàng do bị
hoàng đản. Gan, thận bị thoái hóa. Niêm mạc đường tiêu hóa bị viêm, phu thũng, nhất là dạ
dày và ruột non. Vật thiếu máu đẳng sắc, giảm bạch cầu hạt.
* Điều trị
Thể cấp, trước tiên gây nôn để tống hết thức ăn có chất độc ra ngoài (với dạ dày đơn:
chó, mèo, lợn). Sau đó cho uống than hoạt, đất sét trắng (cao lanh) để hấp phụ asen. Hay rửa
dạ dày với nước lòng trắng trứng. Trung hòa chất độc bằng cách cho uống dung dịch
magieoxit, natri thiosulphats. Nếu vật không bị tiêu chẩy cho uống thuốc tẩy magiesulphát

54
55

hay natrisulphat. Cũng có thể dùng dung dịch natri thiosulphat 10 - 20% truyền tĩnh mạch.
Liều cho đại gia súc 8 - 10 gam/con.
Với lượng asen đã hấp thu vào máu, giải độc bằng cách tiêm dimercaprolum liều 3
mg/kg; cứ 4 giờ lại tiêm nhắc lại. Bổ sung chất điện giải, năng lượng glucoza qua tĩnh mạch kết
hợp dùng thuốc lợi niệu.
Thể mạn tính với gia súc, điều trị không kinh tế. Trường hợp cần thiết tiêm
dimercaprolum hay natri thiosulphat liều như trên kết hợp dùng thuốc tăng cường công năng
gan và giải độc thận.
b. Bari (Ba)
* Nguyên nhân
Bari là kim loại độc thuốc nhóm kiềm thổ. Đa số các muối của bari đều độc nhất là
bari phóng xạ Ba140, trừ barisulphats không tan trong nước và môi trường a cid nhẹ nên
không độc.
Các muối của bari dùng trong thuốc trừ sâu - bari florosilicat; diệt chuột - bari carbonat, đặc
biết bari clorid rất độc ở đường tiêu hóa đối với động vật có dạ day đơn: chó, mèo, lợn ...
Nguyên nhân gây ngộ độc thường do ăn thức ăn xanh, cỏ, quả, rau... có lẫm thuốc trừ
sâu, diệt chuột hay uống nhầm thuốc cản quang có lẫn nhiều muối của bari ở dạng hòa tan.
* Độc tính: Độc tính của bari ở đường tiêu hóa là do hàm lượng ion Ba++ quyết
định. Khi vào đường tiêu hóa, dưới tác dụng của HCl các nuối của bari sẽ nhanh chóng
chuyển thành BaCl2 ở dạng phân ly thành ion Ba++, chính vì thế nên bari rất độc với loài
dạ dày đơn.
Liều độc LD50 của BaCl2 trên chuột 350 - 550 mg/kg; chó 90 mg/kg; ngựa 800 - 1200
mg/kg.
* Triệu chứng: Ion Ba++ khi vào đường tiêu hóa sẽ gắn vào cơ trơn dạ dày - ruột gây
co thắt, chảy nhiều nước bọt, nôn, đau bụng, tiêu chảy dữ dội. Khi hấp thu vào máu sẽ làm co
mạch máu, tăng huyết áp, dãn đồng tử mắt.
Trên tim mới đầu bị kích thích giống digitalis, sau bị suy tim, loạn nhịp tim, rung tâm
thất, gây rối loạn tuần hoàn, hô hấp. Cơ vân lúc đầu bị kích thích co giật kiều tetanos sau bị liệt.
Khi đã hấp thu vào máu, nhưng chỉ một lượng rất ít được thải qua thận, phần lớn thải
trừ qua các tuyển của đường tiêu hóa: dịch mật, tụy, dạ day - ruột.
* Bệnh tích: Viêm dạ dày - ruột. Thoái hóa cơ tim. Thận, gan bị xung, tụ huyết, gan
có mầu đen.
* Điều trị: Dùng chất đối kháng dung dịch natrisulphat hay magiesulphas 1 - 3% rửa
dạ day hoặc tẩy, sau đó uống than hoạt tính hay đất sét trắng (cao lanh). Cần thiết tiêm tĩnh
mạch dung dịch natrisulphat 3% liều 1,0 - 1,5 mg/kg. Tiêm thuốc trợ tim kết hợp dùng thuốc
ngủ để giảm co thắt toàn thân.
c. Cadimi (Cd)
* Nguyên nhân: Người và động vật bị nhiễm cadimi do các nguyên nhân sau:
Cadimi có nhiều trong các mỏ clinke. Khi tiến hành khai thác, lượng cadimi sẽ tồn tại
nhiều trong đất, nước, cây thức ăn, rau, củ, quả, cỏ... vùng xung quanh. Súc vật và người bị
phơi nhiễm ăn thường xuyên lâu dài các loại thực phẩm trên. Trong nước thải ra từ các nhà

55
56

máy công nghiệp. Một số thuốc trị ký sinh trùng đường ruột có chứa các chế phẩm của cadimi
dạng oxit.
* Độc tính: Với gia cầm; liều LD50 qua đường tiêu hóa trên gia cầm 165 - 188 mg/kg
thể trọng. Liều LD100 216 mg/kg thể trọng. Trên lợn liều gây độc 300 mg/kg. Cừu mẫn cảm
hơn với cadimi so với các động vật khác. Nếu cho bò hay cứu ăn liều 50 - 500 mg/kg một
năm liền sẽ gây quái thai.
Tránh tồn dư trong sản phẩm thịt lợn, chỉ cho phép dùng cadimi tẩy giun đũa cho lợn
con và chỉ được dùng một lần duy nhất. Nồng độ cho phép tối đa trong không khí 0,1 mg/m3.
* Cơ chế: Cadimi hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa. Sau khi hấp thu, phân bố rộng
trong các tổ chức nhưng tập trung nhiều ở thận, lách và gan. Với gia cầm cadimi được tích lũy
nhiều trong phổi, cơ bắp, còn các tổ chức khác ít hơn. Khi bổ sung theo thức ăn qua đường
tiêu hóa nhưng chưa tìm thấy tồn lưu cadimi trong trứng. Trong cơ thể cadimi kết hợp tương
đối chặt với metallotionein nên khó được thải trừ, gây tích lũy nhiều trên thận, nhất là miền
vỏ. Trong cơ thể cadimi cạnh tranh với kẽm tại các nhóm chức của khá nhiều men. Kết quả
sau khi thay thế kẽm, cơ thể bị rối loạn trao đổi chất, trước tiên là khoáng, sau đến trao đổi
hydratcarbon, protein...
* Triệu chứng: Ngộ độc cadimi thường ở 2 thể:
Thể cấp tính: động vật bị nôn, tiêu chảy, đau bụng, sau đến hoạt động thần kinh bị rối
loạn. Vật chết do bí tiểu tiện vì thận bị tổn thương.
Thể mạn tính: động vật kém ăn, sút cân, thiếu máu ưu sắc, suy tim. Cơ quan sinh dục bị
teo. Thận bị tổn thương gây đường niệu, photpho và protein niệu.
* Bệnh tích: Thoái hóa niêm mạc đường tiêu hóa dạ dày - ruột. Tế bào gan, thận cũng
bị thoái hóa xen kễ những đám xuất huyết.
* Điều trị: Có thể dùng Natri - EDTA (dinatri - etylen - diamin – tetraaxetat) truyền
tĩnh mạch. Bổ sung thêm kẽm và dùng các thuốc trị triệu chứng.
d. Chì (Pb)
Chì là kim loại mềm mầu xám, nóng chẩy 327,50C. Chịu được ăn mòn nhưng lại tan
trong acid nitric và sulphuric nóng. Độ tan trong nước của các muối vô cơ hay hữu cơ của chì
thay đổi tùy dạng bào chế.
* Nguyên nhân: Người và động vật bị nhiễm chì do các nguyên nhân sau:
Chì tự nhiên có trong đất, nước, không khí (do động cơ chạy xăng có chì). Chì tự
nhiên gây ô nhiễm môi trường không đáng kể.
Chì nhân tạo do khai thác. Lượng chì tiêu thụ hàng năm trên thế giới đều tăng. Chì
được khai thác từ các mỏ chì sulfid - PbS, chì carbonat PbCO3, chì phosfat PbPO4. Các nước
có nhiều mỏ chì: Canada, Mỹ, Australia và Peru. Nguồn chì gây ô nhiễm môi trường chủ yếu
là do hoạt động của người: qui trình khai thác chì tại mỏ, tinh luyện chì tại nhà này.... Hàng
năm có khoảng 19000 tấn chì từ các hoạt động của núi lửa và126000 tấn chì từ các mỏ, nhà
máy chì chuyển vào khí quyển. Mức độ gây ô nhiễm chì phụ thuộc: trình độ sản xuất, khai
thác; khả năng kiểm soát ô nhiễm; khí hậu...
Chì được sử dụng nhiều trong các ngành công nghiệp: sản xuất accu chiếm tới 63%,
các hợp chất mầu 10%, cáp và luyện thép khoảng gần 10%, các phụ gia xăng, dầu 2%; các
ngành công nghiệp khác còn khoảng 16%. Năm 1990 thế giới đã sử dụng 5,6 triệu tấn chì và
thải ra khoảng 332.000 tần/năm chì vào đất, nước và không khí.

56
57

Các loài động vật đều có khả năng nhiễm độc chì trong số động vật ăn cỏ, bò mẫn cảm
nhất, đến dê, ngựa. Lợn và loài dạ dày đơn ít mẫn cảm hơn. Động vật mẫn cảm với chì hơn
người. Trẻ em mẫn cảm với chì hơn người trưởng thành do khả năng hấp thu chì của trẻ em
lớn gấp 4,5 lần so với người lớn. Cá rất mẫn cảm với chì, trong nước cứng chịu được nồng độ
18 - 38 àg/l, nước ngọt thấp hơn, thường là 4 - 8 àg/l.
Cây xanh trên trái đất dùng làm thực phẩm và thức ăn cung cấp cho động vật và
người: cỏ và cây, hoa quả mọc xung quanh nhà máy chế biến chì, hai bên đường quốc lộ
bị ô nhiễm chì nặng nhất. Theo Cannon và Bowles cỏ hai bên đường giao thông có thể
nhiễm chì tới 500ppm.
Các thiết bị có lẫn hay chứa hợp chất của muối chì dạng sulffit, sulffat, carbonat...
dùng làm ống dẫn nước, máng ăn, uống, các dụng cụ chứa đựng bảo quản... đều là nguyên
nhân gây nhiễm độc chì cho người và động vật.
* Vòng tuần hoàn của chì trong môi trường
Nhờ có không khí, chì từ các nguồn: tự nhiên, giao thông và các nhà náy công nghiệp
thải ra sẽ được lắng đọng lên bề mặt trái đất, cây cối, nguồn nước. Thường những nơi gần
nguồn thải, chì có hàm lượng cao và tồn tại dưới dạng hạt. Từ khí quyển, chì đi vào cơ thể
động vật và người qua đường tiêu hoá: thực phẩm, rau quả, nước. Qua đường hô hấp: hít thở
khí trời có lẫn bụi chì.
Sự lắng đọng chì trong khí quyển phụ thuộc vào thời tiết và kích thước hạt. Những
hạt lớn có đường kính trên 2 mm được ngầm vào đất, nước, thường nằm lại đó không tan.
Những hạt bụi có đường kính nhỏ hơn 2 mm sẽ được khuyếch tán trong không khí hay tan
trong nước.
Sự phân bố chì phụ thuộc: trị số pH, hàm lượng muối hòa tan của chì và sự có mặt các
hợp chất hữu cơ có khả năng tạo phức với chì. Khi pH > 5,4 nước cứng chỉ chứa 30 àg/l, nước
ngọt lượng chì tới 500 g/l.
Hàm lượng chì trong thức ăn khô của đại gai súc lấy thịt, hàng ngày: cỏ và cây lúa mì
(rơm, rạ) có liên quan đến hàm lượng chì trong máu, gan, thận và thịt.

Bảng 3.2: Hàm lượng chì trong cây thức ăn khô

Hàm lượng chì (ppm)


Thời gian Loại thức ăn
cao thấp trung bình
Cây lúa mì 320 160 235
1973
Cỏ khô 1150 650 930
1974 Cây lúa mì 60 10 30
1975 Cỏ khô 24 4 12

Bảng 3.3: Hàm lượng chì trong máu và một số tổ chức khác của bò

Hàm lượng chì (ppm)


Thời gian Loại mẫu
Cao thấp trung bình

57
58

1974 Máu 0,559 0,193 0,344


Máu 0,240 0,090 0,164
1975 Gan 1,70 0,60 1,068
Thận 2,60 0,70 1,33
Cơ 0,80 0,30 0,46

Ghi chú: Từ mùa xuân năm 1973 đến tháng 2 năm 1974 có 4 trại chăn nuôi đại gia súc của
Oklanhoma State University có nhiều bò, trâu và cừu bị chết nghi bị trúng độc chì, do hàm lượng chì
quá cao trong cây lúa mì và có dùng làm thắc ăn dự trữ cho trại.

* Nồng độ, khả năng nhiễm chì của động vật và người
Mức độ phơi nhiễm phụ thuộc: tính nghiện thuốc lá, nghề nghiệp, vị trí nhà ở, nguồn
cung cấp thức ăn xanh: cạnh đường ô tô, cạnh nhà máy luyện thép, mỏ khai thác, khu vui chơi
giải trí có nhiều vỏ đồ hộp... Với người không hút thuốc lá, nguồn phơi nhiễm chính do thực
phẩm, nước uống. Còn trẻ em bị phơi nhiễm do không khí, nước uống và đồ chơi.
Nồng độ chì trong không khí, nước uống thay đổi phụ thuộc mức độ đô thị hóa, công
nghiệp hóa và lối sống... Không khí gần lò luyện thép chứa tới 10 àg/m3. Hiện nay, trong
thành phố mặc dù đã dùng săng không pha chì mà nồng độ chì cũng còn 0,2 àg/m3. Trong
nước, nếu lấy tại nguồn lượng chì thường chỉ >5 àg/l, khi qua vòi sẽ tăng lên 100 àg/l, nếu để
lâu lượng chì còn tăng thêm.
Người ta ước tính lượng chì thâm nhiễm vào người hàng ngày qua: đường hô hấp với
thành phổ có xe hơi chạy bằng săng không chì 10àg. Qua nước uống 15 àg. Qua thực phẩm
200 - 300 àg. Trong khi đó lượng chì cần trong trao đổi hàng ngày 20 àg. Như thế lượng chì
dư ra trên 200 àg sẽ gây nguy hiểm cho hoạt động sống. Công nhân trong các ngành công
nghiệp chì sẽ bị thâm nhiễm tới 400 àg (trong 8 tiếng). Nếu không khí có lượng chì cao trên
mức cho phép đạt 1 mg/ngày sẽ gây ngộ độc.
* Độc tính: Độ độc của chì phụ thuộc dạng bào chế, đường dùng và loài động vật.
Liều độc cho chuột cống trắng LD50 khi uống chì axetat 150 mg/kg; oxit chì 400 mg/kg,
tetraetyl chì 10 mg/kg, còn chì sulphat ít tan nên liều gây chết tới 35.000 mg/kg.
Loài động vật. Trên bê cho uống một trong các loại muối của chì: carbonat, oxit và
sulphat với liều 0,4 gam/con đã gây chết. Trong khi đó theo Wolker liều gây độc của axetat
chì trên ngựa 500 - 700 g, bò 50 - 100 g, cừu, dê 20 - 25 g, lợn 10 - 25 g/con. Trên gà liều gây
độc 320 mg/kg, hàng ngày nhận 160 mg/kg vẫn chịu được. Với dạng chì axetat, oxit chì có
trong thức ăn cho gà thịt, gà đẻ với lượng 80 mg/kg gà vẫn bình thường chưa có biểu hiện
độc.
* Cơ chế: Tùy theo cường độ và thời gian phơi nhiễm, chì có tác dụng sinh học khác
nhau trên cơ thể sống.
* Tác dụng đến quá trình trao đổi chất: Chì có tác dụng đặc biệt đến sự tổng hợp
nhóm heme. Tăng tỷ lệ protoporphyrin tự do trong hồng cầu. Tăng đào thải coproporphyrin
và a cid d - aminolevulinic (d - ALA) trong nước tiểu. Khi nồng độ chì trong máu cao vừa phải
hai enzym a cid d - aminolevulinic dehydratase và dihydro bioptrine - reductase bị ức chế.
Do đó d - ALA sẽ tích lũy trong cơ thể. Mặt khác do thiếu heme để tổng hợp hemoglobin, đã
gây bệnh thiếu máu. Bệnh rõ ở ấu súc và trẻ em khi nồng độ chì trong máu đạt 1,92 àmol/l (40
àg/dl)

58
59

* Trên hệ thần kinh: Do chì ảnh hưởng đến trao đổi chất điện giải của tế bào thần
kinh, gây rối loạn sự dẫn truyền xung động của thần kinh ngoại biên. Năm 1986 OMS đã có
qui định lượng chì cho phép ăn vào trong một tuần 25 àg/kg trọng lượng cơ thể trẻ. Lượng
chì tối đa có thể chấp nhận hàng ngày qua đường tiêu hóa cho người trưởng thành tạm thời
qui định 5 àg/kg thể trọng. Có mối liên quan giữa mức độ phơi nhiễm với rối loạn chức năng
vận động của hệ thần kinh ở động vật non, đặc biệt thần kinh ngoại vi. Chì làm thay đổi cơ
chế vận chuyển máu trong não, nên đã ảnh hưởng đến chỉ số thông minh IQ trên người. Trên
người tiếp xúc lâu với chì: mỏ luyên kim, chụp x quang... dễ nhận thấy các biểu hiện bất
bình thường của hệ thần kinh, có biểu hiện tâm thần.
* Trên hệ thống các cơ quan khác: Qua thức ăn, nước uống, chì theo đường tiêu hóa
vào cơ thể gây kích ứng tại chỗ. Trong dạ dày, chịu tác dụng của HCl chuyển thành dạng
PbCl2 ít tan hơn nên chỉ được hấp thu một lượng nhỏ, số còn lại xuống tá tràng được hấp thu
qua niêm mạc ruột theo tĩnh mạch cửa về gan vào vòng đại tuần hoàn đến hệ thống các cơ
quan: thận, tuyến nước bọt, dịch ruột, tủy xương... Chì được tích lũy nhiều trong gan, thận và
tủy xường. Khi tủy xương bị bệnh do chì, khả năng tạo máu sẽ kém cũng gây thiếu máu cho
động vật. Phần lớn chì thải qua dịch mật xuống tá tràng rồi lại được tái hấp thu trở lại. Điều
này lý giải tại sao chì lại tồn tại lâu trong cơ thể?
Chì cũng ảnh hưởng lớn đến khả năng hình thành các khối u trong phổi, thận ở động
vật thí nghiệm. Các khối u này có khả năng di truyền cho đời sau. Điều này rất nguy hại nếu
chi còn tồn dư ở các sản phẩm của động vật.
* Mức độ nguy hại của chì đối với sức khỏe.

Chì gây độc trên nhiều cơ quan của người và động vật cấp cao
có củ não sinh tư trong đó, hệ thần kinh nhạy cảm nhất. Trên động vật thí
nghiệm đã xác định được mối quan hệ nhân quả giữa mức độ phơi nhiễm với tác động của hệ
thần kinh. Đã tìm thấy sự suy giảm về chức năng thần kinh khi nồng độ chì - máu vượt quá
0,53 - 0,72 àmol/l (11 - 15 àg/dl). Những triệu chứng này có thể tồn tại lâu sau khi hết phơi
nhiễm. Khi nồng độ chì trong máu trên 1,44 àmol/l (30 àg/dl) con vật xuất hiện sự suy giảm
tốc độ dẫn truyền thần kinh ngoai vi. Khi chì trên 1,92 àmol/l (40 àg/dl) sẽ bị rối loạn chức
năng vận động và hệ thần kinh thực vật.
àg/dl) đã ghi nhận được sự
Khi nồng độ chì trong máu dưới 1,2 àmol/l (25
giảm chỉ số IQ. Giá trị ngưỡng dao động 0,48 - 0,72 àmol/l (10 - 15
àg/dl). Nếu nồng độ tăng trên 1,2 àmol/l, đã tìm được sự tương quan
giữa nồng độ chì - máu với chỉ số IQ. Mối tương quan này đặc trưng
cho từng cá thể.
* Triệu chứng
* Trên động vật: Ngộ độc cấp tính: vật chảy nhiều nước bọt, nước dãi, nôn, đau
bụng, tiêu chảy. Sang ngày 2 - 3 vật có triệu chứng toàn thân: run rẩy, co giật, trụy tim mạch,
chết nhanh do suy kiệt. Với chó thí nghiệm nhận thấy: rối loạn phản xạ, thiếu máu, tăng bạch
cầu, giảm protein huyết thanh: cả anbumin globulin đều giảm. men photphataza kiềm giảm.

59
60

Hoạt động trí não rối loạn, co giật kiểu tetanos, rối loạn vận động,
hôn mê, chết do liệt hô hấp, rối loạn vận mạch.
Ngộ độc mạn tính, động vật gầy yếu, ăn uống kém, các triệu chứng thần kinh xuất
hiện rõ: tê liệt hay co giật, cơ bắp teo, thiếu máu, chức năng gan, thận đều kém, các cơ quan
sinh sản bị teo, có con bị viêm phổi.
* Trên người: Ngộ độc cấp tính do ăn phải chì có biểu hiện nghẹn cổ, do chì kích thích
niêm mạc đường tiêu hóa nên gây bỏng rát mồm, thực quản, dạ dày. sau đó nôn có lẫn chất
mầu trắng của chì chlorid. Đau bụng, tiêu chảy dữ dội, phân lẫn máu có mầu đen của chì
sulphat. Tụt huyết áp, mạch yếu, tê tay chân, co giật, động kinh chết sau 36 giờ.
Ngộ độc mãn tính do thức ăn lẫn chì tuy lượng nhỏ nhưng ăn thường xuyên, lâu dài,
hay thường xuyên tiếp xúc với nguồn chì: làm việc trong nhà máy accu, mỏ luyện thép... Chỉ
cần 1mg/ngày, sau vài năm đã có biểu hiện: Thở thối, sưng lợi, chân răng đen, hoàng đản, hay
đau bụng, táo bón, đau khớp xương, bại chi trên, mạch yếu. Phụ nữ hay sẩy thai.
* Bệnh tích: Động vật bị ngộ độc thể cấp tính mổ khám viêm dạ dày - ruột, niêm mạc
ruột có mầu xám (mầu của chì sulfid), nhu mô bị thoái hóa.
Trường hợp vật nuôi bị ngộ độc thể mạn tính: co bắp bị teo, gan, thận có nhiều tổ chức
liên kết tăng sinh. Tế bào kupfer của gan bị biến đổi, lách sưng, phổi viêm. Trên gà thấy cơ
tim hoại tử rõ, thận sưng to, dễ bóc ra khỏi ổ thận, tế bào ống thận bị biến đổi, có thể bắt mầu
eosin xuất hiện trong nhân tế bào.
* Điều trị: Trường hợp cấp tính cho vật uống muối natri sulphat hay magie sulphat và
than hoạt tính. Với chì khi đã được hấp thu tiêm tĩnh mạch dung dịch 2 - 20% canxi - dinatri -
etylen - diamin - tetraaxetat (Ca - EDTA). Trong máu thuốc có tác dụng biến chì thành Pb -
Dạng Pb - EDTA trong máu không
EDTA theo kiểu trao đổi ion.
độc được thải ra qua thận. Liều lượng ngựa 66 mg/kg; trâu, bò 110mg/kg. Với
người dùng 22 mg/kg. Khi không có Ca - EDTA có thể thay Natri - EDTA cũng được nhưng
cần xem liều cụ thể.
Kết hợp tiêm thêm các thuốc trị chứng rối loạn vận động: vitamin B1, thuốc trấn tĩnh,
giảm co giật.
* Đề phòng phơi nhiễm cho người và động vật: Để bảo đảm sức khỏe cho người cần
có các biện pháp:
Hạn chế sử dụng chì, các hợp chất của nó cũng như giảm thiểu phát tán chì: không
dùng săng pha chì; bỏ dùng sơn có chì; không sử dụng đồ chứa đựng thức ăn có lẫn chì, thuốc
trừ sâu là dẫn chất của chì; Thay ống dẫn nước khác không chứa chì...
Với sức khỏe cộng đồng: thường xuyên điều tra, thông báo trên các phương tiện
thông tin về khả năng nhiễm chì từ nước, không khí, thực phẩm. Điều tra nhóm dân cư
có khả năng nhiễm chì cao, trên cơ sở đó sàng lọc đánh giá hàm lượng chì trong đất,
nước, không khí, thực phẩm.
Điều tra hàm lượng chì - máu để sàng lọc người bị nhiễm chì, có
chế độ chăm sóc, quản lý sức khỏe cho họ. Với gia súc kiểm tra xác định
ngộ độc chì bằng hai phản ứng sinh hóa. Xác định lượng Pb - protoporfirin

60
61

trong hồng cầu. So với mức bình thường lượng này tăng cao
hơn. Xác định hoạt lực của men d - ALA dehydrogenaza. Men
này bị giảm rất rõ trên ngựa.
e. Đồng (Cu)
Đồng là nguyên tố vi lượng cần thiết trong khấu phần ăn hàng ngày của người và mọi
loại động vật, nhất là ấu súc như lợn con và nái có chửa hay đang nuôi con. Ngộ độc đồng
thường gặp trong ngành chăn nuôi công nghiệp. Người và động vật đều có thể bị ngộ độc
đồng (ăn bún được chế ra từ gạo trong nồi đồng rất nguy hiểm), trong đó dê, cừu và ngựa
mẫn cảm hơn, trâu, bò, lợn và gia cầm
* Nguyên nhân: Do sử dụng các sản phẩm của đồng làm thuốc bảo vệ động vật và
cây trồng - trừ nấm ngoài da, hà móng (đồng oxyclorit). Các sản phẩm hay dùng trong thức
ăn với mục đích bổ xung nguyên tố vi lượng: đồng sulphat, đồng clorid, đồng hydroxit... Với
lợn nếu khẩu phần ăn vượt quá 250 ppm và được dùng lâu dài sẽ bị ngộ độc.
* Độc tính: Liều độc qua đường tiêu hóa của đồng sulphat cho cừu 20 mg/kg, bò 200
mg/kg, gia cầm 400 - 900 mg/kg. Trên chuột bạch LD50 cho uống 300 mg/kg đồng sulphat,
đồng oxyclorit 140 mg/kg, đồng carbonat 159 mg/kg
Trong thức ăn công nghiệp nếu cho ăn liên tục hàm lượng đồng sau sẽ gây độc: lợn
250 ppm, cừu 25 - 50ppm, bê 100ppm. Trên cừu nếu ăn 150 ppm cừu sút cân dần, xác gầy,
đến ngày 25 trở đi cừu bị suy dinh dưỡng thiếu máu rồi chết sau 50 ngày.
* Cơ chế: Đồng được hấp thu ở dạ dày và ruột. Trong máu, Cu++ kết hợp với protein
hồng cầu thành hemokuprein và cokuloplasmin. Trong hồng cầu đồng tồn tại dưới dạng
eritrokuprein. Đồng được dự trữ trong gan dưới dạng hepatokuprein.
Sử dụng liều cao, lâu dài đồng sẽ kích thích hoạt tính của men lipaza và photpholipaza
A, khi đó các tế bào gan sẽ bị phá hủy nhanh, hàm lượng đồng trong máu tăng cao gây rối
loạn trao đổi chất của hồng cầu: dung huyết, methemoglobin. Kế tiếp gây viêm cầu thận, giảm
hồng cầu, vàng da.
* Triệu chứng:
Ngộ độc cấp: động vật tăng tiết nước bọt, dãi nhiều, nôn ra chất chứa có mầu xanh
xám, mùi đặc biệt của đồng, tiêu chảy nặng. Nếu không cấp cứu kịp, vật chết do mất nước,
chất điện giải gây co giật, sau tê liệt, suy tim nặng.
Ngộ độc mạm tính: Súc vật giảm hay mất khả năng sản xuất. Da vàng, nước tiểu dục,
mầu đậm giống nước vối do chứa nhiều albumin, hemoglobin. Tiêu chảy, phân mầu xanh xám
của muối đồng
Xét nghiệm phi lâm sàng: hàm lượng hemoglobulin giảm, lượng đồng trong máu cao
* Bệnh tích: Thể mạn tính: Do đồng tích lũy trong gan, làm gan sưng to, tụ huyết, rễ
mát. Mật căng phông. Thành túi mật và các ống dẫn mật có nhiều tế bào tăng sinh dầy lên.
Thận sưng to, xuất huyết miền vỏ, tế bào ống thận bị thoái hóa. Lách sưng to. Tim xuất huyết
cả nội và ngoại tâm mạc. Máu có mầu thâm đen, dung huyết, khó đông. Với gia cầm khi bị
chết đột ngột do nhiễm đồng thì máu lại nhanh đông.
* Điều trị: Thể cấp tính sau khi đã gây nôn rồi sẽ cho uống dung dịch kaliferrocianis
1% hay uống thêm lòng trắng trứng, oxyd magie, than hoạt hoặc caolin. Cần thiết có thể tiêm
dung dịch giải độc: penicillamin hay Ca - ETDA.

61
62

Thể mạn tính dùng các thuốc trị triệu chứng để bảo vệ gan, ổn định tuần hoàn và trấn
tĩnh. Khi bị nhiễm đồng không dùng thắc ăn nhiều mỡ.
f. Kẽm (Zn)
Kẽm cũng là nguyên tố vi lượng cần thiết cho nhiều loài động vật và người. Kẽm có
mặt trong nhiều enzym: synthetase, transferase, DNA và RNA, enzym tiêu hóa hay liên kết
với hormon. Kẽm có vai trò quan trọng trong trao đổi protein, carbonhydrate và lipid.
* Nguyên nhân:
Do sử dụng các sản phẩm của kẽm làm thuốc bảo vệ động vật bôi vết thương ngoài da,
hà móng (đồng - kẽm oxyclorit). Cũng có thể cho động vật uống nhầm thuốc chuột.
Các sản phẩm hay dùng trong thức ăn với mục đích bổ xung nguyên tố vi lượng của
kẽm sulphat, carbonate, clorid và bụi kim loại rất dễ hấp thu (tới 100%)
Kẽm được hấp thu, tích lũy trong cơ thể theo % của lượng ăn vào, thường nhỏ hơn
0,50%. Với lợn choai ăn khẩu phần ngô - khô dầu đậu tương có bỏ xung kẽm. Khả năng gây
độc tùy thuộc dạng muối vô cơ hay hữu cơ. Kẽm hữu cơ ít khi gây độc.
* Triệu chứng:
Thể cấp tính do ăn các muối kẽm vô cơ: 5 - 10 g ZnSO4 hay 3 - 5 g ZnCl2, đã có thể
gây chết... súc vật nôn, tiêu chảy, vã mồ hôi, trụy tim mạch rồi chết.
Thể mạn tính: lợn choai ăn khẩu phần ngô - khô dầu đậu tương có bổ sung 2000 -
4000 ppm sẽ có biểu hiện độc: ủ rũ, viêm khớp, chảy máu khớp khủy, viêm dạ dày - ruột.
Độc tính của kẽm phụ thuộc vào nguồn kẽm, mức ăn, thời gian ăn và hàm lượng các
khoáng khác có trong khẩu phần.
Điều trị: Với thể cấp tính uống thật nhiều dung dịch natri bicarbonate sau khi đã gây nôn.
g. Selen (Se)
Selen là thành phần có trong enzym glutatione peroxidase, nó tham gia giải độc lipid
peroxides bảo vệ màng và cận màng các tế bào, chống tổn thương do peroxide. Tác dụng thay
thế lẫn nhau của vitamin E. và selen phát sinh từ vai trò chống peroxidant của chúng. Trong
thực tế không thể sử dụng mức vitamin E cao để thay thế được selen. Selen có chức năng
đồng hóa thyroid
* Nguyên nhân.
Các cây dùng làm thức ăn cho động vật có nhiều selen trên thế giới: Astragalus
species, Xylorrhiza, Oonopsís, Stanleya, Gutierezia, Atriplex pargi...có tới 1000 - 1500 ppm.
Các cây thuộc chi Astragalus praelongus hàm lượng selen có tới 2170 ppm. Còn cây Atriplex
chứa khoảng 80 ppm. Nước ta có cây trinh nữ - Mimosa pudica L., keo dậu - Leucaena
glauca Benth. có nhiều selen. Nhiều vùng trên thế giới hay một số vùng của Mỹ và Canada
trong đất rất nghèo selen dẫn đến cây, cỏ, thực phẩm cũng nghèo selen. Thiếu selen động vật
bị bệnh. Ngược lại, khi bổ sung selen nồng độ cao, lâu dài sẽ gây độc.
* Độc tính
LD50 cuả natri selen cho chuột uống liều 3 - 6 mg/kg.
LD50 của thỏ cho uống liều 8,62 mg/kg, tiêm bắp liều 2,53 mg/kg, tĩnh mạch 2,24 mg/kg.
Liều tối thiểu (MIC) gây chết của natri selen trên ngựa 3,3 mg/kg, bò 10 mg/kg, lợn 17
mg/kg thể trọng. Nếu uống a cid selenic liều 0,1 mg/kg/ngày cũng gây nhiễm độc mạn tính.

62
63

Trong thức ăn nếu bổ sung vượt quá 0,3 ppm với lợn cai sữa, 0,15 ppm ở lợn vỗ béo,
lợn nái nuôi con đã có biểu hiện độc.
Với cừu nếu trong khấu phẩn ăn trong ngày có chứa 900 g cây Astragalus praelongus,
cừu sẽ chết sau khi ăn từ 1 - 12 giờ tuỷ trạng thái cơ thể, với hàm lượng 110 - 227 g chết sau
12 - 24 giở; hàm lượng 55g chết sau 7 ngày. Vơi cây Atriplex cừu có thể ăn tới 900 g/ ngày,
sau khi ăn 4 ngày cừu mới bị chết.
Cơ quan quản lý thực phẩm và thuốc của Mỹ (FDA) năm 1974 cho phép bổ sung 0,1
ppm selen trong khẩu phần ăn của lợn. Năm 1982 PAO chấp nhận cho phép bổ sung 0,3 ppm
với lợn con đến 20 kg/con. Điều luật hiện hành của FDA 1987 a, b vẫn cho phép bổ sung 0,3
ppm. Hiện tại để tránh ô nhiễm môi trường, Ullrey 1992 đang làm mọi nỗ lực để giảm mức
selen xuống chỉ còn 0,1 ppm, song mức 0,3 ppm vẫn đang được sử dụng ở nhiều nước. Khả
năng gây ngộ độc của selen cũng còn phụ thuộc nguồn gốc (dạng selen vô cơ độc hơn dạng
hữu cơ nhiều), dạng bào chế, mức độ, thời gian và loài động vật.
* Triệu chứng
Thiếu selen gây chết bất ngờ là đặc điểm nổi bật.
* Bệnh tích
Bệnh tích đại thể giống như thiếu vitamin E: hoại tử gan, thùy thũng ruột già, phổi, tổ
chức dưới da và cận niêm mạc dạ dày. Xác gầy, cơ suy thoái (cơ trắng), cơ tim teo, xuất
huyết lấm tấm (tim hình quả dâu). Sinh sản kém, sữa giảm, phản ứng miễn dịch kém. Các chỉ
tiêu sinh hóa thay đổi: giảm hoạt tính glutione peroxidase.
* Điều trị
Bổ sung selen cho lợn ở dạng sodium selenite, sodium selenate, selenomethionin hay
ngô seleniferous ở mức 5 ppm vẫn chưa có biểu hiện độc. Trên mức 5ppm (7,5 - 10 ppm) lợn
bị độc có các triệu trứng: chán ăn, rụng lông, gan thoái hóa mỡ, sưng to. Thận phù thúng. Các
móng chân bị bong ra ở đường viền. Thần kinh xuất hiện các điểm viêm, hoại tử đối sứng.
h. Thủy ngân (Hg)
* Nguyên nhân
Tự nhiên chủ yếu do quá trình thoát khí của vỏ trái đất, sự phun lên của núi lửa. Hàng
năm thiên nhiên đưa vào môi trường khoảng 2700 - 6000 tấn thủy ngân.
Thuỷ ngân nhân tạo gồm: Khai thác hàng năm của thế giới khoảng 10000 tấn kim
loại thủy ngân, ngoài ra khi khai thác, lượng thủy ngân còn bị mất đi trong môi trường, thái
ra khí quyển.
Chất thải của các ngành công nghiệp khác: đốt nhiên liệu, luyện quặng kim loại: vàng,
sắt, thép.., sản xuất xi măng, thiêu đốt chất thải rắn...
Trong sản xuất, đời sống: dùng thủy ngân kim loại điện phân nuối ăn để sản xuất
khí clor và natrihydroxyd; công nghiệp sản xuất giấy; thuốc trừ sâu; các dụng cụ đo lường,
thiết bị y học, làm răng giả. Dân Châu phi dùng thủy ngân sản xuất xà phòng và kem
dưỡng da...Hàng năn riêng hoạt động của con người thải thủy ngân ra khí quyển khoảng
3000 tấn.
Thủy ngân không tham gia vào sự đồng hóa, chức năng chuyển hóa của động vật và
người. Thủy ngân rất độc, người và động vật bị nhiễm là do ô nhiễm môi trường. Trên đảo

63
64

Monamata của Nhật, người và động vật bị nhiễm hàng loạt từ không khí và cá biển bị nhiễm
độc thủy ngân. Người ta đã lấy tên đảo đặt tên cho bệnh (bệnh monamata).
Động vật bị nhiễm do dùng các muối của thủy ngân trong bảo quản chống nấm, mốc
cho hạt ngũ cốc. Trường hợp này hay gặp ngộ độc trên lợn.
* Sự phân bố và biến đổi
* Sự phân bố và biến đổi trong môi trường.
Hơi thủy ngân trong không khí chuyển sang dạng hòa tan, lắng thành hạt bụi, lẫn vào
đất, nước. Hơi thủy ngân kim loại có thể tồn lưu trong không khí tới 3 năm, khi chuyển sang
dạng hòa tan chỉ sau vài tuần.
Giai đoạn đầu của quá trình tích lũy sinh học (bioacumulation) tức chuyển từ thủy
ngân vô cơ sang dạng metyl thủy ngân CH3 - Hg. Gốc metyl thủy ngân này rất bền vững
trong cơ thể động vật và người. Bước chuyển đổi này nhiều khi không có sự
tham gia của enzym nhưng có tác động của vi khuẩn yếm khí. Metyl thủy ngân xâm nhập vào
dây chuyền sản xuất thực phẩm và được khuyếch đại sinh học (bioamplification). Khi đã
nhiễm rồi, thời gian đào thải ra ngoài rất lâu, kéo dài hàng năm vẫn chưa hết được.
* Sự phân bố của thuỷ ngân trong cơ thể.
Sự phơi nhiễm thủy ngân qua không khí rất nguy hiểm và độc (có tới 80% hơi thủy
ngân được hấp thu qua phổi). Thủy ngân vô cơ hấp thu qua đường tiêu hóa khoảng 10%,
dạng lỏng chỉ 1%. Tỷ lệ này thay đổi tùy thuộc dạng và đặc điển của từng loài động vật. Âú
súc và trẻ em có tỷ lệ hấp thu cao hơn. Sau khi hít phải, thủy ngân tồn lưu trong phổi, được
chuyển dần vào máu tùy kích thước hạt.
Thận là nơi giữ thủy ngân nhiều và lâu nhất, có tới 50 - 90% lượng thủy ngân nằm lại trên thận.
Lượng thủy ngân trong não qua đường hô hấp lớn hơn nhiều so với các muối khác của
nó nhưng đưa qua tĩnh mạch.
Trong máu, lượng thủy ngân liên kết với hồng cầu cao hơn nhiều so với trong huyết
thanh.
Khi đã qua được hàng rào nhau thai, thủy ngân bị lưu giữ không thải ra được.
* Sự chuyển hóa của thủy ngân trong cơ thể
Tham gia phản ứng oxy hóa thành Hg ++. Metyl hóa thủy ngân thành metyl thủy ngân
CH3 - Hg. Liên kết này bền vững, khó phá hủy nên tồn tại lâu trong cơ thể. Khi chuyển sang
dạng metyl thủy ngân, mức độ nguy hại còn tăng lên nhiều do nó qua được hàng rào máu não,
nhau thai gây đầu độc thần kinh và có ảnh hưởng rất rõ đến sự phát triển của bào thai (quái
thai, rối loạn sinh lý, bệnh bẩm sinh không thể chữa được...). Nhiều khi mẹ chưa thấy có biểu
hiện độc, nhưng con sinh ra đã có biểu hiện trúng độc. Với hệ thần kinh, thuỷ ngân gây các
rối loạn không thể hồi phục trên hệ thần kinh trung ương. Thời gian bán hủy trong cơ thể từ
vài ngày đến vài tuần, thậm trí còn lâu hơn trên động vật có gan, thận kém. Phần còn lại nằm
trong xương, các tổ chức hóa sừng: lông, tóc, móng, vuốt... hàng vài năm. Đường đào thải chủ
yếu của thủy ngân qua nước tiểu và qua phân do thủy ngân thải qua các tuyến của đường tiêu
hóa: nước bọt, dịch dạ dày, ruột, gan..
* Triệu chứng

64
65

* Dạng cấp tính: Động vật đau bụng, nôn, tiêu chảy có máu tươi. nếu lượng quá lớn sẽ
trụy tim mạch, chết rất nhanh. Liều thấp hơn có thể kéo dài 2 - 3 ngày sau, vật vẫn tiếp tục nôn,
tiêu chảy ra máu, viêm tuyến nước bọt, niêm mạc miệng bị viêm, có nhiều tế bào chết. Đường
tiết niệu bị rối loạn hoạt động, lúc đầu đa niệu, sau thiểu niệu và cuối cùng là vô niệu do tiểu
cầu thận bị viêm. Xét nghiệm nước tiều thấy đột nhiên tăng hàm lượng phophatasa kiềm, men
GOT, GPT và các tế bào ống thận. Vật hôn mê rối chết do ure huyết cao sau 8 - 12 ngày
* Dạng mạn tính: Chính là triệu chứng của bệnh monamata. Triệu chứng chủ yếu trên
hệ thần kinh. Thần kinh có các rối loạn không thể hồi phục được do tế bào thần kinh bị tổn
thương, biến dạng.
Với bò lúc đầu co giật, sau đó bị tê liệt. Vật giảm ăn, xác gầy, giảm khả năng sản xuất.
Với lợn chăn nuôi công nghiệp hay gặp các biểu hiện: kém ăn, sút cân, rối loạn vận
động, đi lại khó khăn. Trên da có nhiều điểm xuất huyết.

Mọi vật muôi đều bị rối loạn vận động, tê, liệt
và mù.
Với người khi bị phơi nhiễm ở nồng độ 80 mg/m3 không khí, ứng với mức thủy ngân -
niệu
là 100 mg/g creatinin sẽ xuất hiện dấu hiệu thần kinh: run rẩy, kích thích, protein niệu cao. Khi
nồng độ thủy ngân đạt 25 - 80 mg/m3 không khí, ứng với mức thủy ngân - niệu là 30 - 100
mg/g creatinin, xuất hiện các dấu hiệu: mệt mỏi, kém ăn, dễ kích thích hay cáu gắt.
Nhiễm thủy ngân vô cơ Hg ++ khi đó thận là nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất gây triệu
chứng - syndrome nephrotique. Gặp trên người sử dụng kem dưỡng da có chứa thủy ngân.
* Bệnh tích: Cả cấp và mạn tính đều có biểu hiện bệnh tích sau:
Bệnh tích đại thể: Trên đường tiêu hóa: viêm niêm mạc miệng, dạ dày - ruột. Viêm
cầu thận, phổi xung huyết, thùy thũng. Tim, cả nội, ngoại tâm mạc đều bị xuất huyết. Máu
đen, khó đông, các cơ vân có mầu như thịt nướng.
Tiêu bản vi thể các tế bào thần kinh trung ương và ngoại vi đều biến dạng, tổ chức
myelin trên màng bị rách, nguyên sinh chất thoái hóa không bào.
* Sự phơi nhiễm
Người bị nhiễm chủ yếu qua thực phẩm và qua hàm răng giả. Người trồng răng giả và
phòng nha khoa dễ bị phơi nhiễm thủy ngân.
Động vật bị nhiễm chủ yếu từ thức ăn. Cá biển là nguồn chính để chuyển thủy ngân
thành dạng metyl thủy ngân CH3 - Hg sinh học. Gốc này được hình thành do vi sinh vật yếm
khí tạo ra từ khí CH4 với muối thủy ngân. Gốc CH3 - Hg tan trong nước, có nhiều trong thực
vật nổi. Khi vào cá độ độc được nhân lên gấp 1000 lần rồi đi vào dây chuyền thực phẩm.
Trong các nhà máy sản xuất khí clor và sút bằng điện phân, các mỏ khai thác thủy
ngân, luyện kim loại sắt, thép, vàng, sản xuất nhiệt kế...mức thủy ngân dao động 50 - 100
mg/m3 không khí. Thường mức thủy ngân trong không khí - nơi làm việc (mg/m3) tương
đương với lượng thủy ngân trong nước tiểu (mg/g creatinin).
Hội đồng OMS/FAO kêu gọi cần phải giảm tới mức thấp nhất độ nhiễm bẩn không khí
có thủy ngân vì những lý do sau:

65
66

Tính chất lan truyền của thủy ngân nhiễm vào không khí gây ra ngộ độc cũng nguy
hiểm và giống như bệnh truyền nhiễm.
Sự mẫn cảm của thai nhi với thủy ngân rất lớn.
Sự tích lũy thủy ngân trong cơ thể quá lâu: xương, sừng, lông, móng...
Đã phát hiện được mối tương quan giữa người ăn cá bị nhiễm thủy ngân với tỷ lệ các
trường hợp nhiễm sắc thể bị gẫy trong lympho bào.
*Điều trị: Trường hợp bị nhiễm độc cấp tính cho uống ngay nước lòng trắng trứng,
sữa, than hoạt tính hay dung dịch 5% natri thiosulphat. Sau đó cho uống thuốc tẩy muối gây
nôn hay rửa dạ dày, ruột.
Khi đã hấp thu vào máu với chó, mèo tiêm bắp dung dịch dimercaprolum liều 2 - 3
mg/kg thể trọng. Cứ 6 giờ tiêm nhắc lại. Với động vật ăn thịt không tiêm dimercaprolum mà
thay bằng truyền tĩnh mạch dung dịch natri thiosulphats 10 - 20%. Dùng thuốc chữa triệu
chứng, an thần, giảm đau
* Biện pháp đề phòng
- Chuyển đổi qui trình công nghệ mới, bỏ sản xuất khí clor và xút bằng cách điện phân.
- Không dùng các thuốc trừ sâu, diệt nấm, bảo quản hạt ngũ cốc có chứa thủy ngân
- Kiểm soát chặt chẽ hàm lượng thủy ngân trong môi trường: nước, không khí, đất
- Thức hiện đúng vệ sinh lao động tại các nhà máy, mỏ khai thác, luyện kim...
i. Thiếc (Sn)
Dùng trong bảo quản thức ăn. Dùng chế vỏ lon của nước giải khát.
Thiếc thuộc nhóm khoáng vi lượng cần cho người và động vật. Do sử dụng thức ăn
công nghiệp có bổ sung thiếc với liều cao, lâu ngày cũng có thể dẫn đến nhiếm độc.
2.2. Ngộ độc các chất độc vô cơ khác.
a. Fluorid
* Nguyờn nhõn gây ngộ độc
Các hợp chất fluorid có trong thành phần của cao lanh, photphorid, supperphotphat và
trong quặng apatit. Trong chăn nuôi, thú y hay sử dụng nguồn này làm thức ăn bổ xung thêm
nguồn photpho hay sử dụng làm thuốc trị giun, sán cho lợn. Do sử dụng sai nên thú nuôi bị
nhiễm độc.Tại các khu công nghiệp luyên kim loại: nhôm, sắt... hay quanh cỏc khu mỏ apatit,
nhà mỏy sản xuất phõn lõn... nguồn nước cũng như cỏ cây bị ô nhiễm nhiều.
Các động vật nuôi đều mẫn cảm, trong đó bũ mẫn cảm nhất, sau đó đến lợn ngựa. Gia
cầm ít mẫn cảm hơn.
* Độc tính
Trên chuột liều gây độc của natri fluorid cho qua đường tiêu hóa 200 - 250 mg/kg thể
trọng; Loài ăn cỏ bũ 1,5 mg/kg gây nhiễm độc món tớnh. Trong thức ăn khô chứa 5 ppm chưa
gây độc cho bũ và cừu, trờn 14ppm xuất hiện cỏc biến đổi bệnh lý có hại, từ 25 - 50 ppm trõu,
bũ bị trỳng độc rừ. Với ngựa 50 mg/kg bị ngộ độc, lợn ăn hàng ngày 1,5 - 2% đó cú triệu
chỳng ngộ độc.
* Triệu chứng và bệnh tớch

66
67

Nếu qua đường tiêu hóa, liều cao gây kích ứng niêm mạc do hydrogenfluorid. Với loài
nhai lại, fuorid ức chế vi sinh vật dạ cỏ. Sau khi được hấp thu vào máu tạo CaF2 khó tan đồng
thời làm giảm Ca trong mỏu. Kết quả làm chậm quỏ trỡnh đông máu, ức chế sự chuyển hóa,
hô hấp của mô bào. Fluorid cũn ức chế hoạt động của các men lipaza, phopataza, ngăn cản sự
tổng hợp vitamin C trong gan. Trong cơ thể fluorid có mặt trong nhiều tổ chức: xương, răng,
lông, da, sừng, móng. Khi bị nhiễm độc sẽ tăng đào thải CaF2 nên làm giảm Ca trong máu,
xương và gây hại đền các men tham gia quá trỡnh trao đổi chất của canxi và photpho.Vật
nuôi có thể bị độc ở 2 thể
Ngộ độc cấp tính hay xẩy ra trên lợn khi dùng thuốc tẩy giun có triệu chừng chẩy
nhiều nước dói, nụn, đau bụng, tiêu chẩy phân có khi lẫn máu. Vật khát nước, cơ bắp và toàn
thân co giật. Các trung khu hụ hấp và vận mạch bị te liệt. Vật chết do trụy tim mạch.
Bệnh tớch: thấy viờm dạ dày - ruột rất nặng. gan thận tụ máu. Máu đen không đông.
* Chữa trị:
Cho uống nhiều nước để pha loàng nồng độ fluorid hay tiờm tĩnh mạch dung dịch
CaCl2, bổ xung thêm đường glucoza, các vitamin D, E, C
Nhiễm độc mạn tính: vật có triệu chứng kém ăn, sút cân nhanh, giảm khả năng sản
xuất. Xương, răng biến dạng: chân cong, cột sống vẹo, dị dạng, vật đi lại khó khăn. Răng biến
mầu, dễ góy. Bệnh tớch chủ yếu ở xương và răng. Các tổ chức nhu mô bị thoái hóa, nhiều khi
thấy thận bị viêm mạn tính.
Chữa trị cho ăn thức ăn có bổ xung thên canxi, photpho, vitamin D, nhụm oxid. Chăn
thả ngoài đồng xa vùng cỏ cây và nước uống bị ô nhiễm fluorid.
b. Nitrate, nitrit vô cơ (đọc)
* Nguyên nhân
Người và động vật có thể bị nhiễm: Do nước uống có nồng độ nitrat cao, dung dịch
1,0 - 3,0 ppm đã gây độc. Hay dùng thức ăn bổ sung chứa các muối của chúng, đặc biệt là
nuối nitrat kali (KNO3)
* Triệu chứng: Phần này xem trong cây độc chứa các hợp chất hữu cơ của nitrat
Có hội chứng cyanosis. Khó tiêu, thở nhanh, có âm ran ướt do dịch tiết nhiều ở nhánh
khí quản. Mạch nhanh có thể đến 150 nhịp trên giây. Vật suy sụp nhanh, nằm nghiêng. Nước
tiểu chuyển mầu nâu rất nhanh trong vài phút. Có khi xuất hiện co giật, nhưng hôn mê thường
xuyên gặp. Máu chuyển mầu đen nâu nhiêu người gọi là máu mầu chocolate, loãng, không
đông. Vật chán ăn, nhất là động vật non: bê, nghé. Con cái dễ sảy thai. Tiết rất nhiều nước
bọt, phù nặng ở tổ chức liên kết dưới da.
Với nitrate của cây có thể gặp: đau bụng, tiêu chảy, bỏ ăn, cyanosis, co giật rồi chết.
Xác chết: máu mầu đen và xuất huyết.
Thử nghiệm độc ngắn ngày trên trâu, bũ nhận thấy với liều lượng 1,5% trong cỏ khô,
gây chết súc vật, do nitrat bị chuyển hóa bởi vi khuẩn trong ruột thành nitrit và chính nitrit
gây ngộ độc. Nhưng chó, thỏ, chuột cống trắng với liều lượng: 500 mg/kg thể trọng lại không
bị ảnh hưởng vỡ nitrat được thải nhanh chóng ra ngoài , qua phân và nước tiểu.
Với người dùng liều 4 g uống làm nhiều lần trong ngày, cũng có thể bị ngộ độc. Trẻ
em nhạy cảm hơn đặc biệt từ 6 tháng trở xuống lại càng dễ bị ngộ độc. Nhiều trường hợp trẻ
bị ngộ độc do uống nước có nitrat từ 93 - 443 mg NO3/lít nước. Trẻ em mắc chứng bệnh khó
tiêu với lượng 50 mg/lít nước uống đó bị ngộ độc rồi.

67
68

Natri nitrit, kali nitrit: NaNO2, KNO2


Natri nitrit, Kali nitrit dựng trong thực phẩm phải ở dạng bột trắng tinh khiết. Dùng để
giữ màu đỏ cho thịt muối mặn, làm thuốc sát khuẩn trong bảo quản cá, thịt và chế phẩm từ cá,
thịt (cỏ, thịt muối hoặc ướp lạnh). Thường dùng kết hợp với nitrat.
* Độc hại: Nhiều trường hợp bị ngộ độc thức ăn do ăn phải thức ăn có chứa nhiều
nitrit với liều lượng LD50 cho người lớn vào khoảng từ 0,18 – 2,5 g và thấp hơn cho người già
và trẻ em (Natri nitrit dựng trong chữa bệnh gõy gión mạch, liều lượng từ 30 - 120 mg).
Nitrit tỏc dụng với hemoglobin chuyến nú thành methemoglobin. Tuy động vật và khả
năng tái tạo methemoglobin thành hemoglobin mà vật có bị ngộ độc hay không.Thường cứ 1
g natri nitrit có thể chuyển 1855 g hemoglobin thành methemoglobin.
* Triệu chứng: ngộ độc cấp tính xuất hiện nhanh và đột ngột ngay sau khi ăn một
lượng lớn nitrit: nhức đầu, buồn nôn, chóng mặt, nôn mửa dữ dội, tiêu chảy, tiếp theo là tím
tái (mụi, đầu mũi, tai, đầu, tứ chi và mặt) nếu không chữa trị kịp thời sẽ ngạt thở dần, bệnh
nhân hôn mê và chết. Trong một vài trường hợp triệu chứng ngộ độc chỉ nhức đầu, buồn nôn
hoặc chỉ tím tái ở mặt.
Ngộ độc cấp tính là do ăn nhầm phải nitrit hoặc nitrat (nhầm là muối ăn NaCl), do ăn
phải lương thực nhiễm lẫn phân đạm nitrat, do uống phải nước có nhiều nitrat, cũng có thể do
uống thuốc muối bithmut kiềm natri chữa viêm loét dạ dày. Khi vào cơ thể nitrat bị khử bởi vi
khuẩn ruột thành nitrit gây ngộ độc. Người uống rượu dễ bị ngộ độc hơn do rượu kích thích
tốc độ hỡnh thành methemoglobin.
Nhiễm độc mạn tính: thường xảy ra ở những người công tác sản xuất canxi nitrat.
Trước hết, người bị ngộ độc thấy niêm mạc mũi bị phồng lên, sau đó xẹp đi và thủng thành lỗ
trũn hoặc bầu dục ở phần giữa của vỏch ngăn mũi. Ngoài ra cũn thấy cỏc acid nitrơ kết hợp
với các acid amin bậc 2 để tạo thành dialkyl nitrosamin rất dộc và gây ung thư gan trên chuột
cống trắng. Nhưng thử nghiệm của Druckey (1962) trên chuột cống trắng lại chỉ thấy tuổi thọ
giảm đi, từ 740 ngày xuống cũn 625 ngày mà khụng thấy khối u.
Khi bị ngộ độc ngoài việc rửa dạ dày cũn cho thở oxi. Trường hợp ngộ độc nặng phải
tiêm dung dịch xanh metylen với liều nhỏ vào tĩnh mạch để chuyển methemoglonin thành
hemoglobin.
c. Muối ăn (NaCl)
Natri và clor là các cation và anion chủ yếu ngoài màng và trong tế bào. Natri, K và Cl là
các ion chính ảnh hưởng đến sự cân bằng chất điệu giải và a cid - bazơ trong dịch của cơ thể sống.
Ngộ độc muối ăn rất hay gặp trong chăn nuôi gia cầm, lợn, loài nhai lại ít gặp hơn.
* Nguyên nhân
Do sử dụng nồng độ muối cao trong thức ăn hay dùng bột cá mặn của lợn cho gia cầm.
Khi động vật không được uống đủ nước, ngay cả khi nồng độ muối bình thường hoặc
thậm trí còn thấp hơn vật cũng đã có biểu hiện ngộ độc rồi.
* Độc tính
Tuỳ loài động vật, có trường hợp thức ăn chứa tới 10 - 20% muối nhưng được uống đủ
nước, vật vẫn chưa có biểu hiện trúng độc. Ngược lại nếu không đủ nước, nồng độ nuối chỉ
đạt 1 -2% cũng đã gây trúng độc.
*Liều gây chết:

68
69

Trên chuột tiêm mạch 2500 mg/kg; tiêm phúc mạc 5000 mg/kg.
Trên lợn cho uống liều 2 - 4 g/kg đã có biểu hiện độc.
Với gia cầm liều 4,5 g/kg đã gây chết.
Trâu, bò liều 1 - 3 kg/con, ngựa 0,75 - 2,0 kg/con.
Chó 50 - 60 g/con uống một lần đã giết chết chó.
Khi thiếu nước, lượng muối gây ngộ độc còn thấp hơn nhiều. Bình thường khẩn phần
ăn của lợn muối chiếm 2,5%, nếu không cho uống nước 24 - 36 giờ nồng độ muối gây ngộ
độc chỉ còn 0,7 - 0,8%
* Cơ chế
Khi ngộ độc muối ăn, lượng ion Na+ trong máu cao gây khát nước, đồng thời ở não
nồng độ Na+ cao gây tích nước (phù não), áp lực trong hộp sọ tăng, ức chế thần kinh trung
ương, gây rối loạn hoạt động
* Triệu chứng
Thể quá cấp do nồng độ ion Na+ tăng cao trong máu. Vật nôn, chảy nhiều dãi, cơ bắp
run, chết sau 1 - 2 ngày.
Thể cấp tính triệu chứng xuất hiện chậm thường sau 3 - 4 ngày. Vật không thích vận
động, thính thị giác giảm, bệnh nặng có thể bị điếc và mù. Với lợn hay chui đầu xuống nền
chuồng, nghiến răng. Các cơ ở vùng đầu, cơ bị co giật theo chu kỳ nghỉ rồi lại co. Vật giãy giụa,
nên thân nhiệt cao hơn bình thường. Bệnh có thể kéo dài vài ngày. Tỷ lệ chết khoảng 30 - 40%.
Với gia cầm gà bị tiêu chảy, khát nước, co giật, rối loạn vận động, tích nước xoang bụng.
* Điều trị
Loại trừ thức ăn nghi có hàm lượng muối cao. Dùng thuốc tẩy rửa ruột. Cho uống
các chất bảo vệ niêm mạc ruột: hồ tinh bột, cháo loãng, lòng trắng trứng, sữa hay dầu
thực vật. Tiêm các thuốc trợ sức: caphein, truyền đường hay dung dịch canxi chlorua
vào tĩnh mạch.
Bảng 3.4: Hàm lượng của một số kim loại và á kim cho phép có trong
nước hàng ngày dùng cho người và động vật nuôi thịt (gia súc, gia cầm)

Hàm lượng cho phép mg/l


Tên nguyên tố
hóa học Cho người U.S..
EPA 1
U.S. EPA 2 NAS 3 CAST4
Aluminun - 5,0 - No limit
Arsenic 0,05 0,2 0,2 0,02
Barium 1,0 - N.E -
Berylium - No limit - No limit
Boron - 5,0 - 10,0
Cadmium 0,01 0,05 0,05 0,5
Chlomium 0,05 1,0 0,1 5,0
Coban - 1,0 0,1 1,0
Fluoride - 0,5 0,5 0,5

69
70

Iron - 2,0 2,0 3,0


Lead 0,05 No limit N.E No limit
Manganese 0,1 0,1 0,1
Mercury 0,002 0,001 0,01 0,01
Molybdenum - No limit N.E No limit
Nickel - - 1,0 -
Nitrate 45 100 440 1320,0
Nitrite - 33 33 33,0
Selenium 0,01 0,05 - 0,1
Vanadium - 0,1 0,1 1,0
Zinc - 25,0 25,0 25
Ghi chú:
1. U.S. Enviromental Protection Agency. U.S. EPA 14/3/1975.
2. U.S. Enviromental Protection Agency U.S EPA 17/8/1973.
3. NAS National Academy of Sciences nồng độ khoáng cho phép trong nước uống của
gia súc, gia cầm 1974.
4. CAST - Council for agricultural Science and Technology chất lượng nươvs uống dùng
cho vật nuôi.
5. N.E - Not established; No limit - thí nghiệm chưa tìm được độ chính xác.
Bảng 3.5: Hàm lượng cho phép của một số nguyên tố có mặt
trong thức ăn của động vật (COM. 1999 654 final. Bruhsels 17-12-1999)
Hàm lượng ppm trong
Tên kim loại Loại chất liệu thức ăn
thức ăn có độ ẩm 12%
Trong các nguyên liệu tinh dùng chế thức ăn hỗn hợp 2
Trong cỏ, cây chứa cellulos, đường và rỉ đường khô 4
Asenic Cá và các động vật biền khác dùng chế thức ăn 10
Các thức ăn hỗn hợp cho dạ dày đơn 4
Các thức ăn hỗn hợp cho loài nhai lại 12
Thức ăn hỗn hợp hàng ngày 10
Cỏ xanh phơi khô 40
Chì Bổ xung chì ở dạng muối photphát 30
Bổ xung ở dạng men bia 5
Thức ăn hỗn hợp cho trâu, bò, dê, cừu 150
Thức ăn hỗn hợp cho bò sữa 30
Thức ăn hỗn hợp cho thú nhỏ 50
Thức ăn hỗn hợp cho lợn 100

70
71

Fluo Thức ăn hỗn hợp cho gia cầm 350


Thức ăn hỗn hợp cho gà 250
Thức ăn bổ xung 500
Bổ xung ở dạng muối photphat 2000
Bổ xung vào thức ăn cho trâu, bò, dê, cừu 2000
Bổ xung vào thức ăn cho động vật khác 125
Thức ăn hỗn hợp hàng ngày 0,1
Thuỷ ngân Thức ăn hỗn hợp có chứa cá và các động vật biền khác 0,5
Thức ăn bổ xung cho động vật lớn 0,4
Thức ăn bổ xung cho chó mèo 0,2
Nitrat Thức ăn được sản xuất từ cá 60
Câu hỏi ôn tập
1. Nguyên nhân, tác hại của các kim loại nặng trong chăn nuôi thú y và môi trường?
Kể tên các kim loại nặng, nguy hiểm hay gây ngộ độc cho vật nuôi ở các thể cấp tính, mạn
tính hay trường diễn?
2. Nguyên nhân, cơ chế tác động của asen trong cơ thể vật nuôi?
3. Triệu chứng, bệnh tích và cách điều trị khi vật nuôi ngộ độc asen?
4. Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị khi vật nuôi trúng độc bari?
5. Nguyên nhân, cơ chế, triệu chứng và cách điều trị khi vật nuôi trúng độc cadimi?
6. Cơ chế và độc tính cùa chì đối với vật nuôi và sức khoẻ cộng đồng?
7. Triệu chứng, bệnh tích và cách điều trị khi vật nuôi ngộ độc chì?
8. Nguyên nhân, triệu chứng bệnh tích và cách điều trị khi vật nuôi ngộ độc đồng?
9. Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị khi vật nuôi ngộ độc kẽm?
10. Nguyên nhân, độc tính, triệu chứng bệnh tích và cách điều trị khi vật nuôi ngộ độc
selen?
11. Triệu chứng bệnh tích và cách điều trị khi vật nuôi ngộ độc thuỷ ngân?
12. Nguyên nhân, cơ chế, triệu chứng và cách điều trị khi vật nuôi ngộ độc muối ăn?

71
72

72
73

Chương IV

Hóa chất bảo vệ thực vật

Các hoá chất bảo vệ thực vật (HCBVTV) có vai trò quan trọng trong sản xuất nông
nghiệp. Chi phí cho nhóm này rất lớn. Theo WHO, năm 1988 thế giới đã dùng 3,1 triệu tấn
hoạt chất BVTV với giá trị 20 tỷ USD trong đó thuốc trừ cỏ 9,1 tỷ, thuốc trừ sâu 6,1 tỷ và
thuôc trừ bệnh 4,2 tỷ. Người ta cũng ước tính, nếu không sử dụng các chất hoá học bảo vệ
thực vật thì mùa màng sẽ bị thiệt hại khoảng 50% sản phẩm.
Chính vì lý do trên nên việc sản xuất các hóa chất bảo vệ thực vật trên thế giới ngày
càng tăng. Các mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật luôn được thay đổi nhằm: Tạo ra các hợp chất
độc mạnh với sâu bệnh nhưng ít độc đối với động vật máu nóng; Tạo ra các hợp chất ít gây
độc trường diễn, nhất đối với người và súc vật; Hạn chế sâu bệnh quen thuốc.
Chương IV tập trung giới thiệu ba nhóm hoá chất bảo vệ thực vật là: clo hữu cơ,
phosphor hữu cơ và carbamat.
Phần cuối chương có giới thiệu một số thuốc diệt chuột có độc tính cao
1. Đại cương
Hiện nay trong nông nghiệp các chất hoá học được sử dụng ngày càng nhiều, với các
mục đích khác nhau, bao gồm:
- Các loại phân bón có nguồn gốc hoá học hay vi sinh nhằm tăng dinh dưỡng cho cây.
- Các chất điều hoà sinh trưởng (phytohormon): ví dụ như anxin, cytokinin, gibberelin. Các
chất này có vai trò quan trọng trong các quá trình vận chuyển chất, phát triển, già, chín của cây trồng.
- Các hóa chất bảo vệ thực vật (pesticides): sử dụng với mục đích phòng trừ các các
loại động vật, thực vật, vi sinh vật gây thiệt hại cho cây trồng.
Mặc dù các nhà khoa học, nhà sản xuất đã có nhiều cố gắng nghiên cứu tạo ra các hợp
chất trừ sâu diệt cỏ có các ưu điểm nêu trên, nhưng hiện nay các chất này vẫn có độc tính cao.
Thời gian bán huỷ của nhiều chất rất lâu, trên 50 năm (ví dụ: DDT). Tạo ra các chất độc hơn
như dioxin khi sử dụng 2, 4 D và 2, 4, 5 T. Gây ngộ độc cấp khi cơ thể nhiễm phải lượng lớn.
Gây ngộ độc trường diễn khi cơ thể hấp thụ phải những lượng hết sức nhỏ trong thời gian dài
vì chúng tích luỹ trong cơ thể. Khi sử dụng không đúng quy trình hướng dẫn thường gây ngộ
độc (cấp và trường diễn). Hơn nữa, trong quá trình sử dụng con nguời đã lạm dụng mặt tích
cực, không chú ý đúng mức đến mặt tiêu cực dẫn đến phá vỡ hệ sinh thái, gây hậu quả xấu
cho môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.
1.1. Phân loại các hóa chất Bảo Vệ Thực Vật.
Có nhiều cách phân loại các chất BVTV.
- Phân loại theo nguồn gốc: các chất có nguồn gốc tự nhiên hoặc do tổng hợp
- Phân loại theo cấu tạo hóa học

- Phân loại theo mục đích sử dụng: trừ sâu, diệt cỏ,
diệt nấm.
- Phân loại theo đường xâm nhập: qua da, qua đường hô hấp, qua đường tiêu hóa.
- Nếu kết hợp phân loại theo mục đích sử dụng và cấu tạo hóa học, HCBVTV có thể
được chia làm 3 loại chính: Thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh (do nấm, virus,vi khuẩn), thuốc trừ
cỏ.

73
74

Sau đây là một số thuốc BVTV dùng phổ biến ở nước ta trong thời gian gần đây. Đa
số các hợp chất này đã được quy định giới hạn tối đa cho phép trong môi trường của tiêu
chuẩn Việt Nam (TCVN).
Bảng 4.1: Một số thuốc bảo vệ thực vật thường dùng ở Việt Nam
Tên chất Công dụng
1. Nhóm phospho hữu cơ
Methylparathion Diệt nhiều loại sâu trên cây trồng
(Hạn chế dùng ở Việt Nam) Độc cho người và gia súc, LD50=10 -50 mg/kg
Diazinon (Basudin) Diệt sâu và tuyến trùng, trừ rầy cho hoa quả, thuốc lá,
hoa màu.
LD50 = 300 - 400 mg/l
Sumithion (Fenitrothion) Trừ sâu tiếp xúc, trừ nhện, diệt côn trùng hại lúa, rau
quả. Diệt muỗi gián ruồi.
LD50 = 800 mg/kg
Kitazin (Iprobenphos) Trừ nấm đạo ôn (dạng nhũ dầu).
LD50 = 490 mg/kg
Hinosan (Edifenphos) Trừ nấm cho cây trồng,
LD50 = 100 - 260 mg/kg
Monocro - tophos Diệt sâu mạnh (dùng ở dạng dung dịch).
(Hạn chế dùng ở Việt Nam) Độc với oxy, chim, cá. LD50 = 8 - 23 mg/kg
Monitor (Methanidophos) Trừ sâu, trừ nhện (dung dịch 40% và 60%).
(Hạn chế dùng ở Việt Nam) Độc lực cao LD50 = 30 mg/kg
Acephate Trừ sâu tiếp xúc (dạng bột hòa nước).
LD50 = 940 mg/kg
Dipterex (clorofos) Trừ sâu cho hoa màu, cây cảnh, hạt giống, diệt côn
trùng. LD50 = 150 - 400 mg/kg
Malathion (Carbofos) Trừ sâu (dạng nhũ dầu, bột rắc).
LD50 = 2800 mg/kg
Dimethoat (Bi - 58) Diệt sâu, nhện, diệt ruồi ve, côn trùng.
LD50 = 235 mg/kg
Glyphosate Diệt cỏ không chọn lọc (dùng sau nảy mầm). Diệt cỏ
khó trị như cỏ cú, cỏ tranh, cỏ chỉ.
LD50 = 1300 mg/kg
2. Nhóm clo hữu cơ Diệt cỏ chọn lọc trừ cỏ tranh, cỏ gà (thường dùng 2 - 5
Dalapon kg/ha). Hạn chế dùng ở Việt Nam
LD50 = 9330 mg/kg
Anvil (Hexaconazol) Diệt nấm: trừ bệnh sương mai, mốc phấn, ghẻ lở của
dây leo, quả mọng, rau.
LD50 = 2190 mg/kg
Fenclorim Trừ cỏ (Herbicode safener). Dùng phối hợp với nhiều
loại khác như Pretilaclor.
LD50 > 5000 mg/kg
Methoxyclor Trừ sâu tiếp xúc.
LD50 = 6000 mg/kg
3. Nhóm Carbamat Trừ rẫy lúa, sâu rệp hai bông (nhũ dầu, bột rắc). LD50 =

74
75

Fenobncarb (Bassa) 410 mg/kg


Cartap (Padan, Patap) Trừ sâu (bột hòa nước, bột rắc)
LD50 = 345 mg/kg
Thiobencarb (Saturn) Diệt cỏ thời kỳ trên nảy mầm: cỏ dại, cỏ lá rộng. LD50 =
1300 mg/kg
Carbaryl (Sevin) Diệt sâu phổ rộng trên nhiều loại cây: cam, chanh, lúa
ngô, rau, cà chua.
LD50 = 560 mg/kg
4. Nhóm Pyrethroid Diệt cỏ, diệt côn trùng trừ sâu (nhũ dầu25%).
Cypermethrin (Sherpa) LD50 = 251 mg/kg
Fenvalerate Trừ sâu phổ rộng cho nhiều loại cây trồng.
LD50 = 451 mg/kg
Dẫn xuất acid phenoxy acetic Thường dùng dạng ester butyl để diệt cỏ cho đỗ tương,
Fusilade (Fluazofopbutyl) bông, lạc (0,25 - 0,5 kg/ha)
MCPA Diệt cỏ chọn lọc (cỏ 2 lá mầm, cỏ rộng, cỏ lác, 0,5 - 1
(2 metyl 4 cloro phenoxy acetic acid) kg/ha). LD50 = 700 mg/kg
MCPB Diệt cỏ, thường dùng phối hợp với thiobencarb.
LD50 = 4700 mg/kg
6. Hợp chất cơ kim loại Trừ nấm cho cà chua, khoai tây, bắp cải, đậu, nho (dạng
Maneb bột rắc, bột thấm nước).
LD50 = 7900 mg/kg
Zineb Diệt nấm cho nhiều loại rau, quả (dạng bột rắc, bột
thấm nước).
LD50 = 5200 mg/kg
Ziram Trừ nấm gây bệnh thủng lá, thối hoa (dạng bột rắc, bột
thấm nước).
LD50 = 1400 mg/kg
7. Nhóm Acetamid Trừ cỏ chọn lọc: cỏ hàng niên, cỏ lá rộng cho thuốc lá,
Diphenamid cafê, khoai tây.
LD50 = 1050 mg/kg
Pretilaclor (Sofit, Rifit) Trừ cỏ chọn lọc trước khi cỏ mọc hoặc sau khi cỏ mọc
cho lúc cấy hay gieo thẳng (0,3 - 0,5 kg/ha). LD50 =
6100 mg/kg
Metolaclor Trừ cỏ chọn lọc: trộn vào đất trước thời kỳ nảy mầm dùng
cho ruộng ngô, khoai tây, bông.
LD50 = 2780 mg/kg
8. Dẫn xuất Triazin Diệt cỏ chọn lọc: xử lý trước khi cỏ mọc dạng bột hòa
Simazin nước (diệt cỏ hai lá mầm, hòa thảo một năm).
LD50 > 5000 mg/kg
Altrazin Trừ cỏ chọn lọc
LD50 = 1870 - 3080 mg/kg
9. Dẫn xuất khác Trừ sâu, trừ nấm nội hấp: bệnh cháy lá lúa, rầy hại lúa.
Fufi - one Dạng nhũ dầu 40%.
LD50 = 1190 mg/kg
Fenoaprop - Ethyl Diệt cỏ
LD50 = 2350 mg/kg

Ghi chú: - Me: gốc - CH3; - Et: gốc - C2H5; - Ph: gốc - C6H5

75
76

LD: nếu không ghi chú thì đó là liều cho chuột cống qua đường uống
1.2. Sự tồn lưu của hoá chất bảo vệ thực vật trong môi trường
HCBVTV được phun dưới dạng mù hay bụi cho cây cối với mục đích diệt trừ sâu
bệnh và do vậy sẽ trực tiếp ngấm vào đất. HC BVTV còn ngấm vào nước, khí quyển, tham
gia vào các phản ứng hoá học, quang hoá. Sự tồn lưu của thuốc BVTV trong môi trường phụ
thuộc vào: Khả năng bay hơi; Độ hòa tan trong nước và trong dung môi; Mức độ phản ứng
(hoá học, sinh học) trong môi trường.
Sau khi tham gia các phản ứng, hoá chất bảo vệ thực vật phân huỷ thành các hợp chất
đơn giản. Sự tồn lưu của thuốc BVTV trong môi trường được đo bằng thời gian cần thiết để
95% thuốc bị phân huỷ hoặc mất hoạt tính. Dựa vào thời gian đó thuốc BVTV được chia làm 3
loại:
- Loại không bền: thời gian phân huỷ 1 - 2 tuần.
- Loại trung bình: thời gian phân huỷ 1 - 18 tháng.
- Loại bền vững: thời gian phân huỷ từ 2 năm trở lên.
Sự phân bố của thuốc BVTV trong môi trường rất đa dạng và phong phú tuỳ thuộc
vào tính chất của hợp chất đó và điều kiện bên ngoài.

Khí Nướ
quyển c

Đất Động
vật

Phun thuốc
Cây

Sơ đồ 4.1: Chu trình luân chuyển của hoá chất bảo vệ thực vật trong môi trường
Trong môi trường dưới tác động của nước, ánh sáng và của vi khuẩn các thuốc BVTV
có thể tham gia vào nhiều phản ứng khác nhau:
- Phản ứng oxy hoá: chuyển nhóm thế Cl bằng nhóm OH tạo ra đẫn xuất phenol trong
các hợp chất thơm.
- Phản ứng khử: khử nhóm - NO2 thành - NH2 như các hợp chất parathion, metyl
parathion.
- Phản ứng thuỷ phân dưới tác dụng của enzym: ví dụ malathion có 2 liên kết
carboxyesterase dễ bị phân huỷ nhờ enzym carboxyesterase. Enzym này chỉ có ở động vật có
vú, không có ở sâu bọ côn trùng. Vì vậy malathion là thuốc trừ sâu chọn lọc, không độc đối
với động vật có vú và người.
H3CO S CH2COOC2H5

76
77

P + H2O enzym
H3CO S CH - CH2COOC2H5

H3CO S CH2COOH

P + 2 C2H5OH
H3CO S CH - CH2COOH

Thuốc BVTV sau khi tham gia các phản ứng trong môi trường sẽ phân huỷ dần. Phần
còn tồn lưu lại gọi là dư lượng tồn tại trong đất, trong nước, không khí và cả trên cây trồng.
Dư lượng này làm giảm chất lượng môi trường, có thể gây nguy cơ nhiêm độc cho người và
động vật. Vì vậy tiêu chuẩn chất lượng môi trường của nhiều quốc gia có quy định giới hạn
tối đa cho phép từng loại hợp chất cụ thể trong môi trường: đất, nước, thực phẩm.
1.3. Độc tính và độc lực của hoá chất bảo vệ thực vật.
Thuốc BVTV có độc lực rất khác nhau. Căn cứ vào độc lực trên động vật thí nghiệm
(chuột cống, chuột nhắt) chúng được chia thành 4 nhóm:
- Độc lực rất cao: LD50 £ 50 mg/l
- Độc lực cao : LD50 = 50 - 200 mg/l
- Độc lực trung bình : LD50 = 200 - 1000 mg/l
- ít độc : LD50 > 1000 mg/l
2. Ngộ độc các hóa chất bảo vệ thực vật
Như trong phần đại cương về HCBVTV đã nêu, nếu kết hợp phân loại theo mục đích
sử dụng và cấu trúc hóa học, các HCBVTV có thể được phân thành 3 nhóm chính: Thuốc trừ
sâu, thuốc trừ bệnh và thuốc trừ cỏ. Trong phần này chúng tôi giới thiệu chủ yếu về phần
thuốc trừ sâu.
Dựa vào cấu tạo, thuốc trừ sâu được chia thành 5 nhóm: Các hợp chất phosphor hữu
cơ, clo hữu cơ, carbamat, thuốc BVTV có nguồn gốc từ thảo dược: pyrethrin từ cúc trừ trùng,
rotenon từ cây thuóc cá, thàn mát, hạt củ đậu… và thuốc trừ sâu sinh học.
2.1. Ngộ độc các hợp chất phospho hữu cơ:
Các hợp chất phospho hữu cơ (PPHC) do bị thuỷ phân nhanh thành các hợp chất vô
hại và không tích lũy chất độc lâu dài trong môi trường nên PPHC ngày càng được sử dụng
rộng rãi trong nông nghiệp với các mục đích: bảo vệ cây trồng, chống côn trùng phá hoại
trong các kho tàng, điều trị các bệnh ký sinh trùng thú y diệt ruồi... Cũng vì sử dụng rộng rãi
như vậy nên ngộ độc phospho hữu cơ rất thường gặp ở người và gia súc (ở người chiếm
khoảng 50 - 80% trường hợp ngộ độc cấp phải vào viện).
Đây là nhóm thuốc có nhiều chủng loại nhất, được sử dụng từ năm 1946. Chúng là dẫn
xuất của axit phosphoric, cụ thể là:
- Dẫn xuất phosphat: DDVP, monocrotophos, clorphenviphos.
- Dẫn xuất phosphonat: clorofos.
- Dẫn xuất thiophosphat: diazimon, cyanophenphos.
- Dẫn xuất dithiophosphat: malathion, dimethoat.

77
78

- Dẫn xuất thiophosphoramid: acephat, methamidophos.


a. Cấu trúc hóa học và tính chất
Các hợp chất phospho hữu cơ (PPHC) là các chất bao gồm carbon và các gốc của axit
phosphoric. Chất đầu tiên được sử dụng để diệt côn trùng là Tetraetyl pyrophosphat (TEPP).
Ngày nay có hàng ngàn hợp chất phospho hữu cơ ra đời nhưng vẫn trên cơ sở một công thức
hoá học chung.

R1 R3
P
R2 O
R1 và R2 là những alkylamin hoặc alkoxy.R3 là những gốc acid vô cơ hoặc những
nhóm hữu cơ.

Hình 4.2: Cấu trúc cơ bản của thuốc trừ sâu phospho hữu cơ
Sau đây là lý hóa tính của một số hợp chất phospho hữu cơ thường gặp
* Parathion - methyl: Tên gọi khác: Methyl - parathion, Wonfatox, Metaphos, Foliol.
- Tên hóa học: O, O - dimethyl - O, 4 - nitrophenylphosphorothioat.
- Công thức hóa học: C8H10O5NPS.
- Tính chất: Thuốc kỹ thuật 80% ở thể lỏng màu nâu, tương đối bền trong môi trường
acid, thủy phân nhanh trong môi trường kiềm và trung tính, tan nhiều trong dung môi hữu cơ

78
79

như aceton, benzen, clorofor… ít tan trong nước. Thuộc nhóm độc loại I. LD50 =14 - 24
mg/kg
Thuốc này thường được dùng phun cho các cây đậu, đỗ, cây ăn rau quả củ, bắp cải.
Parathion - methyl là loại thuốc trừ sâu có tác dụng tiếp xúc, đường ruột và xông hơi. Trong
một số trường hợp còn được pha lẫn với một số loại thuốc khác.
Sản phẩm chuyển hóa của parathion trong cơ thể là paranitrophenol, được đào thải
qua nước tiểu. Có thể xác định paranitrophenol trong máu và nước tiểu để chẩn đoán ngộ độc
methyl- parathion hoặc parathion.
*Clorofoc và Dichlorovos.
Dichlorovos: Tên gọi khác: DDVP, Dedevap, Nogos, Nuvan, Vapona.
- Công thức hóa học:
H3C O

P
H3CO OCH = CCL2
O, O - dimethyl - O (2, 2 - diclovinyl) phosphat
Dichlorovos là chất lỏng không màu, ít tan trong nước và tan nhiều trong dung môi hữu
cơ,
bền với nhiệt độ, phân hủy nhanh trong môi trường sống, trong nước và môi trường kiềm.
Chlorofoc:
H3CO O
P

H3CO CH = CCL2

OH
O, O - dimethyl (1 - oxy, 2, 2, 2 tricloetyl) phosphat
Chlorofoc là chất kết tinh không màu, dễ tan trong dung môi hữu cơ.
LD50 = 56 - 108 mg/kg.
Dichlorovos được sử dụng trừ sâu cho ngũ cốc, lạc, cây ăn quả. Dichlorovos là loại thuốc
trừ côn trùng dạng tiếp xúc, xông hơi và vị độc. Hơi thuốc có khả năng khuếch tán nhanh và
mạnh, nên có thể sử dụng làm chất bảo quản hàng hóa, sử lý kho tàng, trừ ruồi, muỗi và gián.
Sản phẩm chuyển hóa của Dichlorovos được đào thải qua phân, nước tiểu và
đường hô hấp.
*Methamidophos: Tên gọi khác: Monitor, Tamazon, Filitox.
- Tên hóa học: O, S - Dimethylphosphoamidothioat.
- Công thức hóa học: C2H8NO2PS.
- Tính chất: Thuốc nguyên chất ở thể rắn. Thuốc kỹ thuật 70 - 75% ở thể lỏng tan
trong nước (200g/100 ml). Rượu Izopropyonic (140g/100 ml) tan ít trong xylen và benzen.
Bền trong môi trường khô, không bền trong môi trường nước, acid, kiềm và nhiệt độ cao
(400C). LD50 = 30 mg/kg.
Thường sử dụng thuốc 70% phun các loại ớt, cà chua, rau quả. Là loại thuốc trừ côn
trùng có tác dụng vị độc, tiếp xúc và nội hấp.

79
80

*Diazinon. Tên gọi khác: Basudin.


- Tên hóa học: O,O - Diethyl - O,2 - isopropyl - 6 - methyl - pyrimidin - 4 - ylphosphorothioat.
- Công thức hóa học: C12H21N2O3PS.
- Tính chất: Dạng dung dịch không màu, tan trong aceton, benzen, ít tan trong nước.
LD50 = 300 - 400 mg/kg.
- Diazinon có tác dụng tiếp xúc vị độc xông hơi và thấm sâu. Sử dụng cho ngũ
cốc, rau quả.
* Dimethoa: Tên gọi khác: Bi 58, Rogor, Roxion.
- Tên hóa học: O,O - Diethyl - S - methyl - carbomoylphosphorothioat.
- Công thức hóa học: C5H12NO3PS2.
- Tính chất: dạng tinh thể 96% có màu trắng ngà, ít tan trong nước, tan nhiều trong
rượu và các dung môi hữu cơ, bền trong môi trường acid và trung tính, thủy phân nhanh trong
môi trường kiềm. LD50 = 250 - 680 mg/kg.
Là loại thuốc trừ sâu nội hấp có tác dụng tiếp xúc, vị độc dùng cho các loại rau
ăn củ, quả lá, ngũ cốc, cà chua, trừ côn trùng và trừ các loại rầy, rệp, bọ xít cho các loại
cấy công nghiệp.
* Parathion: Tên gọi khác: Thiofot.
- Tên hóa học: O,O - Diethyl - 0,4 - nitrophenyl - thiophosphat.
- Tính chất: Chất lỏng sánh như dầu, không màu, sôi ở 1620C, ít tan trong dung môi
hữu cơ, bị phân huỷ ngoài ánh sáng.
Với chuột LD50 = 250 - 680 mg/kg.
* Triclophot: Tên gọi khác: Dipterex, chlorophot.
- Tên hóa học: O,O-Dimethyl - oxy 2, 2, 2 - tricloetyl phosphonat.
- Tính chất: Chất kết tinh không mùi, nhiệt độ nóng chảy 82 - 830C. Tan trong nước 16%
ở 200C. Tan tốt trong các dung môi hữu cơ. Bị loại Clor dưới tác động của kiềm.
- LD50 = 400 - 850 mg/kg.
* Malation: Tên gọi khác: Carbophat.
- Tên hóa học: O,O - Dimethyl - 1, 2 - dicarbetocidi - thiophosphat.
- Tính chất: Chất lỏng màu vàng, mùi khó chịu, nhiệt độ sôi 156 - 1570C. Không tan
trong nước lẫn với các dung môi hữu cơ, bền vững ở các môi trường trung tính và axit nhẹ. Bị
phá huỷ nhanh ở môi trường kiềm.
- LD50 = 620 - 1600 mg/kg.
b. Đường phơi nhiễm
Các hợp chất phospho hữu cơ được hấp thụ rất tốt qua đường da và niêm mạc, đường
tiêu hoá và đường hô hấp. Nguyên nhân dẫn đến ngộ độc có thể là sử dụng không đúng quy
định trong nông nghiệp. ở người có thể do tai nạn, tự tử và bị đầu độc. Ngoài ra người và gia
súc còn bị ngộ độc hàng loạt do thực phẩm, thức ăn bị nhiễm độc. Các dấu hiệu và triệu
chứng ngộ độc rất thay đổi tuỳ theo đường phơi nhiễm và mức độ nhiễm độc. Khoảng thời
gian từ lúc bị ngộ độc đến lúc xẩy ra triệu chứng thường dưới 12 giờ. Nhiễm độc khí dẫn đến
triệu chứng xẩy ra trong vòng vài giây. Tuy nhiên, một số hoá chất mới như diclofenthion và
fenthion hoà tan trong mỡ nhiều hơn nên có thể gây ra cường cholinecgic sau vài ngày và
triệu chứng có thể tồn tại vài tuần đến hàng tháng do thuốc trừ sâu lúc đầu được giữ lại trong
các mô mỡ và sau đó được tái phân bố vào máu.
c. Động học (toxicokinetic)

80
81

- Sự hấp thu: Các hợp chất phospho hữu cơ có thể được hấp thu từ khắp bề mặt của cơ
thể, đặc biệt qua phổi, đường tiêu hóa, da, và mắt.
- Sự phân bố: khi vào máu được phân bố nhanh đến các tổ chức nhưng không tích lũy
trong các mô mỡ.
- Sự chuyển hóa: Những yếu tố làm tăng chuyển hóa pha 1 hoặc làm tăng hoạt tính của
men oxy hóa có chức năng hỗn hợp (MFO) làm tăng độc tính của PPHC do biến chúng thành
các chất oxy hóa tương ứng. Cầu nối este trong phân tử PPHC hoặc carbamat làm giảm đáng
kể độc tính của chúng.
Triclorfon trong cơ thể hình thành nên diclordimetyl vinylphosphat (DDVP) rất độc.
DDVP lại do tác dụng của enzym, tiếp tục phân hủy nhanh thành O, O - dimetylphosphat và
dicloraxetaldehyd ít độc hơn. Chính những sản phẩm trung gian này gây nên tác dụng hiệp đồng
giữa các phospho hữu cơ.
- Trong cơ thể, các hợp chất phospho hữu cơ bị phân hủy khá nhanh do đó về mặt hóa
học nó không phải là chất tích lũy.
- Sự thải trừ: Hầu hết các PPHC và carbamat thải trừ nhanh và hoàn toàn. Các PPHC
chứa clo tan nhiều trong dầu mỡ hơn nên tồn lưu trong trong cơ thể lâu hơn các PPHC khác.
Sau khi vào đường tiêu hóa, chỉ một ít thải trừ qua phân ở dạng không biến đổi, còn phần lớn
thì hấp thu, biến đổi ở gan và theo nước tiểu thải ra ngoài. Nhóm parathion thải trừ qua nước
tiểu dưới dạng paranitrophenol. PPHC có thể thải trừ qua sữa. Bò sữa sử dụng fenclorfos, sau
28 ngày trong sữa vẫn còn thuốc. Trong sữa cừu, thời gian và hàm lượng thuốc thải trừ còn
lâu và cao hơn ở bò.

81
82

A. Trạng thái bình


thường

Trung tâm Anion Trung tâm Esterase

Men phục hồi

B. Ngộ độc phospho hữu cơ và giải


độc

Quá
Quá trình
trình thủy
thủy Ức chế men Tác động của
phân pralidoxime

Men phục hồi

Men
Menphục
bị vôhồi
hoạt
Pralidoxine - hợp Men phục hồi
chất phospho hữu cơ

Hình 4.3: Sơ đồ cơ chế gây độc và giải độc của các hợp chất phospho hữu

82
83

d. Cơ chế gây độc (xem dược lý chương thuốc tác dụng hệ TKTV và cơ chế giải độc khi
gia súc, gia cầm bị trúng độc thuốc trị giun sán)
Các hợp chất phospho hữu cơ tác động chủ yếu lên quá trình dẫn truyền xung động thần
kinh. Cấu tạo của thần kinh có sợi trục dẫn xung động và sợi nhánh để nhân các xung động từ
sợi trục thần kinh và truyền đến các sợi nhánh do một chất trung gian hoá học đặc biệt là
Acetylcholin. Nó tác động lên độ thấm ion của màng tế bào, làm thay đổi điện thế của màng.
Phần tích điện dương (+) của phân tử Acetylcholin bị hút trong tâm tích điện âm (-) của bộ phận
thụ cảm của nơron sau gây nên sự thay đổi điện thế của màng tế bào thần kinh thụ cảm và sinh
ra một xung tác mới. Khi chỉ có một xung tác thần kinh thì lượng Acetylcholin tiết ra khoảng 1
- 2 mg. Acetylcholin là chất trung gian hoá học tại các xinap thần kinh trước hạch của hệ thần
kinh thực vật (giao cảm và phó giao cảm), tại các xinap hậu hạch của thần kinh phó giao cảm
và dây thần kinh giao cảm chi phối các tuyến mồ hôi, ở các cúc tận cùng của các dây thần kinh
vận động chi phối các cơ vân, ở các điểm nối tế bào thần kinh trong não. Có hai loại receptor
chịu tác động của acetylcholin, đó là thụ thể muscarinic và thụ thể nicotinic. Acetylcholin được
tạo từ Acetyl CoA ở các nhánh tận của dây thần kinh (tiền xinap) và cholin từ dịch ngoại bào.
Sau khi tác động lên các receptor đặc hiệu ở màng tế bào hậu xinap, Acetylcholin sẽ bị thuỷ
phân bởi men acetyl cholinesterse (AChE). Nếu tốc độ phân huỷ chậm sẽ gây sự ứ đọng
Acetylcholin dẫn đến gây độc và phá huỷ nghiêm trọng hệ thần kinh, có thể chết.
Sự phân huỷ Acetylcholin được xúc tác bởi men Acetylcholinesterase. Trên mặt hoạt
động của men cholinesterase có 2 trung tâm: trung tâm anion (-) có tác dụng hoạt hoá phần
điện tích dương (+) của phân tử Acetylcholin. Trung tâm este thực hiện thuỷ phân
Acetylcholin thành Acid Acetic và cholin.
Phospho hữu cơ khi vào cơ thể sẽ gắn với AChE thành phức hợp phosphoryl hoá bền
vững và làm mất hoạt tính của ChE, làm giảm hoặc mất tác dụng của men cholinesterase, do
vậy phản ứng phân giải Acetylcholin bị giảm sút hay đình trệ và dẫn đến ngộ độc. Hậu quả là
Acetylcholin tích tụ tại các xinap thần kinh. Sự tích tụ này gây ra sự kích thích liên tục quá
mức các receptor ở hậu xinap (lúc đầu), sau đó là giai đoạn kiệt xinap ở cả hệ thần kinh trung
ương và thần kinh ngoại biên. Sự kích thích dẫn tới hội chứng cường cholin cấp và sự kiện
synapes dẫn đến những thay đổi sinh lý và chuyển hoá khác nhau biểu hiện ra ngoài thành các
triệu chứng bệnh cảnh ngộ độc cấp PPHC. Có hai loại receptor: muscarinic (ở hậu hạch phó
giao cảm) và nicotinic (ở hạch thần kinh thực vật và ở các điểm nối thần kinh cơ vân - các
bản vận động) chịu tác động của acetylcholin. Vì vậy các triệu chứng lâm sàng rất phức tạp
và tập trung thành các hội chứng bệnh lý khác nhau.
Enzym acetylcholinesterase (AChE) bị ức chế bằng phosphoryl hóa enzym.
Acetylcholine (ACh) tích tụ lại gây rối loạn:
- ở điểm nối thần kinh có cơ trơn và ở tế bào bài tiết sẽ gây co cơ và tăng tiết,
- ở điểm nối thần kinh cơ- xương gây kích thích co giật,
- ở não, ACh làm tăng rối loạn cảm giác và hành vi, suy giảm chức năng vận động.
* Trong cơ thể có 2 loại men ChE:
- Enzym acetylcholinesterase (AChE) còn được gọi là enzym Cholinesterase thật tồn
tại trong hồng cầu (vì vậy còn gọi là enzym ChE hồng cầu), trong hệ thần kinh trung ương và
các cơ, chủ yếu là thủy phân acetylcholin thành cholin và acid acetic.
e. Độc tính và độc lực

83
84

Độc tính của các hợp chất phospho hữu cơ có liên quan đến cấu trúc hóa học của
chúng và loài gia súc, gia cầm. Các gốc alkylamin ở R1 và R2 (phần cấu trúc hóa học) càng
dài thì độc tính càng cao. Gốc acid vô cơ ở R3 càng mạnh thì độc tính cũng càng cao (khi
HCN gắn vào R3 sẽ rất độc). Thay nguyên tử oxygen bằng Se2+ độc tính tăng nhưng bị giảm đi
nếu thay bằng sulfur. Dithiophosphat ít độc hơn thiophosphat và chất này lại ít độc hơn
phosphat.
* Liều gây độc và liều chết của một số hợp chất PPHC ở gia súc, gia cầm
- Dipterex (triclorfon): Liều gây độc p.o. ở bê là 5 - 10 mg/kg, bò 75 - 100 mg/kg, dê
cừu 100 - 200 mg/kg, ngỗng 50 mg/kg thể trọng.
LD50 ở gà mái là 80 mg/kg, liều 120 mg/kg thể trọng gây chết hàng loạt. Liều 35
mg/kg thể trọng per.ose. liên tục nhiều ngày có thể gây chết ngỗng.
- Parathion: Liều tối thiểu gây chết p.o. ở lợn là 25 mg/kg; cừu 20 mg/kg; bê và bò
25 - 50 mg/kg thể trọng. Liều chết ở ngựa là 5 mg/kg, gà giò 3,13 mg/kg thể trọng.
- Malation: Bê dưới 2 tuần tuổi, p.o. 20 mg/kg đã gây biến đổi cho cơ thể; liều 50
mg/kg thể trọng gây chết. Liều tối thiểu gây độc ở bò là 100 mg/kg thể trọng. Gà giò 3 tuần
tuổi, LD50 = 200 - 400 mg/kg thể trọng. Chó có khả năng chịu đựng tốt hơn (3500 mg/kg thể
trọng không gây chết).
- Diazinon: Liều gây độc ở bê dưới 2 tuần tuổi, p.o. 2,5 mg/kg, trên 1 năm tuổi 25
mg/kg thể trọng, dê 300 mg/kg; ngựa 20 mg/kg thể trọng.
Liều chết ở vịt là 14 mg/kg thể trọng.
Theo Gary D. Osweiler, một số PPHC dạng thương phẩm như phorate, fonofos,
carbofuran có độc lực rất cao, liều gây ngộ độc cấp là trong khoảng 1 - 20 mg/kg. Nồng độ
của hoạt chất là 5% - 50%.
Cần chú ý là nếu dùng phối hợp các thuốc bảo vệ thực vật cùng một lúc, chúng có thể
tác dụng hiệp đồng làm tăng độc tính. Ví dụ nếu dùng phối hợp parathion với bromofos-etyl
làm giảm LD50. Dùng phối hợp bromofos - etyl với lindan hoặc heptalclor, sẽ tác dụng đối
kháng và LD50 tăng lên.
Nhiều chất khi dùng phối hợp sẽ làm tăng độc tính của hợp chất PPHC:
- Thuốc trấn tĩnh phenothiazin làm tăng độc tính của PPHC.
- Haloxon, 1 loại thuốc PPHC trị ký sinh trùng thông qua cơ chế ức chế men chE cũng
có tác dụng hiệp đồng với PPHC.
- Levamisol là thuốc trị ký sinh trùng thông qua phong tỏa thần kinh cơ loại nicotinic
làm tăng tác dụng nicotinic của PPHC. Nicotin và curare cũng làm tăng độc tính.
- Thuốc kháng sinh nhóm aminoglycosid phong bế dẫn truyền ở xinap thông qua ức
chế giải phóng men chE hoặc phong bế thần kinh cơ sau xinap. Các men cảm ứng với MFOs
làm tăng quá trình oxy hóa phosphoryl hóa PPHC.
- Malation làm tăng tác dụng độc của triclorfon do ức chế men phân hủy DDVP, kéo
dài và duy trì tác dụng của DDVP.
Nhiều hợp chất PPHC được dùng trong chiến tranh hóa học. Đó là: Tabun có LD50 là
0,35 - 0,40 mg/kg; Soman LD50 = 0,1 mg/kg; Sarin LD50 = 0,04 - 0,1 mg/kg thể trọng;
Tamerin - este có LD50= 0,01 - 0,1 mg/kg thể trọng

84
85

Thời gian được phép sử dụng các sản phẩm nông nghiệp sau khi dùng PPHC là 1 - 56
ngày, tùy loại thuốc. Hàm lượng dư cặn cho phép là 0,1 - 2 ppm.
* Độ mẫn cảm của gia súc gia cầm với PPHC
Trong các loài gia súc, mèo thường mẫn cảm hơn so với chó.
Gia cầm kém dung nạp với một số PPHC hơn gia súc.
f. Chẩn đoán ngộ độc
Khi súc vật bị ngộ độc PPHC, có thể dựa trên các triệu chứng lâm sàng và các kết quả
xét nghiệm trong phòng thí nghiệm để chẩn đoán.
* Các triệu chứng lâm sàng
Khi súc vật bị ngộ độc PPHC, các receptor muscarin, receptor nicotin và các receptor
tại hệ thần kinh trung ương bị kích thích, nếu phân tích theo cơ chế sinh bệnh, có thể phân
triệu chứng lâm sàng của ngộ độc phospho hữu cơ thành các nhóm sau:
- Các triệu chứng Muscarin: Do tác động của acetylcholin kích thích hậu hạch phó
giao cảm, tác dụng chủ yếu lên các cơ trơn gây co thắt ruột, phế quản và cơ trơn bàng quang,
co đồng tử và giảm phản xạ đồng tử/ánh sáng, kích thích các tuyến ngoại tiết: tăng tiết nước
bọt, dịch ruột, mồ hôi, nước mắt, dịch phế quản... Bệnh súc đau bụng, nôn, ỉa chảy, ỉa đái
không tự chủ, khó thở dẫn đến suy hô hấp, nhịp tim chậm.
- Các triệu chứng nicotin: Do sự tích tụ của acetylcholin ở các bản vận động dẫn đến rối
loạn sự khử cực của các cơ vân gây co giật, co cứng cơ, liệt cơ bao gồm cả các cơ hô hấp.
- Các triệu chứng thần kinh trung ương: Trung tâm hô hấp và tuần hoàn bị ức chế dẫn đến
suy hô hấp, truỵ mạch, co giật, hôn mê sâu.
- Các triệu chứng thần kinh ngoại vi muộn: Xảy ra 8 - 14 ngày hay muộn hơn sau ngộ
độc cấp PPHC. Các triệu chứng bao gồm: yếu cơ, liệt cơ, chóng mệt mỏi, chuột rút, có thể
tiến triển đến liệt toàn thân và các cơ hô hấp gây suy hô hấp và tử vong. Bệnh thoái triển sau
vài tháng đến vài năm, teo cơ nhiều, phục hồi chậm và không hoàn toàn. Cơ chế sinh bệnh là
do chết các sợi trục thần kinh.
Trong ngộ độc cấp PPHC, triệu chứng muscarin thường đến sớm nhất và luôn luôn
xảy ra. có thể vài giây sau nhiễm đường hô hấp, vài phút đến vài giờ sau nhiễm độc đường
tiêu hoá; nhiễm độc đường da mức độ nhẹ có thể đến muộn hơn. Triệu chứng nicotin và triệu
chứng thần kinh trung ương xảy ra khi nhiễm độc trung bình hoặc nặng. Súc vật thường chết
trong những ngày sau, nguyên nhân trực tiếp là suy hô hấp. Suy hô hấp trong ngộ độc PPHC
là do tăng tiết dịch và co thắt phế quản, liệt cơ hô hấp, ức chế trung tâm hô hấp, bội nhiễm
phổi.
Triệu chứng ngộ độc ở các loài gia súc như sau: Sau khi bị ngộ độc qua đường
miệng 15 - 30 phút, qua da 4 - 6 giờ đa số các loài súc vật (trâu, bò, ngựa) bị rối loạn chức
năng thần kinh trung ương nghiêm trọng: Lúc đầu con vật ở trạng thái bồn chồn, không yên,
chảy nước rãi, nhu động ruột tăng (đau bụng) ỉa chảy, đồng tử mắt co nhỏ, tim đập loạn nhịp,
huyết áp biến động (ở những con cái có chửa có thể sảy thai) tiếp đó cơ run rẩy, co giật, suy
cơ, sau đó liệt các cơ hô hấp. Lúc đầu con vật thở gấp, mạnh, sau đó chậm và yếu, phản xạ
nghe, nhìn và xúc giác tăng.Thần kinh trung ương bị nhiễm độc, co giật toàn thân rồi đến các
triệu chứng hôn mê. Con vật chết trực tiếp do ngạt hô hấp (cơ hô hấp liệt), thủy thũng phổi,
nhịp tim nhanh và yếu, tâm thất chứa căng đầy máu, không đẩy máu đi được.

85
86

- Trâu, bò: Chảy nhiều nước dãi, thè lưỡi ra ngoài, bồn chồn khó chịu, cong lưng,
cong đuôi, mắt nhìn sợ hãi, kết mạc đỏ, thân nhiệt bình thường hoặc tăng nhẹ (39,50C), mạch
chậm, thở thể bụng ỉa chảy, bỏ ăn, toát mồ hôi, co giật. Hàm lượng AChE trong máu giảm, số
lượng bạch cầu tăng hoặc bình thường.
- Ngựa: Bồn chồn, chảy nhiều nước dãi, đau bụng, phân lỏng, thở nhanh và khó, co
giật, mạch chậm và yếu, thân nhiệt hơi tăng (39,50C trong trường hợp ngựa bị bệnh nếu thở
nhanh thì thân nhiệt sẽ tăng).
- Cừu: Chảy nước dãi, ỉa chảy, thân nhiệt tăng nhanh (410C), mạch chậm, thở khó, co
giật, đồng tử mắt co, run cơ và có thể bị liệt.
- Lợn: yếu toàn thân, chân không đứng thẳng được, phân lỏng, thở khó, co giật.
- Chó: Chảy nhiều nước dãi, ỉa chảy, thở nhanh và khó, co giật.
- Gia cầm: Chảy nhiều nước dãi, xã cánh, đầu nghẹo về phía sau, ỉa chảy, thở nhanh
và khó. Sau khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên 15- 20 phút thì con vật chết.
Ngộ độc mạn tính: Điển hình là các biểu hiện sau:
Hoạt động các tuyến tăng, ỉa chảy, cơ suy yếu có những biểu hiện của rối loạn trao đổi
nước và các chất điện giải. Hàm lượng lipid huyết thanh cao (hyperlipemia) do mỡ ở các nơi
dự trữ trong cơ thể bị phân hủy (lipolisis). Hệ thống miễn dịch của cơ thể bị phá hoại nên kế
phát các bệnh nhiễm trùng, truyền nhiễm dễ dàng. Cơ năng của các tuyến hạ não rối loạn nên
sự sản sinh ra các corticosteroid cũng giảm thấp. Từ đó, thận bị rối loạn. Trạng thái rối loạn
mạn tính có thể kéo dài nhiều tuần.
Nếu điều trị kịp thời và đầy đủ, con vật có thể hoàn toàn hồi phục. Tác dụng độc thần
kinh ở giai đoạn cuối có liên quan tới sự thoái hóa của các axon của các tế bào thần kinh. Do
quá trình myelin hóa của các sợi thần kinh từ cột sống đi ra (phần lumbago đi ra), gia cầm bị
liệt phần sau cơ thể. ở động vật có vú, các chi sau cũng liệt (atropin không có tác dụng điều
trị hậu quả này).
* Chẩn đoán qua các kết quả xét nghiệm
- Xét nghiệm men cholinesteraza (ChE): có hai loại ChE acetyl cholinesterase có trong
tổ chức thần kinh và trong hồng cầu (còn gọi là enzym thật vì liên quan trực tiếp đến triệu
chứng kích thích phó giao cảm trong NĐC PPHC), butyro cholinesterase có trong huyết
tương do gan sản xuất ra (còn gọi là enzyme giả). Tuy nhiên, vì hàm lượng butyro
cholinesterase thay đổi tương đối phù hợp với diễn biến lâm sàng của ngộ độc cấp PPHC lại
dễ xác định nên được dùng để chẩn đoán và theo dõi tiến triển của ngộ độc cấp PPHC. Hàm
lượng men ChE trong não giúp chẩn đoán sau khi súc vật chết.
- Xác định sự có mặt của PPHC và sản phẩm chuyển hóa: Tồn dư của PPHC trong mô
thường rất thấp và cho kết quả âm tính. Có thể tìm chất độc, trong chất chứa dạ dày, dạ cỏ,
trong máu bằng phương pháp sắc ký lớp mỏng và sắc ký khí. Trong nước tiểu có thể phát hiện
sản phẩm chuyển hóa của PPHC.
- Các tổn thương bệnh lý: thường hạn chế và ít có giá trị chẩn đoán. Có thể quan sát
thấy tích nước phổi. ống tiêu hóa giãn rộng và chứa nhiều dịch.
Ngoài các triệu chứng, kết quả xét nghiệm nêu trên, một số tài liệu cho biết:
- Các hợp chất phospho hữu cơ còn ức chế các enzym khác như trypsin, kymotrypsin,
cytocromoxydase, carboalhydrase, carbooxydase, aminase, dehydrogenase.

86
87

- Các hợp chất phospho hữu cơ làm tăng cường sản xuất catecolamin và sản xuất các
steroid của thượng thận. Một số chất trong nhóm này còn thể hiện ảnh hưởng rõ rệt đến hoạt
động của hệ thống trục hypothalamus - hypophisis và thượng thận. Thymus teo đi. Đường
huyết và hàm lượng lipid trong máu tăng lên.
- Khi ngộ độc các hợp chất phospho hữu cơ, các biến đổi của cơ tim (myopathia) cũng
có thể xảy ra. Trong các bó cơ có xuất huyết và hoại tử.
- Phần lớn các hợp chất phospho hữu cơ có tác dụng gây đột biến. Ví dụ: Malation gây
quái thai ở phôi gà. methyl và ethyl-paration gây quái thai của ở phôi gà gô và chim cút.
- Gia súc có chửa, nếu nhiễm cấp tính một lượng lớn các estephosphat thì thai có thể bị
ngộ độc, thai chết, sẩy thai, đẻ non.
- Nếu nhiễm độc liên tục kéo dài 3 tháng sẽ xuất hiện “hội chứng thích ứng”. Sự tổng
hợp acetylcholinesterase tăng. Các triệu chứng ngộ độc không rõ. Điều này giúp giải thích sự
kháng thuốc của côn trùng, ký sinh trùng.
* Tổn thương bệnh lý
Các gia súc chết vì ngộ độc phospho hữu cơ, không có các bệnh tích điển hình, đặc trưng.
Có dấu hiệu chết do ngạt thở, các mạch máu nội tạng giãn to, dạ dày và ruột viêm, phổi thủy
thũng (thường gặp ở gia cầm), ở bò có thoái hóa không bào ở các tế bào thượng bì tiểu cầu thận.
Có thể thấy hoại tử các ống tiết niệu, các nhân tế bào bắt màu kiềm kém. Mao mạch ở não và
niêm mạc chứa đầy máu. Nếu ngộ độc kéo dài thấy hiện tượng myelin hóa ở các sợi thần kinh.
* Chẩn đoán phân biệt:
- Với ngộ độc carbamat: cũng gây kích thích thần kinh phó giao cảm nhưng triệu
chứng thường nhẹ hơn, điều trị chủ yếu bằng atropin, không dùng APM. Phân biệt nhờ xét
nghiệm độc chất tìm carbamat trong nước tiểu.
- Với thuốc trừ sâu clo hữu cơ: triệu chứng thần kinh - cơ là nổi bật với rối loạn ý
thức, co cứng cơ, run cơ, co giật. Xét nghiệm độc chất tìm clo hữu cơ trong nước tiểu.
g. Điều trị:
Trong điều trị ngộ độc cần theo các nguyên tắc sau: Hạn chế chất độc tiếp tục hấp thu
vào máu; Dùng các chất đối kháng; Điều trị bổ sung, tăng cường thể lực; Đề phòng kế phát
các bệnh truyền nhiễm.
* Các biện pháp hạn chế hấp thụ:
- Khi phơi nhiễm chất độc qua da:
Súc vật được tắm bằng xà phòng hoặc chất tẩy nhẹ và nước sạch. Có thể dùng natri
hydrocarbonat 5% để rửa. Chủ gia súc cần lưu ý tránh bị nhiễm độc.
-Khi phơi nhiễm chất độc qua đường hô hấp:
Đưa ngay bệnh súc ra khỏi khu vực nhiễm độc, đặt nơi thoáng gió.
- Khi phơi nhiễm chất độc qua đường tiêu hóa
Cho uống than hoạt để hấp phụ chất độc trong đường tiêu hóa. gây nôn ở lợn và chó.
Rửa dạ dày nếu không gây nôn được và sau khi gây nôn, rửa đến khi nước trong. Ngựa và bò
(nếu số lượng ít) rửa dạ dày. Có thể dùng các loại dầu có nguồn gốc khoáng vật (Paraffinum
liquidum) để đẩy phần than hoạt đã hấp phụ chất độc ra ngoài. Nếu gia súc ỉa chảy thì không
dùng dầu parafin. Có thể cho uống natri hydrocarbonat 5% vì phần lớn các phospho hữu cơ bị
giảm độc tính khi tác dụng với chất kiềm. Chất độc vào mắt rửa bằng natri hydrocarbonat 3%.

87
88

*Điều trị bằng các chất kháng độc


Atropin là thuốc chữa các triệu chứng muscarin, làm giảm các tình trạng: tăng tiết phế
quản, nước bọt, mồ hôi, làm mất đau bụng, buồn nôn, nhịp chậm và làm giãn đồng tử. Liều dùng từ
0,5 - 1 mg/kg, tiêm nhắc lại sau 6 giờ, không dùng quá liều, sẽ gây độc. Khi tiêm nhắc lại chỉ nên
tiêm dưới da hoặc tiêm bắp. An toàn nhất là tiêm tĩnh mạch 1/4 liều, chờ 15 phút để quan sát tác
dụng, phần liều còn lại tiêm bắp hoặc tiêm dưới da. Theo dõi đồng tử mắt, khi đồng tử đã giãn trở
lại mức bình thường thì ngừng tiêm atropin. Atropin không có tác dụng trên liệt cơ và suy hô hấp ở
bệnh súc ngộ độc nặng. Cần lưu ý là mạch nhanh, giãn đồng tử có thể là triệu chứng nicotin.
Khi gia súc bị ngộ độc hàng loạt, cần cấp cứu nhanh, tiêm bắp ở 2- 3 vị trí khác nhau, làm
tâng tốc độ hấp thu atropin. Tác dụng của atropin có thể được tăng cường bằng cách dùng phối hợp
với papaverin hydroclorid: 0,3 mg atropin sulfat + 4 mg papaverin hydroclorid cho 1 kg thể trọng.
Diphenhydramin dùng cho uống 4mg/kg, 3 lần/ngày chữa triệu chứng nicotin. Không
dùng phối hợp với atropin.
Pralidoxime là thuốc kháng độc đặc hiệu theo cơ chế trung hoà chất độc. Ngày nay đã
tổng hợp được một số chất như oxime hoặc acide hydroxamine. Trong số chúng 2 - PAM (2
pyridine aldoxime methyl iodua hoặc clorua, là dẫn chất của Pralidoxime) có tác dụng tốt. 2 -
PAM sẽ gắn vững bền với PPHC, gắn lỏng lẻo với ChE tạo thành phức hợp bộ 3, enzym tách
ra để lại phần phosphoryl - oxime sẽ tiếp tục thuỷ phân để cho các sản phẩm thoái hoá của
PPHC và axit phosphoric. Như vậy PAM đã khử phosphoryl và tái hoạt hoá ChE. PAM còn
có tác dụng phòng độc bằng cách khử độc các phân tử PPHC còn lại trong máu.
ở người, PAM hiệu quả hơn khi được dùng trong 24 - 48h đầu, song nó vẫn có hiệu
quả 4 - 6 ngày sau nhiễm độc, nhất là ở những bệnh nhân nhiễm độc nặng, do một số thuốc trừ
sâu (parathion) làm men ChE chậm lão hoá (slow aging) . Liều lượng 2 - PAM - clorid dùng
cho tiểu gia súc là 20 mg/kg thể trọng. Có tài liệu cho biết có thể dùng 25- 50 mg/kg thể trọng
pha thành dung dịch 20% và truyền chậm tĩnh mạch (5 - 6 phút). Liều tối đa là 100 mg/kg thể
trọng. Cho tiểu gia súc 20 - 50 mg/kg thể trọng, pha thành dung dịch 10% tiêm bắp hoặc tiêm
chậm tĩnh mạch. LD50 của 2 - PAM - clorid ở thỏ là 95 mg/kg thể trọng, ở chó là 190 mg/kg
thể trọng. Dùng quá liều sẽ gây ngộ độc. Triệu chứng: thở dốc, nôn, mất phản xạ, co giật.
Obidoximclorid (toxogonin) có tác dụng nhanh hơn 2 - PAM - clorid. Liều điều trị 2 -
8 mg/kg thể trọng. Liều tối đa là 20 mg/kg thể trọng. Pha thành dung dịch 25% tiêm tĩnh
mạch. Nếu chưa hết triệu chứng độc thì sau 2 giờ tiêm nhắc lại. Quá liều toxogonin cũng gây
độc và triệu chứng độc giống như 2 - PAM - clorid. Để giải độc khi bị ngộ độc alkylphosphat,
ta dùng đồng thời 2 thứ atropin và oxim sẽ có hiệu quả tốt.
* Điều trị bổ sung
- Bổ sung nước và chất điện giải: Do ngộ độc, con vật bị toan huyết và mất nước, mất
chất điện giải (do ỉa chảy), cần bổ sung các dung dịch điện giải. Bổ sung vitaminB,
polyvitamin.
- Chống vi trùng kế phát: dùng kháng sinh sulfamid để điều trị bổ sung. Chống viêm
bằng các chế phẩm cortizon phối hợp với kháng sinh.
- Tăng cường tuần hoàn, hô hấp: Digitalis, ephedrin, simpetamin.
- Trong y tế sử dụng biện pháp kích hoạt enzym microsom: phenolbarbital natri, ở liều thấp
làm tăng cường phân hủy và thải trừ PPHC. Liều lượng phenobarbital natri 5 - 30 mg/kg thể trọng
cho uống liên tục nhiều ngày.

88
89

2.2. Ngộ độc các hợp chất carbamat


a. Cấu trúc hoá học và tính chất
Các hợp chất carbamat sử dụng trong nông nghiệp là dẫn xuất của các acid carbamic,
thiocarbamic, và dithiocarbamic.
HO C NH2 HO C NH2 HS C NH2

O S S
Acid carbamic Acid thiocarbamic Acid dithiocarbamic
Sau đây là một số hợp chất carbamat thường được dùng ở Việt Nam:
* Carbaryl: Tên gọi khác: Sevin.
- Tên hóa học: 1 - Naphtylmethylcarbamat.
- Công thức hóa học: C12H11O2N.
- Tính chất: Sevin tinh khiết là một chất kết tinh trắng, không mùi. Nhiệt độ chảy
1420C. Tan ít trong nước, tan tốt trong các dung môi hữu cơ. ở nhiệt độ thường sevin bền
vững đối với nước, ánh sáng và oxy của không khí, phá hủy nhanh ở môi trường kiềm tạo a-
naphtol và khi đun sôi sevin với acid.
- Độc tính: Sevin cũng như các dẫn chất khác của acid carbamic có tác dụng gây ức
chế cholinesterase ở động vật máu nóng nhưng tác dụng ức chế này có thể hiện chậm hơn và
yếu hơn ở các loại phospho hữu cơ. Liều ngộ độc cấp tính đối với chuột cống là 560 mg/kg
thể trọng. Trong cơ thể động vật sevin được thủy phân nhanh và đào thải qua nước tiểu dưới
dạng a - naphtol hoặc có thể dưới dạng a - naphtylglucoronic, sản phẩm trùng ngưng của a -
naphtol với acid glucoronic.
Phản ứng với dung dịch NaNO2 0,5% trong H2SO4 loãng: nếu có sevin sẽ xuất hiện
màu vàng, chuyển thành da cam khi thêm dung dịch NaOH đến phản ứng kiềm. Phản ứng với
dung dịch FeCl3 1% cho màu hồng.
* Isoprocard: Tên gọi khác: Mipcin, MIPC, Etrofolan.
- Tên hóa học: O - Cumenylmethylcarbamat.
- Công thức hóa học: C11H15NO2.
- Tính chất: thuốc kỹ thuật ở dạng tinh thể, không tan trong nước, tan trong nhiều loại
dung môi hữu cơ, không bền vững trong môi trường.
LD50 = 485 mg/kg. Thuốc độc đối với cá, không độc đối với ong mật.
Isoprocard tác dụng tiếp xúc, dùng trừ nhiều loại sâu miệng chích hút hại lúa, cây hoa
màu và cây công nghiệp.
* Fenobucarb: Tên gọi khác: Bassa, BPMC, Fenobcarb, Baycarb, Osbac.
- Tên hóa học: 2 - sec - Buthylphenylmethylcarbamat.
- Công thức hóa học: C12H17NO2.
- Tính chất: thuốc kỹ thuật 95 - 98% ở dạng dung dịch đặc sệt, loại < 95% đặc sệt và
đông đặc ở nhiệt độ thấp: tan ít trong nước, tan nhiều trong dung môi hữu cơ, không bền vững
trong môi trường kiềm và trong acid đậm đặc; thuộc nhóm độc II. Thuốc có độ độc trung bình
đối với cá và với ong mật.
Fenobucarb tác dụng tiếp xúc và vị độc, dùng trừ sâu có miệng chích hút.

89
90

* Butocarboxim: Tên gọi khác: Drawin 755.


- Tên hóa học: 3- (methylthio) butanone - O - methylcarbamoyloxime.
- Công thức hóa học: C7H17N2O2S.
- Đặc tính: thuốc kỹ thuật thể lỏng (85%) chứa 2 đồng phân (E) và(Z), tan ít trong
nước, tan nhiều trong dung môi hữu cơ, bền vững trong môi trường trung tính; tương đối bền
trong nước, ánh sáng và không khí; không ăn mòn kim loại.
Thuốc tác dụng nội hấp, tiếp xúc, có hiệu lực cao với rệp phấn trắng hại cam, rệp hại
thuốc lá, cây cảnh.
* Cartap: Tên gọi khác: Padan, Cartap clo hóa là Cartaphydroclorua.
- Tên hóa học: S, S - 2 - Dimetylaminotrimetylenbis (thiocarbamt) hydroclorua.
- Công thức hóa học: C7H16N3O2S2.
- Đặc tính: thuốc kỹ thuật (97%) dạng tinh thể, tan trong nước (20%), cồn etylic và
metylic; bền vững trong môi trường acid, nhưng thủy phân trong môi trường trung tính và
kiềm; hút ẩm mạnh; không ăn mòn kim loại.
Cartaphydroclorua tác dụng tiếp xúc, vị độc và thấm sâu hiệu lực xông hơi yếu. Thuốc
đợc dụng để diệt nhiều loại sâu hại lúa, rau màu, và cây công nghiệp.
b. Động học (toxicokinetic)
Các hợp chất carbamat trong cơ thể bị phân hủy nhanh và các sản phẩm trung gian của
quá trình phân hủy bị thải trừ nhanh chóng ra khỏi cơ thể. Carbamat bị phân huỷ theo 2 cách:
(1) Do tác dụng trực tiếp của các esterase; (2) Do các enzym của microsom, lúc đầu bị oxy
hóa sau đó bị thủy phân. Rất nhiều sản phẩm phân hủy được hình thành, trong đó có 1 -
naftol. Về mặt hóa học, carbamat không có tích lũy.
c. Cơ chế gây độc
Carbamat ức chế men cholinesterase là do acetylcholin tích lũy lại ở nhiều nơi: Thần
kinh trung ương, thụ thể nicotin và muscarin. Vì vậy, trên lâm sàng có thể thấy các triệu
chứng tương tự như ngộ độc phospho hữu cơ.
Tuy nhiên có sự khác nhau trong cơ chế tác dụng của 2 nhóm thuốc trừ sâu này:
* Ester carbamat N- metyl sẽ carbamyl hóa AChE làm tích lũy acetylcholin tương tự
như phosphor hữu cơ. Tuy nhiên quá trình carbamyl hóa này có thể hồi phục được, enzym lại
được giải phóng. Nguyên nhân là do carbamat chỉ dính vào bề mặt của enzym, gắn một cách
lỏng lẻo, thuần túy vật lý, không có phản ứng hóa học với enzym. Còn tác dụng của phospho
hữu cơ là không hồi phục.Thời gian nhiễm độc ngắn.
Một số nghiên cứu dã xác định, carbamat không ức chế các hoạt động của
acetylcholinesterase trong huyết thanh, mà chỉ tác dụng với enzym này ở gan và hồng cầu. Vì
vậy tác dụng phong bế enzym chỉ trong thời gian ngắn và bản thân cholinesterase cũng nhanh
chóng tách ra khỏi sự phong tỏa của carbamat. Sự tích lũy sinh học tác dụng của carbamat
không có như ở phospho hữu cơ. Thực nghiệm trên chuột tiêm 10 mg/kg thể trọng carbaril,
sau đó kiểm tra sự phân bố của nó trong cơ thể, bằng phương pháp phóng xạ đánh dấu và kết
quả cho thấy: một ngày sau cho thuốc, nó phân bố gần như đều khắp trong các khí quan. Có
nhiều hơn một chút ở xương, thành dạ dầy và ruột, não và các tuyến sữa. Trong dạ dày của gia
súc non bú sữa cũng có carbamat.

90
91

Tuy vậy nó vẫn có thể gây nên ngộ độc cấp tính. Carbamat ức chế các enzym
microsom ở trong gan. Nếu cho carbamat kéo dài và tăng dần liều lượng lên thì các enzym
sau đây bị giảm hoạt lực: NADPH - cytocromC reductase; aldolase, phosphofructokinase,
glucozo - 6 - phosphatase… Đồng thời số lượng cytocrom P450 trong gan tăng lên.
d. Độc tính và độc lực
Khoảng cách giữa liều gây ngộ độc và liều chết của các hợp chất carbamat lớn hơn các
hợp chất phosphor hữu cơ. LD50 của carbaril ở chuột, cho uống là 500 - 800 mg/kg thể trọng;
ở bò cho ăn 200 ppm trong thức ăn, liên tục trong 30 ngày, không thấy những biểu hiện lâm
sàng thể hiện độc. Cho ăn 400 ppm trong 2 tuần cũng không độc. Những các carbamat khác
độc hơn carbaril nhiều lần. Ví dụ pyrolan có chứa hoạt chất là dimetyl - carbamat, nếu cho bê
đực ăn thức ăn có chứa 0,1 - 0,05% sau 10 phút đã ngộ độc nặng và sau 20 phút có thể chết.
LD50 cấp tính của alkylsevin ở gia cầm là 942 mg/kg thể trọng; của carbofuran ở loài nhai lại
là: cừu 2,5 mg/kg thể trọng, bê 0,25 mg/kg thể trọng. Carbamat rất độc với côn trùng, cá và
các động vật sông trong đất, ong mật cũng rất mẫn cảm với.
e. Chẩn đoán ngộ độc.
* Các triệu chứng lâm sàng
Tương tự ngộ độc phosphor hữu cơ nhưng nhẹ hơn. Súc vật bị ngộ độc các hợp chất
carbamat thường có các triệu chứng: lông xơ xác, chảy rãi (tăng tiết nước bọt), chảy nước
mắt, toát mồ hôi, nôn, bỏ ăn, ỉa chảy, co đồng tử, rối loạn thị giác, thở khó, suy cơ, loạn nhịp
tim, run cơ, co giật. Nặng hơn nữa là phù phổi cấp. Trước khi chết, con vật mất hết nhận biết.
Ngộ độc xảy ra nhanh, các trường hợp qua khỏi cũng hồi phục nhanh. …
Các thuốc trừ sâu loại carbamat có tác dụng nhẹ đến sự phát triển của thai. Có thể thấy
carbamat có mặt trong nhau thai, trong thai, trong sữa và trong động vật sơ sinh. Ngoài ra,
carbamat còn kích thích niêm mạc.
- Nhiều tác giả cho rằng, hợp chất carbamat còn có tác dụng: Gây tổn thương cơ quan
nội tiết; Có khả năng gây ung thư; ảnh hưởng đến di truyền.
* Tổn thương bệnh lý
Các tổn thương bệnh lý thường không điển hình. Có thể phát hiện thấy tụ huyết ở
niêm mạc dạ dày, ruột, các mạch máu nội tạng giãn to. Có các biểu hiện chết do ngạt. Ngộ
độc trường diễn có hiện tượng hoại tử các ống tiết niệu (có thể giải thích là do ATPase và
succinyldehydrogenase bị giảm hoạt tính).
Thực nghiệm cho thấy: định lượng hoạt tính ChE thật không có giá trị trong chẩn đoán
nhiễm độc carbamat.
f. Điều trị ngộ độc.
*Phơi nhiễm chất độc qua da: rửa bằng nước xà phòng. Chất độc vào mắt thì rửa bằng nước.
*Phơi nhiễm chất độc qua đường tiêu hoá: - Gây nôn đối với lợn, chó, mèo để thải trừ
chất độc trong dạ dày.
- Cho than hoạt tính để hấp phụ chất độc và dùng thuốc tẩy sulfat (trừ trường hợp súc
vật bị ỉa chảy không dùng thuốc tẩy).
- Điều trị bằng thuốc kháng độc là atropin sulfat. Cấm sử dụng các thuốc có tác dụng
khôi phục cholinesterase như toxogonin, TMB-4, PAM… vì những thuốc này làm tăng tác
dụng gây độc của carbamat. Thường tiêm atropin là đủ, rất ít khi dùng đến Pralidoxim.

91
92

- Điều trị bổ sung: tượng tự như ngộ độc các hợp chất PPHC.
2.3. Ngộ độc các hợp chất clo hữu cơ
Clo hữu cơ là những hợp chất được dùng đầu tiên để diệt sâu bọ sau chiến tranh thế
giới thứ 2. Trong hai thập kỷ 50 và 60 nhiều chất được sử dụng phổ biến, điển hình là DDT.
Clo hữu cơ có tính tích lũy sinh học, tồn tại rất lâu trong môi trường gây ô nhiễm đất và
nguồn nước. (thời gian bán huỷ dài). Vì vậy, từ những năm 90, nhiều chất đã bị cấm sử dụng
như DDT, Lindan, Toxaphene, một số ít chất khác được sử dụng hạn chế. Dựa theo cấu trúc
clo hữu cơ chia thành các nhóm sau:
- Hợp chất diphenyl alphatic: DDT, methoxyclor, Perthane, difocol.
- Nhóm aryl hydrocarbon: lindan (tictak), mirex, kepone, paradichlorobenzen.
- Nhóm cyclodiene: Aldrin, Endrin, Dieldrin c lordan, Heptaclor, toxaphene.
Dichlorodiphenyl trichloroethane (DDT) là một clo hữu cơ được sử dụng rất phổ biến
trong những năm 60 - 70 sau đó bị cấm dùng ở Mỹ và Tây Âu nhưng đến nay nó vẫn được
tiếp tục sử dụng ở các nước nông nghiệp nghèo.
ở Việt Nam DDT và các clo hữu cơ khác được sử dụng ở một số vùng nông nghiệp
dưới nhiều dạng như: dạng bột, dung dịch, phun mù... Clo hữu cơ có thể thâm nhập vào cơ thể
qua da, qua đường hít, đặc biệt là đường uống gây ngộ độc cấp hoặc mạn tính. Ngộ độc cấp
thường được chẩn đoán và xử trí, ngộ độc mãn thường ít được phát hiện do thương tổn
thường tiến triển mãn tính nhưng có thể dẫn đến các thương tổn trầm trọng như suy giảm
chức năng các cơ quan, ung thư...
Hiện nay một số clo hữu cơ đặc biệt nguy hiểm độc tính cao đã bị cấm sử dụng như:
Aldrin, Diedrin, Endoufungal, Kepone,.. Các clo hữu cơ khác có độc tính thấp hơn vẫn còn
được sử dụng như DDT và các sản phẩm có cấu trúc liên quan với DDT nhưng ít độc hơn như
Dicofol, Methocyclo, đặc biệt là Chlordane được sử dụng thông dụng trong diệt kiến, mối,...
Trong nhóm này có các chất phổ biến sau đây: DDT, hexaclorbenzol, dieldrin và
aldrin là những chất độc tích lũy mạnh, heptalclor tích lũy ở mức độ trung bình, g- HCN và
metoxiclor thì ít tích lũy hơn.
Do sử dụng nhiều, rộng rãi các thuốc nhóm này nên dư lượng của nó tồn tại trong đất,
trong cây trồng khá cao và lâu. từ đó gây nhiễm độc cho người và gia súc.
Trong cơ thể gia súc, tồn dư của DDT cao nhất ở tổ chức mỡ, thận, buồng trứng, não.
Người ta đã chứng minh rằng việc dùng DDT làm ảnh hưởng đến sự sinh sản của các
loài chim. Trong động vật có vú, nó phá hoại khả năng dự trữ vitamin A của gan. Cho chuột
ăn thức ăn có chứa các chất này, thấy gan bị nhiễm độc, bạch cầu tăng và một số bệnh khác.
Trong mỡ có 7- 11 ppm DDT. Mức nhiễm này cũng gần với mức ở người bị nhiễm nói trên.
Theo kết quả nghiên cứu của Koil J.E và cộng sự, giữa hàm lượng DDT trong máu và
hoạt lực của enzym gluco-6-phosphat-dehydrogenase (G6PD) có tương quan rõ rệt. G6PD là
một yếu tố di truyền. Hoạt động của nó có tác dụng cản trở hàm lượng DDT trong huyết thanh.
Như vậy, sự tích lũy DDT, khả năng chịu đựng DDT của mỗi loài động vật mang tính di truyền.
Trong đất, DDT phân hủy rất chậm, dẫn đến gây ô nhiễm các nguồn nước. Vì thế
nhiều nước đã cấm sử dụng DDT từ lâu (Hungari cấm sử dụng từ 1/1/1968). DDT bị cấm
dùng còn vì tính quen thuốc, kháng thuốc của sâu bọ đối với hợp chất này. ở nhiều nơi, phải

92
93

tăng thật cao liều lượng DDT mới diệt được sâu. Liều cao gây ngộ độc dễ dàng cho các động
vật khác và tích lũy nhiều, lâu trong đất.
ở nước ta, từ năm 1993 đã có văn bản chính thức của Nhà nước cấm sử dụng DDT
trong bảo vệ thực vật vì tính chất độc hại của nó.
a. Cấu trúc hóa học và tính chất
Sau dây là lý hóa tính của một số hợp chất clo hữu cơ
* DDT: Tên khoa học: 4, 4 diclodiphenyltriclorometymetan.
Tính chất.
DDT là chất kết tinh trắng không mùi, không vị. Nhiệt độ nóng chảy 108,5 - 1090C.
Hầu như không tan trong nước, trong các acid và trong kiềm. Tan tốt trong nhiều dung môi
hữu cơ và mỡ. Sản phẩm công nghệ có chứa 75 - 76% đồng phân 4,4 và 24 - 25% các đồng
phân khác. Chỉ có đồng phân 4,4 mới có tác dụng diệt sâu.
*Hexaxyclohexan (666 hexancloran) C6H6Cl6
Tính chất
Hexaxyclohexan sản xuất trong kỹ nghệ là hỗn hợp tương đối phức tạp của các đồng
phân của xyclohexan đều là những chất kết tinh, chúng khác nhau về nhiệt độ chảy và độ hòa
tan trong dung môi hữu cơ. Nói chung các đồng phân đều hòa tan tốt trong một số dung môi:
benzen, toluen, metanol, etanol, ete… Chúng bền vững với các acid đặc như H2SO4, HNO3,
HCl và các chất oxy hóa.
Trong số các đồng phân chỉ có đồng phân g của hexaxyclohexan gọi là lindan có giá
trị nhất. Trong nông nghiệp lindan được dùng chủ yếu để diệt những cây có hại, trong y tế
lindan được dùng để trừ chấy, rận ở người.
*Lindan là chất kết tinh, nhiệt độc nóng chảy là 112,80C. Không tan trong nước, tan
trong các dung môi hữu cơ. Có mùi khó chịu.
* Thiodan: Tên gọi khác: Endoufan.
- Tên hóa học: 6, 7, 8, 9, 10, 10a - hexaclo1, 5, 5a, 6, 9, 9a - hexahydro - 6, 9 - metano
- 2, 4, 3 - benzodioxathiopin - 3 - oxit.
- Công thức hóa học: C9H6Cl6O3S.
- Đặc tính: Endoufan nguyên chất khong tan trong nước, tan nhiều trong dung môi hữu
cơ như clorofoc, xylen, bền khi bảo quản, thuộc nhóm độc I. Thuốc ít gây hại ký sinh có ích,
nhưng rất độc đối với ong mật, cá và chim.
Endoufan là loại thuốc trừ sâu vị độc và tiếp xúc, dùng để trừ côn trùng và nhên đỏ hại
bông, ngô, lúa mỳ, khoai tây, cây ăn quả...
* Chlordan: (octachlor, C10H6Cl3)
- Là chất lỏng sáng màu, không mùi, độc hơn DDT 4 - 5 lần.
* Aldrin: (C12H8Cl6), Dildrin (C12H8Cl60).
- Là chất bột trắng hoặc màu ghi nhạt, có mùi của naphtalein và chloroform.

93
94

Hình 4.4: Cấu trúc hoá hoc của một số thuốc trừ sâu clo hữu cơ

b. Đường phơi nhiễm


- Qua đường tiêu hoá: do súc vật ăn phải thức ăn (cây, cỏ) có phun thuốc sâu.
- Qua da: Dùng thuốc Clor hữu cơ diệt ngoại ký sinh trùng cho gia súc.
c. Động học
- Hấp thu: Các hợp chất này do tan trong dầu mỡ nên hấp thu dễ dàng qua da và niêm
mạc. Hấp thu qua đường hô hấp ít có ý nghĩa vì các hợp chất này không bay hơi.
- Phân bố: Có thể tìm thấy OC trong gan, thận và não. Các chất này hấp thu rất nhanh
vào trong các tổ chức mỡ. Có khả năng xâm nhập qua màng tế bào nên tích tụ nhiều trong các
tổ chức mỡ và tổ chức thần kinh của cơ thể, dễ gây ra nhiễm độc mạn tính với các triệu trứng
thần kinh là chủ yếu. Trong gan và trong thận cũng có một lượng đáng kể.
- Chuyển hóa: Các hợp chất clo hữu cơ thuộc nhóm cyclodien chuyển hóa thành dạng
epoxide bởi các men MFOs.
Các chất chuyển hóa giải phóng chậm từ các kho dự trữ mỡ đến khi đạt được hàm
lượng cân bằng trong máu. Các chất chuyển hóa thường độc hơn chất mẹ.
Từ đường tiêu hoá clo hữu cơ được hấp thụ rất mạnh vào máu rồi phân phối vào các
mô cơ thể đặc biệt là mô mỡ, não và các mô cơ quan khác như: thận, cơ, phổi, tim, gan,... để
rồi từ đó lại tái phân bố vào máu gây ngộ độc kéo dài. Thời gian bán huỷ có thể thay đổi từ
vài ngày tới vài tháng tuỳ loại. Clo hữu cơ được chuyển hoá qua gan thông qua quá trình ôxy
hoá như: Chlordane chuyển thành Oxychlordane, Aldrin chuyển thành Dieldrin vẫn giữ

94
95

nguyên độc tính rồi được thải tiết chủ yếu qua mật nên nó có chu kỳ gan ruột. Sản phảm biến
đổi cuối cùng của DDT trong cơ thể là acid 4, diclorodiphenylacetic (DDA).
- Thải trừ: Đường đào thải chính là qua mật. Có thấy chu kỳ gan ruột. Clo hữu cơ đào
thải chậm qua thận. Thời gian bán thải của diphenyl aliphatics (DDT) và cyclodien dao động
trong khoảng vài ngày đến hàng tuần. Sự đào thải dư lượng của OC có thể được miêu tả bằng
mô hình 2 ngăn, pha 1 rất nhanh, pha 2 là rất lâu. Những con vật đang cho sữa thải OC vào
trong mỡ sữa.
+ DDT (diclorodiphenyl tricloro etan) được dùng rộng rãi trên thế giới từ 1939, thải
trừ qua nước tiểu dưới dạng DDA. DDT đào thải ra khỏi cơ thể động vật qua phân, nước tiểu
và sữa. Thuốc tích lũy trong mỡ và thải trừ rất chậm.
+ Các dẫn xuất của indan: aldrin, clodan... được chuyển hóa trong cơ thể dưới dạng
epoxide (độc hơn) rồi được hydroxyde hóa và thải trừ qua nước tiểu.
+ Các dẫn xuất của cyclohexan: hexaclorocyclorohexan (HCH, 666), lindan... tích lũy
trong mỡ rất lâu và thải trừ rất chậm.
+ Các dẫn chất clor của tinh dầu terebenthin và của long não (toxaphen) ít tích lũy
hơn, và thải trừ nhanh. Các thuốc BVTV nhóm này có thể hấp thu qua đường tiêu hóa, qua da
và qua đường hô hấp. Các thuốc này ít tan trong nước nên ở trong ruột nó ít được hấp thu;
nhưng nếu có mỡ hòa tan hoặc có các dung môi hòa tan sẵn (ở dạng sử dụng trong sản xuất
đã có dung môi sẵn), nó sẽ được hấp thu rất nhanh và nhiều. Trên da cũng tương tự như vậy.
Lipoit và lipofil giúp cho thuốc hấp thu qua da nhanh chóng.
Thải trừ qua phân (dạng không biến đổi) và qua thận (dạng đã biến đổi). Một phần
thải qua sữa, qua mật, một phần nhỏ qua các tuyến. Sự thải trừ diễn ra qua 2 bước: đầu tiên
thải trừ khá nhanh, sau đó là giai đoạn thải trừ rất chậm.
+ Phần lớn lượng DDT, chloran, Dildrrin, một phần HCH và tocxaphran thải qua sữa.
+ Tích lũy trong mỡ, gan, thận và tủy xương. DDT và HCH giữ trong cơ thể 3 tháng,
chúng gây tổn thương gan và thận.
d. Cơ chế gây độc.
Với thần kinh động vật: Cơ chế gây độc của clo hữu cơ do làm thay đổi hoạt động của
kênh Na+, K+, qua màng tế bào. Dưới tác động của DDT Na+ được vận chuyển dễ dàng qua
màng tế bào trong khi đó K+ bị chặn lại làm ức chế hệ thống bơm Na+ K+ ATPase và
Calmoduline làm giảm tái khử cực của tế bào dẫn đến các biểu hiện thần kinh, co giật.
Cyclodine, hexachloro, cyclohexan gây ngộ độc thần kinh do kích thích receptor -
aminobutyric acid (GABA) của hệ thần kinh trung ương. Trong hệ thống lymbic, lindane có
thể kích thích trực tiếp neuron và gây các cơn co giật.
Với thần kinh thực vật: Sự chuyển hóa của các amin sinh học ở não cũng rối loạn, dẫn
tới hàm lượng acetylcholin và serotonin ở não thay đổi, không còn ở mức độ sinh lý bình
thường, do đó gây những rối loạn thần kinh.
Các thương tổn tim mạch thường là loạn nhịp do clo hữu cơ làm halogene hoá
hydrocacbon làm tăng tính nhạy cảm của cơ tim với catecholamin gây loạn nhịp đặc biệt khi
dùng catecholamin ngoại sinh.
Gan là nơi chuyển hoá clo hữu cơ, các thương tổn tại gan tuỳ theo mức độ ngộ độc có
thể tăng men gan đơn thuần đến hoại tử tế bào gan.

95
96

Clo hữu cơ trước hết là chất độc thần kinh, ngoài ra nó ức chế men carboanhydrase (có
trong hồng cầu, tủy sống, thận, tuyến nước bọt, dạ dày) có vai trò trong các quá trình trao đổi
khi tạo HCl trong dạ dày. Có ý kiến cho rằng hiện tượng co giật là do kết quả của sự ức chế
men carboanhydrase.
e. Độc tính và độc lực.
Ngộ độc clo hữu cơ chủ yếu qua đường tiêu hoá, ngộ độc qua da hoặc qua đường hô
hấp gặp ít hơn và cũng ít trầm trọng hơn. Trong ngộ độc cấp, clo hữu cơ tác dụng chủ yếu lên
thần kinh trung ương (tiểu não và vỏ não vùng vận động).
- Nhóm cyclodien là độc nhất. LD50 ở chó là 15- 65 mg/kg thể trọng, ở lợn và trâu bò
là 20- 100 mg/kg thể trọng. Mèo là loài vật mẫn cảm nhất: ví dụ LD50 của endrin là 3- 6
mg/kg thể trọng.
- DDT là chất độc đối với hệ thần kinh trung ương. LD50 đối với một vài động vật
khoảng 250 - 400 mg/kg.
- Độc tính của hexaxyclohexan tương tự như của DDT nhưng ít độc hơn DDT 4 - 5 lần
do nó được đào thải ra khỏi cơ thể động vật máu nóng nhanh hơn DDT. Cũng như DDT và
các dẫn xuất có chứa clor khác, hexacloran cũng bền vững trong thiên nhiên và có tác dụng
tích lũy trong cơ thể động vật máu nóng và người. Đó là nguyên nhân gây ngộ độc trường
diễn của hexacloran. Hiện nay ít được dùng trong nông nghiệp cũng như trong y tế.
- Các dẫn xuất của indan và cyclohexan độc hơn DDT.
Sau đây là liều gây độc và liều chết của một số hợp chất clo hữu cơ.
* Lindan (Hexaclor - Cyclorhexax): liều gây chết ở chuột qua đường tiêu hóa là 125 -
200 mg/kg thể trọng, ở thỏ là 60 - 200 mg/kg thể trọng, ở chó 40 - 200 mg/kg thể trọng, ở
ngựa khoảng 50 mg/kg thể trọng. Động vật non mẫn cảm với lindan hơn động vật trưởng
thành. Lindan pha trong nước nồng độ 0,05% tắm cho bê dưới 2 tháng tuổi để diệt ký sinh
trùng gây ngộ độc và chết. Nếu dùng lindan ở dạng xông khói, nồng độ trong không khí
0,0002%, sau khi xông khói 30 phút - 2 giờ, gia cầm ngộ độc và chết.
Lindan thải trừ rất chậm khỏi cơ thể. 54% thải qua nước tiểu, 13% thải qua phân.
* Toxaphen policlorcamphen (C10H10Cl8):
Liều chết per.os: ở chuột 40- 125 mg/kg, mèo 60 mg/kg, chó 15- 60 mg/kg, dê 100- 200 mg/kg,
bê 50 mg/kg thể trọng. Liều tối thiểu gây độc ở bê dưới 2 tháng tuổi là 5 - 40 mg/kg, ở bò 35
mg/kg, dê trưởng thành 25 mg/kg thể trọng.
* Metoxiclor (p - p ,- dimetoxi - diphenyl - trychloretylen):
Liều chết per.os ở chuột 5000 - 7000 mg/kg thể trọng.
Bê đang bú mẹ 500 - 1000 mg/kg thể trọng gây ngộ độc nặng.
Cừu có thể chịu được liều 1000 mg/kg thể trọng không gây ngộ độc.
- Ngựa mẫn cảm nhất với hexacloran:
+ Liều gây độc 10 mg/kgP; Liều gây chết 20 mg/kgP.
* Lindan: liều gây chết ở chó là 10 - 100 mg/kgP per os.
* Hexacloran:

96
97

+ Cừu: 100 mg/kgP per os, 35 ngày gây chết.


PPHC tích lũy trong mô mỡ 8 tháng khi cho trâu, bò, lợn, thỏ PPHC Liều 0,01 - 0,5
g/kgP.
* DDT:
- Liều gây chết per os: trâu, bò: 0,2 g/kg; bê 0,44 g/kgP; cừu 0,1 g/kgP; thỏ (mẫn cảm
nhất) 0,05 g/kgP; gà 0,5 g/kgP gây độc và 1 g/kgP gây chết. Lợn ít mẫn cảm hơn các loài vật
khác với DDT và HCH, chịu được liều 0,5 g/kgP per os mà không gây độc. Nếu phun trừ kí
sinh trùng DDT 1,5% và HCH 5% nhắc lại nhiều lần sẽ gây độc.
- Nếu bôi ngoài da Tocophen, cloran và kcylol 1,5% gây chết cừu non, dê và bê.
- Liều chết per os ở chó:
+ Aldrin 59 - 105 mg/kgP;
+ Dildrin 65 - 95 mg/kgP.
Súc vật béo mẫn cảm hơn với Clor hữu cơ so với con gầy vì những chất này tích lũy
nhiều trong mỡ và rất chậm thải trừ. Súc vật non và bị đói mẫn cảm hơn những con lớn và no.
Dung dịch DDT và HCH trong dầu và mỡ độc hơn nhiều so với dùng dạng bột bôi
ngoài da.
f. Chẩn đoán ngộ độc
* Triệu chứng lâm sàng.
- Ngộ độc qua đường tiêu hoá
+ Các triệu chứng sớm tại đường tiêu hoá:
Tiết nước bọt, nôn mửa, đau bụng, ỉa chảy.
+ Các biểu hiện thần kinh, cơ: Bồn chồn, sợ hãi, run rẩy, run cơ, kích thích quá mức,
mất điều hòa. Yếu cơ, giảm vận động, giảm động tác thể lực. Làm động tác khó và dễ mệt cơ
(trường hợp điển hình) do rối loạn bơm Na+ K+ ATPase.
+ Biểu hiện hệ thần kinh trung ương: Rối loạn ý thức: vật vã, kích động... Nặng: hôn
mê. Co giật: co giật kiểu cơn động kinh toàn thể.
+ Biểu hiện tim mạch: Ngoại tâm thu thất. Tổn thương nặng gây cơn nhịp nhanh, rung
thất, truỵ mạch là dấu hiệu tiên lượng nặng.
+ Biểu hiện tại gan: Tổn thương nặng biểu hiện của bệnh cảnh viêm gan nhiễm độc:
vàng da, gan to... (gan là nơi chuyển hoá chủ yếu của clo hữu cơ).
Sau đây là triệu chứng ngộ độc các hợp chất clo hữu cơ ở các loài gia súc, gia cầm:
Trâu, bò
Ngộ độc HCH:
Xảy ra vài giờ sau khi ăn phải thức ăn có độc; thân nhiệt tăng (0,7-1,20C) tim đập
mạnh và nhanh, tăng nhịp thở, giảm ăn, không nhai lại, chảy nhiều nước dãi, nghiến răng, ấn
vào vùng dạ cỏ gây đau. Sau 1-2 ngày quan sát thấy con vật bị liệt dạ cỏ hoàn toàn, viêm dạ
dày - ruột, tăng nhu động ruột dẫn đến bị ỉa chảy, phân lỏng lẫn chất nhày, con vật bị suy sụp.
- Con vật bồn chồn, run rẩy, co giật đến co cứng cơ, trước khi chết đồng tử mắt giãn.

97
98

- Xét nghiệm máu: số lượng bạch cầu tăng và nghiêng tả, lympho giảm, lượng Hb
giảm, tiểu cầu tăng, fibrinogen tăng, thời gian máu đông giảm 50%, nước tiểu có đường và
albumin.
Ngộ độc DDT:
Triệu chứng xuất hiện sau 12-24 giờ bị nhiễm độc.
- Con vật bồn chồn không yên, run cơ đặc biệt là cơ vùng lưng và chân sau.
- Bê và cừu co giật, mất thăng bằng sau đó bị liệt chân, bỏ ăn, ỉa chảy, chết sau khi suy
sụp do co giật.
Ngựa
Ngộ độc HCH: Bồn chồn, đau bụng do co thắt, co giật kiểu tetanos, sợ hãi, thở nông
và nhanh, nhu động ruột tăng, vã mồ hôi và tăng xúc giác.
Lợn
Ngộ độc HCH: ủ rũ, đi đứng siêu vẹo (mất điều hòa), co giật và chết.
Ngộ độc DDT: Kích thích vỏ não, nhịp thở giảm và rối loạn, run cơ và chết.
- Dạng mãn tính: tổn thương gan ở các mức độ khác nhau.
Gia cầm
Bỏ ăn, run cơ dẫn đến co giật, liệt và chết.
Ngộ độc mãn:
Là giai đoạn sau ngộ độc cấp nặng hoặc do thường xuyên tiếp xúc với clo hữu cơ. Sau
nhiều ngày mới xuất hiện các triệu chứng ngộ độc. Con vật lúc đầu run nhẹ, sau mới co giật. Gia
cầm bị ngộ độc mạn tính không có triệu chứng thần kinh, thường bỏ ăn, nằm gục một chỗ, lông
xơ xác, rụng. Thymus và tuyến giáp trạng phì đại. Nhiều trường hợp có thấp khớp cấp.
Một số chất gây hiện tượng porfirin có nhiều trong máu (Delta-ALA-sylterase bị kích
hoạt). Trong nước tiểu và trong phân có nhiều sản phẩm chuyển hóa của porfirin.
* Tổn thương bệnh lý
Ngộ độc HCH: Xuất huyết dưới da, phổi và màng phổi, loạn dưỡng (distrophia) gan,
thận, phổi, mỡ xung quanh thận có mùi HCH.
Ngộ độc DDT: Gan sưng nhiễm mỡ, hoại tử phần giữa tiểu thùy. Hoại thư thận và cơ
chân sau. Mỡ nhuộm màu vàng. ở trâu, bò còn thấy bị xuất huyết lan tràn ở niêm mạc dạ dày,
ruột và cơ tim.
* Tiên lượng: Súc vật bị ngộ độc DDT thường bị chết sau 24 - 36 gìơ. Súc vật bị ngộ
độc các loại Clo hữu cơ khác thường bị chết sau 4 - 10 ngày.
Có thể bị nhầm lẫn với ngộ độc muối ăn, phospho hữu cơ, viêm não virus ở gia cầm.
* Chẩn đoán qua các xét nghiệm:
- Trong truờng hợp gia súc bị ngộ độc cấp: Định lượng clo hữu cơ trong máu và nước
tiểu bằng phương pháp sắc ký. Định lượng chất chuyển hoá của clo hữu cơ trong máu để xác
định chẩn đoán.
- Trong truờng hợp gia súc bị ngộ độc mãn: Tìm clo hữu cơ trong mô mỡ, sữa.
- Kết quả xét nghiệm các chỉ tiêu huyết học cho thấy: Hàm lượng các men SGOT,
SGPT tăng, Bilirubin máu tăng và CPK máu tăng.

98
99

g. Điều trị ngộ đôc.


* Các biện pháp hạn chế hấp thu:
+ Phơi nhiễm chất độc qua da: Tắm rửa bằng xà phòng, nước hoặc chất tẩy rửa. Các con
vật lông dài cần được cắt bớt. Người chăm sóc bệnh súc cần mặc áo mưa bảo hộ.
+ Phơi nhiễm chất độc qua đường tiêu hóa: Ngừng sử dụng thức ăn có độc.
- Rửa dạ dày (ngựa), diều (gia cầm); Cho ăn than hoạt tính (500 - 1000 g/ngày) đối
với đại gia súc.
- Lợn: tiêm thuốc gây nôn (veratrin 0,02 - 0,03 trong 5 - 10 ml cồn hoặc 1 - 3 ml
chormotonin 0,1%). Sau đó dùng thuốc tẩy (Natri hay Magie sulphat).
- Chống tổn thương gan: Truyền dung dịch glucose 30% từ 500 - 800 ml cho ĐGS,
cho ĐGS và 30 - 80 mg cho TGS. Tiêm thêm vitaminB1 600 mg.
Ngộ độc DDT: bắt buộc tiêm VitaminB2 5 - 10 mg cho lợn, chó. Nếu không có
VitaminB2 thì cho men bia hoặc men bánh mỳ 0,4 - 1 kg/ngày cho ĐGS. Cho polyvitamin B1,
B2, C, A, E, K. Canxigluconat 40-80 g pha trong dung dịch glucoza 10% cho ĐGS.
- Chống run cơ và co giật: chườm lạnh vào mùa hè, tiêm chậm tĩnh mạch Natribromid
10%, liều 30 ml/100 kgP và 1% Novocain cho ĐGS. Uretan 0,1 mg/kgP cho tiểu gia súc.
- Chống co giật: Uretan, muối bromid, luminal natri: 0,06 - 0,07 g/kgP: s.c hoặc i.v.
cho chó. Pentotal natri 13 - 17 mg/kgP pha loãng thành dung dịch 2% tiêm tĩnh mạch cho
ĐGS và TGS. Chloralhydrat 4 - 6 gam, cồn etynic 330 100 ml tiêm tĩnh mạch cho ĐGS.
Không có chất kháng độc đặc hiệu.
* Phòng bệnh:
Chú ý khi cho súc vật ăn thức ăn là cỏ, cây sau khi ngừng phun thuốc ít nhất 20-30
ngày, đặc biệt trong trường hợp trời mưa nhỏ. Cho ăn thức ăn ủ chua an toàn hơn.
2.4. Đề phòng người và gia súc nhiễm độc hoá chất bảo vệ thực vật
Để đề phòng nhiễm độc các thuốc BVTV cần thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ.
Người phun thuốc trừ sâu phải tuân theo các quy định: Không được dùng tay trực tiếp
khuấy trộn thuốc trừ sâu khi pha dung dịch để phun. Cần phải sử dụng các phương tiện phòng
hộ lao động trong quá trình phun: đeo găng tay cao su, đeo khẩu trang. Khi phun phải đi giật
lùi, ngược theo chiều gió. Thay quần áo và tắm sau khi phun.
* Yêu cầu vệ sinh khâu bảo quản và vận chuyển thuốc trừ sâu.
- Kho chứa thuốc trừ sâu phải xa điểm dân cư, xa khu chăn nuôi và xa nguồn nước ít
nhất là 200 m.
- Kho chứa thuốc phải có khóa. Thuốc trừ sâu phải đựng trong các bao bì đặc biệt, có dán
nhãn. Phải xử lý bao bì cẩn thận để chúng trở thành vô hại: đun bao bì bằng kim loại hoặc thủy
tinh với nước vôi, bao bì bằng giấy hoặc gỗ thì đem đốt.
- Trong kho không được để thực phẩm, thức ăn chăn nuôi.
- Vận chuyển thuốc trừ sâu trên những xe riêng. Nghiêm cấm dùng xe chuyên chở
thuốc trừ sâu để chở người, súc vật, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi... Sau khi chuyên chở xong
phải rửa xe bằng nước vôi, nước javel... rồi rửa sạch bằng nước.
Bảo vệ không khí khỏi bị nhiễm độc bởi các thuốc trừ sâu có ý nghĩa quan trọng trong
đề phòng nhiễm độc. Nồng độ thuốc trừ sâu trong không khí không được vượt quá nồng độ
cho phép với từng chất ở nơi làm việc, chuồng trại...

99
100

Người lao động phải được trang bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ lao động. Phương
tiện phòng hộ đường hô hấp là quan trọng nhất: dùng mặt nạ phòng độc, nếu không có mặt nạ
phòng độc thì phải dùng khẩu trang...
Bảng 4.2: Dư lượng cho phép của một số hóa chất bảo vệ thực vật

Dư lượng cho phép


Tên hóa chất Thực phẩm
(mg/kg)
- Sữa, dầu, mỡ, trứng 0,0
1. Lindan
- Thực phẩm khác 1,0
- Sản phẩm thực vật 1,0
2. Clorofot (Diptrex)
- Sản phẩm động vật 0,0
- Bột mì 0,0
3. DDVP
- Các loại khác 0,3
4. DDT - Tất cả các loại thực phẩm 0,0
5. Kentan - Các sản phẩm thực vật 1,0
6. Melatinon - Các loại quả và hạt 1,0
7. Metofot (Volfatox) - Mọi thực phẩm 0,0
8. Sevin (Cacbavil) - Các loại quả 0,0
9. Thiofot (Chưa phân huỷ) - Mọi thực phẩm 0,0
10. Thiofot (Đã phân huỷ) - Mọi thực phẩm 5,0
11. Metafot (Đã phân huỷ) - Mọi thực phẩm 5,0

* Dư lượng HCBVTV trong đất: chưa có chỉ tiêu cho phép.

Bảng 4.3: Tốc độ phân huỷ một số hợp chất phospho hữu cơ trong đất

Hóa chất Thời gian phân huỷ (ngày) Tỷ lệ % bị phân huỷ

Cacbafot 1 97
DDVP 1 87
Metafot (Volfatox) 7 95
Thiofot 14 35
* Dư lượng HCBVTV trong nước: Dư lượng HCBVTV trong nước rất nguy hiểm đối
với sức khoẻ của người và gia súc đặc biệt là ở khu vực nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu. Nước
thải nhà máy đổ vào cống rãnh ra sông ngòi làm ô nhiễm nguồn nước.
3. Thuốc diệt chuột
Thuốc diệt chuột (Rodenticide, Rat poison) là một hoá chất, hay bất kỳ sản phẩm nào có
tác dụng diệt chuột bao gồm: Chuột nhà, chuột cống, chuột túi vàng, squirrels... Thuốc chuột
theo đúng nghĩa của nó là chỉ diệt chuột mà không độc với người và súc vật, tuy nhiên loại
này hiện nay vẫn chưa nghiên cứu sản xuất được.

100
101

3.1. Phân loại thuốc diệt chuột.


Hiện nay đã có trên 28 loại thuốc chuột và được phân loại như sau:
a. Phân loại theo bản chất hoá học
*Các hợp chất vô cơ: Arsenic, thallium, phosphorus, barium carbonate và zinc
phosphide.
*Các hợp chất hữu cơ: Sodium fluoroacetate, ANTU (alpha naphthyl thiourea), warfarin,
red squill, strychnine, norbormide và PNU (N-3 pyridylmethyl-N-p-nitrophenyl urea).
b. Phân loại theo độc lực
* Thuốc diệt chuột có độc tính cao (nguy hiểm): Gồm các chất có liều gây chết (LD50)
< 50mg/kg. Khi người hoặc súc vật bị ngộ độc, triệu chứng xuất hiện từ 1 - 24 giờ và bị chết
trong ngày đầu tiên. Đó là các chất Thallium, Sodium monofluoroacetate (SMFA 1080),
Sodium monofluoroacetamide (1081), strychnine, zinc phosphide, yellow phosphorus,
arsenic, barium, PNU.
* Thuốc diệt chuột có độc tính trung bình: Gồm các chất có liều gây chết (LD50) trong
khoảng từ 50 mg - 500 mg/kg. Bao gồm: ANTU alpha - Naphthyl Thiourea, cholecalciferol
(vitamin D3).
* Thuốc diệt chuột có độc tính thấp: Gồm các chất có liều liều gây chết (LD50) trong
khoảng 500 mg - 5000 mg/kg. Gồm: Red squill (trúc đào), norbormide (dicarboximide),
bromethalin, warfarin, prolin, indandiones (Pindone, Pivalyn).
3.2. Một số thuốc diệt chuột.
Các thuốc diệt chuột được sản xuất dưới dạng bột, nước, hạt trộn vào mồi (bả) để dễ sử
dụng. Các bả mồi thường có nồng độ thuốc chuột trong 0,1% - 10% tuỳ loại độc chất gây ngộ
độc cấp. Các mồi này người ta thường để vào những nơi chuột chạy qua. Màu của thuốc chuột
có thể là không màu, hoặc màu xanh, hoặc màu đen hay đỏ.
Cũng có dạng xông khói như các khói thuốc trừ sâu, hydrogenecyanide methyl bromide,
carbon monoxide và phosphine thường được dùng các dạng aluminium phosphide, calcium và
sodium cyanide được dùng rộng rãi.
Sau đây là một số thuốc diệt chuột có độc tính cao: Những chất này được quy định với
liều đơn thuần LD50 < 50 mg/kg gây chết người, cần phải thông báo rõ trên nhãn bao gói.
a. Sodium fluoroacetate - SMFA và fluoroacetamide (hợp chất 1080 và 1081)
Fluoroacetate là loại thuốc diệt chuột độc tính cao, thường gặp ở Việt Nam nhập qua
đường biên giới Bắc-Trung Quốc từ nhiều năm của thập kỷ 90. Fluoroacetic acid là thành
phần độc chính của một loại cây Dichapetalum cymosum ở Nam Phi, loại Palicourea ở Nam
Mỹ và loại gastrolobium, oxylobium và Acacia ở Châu úc.
SMFA là một chất không màu, không mùi, không vị, có thể hoà tan tinh thể trong nước.

* Cấu trúc hoá học: Chú ý chưa hoàn chỉnh!

FCH2 - C - O (Na) Sodium monofluoroacetate - SMFA

FCH2 C - NH2 Fluoroacetamide (1081) trifluoroacetamide

101
102

* Động học và chuyển hoá:


Fluoroacetate hấp thụ qua đường tiêu hoá, đường hít thở và niêm mạch, không thấm qua
da nguyên vẹn mà có thể qua vết thương hở. Quá trình chuyển hoá chưa biết rõ cụ thể nhưng
có thể tăng đào thải qua lọc máu. Khi sodium fluoroacetate bị nóng lên phân huỷ thành khói
sodium và fluorine độc tính rất cao. chưa có công bố về tiềm năng gây ung thư của tác nhân này.
* Cơ chế gây độc: Fluoroacetate gây độc bằng cách ức chế chu kỳ acid citric.
Fluoroacetate kết hợp với oxaloacetate thành dạng fluorocitrate, chất này ức chế men
aconitase trong chu trình Krebs, ức chế cạnh tranh, quá trình chuyển citrate thành isocitrate bị
đình trệ gây gây nên đình trệ hô hấp tế bào đặc biệt tế bào thần kinh trung ương và tế bào tim,
gây tử vong.
* Độc tính và ngộ độc:
- Chó mèo: Liều gây chết rất gần với liều gây độc, LC = 0,05 - 1,0 mg/kgP.
Triệu chứng ngộ độc ở chó rất điển hình, thể hiện bồn chồn, sủi bọt mép, nôn. Tiếp
theo là ỉa đái lung tung, chạy, sủa và nôn liên tục, co giật kiểu tetanus. Có thể hôn mê và chết
trong vòng 2-12 giờ sau khi sau khi bị ngộ độc.
ở mèo triệu chứng ngộ độc thường là nôn và loạn nhịp tim.
- Ngựa và trâu bò: Liều gây chết < 1,0 mg/kgP. Triệu chứng nổi bật là loạn nhịp tim
và chết đột ngột.
- Gia cầm: Liều gây chết trong khoảng từ 0,1 đến 1,0 mg/kgP.
- chuột: Liều gây chết trong khoảng từ 5 đến 8 mg/kgP.
- Các xét nghiệm sinh hoá cho thấy các hiện tượng: toan huyết, tăng đường máu, suy
thận, tăng các men transaminase, hạ Ca máu, tăng acid uric máu.
- Phân tích độc chất: Phân tích dịch cơ thể và tổ chức có thể phát hiện thấy fluoride và
citrate chứ không thấy fluoroacetate.
- Các kỹ thuật: Sắc ký lỏng, khí và sắc ký lỏng cao áp (HPLC - gas - liquid
choromatography) có khả năng phát hiện fluoroacetate trong mẫu sinh học.
*Điều trịngộ độc: Không gây nôn
- Rửa dạ dày: Rửa dạ dày 3 - 5 lít nước có pha muối (5g/l). Cần rửa ngay để loại bỏ số
lượng lớn chất độc trong giờ đầu. Cho uống than hoạt tính.
- Giảm quá trình fluoroacetat chuyển hoá thành fluorocitrat bằng cách: (1) Tiêm bắp
glyceryl monoacetate liều 0,55 g/kgP từng giờ đến khi đạt tổng liều là 2 - 4 g/kgP; (2) Cho
uống ethanol 50% và acid acetic 5% mỗi lần 8 ml/kgP.
Hiện nay chưa có chất kháng độc đặc hiệu nên hồi sức tích cực và chăm sóc là quan
trọng. Truyền dịch, chống rối loạn nhịp, chống suy hô hấp khi thấy cần.
b. Strychnin
Strychnine là alcaloid của cây mã tiền (Strychnos nux vomica). Được sử dụng trong
điều trị thú y như thuốc kích thích thần kinh trung ương. Ngoài ra còn là thuốc diệt chuột có
độc tính cao. LD50 đối với các loài vật nuôi như sau: mèo - 2 mg/kgP, chó - 0,75 mg/kgP,
trâu bò, ngựa, lợn - 0,5 mg/kgP, gà - 5 mg/kgP và chuột là 3 mg/kgP.
Con vật bị ngộ độc strychnin thường co giật dữ dội, liên tục, bị chết do suy hô hấp và
hậu quả của co giật. Cơ chế gây độc do strychnin tranh chấp với glycin, amin của quá trình
ức chế dẫn đến kích thích quá mức thần kinh trung ương.

102
103

Điều trị ngộ độc: Bệnh súc được đưa vào chỗ tối, tránh ánh sáng, tiếng động và mọi
kích thích. Hấp phụ chất độc bằng than hoạt tính (2 g/kgP). Không gây nôn vì làm tăng co
giật. Dùng thuốc an thần va giãn cơ: pentobarbital, methocarbamol (150 mg/kgP). Cho thở
oxy và hô hấp nhân tạo nếu cần thiết. Không có chất kháng độc đặc hiệu.
c. Thallium sulfate (Tl2SO4)
Thallium sulfate không mùi không vị, dễ hấp thu qua đường hô hấp, đường dạ dày, ruột,
qua da, súc vật có thể bị ngộ độc do ăn động vật bị ngộ độc thallium. Hiện nay trên thế giới dã
cấm dùng do độc tính của nó.
- Cơ chế gây độc: Tl kết hợp với nhóm sulfhydryl ty lạp thể gây cản trở qúa trình
phosphoryl oxy hoá.
- Triệu chứng ngộ độc: Xảy ra trong khoảng từ 0,5 ngày đến 2 ngày với các triệu chứng
tiêu hoá như đau bụng, nôn, buồn nôn, nôn ra máu, ỉa chảy có máu. Triệu chứng thần kinh
xuất hiện sau 2 - 5 ngày như đau đầu, yếu cơ, mệt xỉu, đau và yếu chi, mất điều hoà (ataxia),
giãn đồng tử co giật, trì trệ và hôn mê. Nếu người hoặc vật không chết ngay thường để lại các
triệu chứng thần kinh kéo dài. Liều gây chết là 14 mg/kg.

Câu hỏi ôn tập


1. Trình bày cơ chế gây độc của các hợp chất phospho hữu cơ và carbamat?
2. Nêu các phương pháp chẩn đoán ngộ độc các hợp chất phospho hữu cơ và carbamat và
các biện pháp phòng, trị?
3. Trình bày cơ chế gây độc của hợp chất clo hữu cơ?
4. Nêu các phương pháp chẩn đoán ngộ độc clo hữu cơ và các biện pháp phòng, trị?
5. Trình bày cơ chế gây độc của các thuốc diệt chuột có độc tính cao (strychnin, Thallium
sulfate, Sodium fluoroacetate và fluoroacetamide).
6. Nêu các biện pháp phòng và điều trị ngộ độc strychnin, Thallium sulfate, Sodium
fluoroacetate và fluoroacetamide.

Chương V

Ngộ độc thuốc thú y


Hiện tại sự khác nhau giữa thức ăn - thuốc - chất độc trong cuộc sống hàng ngày vẫn
chưa thật rõ ràng. Thuốc là con dao hai lưỡi, nếu dùng đúng nó có tác dụng chữa bệnh, ngược
lại là chất độc. Khi nồng độ thuốc trong cơ thể cao (ở máu cao thường do nhiễm độc cấp;
trong tổ chức cao thường do nhiễm độc mãn tính) đều gây ra trạng thái ngộ độc thuốc.
Chương này không đề cập đến các trường hợp sử dụng thuốc quá hạn, kém phẩm chất. Cũng
không bàn đến trường hợp tuỳ tiện, hay do trình độ chuyên môn kém, bảo quản, pha chế
không đúng qui cách...dẫn đến ngộ độc thuốc thú y. Chủ yếu phần này đề cập đến những vấn
đề sau
- Ngộ độc thuốc có liên quan đến bản thân các dạng thuốc sử dụng.
- Hiện tượng dị ứng thuốc
- Tác dụng phụ của rthuốc

103
104

- Độc tính của thuốc kháng sinh và các thuốc hoá học trị liệu trong chăn nuôi thú y.
Do nhu cầu thuốc phòng trị bệnh cho động vật ngày càng tăng, số lượng và chủng loại sử
dụng ngày càng nhiều. Tình trạng sử dụng nhầm thuốc đưa tới ngộ độc là không thể tránh khỏi.
Chăn nuôi theo kiểu công nghiệp phát triển, số đầu gia súc, gia cẩm nhiều, việc sử
dụng thuốc phải tiến hành đại trà, đồng loạt, do vây sẽ gặp các trường hợp ngộ độc sau:
Những cá thể có độ mẫn cảm với thuốc cao cùng tồn tại trong đàn.
Những con có sẵn các yếu tố bệnh lý về gan, tim, thận... làm giảm sức chịu đựng với
thuốc
Khi tiêm vacin cũng làm giảm khả năng chịu thuốc đễ gây ngộ độc.
Sử dụng thuốc không đúng qui định: quá liều do pha trộn không đều, chỗ nhiều, chỗ ít...
1. Đại cương
1.1. Nguyên nhân
Do liều lượng thuốc: quá liều, sai liều lượng, liệu trình. Ngược lại có thể do giảm liều
trong quá trình điều trị hay dùng quá lâu một loại thuốc. Cũng có thể do sự tương tác giữa các
thuốc dùng khi điều trị. Cơ thể động vật bị bệnh về gan, thận nên giảm khả năng đào thải
thuốc. Đường đưa thuốc không thích hợp, sai chu kỳ dùng thuốc.
Do tác dụng phụ có hại của thuốc: Adverse Drug Reaction (ADR) một phản ứng có hại
của thuốc không được định trước và xuất hiện ở liều phòng, trị làm thay đổi một chức năng
sinh lý (tác dụng có hại xuất hiện ở liều dùng thuốc cho phép). ADR không bao gồm những
phản ứng do dùng sai thuốc, sai liều của nguyên nhân một. Nguy cơ xuất hiện RDA là hậu
quả không thể tránh khỏi của việc dùng thuốc. Hầu như tất cả các thuốc có hiệu lực, dù được
dùng khôn khéo đến mấy đều có thể gây RDA.
1.2. Biện pháp đề phòng
Tuỳ theo nguyên nhân gây ra để có biện pháp phòng ngừa thích hợp.
Với nguyên nhân thứ nhất chủ yếu là do thao tác kỹ thuật của cán bộ chuyên môn. Khi gia
súc bị trúng độc do nguyên nhân nay, ta nhận biết được ngay, có biện pháp khắc phục kịp thời.
Gan, thận là hai nơi chuyển hoá thaỉ trừ chất độc chủ yếu. Tế bào gan tạo enzym giúp
cho quá trình chuyển hoá thuốc bằng các phản ừng: oxy hoá khử, thuỷ phân, kết hợp... biến
thuốc thành những sản phẩm không hay ít độc thải ra ngoài qua thận, hay tan trong dịch mật
theo phân ra ngoài. Muốn cơ năng của gan được tăng cường trong khi ngộ độc thuốc cũng
như các chất độc hại khác cần chú ý:
Dùng các vitamin, nhất là nhóm vitamin tan trong dầu: vitamin A, D, E và các acid
amin không thay thế: methionin, L- lysin, cystein...
Quá trình khử độc của thuốc cần năng lượng, tốn glucoza, cần tiếp thêm glucoza 5%,
hay 10%. Dung dịch này vừa cung cấp năng lượng vừa tăng lợi tiểu, tăng thải chất độc.
Dùng các thuốc kích thích quá trình lợi mật, tạo mật: colagonum, cao actiso, cao gan
Tiêm các chất kích hoạt để sản sinh enzym P450 hay các chất chelat hoá “chất càng
cua” tạo phức không cho thuốc ngấm qua vách tế bào.
Dùng thuốc đối kháng: đối kháng hoá học, vật lý, hay tác dụng dược lý. Khi đưa thuốc
vào cơ thể sẽ làm giảm nồng độ thuốc độc trong máu và tổ chức.

104
105

Đối kháng hóa học, vật lý: khi bò cao sản bị ngộ độc toan (aceton huyết do ăn nhiều
tinh bột) cần bổ sung NaHCO3 để trung hoà lượng acid trong máu. Khi ngộ độc các kim loại
nặng: Cu, Hg, Fe, Pb... dùng EDTA - chất càng cua để giải độc. Chất DETA sẽ gắn chặt với
kim loại nặng, giữ không hấp thu được, rồi thải ra ngoài.
Dùng thuốc đối kháng dược lý: ngộ độc thuốc mê, thuốc ngủ dùng các thuốc kích
thích hệ thần kinh trung ương: caphein, strychnin, long não hay ngược lại. Ngộ độc các thuốc
trị nội, ngoại ký sinh trùng: Mebendazol, Levamyzol, Detomax... dùng Atropin.
1.3. Hiện tượng dị ứng thuốc
Dị ứng thuốc có xu hướng ngày càng tăng do có nhiều loại thuốc mới ra đời. Trong
lâm sàng lại sử dụng thuốc bừa bãi, không có nguyên tắc đặc biệt là thuốc kháng sinh. Khi
điều trị một ca bệnh cụ thể hay kết hợp nhiều thuốc cùng một lúc, nếu không nắm rõ cơ chế
tác dụng, dược động học, nhất là các tính tương kỵ của chúng ...rất hay gặp dị ứng thuốc.
a. Những yếu tố ảnh hưởng đến phát sinh dị ứng
Theo Del - Rio - Navario B.E phân thành
- Thuộc về thuốc: Tính chất lý hoá của thuốc (các thuốc thuộc nhóm b - lactam, nhóm
thuốc hạ sốt, giảm đau, novocain và các acid aminosalicylic, sulfadiazin và các sulfamid khác
các chất này có những thành phần cấu trúc hoá học tương tự nhau..). Thuốc là một hapten, khi
vào cơ thể sẽ kết hợp với protein của huyết tương hay của mô bào. Khi đó thuốc có vai trò như
một kháng nguyên. Do vậy có khả năng kích tích cơ thể sinh kháng thể gây dị ứng. Phản ứng dị
ứng có thể xuất hiện với thuốc có cấu trúc kháng nguyên giống với thuốc đã gây mẫn cảm.
- Phụ thuộc đường đưa thuốc: Dị ứng thuốc hay gặp khi cho uống với những cá thể cá
biệt, shock phản vệ có thể xẩy ra khi dùng thuốc ở bấy kỳ đường nào nhưng nếu tiêm gặp
nhiều hơn, nhất các thuốc thuốc nhóm b - lactam khi tiêm hay với chó mèo tiêm B - comlex
vào dưới da rất dễ gây dị ứng.
- Cách sử dụng thuốc: Dùng thuốc kéo dài, dùng nhiều thuốc cùng một lúc, dùng
thuốc ngắt quãng cũng dễ gây dị ứng thuốc.
- Yếu tố gia súc: loài, tuổi, tình trạng bệnh lý thường gia súc non, con quá già đều mẫn
cảm với thuốc hơn. Tỷ lệ di ứng thuốc ở nhóm gia súc này cũng có hơn do các men chuyển hoá,
giáng hoà thuốc ở gan của chung chưa được hoàn thiện hay công năng của gan, thận kém....
- Cơ địa và tiền sử dị ứng. Hay gặp ở những người có cơ địa dị ứng atopy khi dùng
thuốc dễ bị dị ứng hơn. Những người có tiền sử dị ứng thuốc thì bản thân người đó và các con
đều dễ bị dị ứng thuốc khi dùng lại thuốc đó.
b. Cơ chế:
Dị ứng thuốc thuộc dị ứng typI theo phân loại của Gell và Coombs, gồm 3 giai đoạn:
* Giai đoạn 1:. Kể từ khi dị nguyên (thuốc) vào cơ thể. Dị nguyên được các tế bào kháng
nguyên trình diện tiếp nhận rồi truyền thông tin này đến tế bào Th2. Th2 dưới tác động của IL4 và
IL13 (Interleukin 4 và 13) làm tế bào lympho B biệt hoá thành plasmocyte. Tế bào này sẽ tổng hợp
kháng thể IgE. Các IgE sẽ gắn lên màng mastocyte nhờ các receptor đặc hiệu.
* Giai đoạn 2: Giai đoạn sinh hoá bệnh. Khi dị nguyên lần 2 vào cơ thể, dị nguyên
này sẽ kết hợp với kháng thể có sẵn gắn trên màng mastocyte nhờ các receptor đặc hiệu. Sự
kết hợp này làm tế bào mastocyte tổn thương, giải phóng ra các chất trung gian hoá học
(mediators): histamin, serotonin, bradykinin, leucotrien

105
106

* Giai đoạn 3: Sinh lý bệnh. Các chất trung gian hoá học trên tác động hệ thống niêm
mạc của các cơ quan. Hệ hô hấp: phế quản, phế nang, mũi, họng... Hệ thống tim mạch, đặc
biệt mao mạch dưới da...gây nên dị ứng: hen, mối mề day, phù Quincke, viêm mũi dị ứng,
shock phản vệ
c. Triệu chứng lâm sàng
Hội chứng lâm sàng của dị ứng thuốc rất đa dạng, biểu hiện chủ yếu ở ngoài da, niêm mạc
miệng mũi, mắt, kèm theo những tổn thương ở các cơ quan khác nhau: gan, thận, phổi, máu...
* Sốc phản vệ: Là dị ứng nghiêm trọng nhất, dễ gây tử vong. Thường xuất hiện sau
30 phút. Xuất hiện càng sớm, bệnh càng nặng. Các thuốc hay gây ra shock phản vệ:
Các kháng sinh: Penicillin, Ampicillin, Cefotaxim, Gentamicin, Kanamycin,
Citrimmoxazol, Cloramphenicol, Chlortetracyclin, Streptomycin, Cephalosporidin, Lincomycin...
Các thuốc có phân tử lớn: huyết thanh, vaccin, globulin, dextran
Thuốc gây tê: Procain, Lindocain.
Thuốc chống viêm physteroid: Indomethacin, Salicylat, Anagin
Các vitamin tiêm tĩnh mạch: Vitamin C, vitamin B1; Các loại đạm: Moriamin, Alvesin,
plasma, Beotamin
Các thuốc khác: Optalidon, Pamin, Seda, Insulin, hormon ACTH...
Chú ý những diễn biến muộn xẩy ra sau shock phản vệ: viêm cơ tim dị ứng, viêm
thận, viêm cầu thận, viêm phế quản, mày đay, phù quicke tái phát nhiều lần.
Mọi đường đưa thuốc đều có thể gây ra nhưng nặng nhất khi tiên tĩnh mạch. Mèo, chó
tiêm B - comlex dưới da hay tĩnh mạch. Lúc đầu có thể mổi mề day, phù Quincke. Tăng tuần
hoàn, huyết áp, thở nhanh. Sau đó chuyển nhanh sang rối loạn hô hấp, tuần hoàn, tím tái, tụt
huyết áp...Tiêu hoá đau bụng, nôn mửa, tiêu chẩy ran máu...
* Mày đay: Cũng hay gặp khi dị ứng thuốc. Các loại thuốc đều có thể gây dị ứng,
nhưng hay gặp các thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm physteroid (CVPS), vitamin, huyết
thanh... Sau khi dùng thuốc vật có cảm giác nóng, ngứa. Xuất hiện các đám ban sưng to, dầy
dưới da gây ngứa rất khó chịu, cáng gãi càng sưng to, phù nhanh. đôi khi kèm theo đau bụng,
dâu khớp, chóng mặt, nôn, sốt...
* Phù Quincke: Năm 1882 tác giả Quincke đã mô tả: “trong da, tổ chức dưới da xuất
hiện từng đám sưng, phù nề, đường kính 2 - 10 cm trên da mặt lưng, khớp, nhiều nhất ở mí
mắt và môi. Mầu sắc da có thể bình thường hay hơi tái, hoặc hơi hồng. Miệng, thanh quản
sưng, phù nề, gây khó thở.
Các thuốc hay gây dị ứng: Penicilin, Streptomycin, Tetracyclin, Chloramphenicol,
Sulphamid, Các thuốc chống viêm physteroid, heparin, hormon tuyến yên, insulin... Quincke
có thể xuất hiện sau vài phút, vài giờ hay vai ngày. Phù Quincke nếu ở bên trong niêm mạc
đường hô hấp, tiêu hoá tiết niệu.. Quincke ở thanh quản nguy hiểm nhất đẽ gây tử vong.
* Hội chứng (Stevens - Jóhnon syndrome): Gây viêm loét da và niêm mạc do thuốc
nhất là thuốc kháng sinh: Ampicillin, Streptomycin, Tetracycllin, Chloraphenicol.. các thuốc
chống viêm physteroid: Anagin, Paracetamol

106
107

* Hen phế quản do thuốc: Cơn khó thở xuất hiện sau khi tiếp xúc với thuốc. Nghe
phổi đầy ran rít, ran ngáy. Nhiều thuốc có thể là yếu tố sinh học gây hen phế quản dị ứng:
Penicillin, Sulphamid, Hydrothiazid, Methotrexat...
1.4. Tác dụng phụ của thuốc
Trong lịch sử dùng thuốc có những chất có cuộc đời làm thuốc rất dài: Morphin,
Digitalis, Aspirin... Có những chất được dùng làm thuốc rất tốt nhưng trong quá trình theo
dõi, điều trị bệnh đã phát hiện ra các tác dụng phụ nguy hại đến sức khoẻ cộng đồng, súc vật
nên mặc dù vẫn còn hiệu lực chữa bệnh nhưng đã bị loại ra khỏi dạnh mục thuốc: Santonin,
Pyramidon, các sulfamid cổ điển, Phenacetyl, Chloramphenicol, các đẫn xuất của bạc, asen
trong trị ký sinh trùng đường máu... Các nguyên nhân gây tác dụng phụ của thuốc gồm:
* Thuộc về động vật: Động vật nuôi quá mẫn với thuốc (shock phản vệ), ở liều điều
trị khi tiêm naganol phòng trị ký sinh trùng đường máu cho trâu bò nhưng vẫn có con bị dị
ứng với thuốc, chiếm khoảng 0,02%. Vật nuôi bị dị ứng với thuốc kháng sinh, đặc biệt nhất
là nhóm b - lactame.
* Thuộc về dạng thuốc, đường đưa thuốc: Đường dùng thuốc khác nhau như Vitamin
nhóm B, C, tiêm tĩnh mạch gây choáng phản vệ, nhưng nếu uống không gặp phản ứng này.
* Độ tinh khiết của thuốc
Một thứ thuốc dù hoàn hảo đến mấy cũng không thể là “chất siêu sạch” lý tưởng được.
Tạp chất trong thuốc có nhiều nguồn gốc khác nhau:
(1) Do nguyên liệu ban đầu tổng hợp hay chế biến nhưng chưa loại hết. Tạp chất là
các hoạt chất phụ có trong dược liệu khi chiết xuất đã đi kèm theo hoạt chất chính. Tạp chất
được hình thành trong quá trình bảo quản thuốc ở điều kiện bất lợi.
(2) Do quá trình bào chế, sản xuất, đã xẩy ra nhiều phản ứng hoá học khác không cần
thiết.
(3) Tương tác giữa các thuốc với nhau.
2. Độc tính của một số thuốc thú y
Thuốc vào nước ta bằng nhiều đường khác nhau chưa kiểm soát được. Trong khi đó
lại có hàng trăm cơ sở và công ty kinh doanh, sản xuất, xuất nhập khẩu thuốc thú y lớn nhỏ
đóng trên cả nước. Cộng thêm vào đó trình độ hiểu biết của dân còn chưa đầy đủ, nên dễ có
nguy cơ xuất hiện các phản ứng có hại của thuốc. Để tiện theo dõi, tránh những sai lầm đáng
tiếc trong lâm sàng, khi dùng thuốc cần chú ý đến độc tính của thuốc. Tuỳ loại thuốc, tuỳ loài
động vât mà độc tính của chúng biểu hiện trong lâm sàng có khác nhau.
2.1. Thuốc kháng sinh
a. Nhóm beta-lactam
- Dị ứng: hay gặp trên lợn ngoại: choáng phản vệ, truỵ tim mạch, khó thở, nổi mề đay,
có khi phát ban đỏ hay báng nước.
- Loạn khuẩn đường ruột hay gặp ở gà chăn nuôi công nghiệp hay lợn con từ 1 - 21
ngày tuổi khi uống Ampicillin, Amoxicillin. Động vật nuôi sẽ bị tiêu chẩy nặng sau khi
dùng thuốc. Ampicillin trên chó, mèo và bò có thể gặp: rối loạn vận động, tăng huyết áp, khó
thở.
Liều độc của Penicillin G gấp 2700 lần so với liều điều trị trên gia súc. Khi dùng thuốc
cần lưu ý dạng Procain - penicillin chậm và các thuốc bán tổng hợp: Ampicillin, Amoxicillin,

107
108

Oxacillin... . Penicilin G trên ngựa, chó, bò gặp tăng huyết áp, dị ứng, kích thích thần kinh
trung ương, nôn, co giật. Viêm thận có thể gặp trên ngựa. Bội nhiễm nấm đường tiêu hóa gặp
trên bò
Các thuốc tổng hợp thuộc nhóm Cephalosporidin trên gà công nghiệp và chim cút.
Các thuốc này cũng gây tác dụng phụ giống như trên lợn ngoại: shock phản vệ, dị ứng, tiêu
chẩy, rối loạn quá trình tạo máu
b. Nhóm aminoglycozid.
Các thuốc thuộc nhóm này gồm: Streptomycin, Kanamycin, Gentamicin, Neomycin...
Khi bị ngộ độc cấp gây liệt trung khu hô hấp, vận mạch ở gà con, gà tây, thuỷ cầm, nhất là vịt
con rất nhày cảm với Streptomycin. Nếu tiêm ở ức vịt con dễ chết rất nhanh.
Ngộ độc cấp tính hay gặp với các loại dạ day đơn và ở những động vật có bệnh viêm
thận, suy thận do khả năng thải trừ các Amynoglucozid kém sẽ gây hiện tượng vô niệu hay
thiểu niệu. Vật chết trong tình trạng hôn mê do độc tố tích lại nhiều trong máu. Trường hợp
shock của thuốc trong nhóm này rất ít, nhưng những con đã bị có tỷ lệ chết rất cao. Theo dõi
trên lâm sàng có tới 6/10 động vật bị chết khi shock do dùng thuốc thuộc nhóm
Amynoglucozid.
Ngộ độc mạn sẽ làm liệt thần kinh cơ - xương, động vật nuôi cả bò, lợn, chó, mèo đều
bị mất thăng bằng, rối loạn vận động, phù, liệt thần kinh thính giác gây điếc ở người. Cá biệt
trên lợn và chó khi dùng Erythromycin tiêm, có con bị đau do nơi tiêm viêm. Rối loạn về
thần kinh thính giác gặp trên chó nghiệp vụ do tiền đình bị nhiễm độc trước ốc tai, gây chóng
mặt rối loạn vận động, mất thăng bằng do não bị phù, tích nước, tai chó bị ù rồi điếc. Tác
dụng xẩy ra trong khi dùng thuốc lâu ngày (dùng thuốc quá 10 ngày), và kéo dài khi đã ngừng
thuốc 7 ngày có khi hàng tháng. Hay cùng có thể xẩy ra do trước khi dùng nhóm
Amynoglucozid đã dùng các thuốc có độc với thính giác: Furosemid hay Vancomycin.
- Độc với thận. Các Amynoglucozid thải ra ngoài nguyên vẹn qua thận. Nếu thận bị
suy sẽ gây tích luỹ ở vỏ thận (nộng độ thuốc trong thận cao gấp 20 - 30 lần so với huyết
tương) hay gặp ở động vật dạ dầy đơn có tiền sử về bệnh thận. Gây viêm cầu thận cấp đẫn đến
vô niệu. Khi cơ thể mất muối, nước độc tính thuốc còn tăng lên.
- Làm giãn cơ vân. Thuốc có tác dụng hiệp đồng với nhóm curare (thuốc gây mềm cơ khi
phẫu thuật). Nếu dùng lâu có thể gây liệt cơ hô hấp. Độc với thai, nhất là chó gây sẩy thai kỳ 3.
c. Nhóm tetracycline.
Với loài nhai lại (bò), sau khi tiêm tĩnh mạch Tetracyclin hay gặp các triệu chứng: lo
âu, buồn chán, có những biểu hiện khó chịu, nhưng lại dễ bị kích động, nước bọt chảy nhiều.
Sau đó khu hệ vi sinh vật đường ruột bị rối loạn, nhất là loài nhai lại. Khi tiêm bắp
Oxytetracyclin cho ngựa, cừu hay gặp viêm tại chỗ. Còn làm tăng lượng trombocyt, leucocyt
trong máu gây ảnh hưởng đến quá trình đông máu. Trên bò nếu tiêm bắp quá liều (cá biệt ngay
ở liều điều trị) gây ngộ độc cấp sẽ mất thăng bằng, suy sụp, khó thở bị liệt trung khu hô hấp,
vận mạch, gây tổn thương gan, rối loạn quá trình tạo xương của động vât. Một vài trường hợp
có thể gây methemoglobin khi tiêm mạch
- Gắn vào xương: thuốc tham gia chelat hoá với ion Ca++ giảm sự tạo xương, kém phát
triển khung xương gây còi xương.
- Rối loạn tiêu hoá, viêm miệng - lưỡi - hầu - thực quản. Có thể gây tiêu chảy do loạn
khuẩn (thường 3 ngày). Khi dùng thuốc lâu ngày rễ gây bội nhiễm nấm đường tiêu hóa, vật sẽ
bị mất thăng bằng, ủ rũ, chán ăn, có thể bị sốt từ vài ngày đến vài tuần.

108
109

Liều cao gây tổn thương gan, suy thận (triệu chứng rõ khi súc vật có thai). Với gà đẻ
và gia súc sinh sản nếu dùng Doxycyline làm giảm sản lượng trứng, giảm khả năng thụ thai,
giảm số con trên lứa đẻ, giảm sản sinh tinh trùng và hoạt lực tinh trùng. Trên thi trường có
loại Tetra-eggs dùng cho gà đẻ trứng hay súc vật sinh sản thành phần có chứa chlo hay oxy
tetracycline là những loại ít hay không được phân bố trong buồng trứng và dịch tử cung, dịch
hoàn ==è không độc cho động vật sinh sản.
Chú ý: Nếu tiêm bắp cũng có thể gây đau do bị viêm. Mèo có thể gây sốt do thuốc
khoảng 2 ngày sau khi ngừng thuốc. Không dùng khi gia súc bị nhược cơ, mang thai, khai
thác sữa, suy gan, thận.
d. Nhóm lincosamid
Gây tiêu chẩy mất nước và chất điện giản nặng do ruột bị viêm thể màng giả, sốt, xuất
huyết niêm mạc. Nôn, ngứa hậu môn (gia súc, nhất là chó, nèo hay quay lại liếm hậu môn),
viêm xoang miệng, lợi, lưỡi.
Nếu dùng phối hợp Lincomycin với Spetinomycin trên bò có thể gặp shock quá mẫn
xẩy ra ngay sau khi tiêm. Phối hợp lincimycin với Neomycin tiêm cho loài linh trưởng sẽ bị
shock quá mẫn xảy ra ngay tức khắc 5 -10 giây giống như shock của penicilin trên người.
e. Nhóm polypeptid
Khi sử dụng Polymycin B trị bệnh cho chó sẽ gặp hiện tượng tăng BUN.
f. Nhóm quinolone (cả thế hệ I và II)
- Hệ tiêu hoá: Gây rối loạn tiêu hoá, tích thực, đau bụng, có thể nôn.
- Liều cao gây co giật, làm tổn thương mô sụn ==è ảnh hường đến tốc độ phát triển.
Chú ý: không dùng khi gia súc có chửa kỳ I và kỳ III, đang khai thác sữa (dùng sữa
cho bê con bú); hay khi bị bệnh suy gan, thận.
g. Nhóm nitro - imidazole
- Trên hệ tiêu hoá gia súc có hiện tượng chán ăn, buồn nôn, viêm miệng và lưỡi, giai
đoạn sau lưỡi bị đen, rồi bị tiêu chẩy.
- Gây rối loạn hoạt động thần kinh khi dùng liều cao, lâu ngày do các dây thần kinh
thính, thị giác và thần kinh ngoại vi bị viêm ==è rối loạn vận động, ít khi gặp.
Chú ý: Không dùng khi có chửa kỳ I, đang nuôi con, hay bị bệnh ở các cơ quan tạo máu.
h. Các sulfamid
Biểu hiện mẫn cảm: hay gặp trên dạ dầy đơn: chó, mèo, lợn ... Gây viêm da bọng
nước, bong biểu bì, tổn thương niêm mạc mũi, miệng. Nếu bôi trên da gây viêm da do tiếp
xúc. Hiện tượng rụng lông gặp nhiều trên chó, mèo.
- Gây tổn thương thận ở loài dạ dầy đơn do hiện tượng acetyl hoá thành các sản phẩm
không tan trong môi trường a xit gây sỏi mầu xanh, tím trong bể thận, bàng quang, gan, ống
mật. Với chó gặp: khó đi tiểu (đái dắt), sau chuyển vô niệu, hàm lượng BUN tăng cao, máu
không đông. Với loài linh trưởng để lại tồn lưu trong tế bào
- Gây rối loạn tiêu hoá, không nhai lại (bò), thức ăn tích trong thực quản hầu (ngựa),
sau chán ăn vài ngày rồi tiêu chẩy. Kế phát viêm phúc mạc sau chuyển viêm dính toàn ổ bụng.
Gây thiếu máu do thiếu a xid folic tạo tế bào máu. Vàng da do gan bị bệnh hay bị tắc ống mật.

109
110

Chú ý: không dùng cho gia súc bị suy gan, thận, có thai, cho con bú, động vật non.
Cẩn thận khi dùng các sulfamid chậm: Sulfadoxine, Sulfamethoxypyzidazin = SMP hay Co -
trimoxazole có chứa Sulfamethoxazole, Fan - sidar có chứa Sulfadoxine.
i. Thuốc chống nấm
AmphotericinB: Độc với thận, gây giảm K+ và Mg++ trong máu, sốt viêm tĩnh mạch huyết
khối. Trên chó hay gặp co giất cơ, sốt do thuốc. Cả mèo và chó đều có hiện tượng tăng BUN.
Ketoconazole: gây rối loạn tiêu hoá, dị ứng ngoài da, độc với gan, rối loạn sinh dục,
giảm khả năng sinh tinh trên con đực. Không dùng khi có thai hay cho con bú.
Miconazole: rối loạn tiêu hoá, dị ứng, viêm tĩnh mạch, giảm bạch cầu và lipid/máu,
loạn nhịp tim (nếu tiêm tĩnh mạch). Không dùng khi có thai hay đang nuôi con.
Fluconazole: gây rối loạn tiêu hoá, sống phân, dị ứng trên da. Không dùng khi có chửa
và cho con bú.
Sau đây là bảng các thuốc cấm dùng hay dùng cần chú ý.

Bảng 5.1: Sử dụng thuốc trong điều trị bệnh cho động vật có chửa

STT Thuốc cấm dùng Dùng thận trọng


1 Chloramphenicol Các aminoglucozid
2 Dapsone Amphotericin B
3 Dehydroemetine, emitine Clindamycin
4 Erythromycin estolate Ethambutol
5 Furazolidone Fluconazole
6 Griseofulvin Imipenem
7 Mefloquine Idoquinol
8 Nitrofurantoin Isoniazid
9 Norfloxacin Ketoconazol
10 Ofloxacin Mebendazole
11 Oxamniquine Miconazole
12 Primaquine Piperazin
13 Các sulfamid Pyrazinamide
14 Các tetracycline Pyrimethamine
15 Co-trimxazole (Bactrim) Quinacrine
16 Các quinolone cả 2 thế hệ Quinine

110
111

17 Các nitro - imidazol như Rifampicin


Metronidazole Thiabendazol
Vancomycin
Trimethoprim

Sau đây là bảng danh sách các thuốc được đào thải qua sữa mẹ. Trong giai đọan khai
thác sữa hay nuôi con cần lưu ý để phòng độc cho người và ấu súc.

Bảng 5.2.: Thuốc hoá học trị liệu thải ra qua sữa

Sự sai khác giữa lý thuyết


pKa Milk pH và thực nghiệm
Tên thuốc
Lý thuyết Thực nghiệm
Môi trường a cid

Penicillin G 2,7 6,8 0,20 0,13 - 0,26


Cloxacillin 2,7 6,8 0,20 0,25 - 0,30
Ampicillin 2,7; 7,2 6,8 0,26 0,24 - 0,30
Amoxycillin 2,7; 7,2 6,8 0,26
Cephaloridin 3,4 6,8 0,25 0,24 - 0,28
Sulfadimethoxine 6,0 6,6 0,19 0,23
Sulfamethazine 7,4 6,6 0,55 0,59
Môi trường kiềm
Erythromycin 8,8 6,8 6,1 8,7
Tylosin 7,1 6,8 3,0 3,5
Lincomycin 7,6 6,5 - 6,8 2,8 2,0 - 5,6
Trimethoprim 7,6 6,5 - 6,8 2,8 - 5,3 2,9 - 4,9
Amynoglucozid (7,8) 6,5 - 6,9 0,20 - 0,80
Spectinomycin 8,8 7,5 0,4
Dạng bột nguyên chất, tự nhiên
Chloramphenicol - 6,5 - 7,1 (1,0) 1,1
Oxytetracyclin - 6,5 - 6,8 - 0,75
Doxycyline - 6,5 - 6,8 - 1,53

111
112

k. Tác hại của tồn dư kháng sinh


* Đối với sức khoẻ. ảnh hưởng của chất tồn dư kháng sinh đến sức khoẻ của gia súc, con
người có thể trực tiếp hay gián tiếp: Chloramphenicol gây quái thai, suy tuỷ, rối loạn hệ vi sinh
vật đường ruột...
* Các phản ứng dị ứng: Đặc biệt đối với những cá thể mẫn cảm, sự có mặt các chất
tồn dư trong thực phẩm có nguồn gốc động vật có thể gây ra phản ứng dị ứng trên người mẫn
cảm. Những người có sẵn cơ địa dị ứng với nhóm b - lactam, khi uống sữa bò hay dùng các sản
phẩm còn tồn lưu những thuốc kháng sinh thuộc nhóm này sẽ bị dị ứng mổi mề đay hay tiêu
chảy.
* Gây rối loạn khu hệ vi sinh vật đường ruột: Chúng có ảnh hường xấu theo 2 cách:
- Biến đổi thành phần hệ vi sinh vật, giết chết vi khuẩn có lợi, tạo điều kiện thuận lợi
cho vi khuẩn kháng thuốc phát triển. Đã có rất nhiều bằng chứng về vi khuẩn kháng thuốc có
thể truyền từ động vật sang người. Điều này gây khó khăn trong việc chẩn đoán, chọn thuốc
điều trị số bệnh. Sự truyền tính kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh ở động vật sang người có
thể do tiếp xúc trực tiếp hay qua đường tiêu hoá khi dùng thức ăn bị nhiễm vi khuẩn kháng
thuốc hay do nhiễm vi khuẩn kháng thuốc tại các bệnh viện. Việc này lại do việc sử dụng
kháng sinh bừa bãi, tuỳ tiện trong cả nhân y và thú y, nhất là việc dùng kháng sinh với mục
đích kích thích tăng trọng.
- Chất tồn dư của các tác nhân kháng khuẩn trong thực phẩm (tồn dư thuốc hoá học trị
liệu trong đó có kháng sinh) có nồng độ cao hơn LMR - Limite Maximale Residuc sẽ góp
phần tạo vi khuẩn kháng thuốc trên người.
* Tác hại về mặt công nghệ
Các tồn dư kháng sinh đã cản trở việc lên men trong quá trình chế biến thực phẩm: sữa
chua, phomat, chế xúc xích...
2.2. Cỏc chất sỏt khuẩn
Chất sỏt khuẩn là những chất dựng với mục đích sát trùng tại chỗ, cục bộ, nơi tiếp xúc
với cơ thể vật nuôi (chất sát trùng ngoài da, vết thương, các chất uống vào với mục đích
chống nhiễm khuẩn, loạn khuẩn đường tiêu hóa); cỏc chất khử trựng, tẩy uế toa tầu, xe vận
chuyển vật nuụi, nền chuồng, sân chơi... Tại những nơi thuốc tác dụng với tổ chức của cơ thể
ở liều quá cao sẽ gây hoại tử tế bào. Thông qua vết thương, chúng được hấp thu vào máu gây
rối loạn chức năng sinh lý toàn thõn. Chất sỏt khuẩn cũn bao gồm cả những chất cho vào thực
phẩm với mục đích ức chế hay tiêu diệt các vi sinh vật làm hư hỏng thực phẩm trong quá
trỡnh thu hoạch, chế biến, bảo quản. Nhờ đó mà kéo dài khả năng sử dụng nhưng vẫn bảo
đảm chất lượng của thực phẩm. Thuộc nhóm này gồm có các acid mạnh, kiềm mạnh và các
muối kim loại cũng được coi là các chất độc do tiếp xúc.
Trong các acid vô cơ, acid clohydric, acid sunphuric, acid nitric, acid photphoric là
những acid thường gây độc cho động vật. Trong chăn nuôi khi dùng các premix khoáng bổ
sung theo đường tiêu hóa, nếu dùng quá liều sẽ gây ngộ độc acid hay kiềm tùy dạng thức ăn
và loài vật nuôi. Các acid hữu cơ: acid lactic, acid acetic, acid oxalic hay gây ngộ độc cho loài
nhai lại.
* Sự hỡnh thành ngộ độc và các dạng ngộ độc

112
113

Khi bị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa thường dùng cỏc chất sỏt khuẩn, hay acid loóng
cho vật nuụi uống. Cỏc acid clohydric, acid acetic cú thể bay hơi qua đường hô hấp gây hại
cho cơ thể. Các acid ở nồng độ cao, đậm đặc đều gây phản ứng với mọi loại tế bào của cơ thể
do làm biến đổi nguyên sinh chất. Mức độ biến đổi tỷ lệ thuận với nồng độ của acid. Nồng độ
càng cao sự tàn phá tế bào càng nặng. Xong ở nồng độ cao, các acid có tác dụng tại chỗ là
chính do làm biến chất đông kết chặt protein nên đó ngăn cản không cho acid tiếp tục hấp thu
vào máu gây nhiễm độc toàn thân. Ngược lại nồng độ thấp các acid được hấp thu từ từ vào
máu dễ gây nhiễm độc toàn thân.
* Tỏc dụng cục bộ: tại nơi tiếp xúc với acid, tổ chức thường bị biến màu. Với acid
clohydric, tổ chức sẽ có màu xám; acid sunphuric cho màu nâu đen, acid nitric có màu vàng.
Riêng với acid acetic đậm đặc chỉ gây hoại tử bề mặt, cũn acid mercuric gõy cỏc ổ loột trờn
bề mặt da.
Khi uống cỏc acid (ở nồng độ nhất định trị loạn khuẩn đường tiêu hóa) nếu niờm
mạc
đường tiờu húa bị viờm chỳng sẽ phỏ hủy lớp cơ dưới niêm mạc dạ dày - ruột, tiếp đó là quá
trỡnh nhiễm trựng kế phỏt. Hậu quả nặng nề nhất của nhiễm độc acid đường tiêu hóa là gây
viêm phúc mạc. Do acid kích thích niêm mạc đường tiêu hóa dễ đưa tới nôn ọe, thức ăn có thể
tràn sang đường hô hấp gây viêm phổi, co thăt phế quản, thùy thũng phổi, vật chết do ngạt thở.
Cũng có thể do tác dụng của các acid, toàn bộ ống tiêu hóa, dạ dày, ruột bị xung, xuất huyết.
* Triệu chứng toàn thõn: thường gặp với các acid vô cơ. Acid vô cơ có nồng độ
loóng và yếu dễ hấp thụ, dễ trúng độc hơn các acid hữu cơ. Khi hấp thu vào máu quá ngưỡng
bỡnh thường sẽ gây toan huyết (acidosis). Với hàm lượng thấp do có hệ thống đệm cơ thể tự
điều chỉnh nên pH không có biến đổi. Nhưng nếu cứ tiếp tục hấp thu, sự cõn bằng toan - kiềm
trong mỏu bị rối loạn, pH và khớ O2 giảm, lượng khí CO2 tăng, thần kinh trở nên mẫm cảm
gây co giật. Vật chết do hôn mê.
Bờn cạnh những triệu chứng chung núi trờn cỏc acid khỏc nhau cũn cú một số triệu
chứng đặc trưng riêng biệt.
- Acid acetic - CH3COOH : Được dùng trong chế biến, bảo quản thực phẩm và chông
loạn khuẩn đường tiêu hóa. Có tác dụng ức chế men vi sinh vật gây hại trong đường tiêu hóa.
- Acid focmic - HCOOH: Sử dụng để bảo quản thực phẩm. Đối với chó nếu cho ăn
theo khẩu phần 10% tương đương 50 mg/kg thể trọng gây methemoglobin trong máu kéo dài
10 ngày là do acid focmic ức chế men catalaza. Nếu cho ăn liều thấp khoảng 0,5 g acid
focmic/ngày, ăn hàng ngày, chó vẫn không phát hiện thấy độc.
- Hexa-metylen-tetramin - (CH2)6N4: Trong môi trường acid hoặc dầu các hợp chất
hữu cơ và protein, Hexa-metylen-tetramin bị thủy phân dần dần thành amoniac hoặc focmon,
do đó tính chất gây độc cũng giông như focmon: gây đông vón đồng loạt protein, kích ứng
niêm mạc. Focmon có ảnh hưởng đến việc tổng hợp protein của cơ thể. Đồng thời cũn gõy đột
biến trên giống ruồi Drosophila.
Độc tính trên chuột cống trắng: nếu tiêm dưới da lặp lại nhiều lần dung dịch Hexa-
metylen-tetramin 35 – 40% sẽ thấy saccom cục bộ trên 2/3 số chuột thí nghiệm.

113
114

- Formol (HCHO): Trước đây hay dùng trong bảo quản thực phẩm, hiện nay đó bị
cấm. Trong lõm sàng cũn dựng cho trõu bũ uống khi bị chướng bụng đầy hơi, nếu dùng quá
liều sẽ gây độc.
- Acid socbic - CH3 - CH = CH - CH = CH - COOH và cỏc muối natri, kali socbat:
Được sử dụng trong bảo quản thực phẩm với mục đích ức chế men mốc và các vi khuẩn có
hại. Hoạt chất diệt mốc được tăng lên trong môi trường acid hoặc natri clorua với pH = 4,5.
Thuốc có độc hại trên chuột cống trắng và chó. Hàng ngày cho ăn với liều 5% trong
thức ăn (tương đương 2500 mg /kg thể trọng/ngày) chưa có hại. Với liều 8% thấy trọng lượng
gan của chuột cống trắng to hơn lô đối chứng nhưng chưa thấy biến đổi về bệnh lý.
- Acid benzoic - C6H5COOH và muối natri benzoat C6H5COONa: Dựng làm chất
sỏt khuẩn trong bảo quản thực phẩm chống men, vi khuẩn và mốc. Tác dụng diệt khuẩn tăng
lên ở môi trường acid. Nếu chuột ăn với liều 1090 mg/kg thể trọng chưa thấy biểu hiện độc.
Nhưng ở liều cao 8% Natri benzoat trong thức ăn, 13 ngày sau đó cú 50% số chuột chết; số
chuột cũn lại trọng lượng chỉ bằng 2/3 so với lô đối chứng. Chuột chết có bệnh tích trong gan
thận. Với chó liều 1 g/kg thể trong chưa có biểu hiện độc, nhưng với liều cao hơn chó bị rối
loạn thần kinh như co giật, động kinh rồi chết.
Acid salicylic: Sử dụng làm thuốc sỏt khuẩn, bảo quản thực phẩm.Trong thỳ y cũn
dựng làm thuốc hạ sốt, giảm đau và chống viêm (tronng nhúm thuốc chống viờm physteroid).
Nếu dùng liều cao trên vật nuôi sẽ gây hiện tượng dón mạch ngoại vi, hạ thấp hàm lượng
protrombin trong máu, nổi mụn ngoài da, gan hoại tử và xuất huyết.
Acid Boric - H3BO3 và muối natri borat - Na2B4O7.10H2O: Được dùng làm chất sát
khuẩn chống vi khuẩn. Nếu chuột cống trắng, chó mèo ăn ngắn ngày sẽ có hiện tượng chậm
lớn, tổn thương gan. Chuột cống trắng ăn dài ngày với liều 100 mg/kg thể trọng/ngày có hiện
tượng teo tinh hoàn gây vô sinh.
Anhydric sunfure - SO2: Trong thực tế hay dùng các muối của acid sunfurơ như:
Natri sunfit Na2SO3, Natri sunfit kết tinh với 7 phân tử nước: Na2S2O5.7H2O, Natri meta
bisunfit Na2S2O5, Natri bisunfit NaHSO3. Tác dụng độc hại của các muối trên phụ thuộc vào
nồng độ, hàm lượng và tốc độ giải phóng khí SO2.
Được dùng rộng rói chống men mốc vi khuẩn trong bảo quản thực phẩm và sỏt khuẩn.
Trờn thỏ với liều 1 - 3g/ngày kộo dài liờn tục 127 - 185 ngày có hiện tượng sụt cân, chảy máu
dạ dày. Với chuột cống trắng liều 0,1% Natri sunfit ức chế sự phát triển do phá hủy vitamin
B1 trong thức ăn. Do vậy không được dùng SO2 và các muối của nó để bảo quản các thức ăn
có nhiều vitamin B1 như thịt, ngũ cốc, đậu đỗ hạt, sữa và các chế phẩm.
Các acid khác khi bị nhiễm độc như acid clohydric và acid acetic gây dung huyết, dẫn
tới huyết niệu. Khi nhiễm độc acid lactic các tổ chức nhu mô của gan tim bị thoái hóa. Nhiễm
độc acid oxalic sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của thận như viêm thận, sỏi thận. Đặc biệt đối với
động vật dạ dày đơn. Khi acid oxalic xuất hiện nhiều trong máu chúng sẽ kết hợp với canxi
tạo canxi oxalat lắng đọng trong thận đưa tới hàng loạt các rối loạn tiếp theo. Đặc biệt khi
thận bị có sỏi cắt ngang thận quan sỏt vựng tủy thấy cú những đám, những vệt xám dài 1 - 2
mm. Đó là những đám Canxi oxalat lắng đọng tạo nên.
* Điều trị
Trên da: khi bị dây acid nên dùng bông hay vải gạc lau sạch rồi rửa bằng nước Natri
bicacbonat để trung hũa hết acid.

114
115

Trong ống tiêu hóa: khi bị nhiễm độc nên dùng dung dịch Magiờ oxyt để trung hũa.
Khụng được dùng hydrocacbonat hoặc các chế phẩm khác chứa cacbonat cho uống để trung
hũa acid trong đường tiêu hóa. Khi đó dưới tác dụng của axit, một lượng lớn CO2 sẽ được
hỡnh thành. Khớ CO2 này sẽ làm gián đoạn việc tẩy rửa cục bộ tại chỗ axit ở đường tiêu hóa.
Không được rửa dạ dày và gây nôn. Để giảm đau có thể dùng morphin và các piopat khác.
Cho uống nhiều nước để pha loóng acid. Đề phũng kế phỏt cỏc bệnh truyễn nhiễm, dùng các
thuốc chống vi trùng. Có thể dùng atropin giảm co thắt cơ trơn đường tiêu hóa do tác dụng
của acid gây nên. Chống toan huyết dùng dung dịch Natri hydrocarbonat 2 - 4% tiờm tĩnh
mạch. Tốt nhất dựng dung dịch glucoza 5 - 10% truyền tĩnh mạch.
Trường hợp ngộ độc acid oxalic một mặt phải trung hũa acid, mặt khỏc phải bổ sung
canxi để duy trỡ hàm lượng canxi huyết, bằng cách cho uồng hoặc tiêm các dung dịch có chứa
các ion Canxi. Đồng thời phải tiến hành điều trị triệu chứng.
2.3. Thuốc hạ sốt, giảm đau và chống viêm
Với máu: gây dung huyết. Liều cao gây methemoglobin giảm khả năng vận chuyển o
xy của tế bào hồng cầu. Làm toan huyết. Tổn thương gan nhất là nhóm anillin hay các thuốc
thuốc dẫn xuất của salicylat, pyrazolon. Giảm bạch cầu các thuốc thuộc nhóm pyrazolon
- Hay gây quen thuốc, nghiện thuốc,
+ Không dùng kết hợp các ancaloid của nấm cựa gà (Ergot de seigle, Secale
cornutum, Claviceps purpurea) gồm: Ergotamin, Ergotoxin kết hợp với các thuốc gây co
mạch quản ngoại vi sẽ làm huỷ hoại tổ chức: hoại tử đầu các chi, đuôi, tai, mũi...
câu hỏi ôn tập
1. Nguyên nhân, biện pháp đề phòng ngộ độc thuốc cho vật nuôi?
2. Cơ chế và các tác nhân gây dị ứng thuốc?
3. Nguyên nhân gây tác dụng phụ của thuốc?
4. Độc tính của các nhóm kháng sinh và thuốc hoá học trị liệu trong chăn nuôi thú y?

Chương VI

Độc tố nấm mốc


Chương 6 trình bày những kiến thức về một số loài nấm mốc và độc tố nấm mốc gây
bệnh cho gia súc, gia cầm. Các triệu chứng bệnh do nhiễm độc tố nấm mốc và các biện pháp
phòng, trị cũng được đề cập đến trong chương này.
1. Một số loài nấm mốc gây độc cho gia súc, gia cầm
1.1. Nấm mốc ở đồng ruộng trước và trong thu hoạch
a. Pithomyces chartarum
Chủ yếu là loài hoại sinh, gặp trên các đồng cỏ, các cây họ hoà thảo và các cây họ đậu
đã chết khô. Loài nấm này hình thành những tảng màu đen, hình chấm, đường kính tới
0,5mm. Sinh trưởng tốt nhất ở 240C, độ ẩm tương đối gần 100%.
Nấm Pithomyces chartarum sản sinh ra 3 độc tố: sporidesmin, sporidesminB,
sporidesminC.

115
116

b. Stachybotrys alternans
Là một loài nấm hoại sinh và được coi như một trong những loài chủ yếu phá hoại
xenluloza. Thường phát triển trong đất, trên nhiều cơ chất, đặc biệt ưa rơm rạ. Sinh trưởng tốt
nhất ở 20-250C, nhưng có thể mọc được ở 20C và 400C. Tuỳ loại chủng sinh độc tố có tên là
stachybotryotoxin.
c. Fusarium (nấm liềm)
Loài nấm này khá phổ biến, có ở trong đất, trên các loại cây trồng và các loại hạt ngũ
cốc. Khuẩn lạc có nhiều màu sắc như phớt hồng, vàng, tím, trắng...
Fusarium ưa phát triển ở nhiệt độ thấp. Nhiệt độ thích hợp cho sản sinh độc tố là 80C.
Độc tố gồm T2 - toxin , fusarenol, nivalenol...
1.2. Nấm mốc trong quá trình bảo quản.
Những loài nấm mốc này thường xuất hiện trong lương thực, thực phẩm đã được bảo
quản. Chúng có đặc điểm chung là phân huỷ xeluloza kém, ưa áp suất thẩm thấu cao, có khả
năng chịu nhiệt cao và làm axit hoá cơ chất. Có 2 loài hay xuất hiện nhất, sản sinh độc tố rất
nguy hiểm cho người và vật nuôi: loài Penicillium và Aspergillus.
a. Loài Penicillium
Khuẩn lạc có nhiều màu sắc, phổ biến là màu xanh khói, mặt trái có màu vàng chanh,
thường mọc nhiều ở ngô, khô dầu lạc, đậu tương, cám... Loài này ưa nhiệt độ trung bình (10-
400C), tối ưu khoảng 250C, sinh trưởng tốt nhất ở độ ẩm giữa 95 và 100% HR.
b. Loài Aspergillus
Aspergillus gồm 78 loài và nhiều chủng, trong đó A. flavus đáng được quan tâm nhất.
Aspergillus flavus phát triển thích hợp ở độ ẩm 85%, nhiệt độ 25 - 300C, pH = 5,5.
Nhiệt độ tối ưu để sản sinh độc tố là 270C.
2. độc tố nấm mốc và bệnh độc tố nấm mốc.
2.1. Định nghĩa độc tố nấm mốc và bệnh độc tố nấm mốc
Độc tố nấm mốc là sản phẩm của sự chuyển hoá thứ cấp trong quá trình phát triển của
mỗi loài hoặc của mỗi chủng nấm mốc nhất định.
Bệnh độc tố nấm mốc là bệnh của người và động vật có căn nguyên do độc tố nấm
mốc. ở bệnh này thường có một số đặc điểm chung như sau:
- Đây là một bệnh không lây. Điều trị bằng hoá học trị liệu ít hoặc không có hiệu quả.
- Bệnh thường bùng nổ theo mùa. Sự bùng nổ của bệnh thường liên quan đến loại thức
ăn đặc biệt.
- Mức độ nhiễm bệnh chịu ảnh hưởng của tuổi, giới tính và trạng thái dinh dưỡng của cơ
thể.
- Khi kiểm tra thức ăn, có dấu hiệu của nấm mốc.
Nhưng theo Neuhold, 1982, trong thức ăn có thể không phát triển nấm mốc, vẫn chứa
độc tố, và ngược lại có thể tìm thấy nấm mốc trong thức ăn mà không có độc tố.

116
117

Những độc tố nấm mốc chịu các biến đổi hoá học do ảnh hưởng qua lại giữa cây, vi
sinh vật và không xác định được bằng những phương pháp phân tích bình thường được gọi là
độc tố nguỵ trang (masked mycotoxin). Trong qúa trình tiêu hoá những độc tố này dễ được
giải phóng và gây độc cho cơ thể.
ở hàm lượng cao, độc tố nấm mốc gây bệnh cấp tính và gây chết, ở hàm lượng thấp
gây hàng loạt rối loạn chuyển hoá của cơ thể (không hoặc có kèm theo biến đổi bệnh lý).

Bảng 6.1: Một số rối loạn chuyển hoá do độc tố nấm mốc gây ra

Hệ chuyển hoá Độc tố

1. Các hệ chuyển hoá


- Chuyển hoá Carbohydrat Aflatoxins, OchratoxinA, PhomopsinA
- Chuyển hoá lipid Aflatoxins, OchratoxinA, T-2 toxin, citriain,
rubratoxinB
- Đồng hoá vitamin Aflatoxins, Dicoumarol
- Tổng hợp protein Aflatoxins, Trichothecenes toxins
- Hô hấp ty lạp thể Aflatoxins, OchratoxinA
2. Hệ nội tiết Aflatoxins, Zearalenone, Ergot alcanoids
3. Hệ xương Aflatoxins, OchratoxinA

Theo nhiều tác giả và Biro, 1985 hàm lượng thấp độc tố nấm mốc làm suy
giảm miễn dịch, tạo tiền đề cho các bệnh nhiễm khuẩn.

Bảng 6.2: Một số bệnh tăng nặng do cộng nhiễm độc tố Aflatoxin và
T-2 toxin

Loài gia súc, gia cầm Bệnh


1. Gà Candidiasis, Coccidiosis, Infectious brouchitis,
Infectious bursal diseases, Mareks disease, Salmonellosis.
Pasteurellosis, Salmonellosis
2. Gà tây
Erysipelas, Salmonellosis
3. Lợn
Clostridial infection
Fascioliasis
4. Trâu bò
Intramammary infections

117
118

Độc tố nấm mốc gây độc cho gia súc, gia cầm, làm ảnh hưởng đến năng suất chăn
nuôi và hiệu quả kinh tế. Chúng còn gây độc trực tiếp cho người (ở thực phẩm bị nhiễm nấm
mốc) hoặc gián tiếp (từ những độc tố tồn dư trong thực phẩm).
2.2. Cơ chế chính của sự hình thành độc tố nấm mốc
Chuyển hoá sơ cấp là các phản ứng tạo thành các chất cần thiết, đảm bảo cho sự
sống và phát triển tế bào. Còn chuyển hoá thứ cấp là các phản ứng, các quá trình tạo thành
các chất mà vai trò sinh lý của chúng chưa được rõ, chưa thật cần thiết cho sự tồn tại của
chính tế bào đó. Sự chuyển hoá thứ cấp phụ thuộc khá chặt chẽ vào mỗi loài, chủng nấm
mốc nhất định và thường xảy ra ở cuối giai đoạn phát triển của tế bào nấm mốc (giai đoạn
cuối của tổng hợp protein trong tế bào). Các độc tố nấm mốc được tổng hợp từ nhiều
đường chuyển hoá khác nhau. Ví dụ: dẫn chất của polyaceto acid gồm có Aflatoxin và một
số độc tố khác, khi kết hợp với acid amin có ochratoxin.., còn trichothecen là dẫn chất của
các terpen. Dẫn chất của polyaceto acid là các độc tố thường gặp trong lương thực, thực
phẩm và có độc lực rất cao.
2.3. Một số độc tố nấm mốc gây bệnh ở vật nuôi (Mycotoxin) và bệnh độc tố nấm
mốc (Mycotoxicosis)
a. Stachybotrytoxin và Stachybotrytoxicosis
* Stachybotrytoxin
Là độc tố do nấm Stachybotrys alternans (nấm muội than, nụ đen) sản sinh. Có 7 loại
stachybotrytoxin: loại A, B, C, D, F, G, H.
Stachybotrytoxin A tan ít trong nước, tan nhiều trong các dung môi hữu cơ, tan trong
nhưng lại tủa trong ether petrol. Đây là steroit, có công thức hoá học C25H34O6, phân tử lượng
430,3, gây phản ứng mạnh trên da thỏ nên đã sử dụng nghiệm pháp này để chẩn đoán bệnh.
Stachybotrytoxin B có màu vàng nâu, ít độc hơn, ít tan trong dung môi hữu cơ, công
thức là C26H38O6, trọng lượng phân tử 446,3. Độc tố H thuộc nhóm sesquiterpen.
Các độc tố này tồn tại lâu và khá bền vững trng thiên nhiên (trong thức ăn đến 30
năm), chịu nhiệt tốt, không bị dịch tiêu hoá phá huỷ, có phản ứng màu với resorsin. Tia X và
UV cho bức xạ huỳnh quang.
* Stachybotrytoxicosis
Độc tố nấm muội than gây chảy nước mắt, viêm kết mạc, vào đường hô hấp gây ho, ở
đường tiêu hoá gây viêm ruột nhẹ (rõ ở ngựa), bò nhẹ hơn. Gây viêm rất rõ xung quanh
miệng lợn con. Khi chúng bú sữa, làm viêm quanh núm vú lợn mẹ.
Sau khi hấp thu vào máu, độc tố được đưa đi khắp cơ thể, phá hoại các tế bào đang
phân chia, nhất là ở tuỷ xương và niêm mạc, gây xuất huyết, tàn phá tuỷ xương như tác động
của tia X và tia phóng xạ.
Stachybotrytoxin làm giảm khả năng tạo kháng thể ở chuột. Nó làm giảm
hemaglutinin, cản trở thymus và túi fabricius. Do đó, sức đề kháng của cơ thể bị giảm, con vật
rất dễ mẫn cảm với các bệnh truyền nhiễm kế phát.
Kết quả xét nghiệm các chỉ tiêu huyết học cho thấy, hệ thống miễn dịch bị suy thoái,
số lượng bạch cầu giảm từ 6000 - 8000/mm3 còn 1000 - 2000/mm3. Số lượng tiểu cầu giảm
rõ, từ 300 - 400 nghìn/mm3 còn 100 - 200 nghìn/mm3, làm xuất huyết càng trầm trọng.

118
119

Do ảnh hưởng của độc tố, các vi khuẩn đặc biệt là bacterium pyosepticum phát triển
mạnh, gây độc trực tiếp. ở Việt nam, đã có trường hợp ngỗng nhập nội bị nhiễm độc tố này và
kế phát bệnh tụ huyết trùng.
Nếu dịch tiêu hoá có pH kiềm thì sự hấp thu độc tố giảm, vì vậy bò bị nhiễm độc
thường nhẹ hơn ngựa, lợn.
Để chẩn đoán bệnh ngộ độc nấm muội than cần phân lập tìm nấm trên thạch saboro có
mantoza. Quan sát trên kính hiển vi, nấm có hình bầu dục. Thực hiện các nghiệm pháp thử sinh học:
nghiệm pháp da thỏ, nghiệm pháp thử trên tích gà, nghiệm pháp thử trên Paramecium caudatum.
Khi phát hiện bệnh cần loại bỏ tất cả rơm rạ, đồ vật bị nhiễm nấm, không cho tiếp xúc với súc
vật. điều trị triệu chứng, nâng cao sức đề kháng. Dùng liệu pháp kháng sinh để phòng bệnh kế phát.
b. Ochratoxin và Ochratoxicosis
* Ochratoxin
- Nguồn gốc: Ochratoxin là các độc tố được sản sinh bởi các chủng nấm Penicillium:
P. cyclopium, P. viridicatum, P. commune, P. variabile, P. purpurescens, P. palitans và các
chủng nấm Aspergillus: A. ochraceus, A. sulfureus, A. melleus, A. sclerotiorum, A. alliaceus,
A. ostianus, A. petrakil.
- Tính chất lý hoá: Nhóm gồm 7 độc tố. Ochratoxin A là sản phẩm của chủng nấm
Aspergillus ochraceus. Độc tố có dạng tinh thể không màu, dưới ánh sáng của tia UV, bắt
màu xanh huỳnh quang. ở dạng muối dễ tan trong nước, dạng axit tan trong các dung môi hữu
cơ có phân cực (chloroform, methanol).

R R1 R2

Ochratoxin A H Cl H
Ochratoxin B H H H
Ochratoxin C C2H5 Cl H
(Ochratoxin A ethyl ester)
Ochratoxin A methyl ester CH3 Cl H
Ochratoxin B ethyl ester C2H5 H H
Ochratoxin B methyl ester CH3 H H

119
120

4-Hydroxyochratoxin A H Cl OH

Các Ochratoxin rất ưa ẩm độ, thường có trong cơ chất với độ ẩm > 16%. Độc tố được
sản sinh nhiều nhất ở nhiệt độ từ 20 - 250C, nhưng quá trình này có thể bắt đầu từ nhiệt độ
thấp hơn nhiều, khoảng - 20C.
- Hấp thu, chuyển hoá, thải trừ: Ochratoxin A được hấp thu chủ yếu trong dạ dày.
Trong ruột phát hiện thấy Ochratoxin, sản phẩm của phản ứng thuỷ phân của hệ vi sinh vật
đường ruột. Sau khi hấp thu vào cơ thể, độc tố được phân bố nhiều nhất trong thận, sau đó là
gan, cơ và các tổ chức mỡ. Ngoài ra, Ochratoxin A cũng được gắn với albumin huyết thanh.
Ochratoxin xuất hiện trong nước tiểu và phân chuột được tiêm Ochratoxin A vào
xoang bụng. Bằng phương pháp đánh dấu phóng xạ đã xác định độc tố được thải chủ yếu qua
nước tiểu, thải ít qua phân.
ở lợn, hàm lượng độc tố tồn dư trong thận nhiều nhất, ít hơn một chút trong gan, rồi đến
cơ và tổ chức mỡ. ở gà, cũng quan sát thấy sự tồn dư tương tự, không tìm thấy độc tố trong trứng.
* Ochratoxicosis
Cơ quan tác dụng đích của độc tố Ochratoxin là thận. Có hiện tượng thoái hoá, viêm
xơ tế bào ống thận. Xét nghiệm các chỉ tiêu huyết học thấy hàm lượng glycogen gan giảm
nhưng lại tăng trong tim. Hoạt tính men gan (phosphorylase) tăng. Ochratoxin không gây biến
dị, ung thư ở người và động vật.
- Ochratoxicosis ở súc vật nhai lại: Dạ cỏ là nơi Ochratoxin được thuỷ phân thành
Ochratoxin alpha, một chất ít độc hơn nhiều. Vì vậy, trâu bò đã trưởng thành ít mẫn cảm với
độc tố hơn so với bê nghé (chức năng dạ cỏ chưa hình thành đầy đủ). Ochratoxin tiêm tĩnh
mạch, hàm lượng độc tố tìm thấy trong nước tiểu nhiều hơn 20 - 30 lần nếu cho uống cùng liều
độc tố.
- Ochratoxicosis ở lợn:Triệu chứng chủ yếu nhiễm độc Ochratoxin mãn tính là bệnh về
thận. Nếu ngộ độc cấp tính, ngoài những tổn thương ở thận còn thấy hiện tượng phù quanh thận,
được biểu hiện bằng các triệu chứng như: tích nước dưới da, mất điều hoà, đầu ngật về phía sau,
giảm trương lực cơ bụng và tỷ lệ chết từ 40 - 90%. Xét nghiệm vi thể cho thấy, thoái hoá tế bào
dẫn đến teo biểu mô ống thận, có hiện tượng xơ hoá vỏ thận và hyaliniza một số cầu thận.
- Ochratoxicosis ở gia cầm: Tổn thương chủ yếu khi gia cầm bị ngộ độc Ochratoxin
được tìm thấy ở gan và thận. Gà con bị nhiễm độc bị viêm ruột cata, mất nước, gầy rộc đi đẫn
đến giảm tăng trọng. Số lượng các thành phần máu hữu hình và hàm lượng hemoglobin đều
giảm. Protein tổng số và lipid giảm. Độ thanh thải thận cũng giảm. ở gà đẻ, sản lượng trứng
giảm, trọng lượng cơ thể cũng bị giảm và tăng tiêu tốn thức ăn.
c. Trichothecene và Trichothecene toxicosis
* Trichothecene
- Nguồn gốc: Hiện nay, đã phát hiện hơn 60 độc tố trichothecene từ môi trường nuôi
cấy các chủng nấm trichothecene.
- Tính chất lý hoá: Các độc tố trichothecene tan trong các dung môi hữu cơ như
acetone, chloroform, acetonitrile, ethanol và methanol, không tan trong nước và petrol.

120
121

Hình 6.1: Cấu trúc hoá học của một số độc tố trichothecene

* Trichothecene toxicosis
Tất cả các trichothecene toxin đều gây độc trên da, đặc trưng bởi những nốt đỏ ở da bị
thương và phản ứng viêm ở các tổ chức bị nhiễm độc. Liều tối thiểu có tác dụng dao động từ 5 g
(T-2 toxin, verucarin) đến 40 g (deoxynivalenol).
Nôn là một triệu chứng điển hình của trichothecene toxicosis ở người và động vật.
Liều độc tố tối thiểu (mg/kg, tiêm dưới da) gây nôn như sau: T - 2 toxin - 0,1 (mèo),
diacetoxyscirpenol - 0,2 (ngỗng) và 2,4 (người i.v.), nivalenol - 1,0 (ngỗng), deoxynivalenol -
13,5 (ngỗng), 0,05 (lợn i.p.) và 0,1 (chó i.v.).
- Trichothecene toxicosis ở súc vật nhai lại
Hầu hết các trichothecene đều kích thích, làm tấy đỏ da. Viêm mũi, mồm thường kèm
theo các vết loét và tiết nhiều nước bọt. Nếu độc tố vào đường tiêu hoá cũng gây viêm, loét.
Một vụ ngộ độc xảy ra ở New Zealand do trâu bò ăn phải ngô nhiễm nấm Fusarium
culmorum. Súc vật bị bệnh thường bỏ ăn, ỉa chảy, mất điều hoà và giảm sản lượng sữa.
Triệu chứng nặng hơn là xuất huyết lan tràn dưới da, cơ và niêm mạc. Nguyên nhân có
thể do độc tố ức chế quá trình tổng hợp vitamin K của vi sinh vật dạ cỏ. Có trường hợp con
vật không chịu ăn, có lẽ do vị đắng của trichothecin.
T-2 toxin đặc biệt độc với bê, gây ngừng nhu động dạ cỏ.
- Trichothecene toxicosis ở lợn
Hai biểu hiện đặc trưng của nhiễm độc trichothecene ở lợn là không chịu ăn và hội
chứng nôn, dẫn đến chậm lớn, giảm tăng trọng. Nguyên nhân có thể do một chất chuyển hoá
trong ngô nhiễm nấm F. roseum.
- Trichothecene toxicosis ở gia cầm - T-2 toxin gây rối loạn thần kinh

121
122

Gà con 1 ngày tuổi ăn thức ăn chứa 4 - 16 mg/kg T-2 toxin sẽ thấy những biểu hiện
như rũ cánh, yếu chân, lảo đảo. Ngỗng nhiễm độc tố, đầu, cánh run, lông xù, chậm chạp và
chuyển động khó khăn.
Trichothecene do nấm Stachybotrys alternan sản sinh là nguyên nhân gây
bệnh stachybotrytoxicosis ở lợn và gia cầm.
d. Zearalenon và tác hại của zearalenon đối với vật nuôi
* Zearalenon
- Nguồn gốc: Zearalenon là độc tố do một số chủng nấm Fusaria tổng hợp
- Tính chất lý hoá: Độc tố này không tan trong nước tan trong nước kiềm và các dung
môi hữu cơ như benzen, chloroform, methylene chloride, ethyl acetate, acetonitrile và cồn.

Hình 6.2: Cấu trúc hoá học chính của một số độc tố Zearalenone

R1 R2 R3 R4
Zearalenone H2 H2 =O H
Alpha-and beta-zearalenol H2 H2 OH H
6’,8’-Dihydroxyzearalene OH H2 OH H
8’-Hydroxyzearalenone OH H2 =O H
7’-Dehydrozearalenone H H =O H
5-Formylzearalenone H2 H2 =O CHO

* Tác hại của zearalenon ở vật nuôi


- Trâu bò: dịch chiết của nấm F. graminearum làm giảm khả năng sinh sản ở trâu bò
được thụ tinh nhân tạo. Zearalenone gây sưng, phù các cơ quan sinh sản.
- Lợn: Zearalenone thường gây hội chứng rối loạn sinh sản ở lợn. Triệu chứng thể hiện
là viêm âm hộ, âm đạo, tiếp theo là viêm tử cung, sưng phù cổ, sừng tử cung
e. Aflatoxin và Aflatoxicosis
*Aflatoxin
- Nguồn gốc:Aflatoxin là nhóm độc tố do nấm Aspergillus flavus và Aspergillus
parasiticus sản sinh ra trong những điều kiện nhiệt độ, ẩm độ thích hợp.
- Cấu trúc hoá học

122
123

Hình 6.3: Cấu trúc hoá học của Aflatoxin

123
124

Trong cấu trúc hoá học của Aflatoxins có một khung hoá học giống các dẫn chất của
coumarin (dimethoxy - 5 - 7 coumarin, dimethoxy - 5 - 7 - cyclopenten coumarin và Sterigmatocystin).
Vì vậy, người ta coi Sterigmatocystin là tiền thân của Aflatoxin. Đến nay, đã phát hiện được 12
loại Aflatoxin. Các Aflatoxin được gọi tên là B1, B2, G1, G2 dựa vào màu huỳnh quang của chúng:
B (blue) - vết huỳnh quang màu xanh da trời; G (green) - vết huỳnh quang màu lục.
Aflatoxin B2 và G2 có cấu trúc gần giống như Aflatoxin B1 và G1, chỉ khác ở chỗ nối
đôi cách trong nhân hydrofuran tận cùng của B1 và G1 bị khử.
Aflatoxin M1, M2 (M = milk) là sản phẩm oxy hoá của Aflatoxin B1 và B2, được thải
qua sữa và có khả năng gây ra ở vịt con những rối loạn tương tự những rối loạn do Aflatoxin.
Khi phân tích nước tiểu của khỉ ăn Aflatoxin B, Dalezios, Wogan và Weinreb, 1971 đã
phát hiện được Aflatoxin P1, dẫn xuất phenolic của Aflatoxin B1. Đây là một sản phẩm trao
đổi chất, là kết qủa sự khử metyl của Aflatoxin B1.
- Chuyển hoá, trao đổi chất và bài tiết
Sự chuyển hoá và đào thải Aflatoxin trong cơ thể động vật ăn phải chúng là một vấn
đề rất quan trọng. Sự hiểu biêt về vấn đề này sẽ giúp cho chúng ta có biện pháp phòng, chống,
góp phần bảo vệ sức khoẻ người và gia súc.
Theo thông báo của Allcroft và Carnaghan (1962 - 1963) trong sữa của bò ăn bột khô
lạc có Aflatoxin B1, chứa một chất độc gây chết vịt tương tự như Aflatoxin B1. Chất này chỉ
có trong phần casein kết tủa.
Aflatoxin B1 đi qua sữa chuyển hoá thành Aflatoxin M có độ độc tương tự Aflatoxin
B1. Khi cho chuột uống và tiêm vào phúc mạc Aflatoxin B1 cũng phát hiện trong gan chuột có
cả Aflatoxin B1 và Aflatoxin M1.
Sự chuyển hoá Aflatoxin B1 ở các động vật không có vú chủ yếu là sự hydroxyl hoá,
song cũng thấy mất nhóm metyl, tạo ra những sản phẩm như Aflatoxin P1 ít độc hơn nhiều.
Thí nghiệm của Wogan và cộng sự, 1967 ở chuột đực Fischer tiêm vào màng bụng
Aflatoxin B1 được đánh dấu bằng C14 trên gốc methoxy bên (I) hoặc trên một carbon của nhân
vòng (II), 24 giờ sau khi tiêm cho thấy tỷ số bài tiết ra C14 nhiều nhất như sau:
Mẫu I II
Nước tiểu 26,10 14,80
Phân 14,10 69,80
Ruột 11,80 3,30
Gan 5,90 7,70
ở trường hợp I, sự chuyển hoá thoái biến Aflatoxin B1 là mất nhóm metyl, phần bị mất
metyl sẽ hoàn toàn bị oxy hoá thành CO2. Trong trường hợp II, rất ít carbon gắn trong các
vòng bị chuyển hoá thành CO2. Tốc độ bài xuất Aflatoxin B1 đánh dấu bằng 14C ở carbon
trong các vòng qua đường ruột là quan trọng nhất (xuất phát chủ yếu từ sự bài xuất qua mật,
thứ nhì là qua đường nước tiểu). Sản phẩm chuyển hoá Aflatoxin M1 có thể được khử hoạt
bằng liên hợp với taurocholic và glucuronic acids dẫn đến thải trừ qua mật hoặc nước tiểu.
Hai dạng chuyển hoá khác như Aflatoxin P1 và Q1 cũng được khử hoạt theo hướng này.
Sự chuyển hoá Aflatoxin B1 ở trong gan thành Aflatoxicol, Aflatoxicol H1 và Aflatoxin
Q1 khác với sự chuyển hoá sinh học được xúc tác bởi các enzymes microsome gan là có sự
tham gia của NADH - dependent dehydrogenase bào tương. Sự hình thành Aflatoxicol có thể
bị ức chế bởi 17 - Ketosteroid hormon.

124
125

Hình 6.4: Sự chuyển hoá của Aflatoxin B1 trong cơ thể

125
126

Homogenate gan ở một số loài chim và gậm nhấm kích thích mạnh quá trình chuyển
hoá Aflatoxin B1, và G1 thành các Hemiacetals - Aflatoxin G2a và Aflatoxin B2a. Các chất
chuyển hoá này gắn chặt với protein và gây ra nhiễm độc cấp tính.
Sự hình thành các epoxides của Aflatoxin B1 và G1 là dạng hoạt hoá quan trọng
hơn. Khi độc tố mẹ được ủ với microsome gan, một chất chuyển hoá được hình thành và
tồn tại tạm thời, có hoạt tính mạnh, gắn đồng hoá trị với DNA và sản sinh đột biến ở hệ vi
khuẩn thử nghiệm. thể kết luận: Các epoxides của Aflatoxin B1 là đột biến vi khuẩn và là
nhân tố chính gây ung thư.
Gà đựợc nuôi gà bằng thức ăn nhiễm Aflatoxin trong thịt và gan có thể phát hiện
Aflatoxin tích trữ đến ngày thứ 8 kể từ sau khi ngừng cho Aflatoxin.
Tóm lại, Aflatoxin đào thải phần lớn dưới dạng các sản phẩm của sự hydroxyl hoá
(Aflatoxin U, M), sản phẩm của sự khử metyl (Aflatoxin P1) ở dạng tự do hoặc dạng liên kết.
Đường đào thải chủ yếu qua phân, nước tiểu, có thể có trong gan, sữa, thận...
* Aflatoxicosis
- Cơ chế tác dụng về mặt hoá sinh học của Aflatoxin
Bản thân nhân dihydrofurofuran trong cấu trúc hoá học của Aflatoxin B1 không gây
ung thư. Khả năng sinh ung thư phụ thuộc vào sự cùng tồn tại của nhân trên
dihydrofurofuran và phần d - lacton chưa no. Có thể có một sự epoxi hoá phân tử, do có
nối đôi ở phần tận cùng difuran trong công thức các Aflatoxin B1, G1 và M1. Nối đôi này
không có ở các Aflatoxin B2 và G2, do vậy hoạt tính của chúng kém đi. Cũng có người cho
rằng Aflatoxin B1 chỉ là một chất tiền sinh ung thư và được chuyển thành một hợp chất
sinh ung thư có lẽ nhờ các enzym.
Cliford và Rees 1967 đã sơ đồ hoá các giai đoạn kế tiếp nhau của tác động hoá sinh
học của Aflatoxins ở tầm các tế bào gan, mà mỗi giai đoạn là kết quả của giai đoạn trước.
- Tác động qua lại với ADN và ức chế các polymeraza chịu trách nhiệm tổng hợp ADN và
ARN:
Tác động qua lại với ADN chủ yếu xảy ra ở vòng purin. ADN chuỗi đơn cũng có thể phản
ứng với Aflatoxin, khả năng này có thể giải thích sự ức chế quá trình tổng hợp ADN và ARN.
- Đình chỉ sự tổng hợp ADN:
ADN mất khả năng nhân đôi bởi các Aflatoxin là do sự có mặt của các chức quinon và
amin cho phép phân tử có thể xen vào vòng xoắn kép của ADN ở vị trí mang guanin. Không
có gì thay đổi ở chỗ adenin và thymin.
Vai trò của các Aflatoxin làm mất hoạt tính các hệ enzymes, kèm theo việc đình chỉ
tổng hợp ADN được nhiều tác giả nhấn mạnh.
- Tiêu giảm sự tổng hợp ARN và ức chế ARN truyền tin: Các Aflatoxin tác động lên
sự tổng hợp ARN bằng cách ngăn cản sao chép ADN bởi ARN polymenaza, ức chế hoàn toàn
hoạt động của ARN chất tế bào, ARN của nhân cũng bị rối loạn.
- Biến đổi hình thái của hạt nhân
Sự biến đổi hình thái của hạt nhân có liên quan đến sự ức chế các hoạt tính enzyme,
thể hiện bằng một sự “tách hạt nhân”.
- Tiêu giảm sự tổng hợp protein

126
127

Đây là hậu quả cuối cùng của các giai đoạn trên.

Hình 6.5: Cơ chế gây độc của Aflatoxin B1 ở mức tế bào gan

Một số chất chuyển hoá của Aflatoxin thường hay gây độc, gây ung thư và quái thai
hơn là bản thân Aflatoxin . Nhiễm độc cấp tính Aflatoxin B1 có liên quan đến sự chuyển hoá
của Aflatoxin B1 thánh 2,3 - dihydrodiol (Aflatoxin B1 - dhd) ở trong gan. Dẫn xuất này ức chế
quá trình tổng hợp protein. Điều nàygóp phần giải thích hiện tượng hoại thư gan dẫn đến chết
ở người và động vật.
Aflatoxin G1 cũng có thể tạo thành 1 Schiff’s base. Nhưng Aflatoxin B2 và G2 không
trực tiếp tạo thành các dẫn xuất dihydrodiol (trước tiên chúng phải được oxyhoá), vì vậy
chúng kém độc hơn.
Lượng Aflatoxin gắn với AND (in vivo) phản ánh tính mẫn cảm của các loài động
vật với quá trình ung thư do Aflatoxin gây ra. Bản chất của sự chuyển hoá chưa được giải
thích rõ, có thể do dẫn xuất 2 - 3 epoxide (chất có hoạt tính) được hình thành một cách
tạm thời (in vivo). Hoặc Aflatoxin B1 - dhd được sinh ra một cách gián tiếp qua chất trung
gian 2 - 3 epoxide.

127
128

Aflatoxin B1 (có một nửa vinyl - ether) có thể hình thành một cách trực tiếp epoxide,
còn Aflatoxin B2, G2 chỉ hình thành các chất chuyển hoá tương tự một cách gián tiếp.

Hình 6.6: Cơ chế gây độc cấp tính của Aflatoxin B1

Bệnh Aflatoxicosis ở một số loài gia súc, gia cầm


Độ mẫn cảm với Aflatoxin của các loài gia súc, gia cầm được xếp theo thứ tự giảm
dần như sau:
Gia cầm > lợn > trâu, bò > dê, cừu
Trong các loài gia cầm:
Vịt con > gà tây > ngỗng > trĩ > gà giò
Patterson (1981) đã xác định LD50 của Aflatoxin B1 theo bảng sau:
Bảng 6.3: LD50 của Aflatoxin B1 ở một số loài động vật
Loài gia súc, gia cầm LD50 (mg/kg)
Thỏ 0,30 - 0,50
Vịt con 0,30 - 0,60
Mèo 0,55
Lợn 0,62
Chó 1,00
Chuột lang 1,40 - 2,00
Cừu 2,00
Khỉ 2,20

128
129

Gà 6,50 - 16,00
Chuột nhắt 9,00
Chuột đồng 10,00
Nhiễm độc Aflatoxin có thể ở dạng cấp tính hoặc mãn tính. Khi nhiễm độc cấp
tính, con vật có thể chết nhanh hoặc chậm tuỳ theo sự mẫn cảm đặc trưng của từng loài.
Kiểm tra bệnh tích thấy gan màu vàng nhạt, sưng, thuỳ gan bên trái bị ảnh hưởng nhiều
hơn. Có hiện tượng tăng sinh và thoái hoá tế bào gan, xuất huyết ở ruột và hoại tử ở lớp
biểu mô tiểu cầu thận.
Súc vật bị nhiễm độc Aflatoxin mãn tính thể hiện các triệu chứng: Kém ăn, chậm lớn,
giảm tăng trọng. Gan bị biến đổi nhiều nhất (tụ máu, có những vùng chảy máu và hoại tử). ở
gia súc, vịt con, gà tây có những đặc trưng là tăng sinh biểu mô ống dẫn mật.
* Aflatoxicosis ở động vật nhai lại
Triệu chứng nổi bật ở trâu bò bị nhiễm độc Aflatoxin là giảm tăng trọng. Bê 15 - 8
tuần ăn thức ăn nhiễm Aflatoxin B1 (2000 ppb) sau một tháng đã thấy giảm tăng trọng so với
đối chứng. Sau ba tháng, ở những con bị nhiễm độc thấy có các hiện tượng sau: khô mũi, lông
dựng, da xù xì. Từ 16 - 25 tuần tuổi xuất hiện các triệu chứng: nghiến răng, các vết thương ở
bụng, ỉa chảy phân lẫn máu và niêm mạc.
Bê bị nhiễm độc Aflatoxin hàm lượng 700 - 1000 ppb đều giảm tăng trọng, khối lượng
gan, thận tăng. Các tổn thương gan ở bê chủ yếu là xơ gan có báng kèm theo phù thũng nội
tạng. Khoảng tháng thứ tư bị nhiễm độc có biểu hiện hoại tử ở trung tâm các tế bào gan, tăng
sinh ống mật và tắc tĩnh mạch giữa tiểu thuỳ. Các biến đổi hoá sinh quan trọng nhất là tăng
hoạt độ của phosphataza kiềm trong huyết thanh trong 12 tuần đầu.
ở trâu bò, trong dạ cỏ, Aflatoxin làm giảm sự phân huỷ celuloza, giảm rất rõ tỷ lệ acid
acetic/acid propionic trong quá trình lên men (in vitro) của cỏ khô trong dịch dạ cỏ.
Trâu bò và các động vật nhai lại trưởng thành khác có sức đề kháng tốt nhất với
Aflatoxin. Chúng chỉ bị chết khi nhiễm độc hàm lượng Aflatoxin B1 đặc biệt cao (60 mg/kg). Sản
lượng sữa ở bò cái chỉ bị ảnh hưởng khi thức ăn bị nhiễm độc từ 2,5 mg/kg.
* Aflatoxicosis ở lợn
Nhiễm độc thể cấp tính xảy ra khi cho lợn uống Aflatoxin với liều vượt quá 0,2mg/kg
thể trọng. Quan sát thấy cácc biểu hiện lâm sàng sau: Suy nhược cơ thể, cơ yếu, chi run rẩy,
bỏ ăn, khát kéo dài, chảy máu trực tràng và chết.
Thể nhiễm độc mãn tính, biểu hiện ở dạng lâm sàng và hạ lâm sàng. Lợn được cho ăn
thức ăn chứa 0,5 mg/kg sẽ chậm lớn, giảm tiêu hoá thức ăn nhưng chưa có các biến đổi ở gan.
Tổn thương gan được phát hiện ở những trường hợp nhiễm độc do thức ăn chứa 0,8 mg
Aflatoxin/kg. Những giai đoạn cuối của nhiễm độc mãn tính con vật lưng uốn cong, gục đầu,
ủ rũ và vàng da. Những con nhiễm độc Aflatoxin dạng nhẹ có thể khó phát hiện. Các triệu
chứng đặc trưng ở lợn nhiễm độc Aflatoxin gồm ataxia (mất điều hoà cơ), sa niêm mạc trực
tràng, sốt vàng, biếng ăn và sút cân khi liều Aflatoxin vượt 0,1 mg/kg.
Trong nhiễm độc thực nghiệm thấy có hiện tượng nhiễm mỡ gan, tăng sinh ống mật,
xơ hoá quanh tế bào dẫn đến nhân khổng lồ và cuối cùng là tăng sản nốt nhỏ.
Xét nghiệm huyết học cho thấy, hoạt độ của các enzym phosphataza kiềm, GOT,
dehydrogenaza, huyết thanh đều tăng, hàm lượng lipid tăng, lượng vitaminA giảm.

129
130

* Aflatoxicosis ở gia cầm


Mức độ nhiễm Aflatoxin ở gia cầm phụ thuộc vào loài, lượng Aflatoxin tiêu thụ
và thời gian nhiễm độc. Khi bị bệnh con vật thường biếng ăn, chậm lớn, rụng lông tơ
hoặc lông vũ.
Gà ăn thức ăn có Aflatoxin B1 ở mức 225 ppb và 300 ppb từ một ngày tuổi thì khối lượng
gà giảm đi rõ so với đối chứng, giảm tỷ lệ đẻ, gan bị thoái hoá mỡ.
Aflatoxin B1 ức chế quá trình tổng hợp protein, dẫn đến giảm tăng trọng ở gà. Khi gà
bị nhiễm Aflatoxin, cân bằng enzym của tuyến tuỵ bị thay đổi, làm giảm amylaza và lipaza,
khả năng tiêu hoá và hấp thu dinh dưỡng kém, từ đó giảm tăng trọng. Gan của gà, vịt bị
nhiễm độc không bị xơ hoá. Tế bào nhu mô gan thoái hoá kèm theo tăng sinh biểu mô ống
dẫn mật. Thận bị ứ máu và xuất huyết. Có hiện tượng viêm ruột non chảy nước.
Gan gà nhiễm độc Aflatoxin sưng to, nhạt màu, xuất huyết điểm và có thể bị hoại tử ở
những con nặng. Thymus và Fabricius teo nhỏ rõ rệt, cơ vân nhạt màu. Có con bị tổn thương
khớp chân.
Những biến đổi về các chỉ tiêu huyết học: số lượng hồng cầu giảm gây thiếu máu ở
gia cầm do Aflatoxin làm giảm hấp thu sắt. ở cả vịt và gà broiler khi bị nhiễm độc Aflatoxin,
% lâm ba cầu bị giảm. Hoạt độ men SGOT và SGPT ở gà nhiễm độc tăng cao. Aflatoxin làm
thoái hoá gan gà đẻ, làm giảm hàm lượng lipid của lòng đỏ, hàm lượng albumin giảm còn
hàm lượng các globulin thì tăng.
Gà khi cho ăn thức ăn có 250 - 500 ppb bị giảm sức đề kháng với các bệnh truyền
nhiễm do Pasteurella multocida, Salmonella spp., virus gây bệnh Marek’s, cầu trùng, bệnh
Gumboro. Nguyên nhân gây giảm miễn dịch có thể do khi nhiễm Aflatoxin con vật kém ăn,
giảm tổng hợp protein và khả năng kháng thể cũng bị giảm. Hoạt động của bổ thể bị ngăn cản
và đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào cũng bị giảm cả ở gà broiler và gà tây. Mức
globulin miễn dịch (IgG và IgA) bị giảm khi gà ăn thức ăn nhiễm Aflatoxin. Túi Fabricius,
tuyến ức và lách bị teo, ảnh hưởng đến quá trình đáp ứng miễn dịch (miễn dịch dịch thể và
miễn dịch qua trung gian tế bào).
3. Các biện pháp phòng chống độc hại của độc tố nấm mốc
3.1. Các biện pháp hạn chế sự phát triển và lan nhiễm của nấm độc trong lương thực,
thực phẩm, thức ăn chăn nuôi
a. Kỹ thuật canh tác trên đồng ruộng.
Việc phòng triệt để lan nhiễm nấm mốc trong lương thực, thực phẩm rất khó thực hiện
ở điều kiện khí hậu nóng ẩm như nước ta. Tuy nhiên vẫn có một số biện pháp phòng chống
nấm ngay trên đồng ruộng. Các biện pháp này gồm có:
- Chọn đất trồng thích hợp và thực hiện luân canh. Tránh gieo trồng quá dày.
- Chọn giống có sức đề kháng với nấm mốc.
- Bón phân hợp lý. Thu hoạch đúng thời vụ.
Ngoài ra còn có thể xử lý hoá học đất. Việc xử lý này có ý nghĩa quan trọng đối với sự
tiến hoá của hệ nấm trong đất.
b. Kỹ thuật bảo quản, chế biến

130
131

Sau khi thu hoạch, hạt phải được phơi khô, quạt sạch, bao gói kín. Kho tàng cần thông
thoáng, diệt chuột, bọ, mối, mọt... Gồm có những biện pháp cụ thể sau:
* Biện pháp vật lý
- Nhiệt độ: Có thể phơi khô (dùng năng lượng mặt trời), sấy khô bằng các nhiên liệu
khác nhằm đảm bảo độ ẩm của lương thực nói chung dưới 12%, lạc dưới 9%. Đây là môi
trường không thích hợp cho nấm mốc phát triển và sản sinh độc tố.
- Chiếu xạ: các tia gamma (g), tia cực tím (UV) tiêu diệt nấm mốc ở liều từ 4 - 5 KGY.
Theo quy định của FAO, IAEA và WHO (1970), liều dùng cho khoai tây là 0,1 KGY,
các loại hạt nhũ cốc khác - 0,75 KGY. Cần lưu ý liều này có thể kích thích sự phát triển và
sản sinh Aflatoxin ở Aspergillus Flavus.
- Sử dụng các loại khí:
(1) Khí CO2 nồng độ 20% ở nhiệt độ 170C và 40% ở nhiệt độ 250C bảo quản được
lương thực, thức ăn gia súc đựng trong các túi polyetylen kín.
2) Khí ozon 10 mg/m3 không khí ngăn cản được nấm mốc phát triển trên lương thực.
(3) Khí methylbromid 120 mg/l/4 giờ hoặc 40 mg/l/24 giờ tiêu diệt được nhiều loài nấm
mốc.
* Biện pháp hoá học
+ Các acid hữu cơ: Do tính chất dễ tan, độ độc thấp, một số acid hữu cơ mạch ngắn
được sử dụng để ngăn cản sự phát triển của nấm mốc.
- Acid Sorbic: tác dụng chống nấm của acid sorbic tốt nhất ở pH = 5. Nồng độ 1% acid
Sorbic hoặc muối Sorbat đều ức chế hoàn toàn sản sinh độc tố Aflatoxin
- Acid Propionic: Là loại acid tan trong nước, cồn và chloroform. ở nồng độ 0,5 đến
1,0% acid propionic hoặc Natri propionat giữ cho ngô không bị nhiễm nấm mốc trong 17
tuần.
- Acid benzoic: Acid benzoic và natri benzoat đều ức chế rất mạnh Aspergillus flavus
sinh độc tố. Acid benzoic và natri benzoat nồng độ 1% ức chế sản sinh độc tố từ 23,2 - 23,6%.
ở liều từ 1 - 3% các acid hoặc muối Na và Ca của các acid Sorbic, propionic, acetic,
benzoic có thể ức chế sự phát triển của nấm mốc trong một thời gian khá dài. Một số hợp chất
hữu cơ khác như các Thiosulfid - Na2SO3, KHSO3, NaHSO3, Na2S2O5, hiabendazol, Diphenyl
đều có tác dụng ức chế nấm.
* Một số chế phẩm có tác dụng chống nấm:
- Natamycin (pimaricin) là loại khấng sinh có tác dụng diệt nấm rất tốt, được cho phép
dùng để bảo quản lương thực, thực phẩm ở các nước châu Âu. Natamycin 100 ppm (0,01%)
ức chế sự phát triển của nấm Aspergillus flavus trên phomat. Natamycin 1,0 ppm (0,0001%)
ức chế yếu A. flavus nhưng hạn chế được 25% việc sinh độc tố.
- Kháng sinh Nisin (nystatin) ở liều lượng 5 và 125 ppm hạn chế phát triển của nấm
Aspergillus parasiticus.
- Dichlorvos liều lượng 20 ppm (0,002%) ức chế hoàn toàn sự sản sinh độc tố
Aflatoxin từ nấm A. flavus và A. parasiticus mọc trên gạo, ngô, lạc ướt

131
132

- Quixalud có thể ức chế sự phát triển của nấm mốc ở hàm lượng rất thấp (0,05 và
0,1%).. . Chế phẩm Mold - Zap (chứa 60% acid propionic, 15% amonium hydroxid (NH4OH) và
các acid acetic, sorbic và benzoic) bổ sung vào ngô ẩm có tác dụng chống mốc tốt.
* Một số dược liệu có tác dụng chống nấm Aspergillus flavus
Chất O - methoxycinnamaldehyd chiết từ bột quế hàm lượng 100mg/ml (0,01%) ức
chế hoàn toàn sự phát triển của nấm A. flavus và A. parasiticus.
Dịch chiết của cây đinh hương, tinh dầu thym (ở nồng độ = 0,4 mg/ml ~ 0,04%)ức chế
hoàn toàn nấm A. flavus. Ethanol extract của hạt anit 0,2% ức chế phát triển tất cả các loại
nấm. Tinh dầu cam, chanh, bưởi có tác dụng ức chế phát triển và sinh độc tố của Aspergillus
flavus. Các loại tinh dầu hồi, tinh dầu tỏi, bạc hà đều có tác dụng chống nấm.
3.2. Các biện pháp khử độc tố nấm mốc.
a. Khử độc tố trong lương thực, thực phẩm và thức ăn chăn nuôi.
* Biện pháp vật lý
- Nhiệt độ: Aflatoxin rất bền vững ở nhiệt độ cao. Độ ẩm là yếu tố giúp cho nhiệt độ
làm giảm hoạt Aflatoxin. Thức ăn chứa 30% độ ẩm đun nóng ở nhiệt độ 1000C trong 2,5 giờ
làm giảm độc lực của 85% độc tố. Điều này có thể được giải thích là muốn mở nhân lacton
của phân tử phải có sự thuỷ phân và có thể có sự mất nhóm carbocyl. Nhưng nhiệt độ làm
giảm phẩm chất của các protein, cụ thể là lượng Lyzin.
- Hấp phụ: Có thể hấp phụ Aflatoxin B1 trong các chất lỏng, Aflatoxin M1 trong sữa
bằng Bentonit.
* Biện pháp hoá học
- Loại bỏ Aflatoxin bằng dung môi: Các dung môi để chiết xuất, loại bỏ độc tố là
aceton, benzen, cloroform.
- Các chất làm giảm hoặc vô hoạt Aflatoxin: Các chất này làm biến đổi cấu trúc hoá
học của Aflatoxin, dựa vào qúa trình oxyhoá, hydroxyl hoá phân tử Aflatoxin, phá vỡ nối đôi ở
nhân furan ở đầu cùng các Aflatoxin B1 và G1. Trong số đó các chất 3 - aminopropanol, natri
glycin, 1 - amino - 2 propanol, trinatriphosphat, acid phosphoric, vôi và amon carbonat có hiệu
lực trung bình. Các chất methylamin, ethanolamin, trimethylamin, xút, cholin cho hiệu quả cao.
Aflatoxin thường bị giảm độc lực bởi các acid mạnh và kiềm mạnh. Na2SO3,NaHSO31%
hoặc 2% có tác dụng làm vô hoạt Aflatoxin. Có thể khử Aflatoxin trong thức ăn bằng NaOH,
NaHCO3, NH3. Bơm khí NH3 vào các bao thức ăn kín.
* Biện pháp chuyển hoá sinh học
- Nấm và vi khuẩn: Loài Absidia repens và Mucor griseo - cyanus làm biến đổi
Aflatoxin B1 thành một chất có tính độc kém đi 18 lần.
Các loại Aspergillus niger, Penicilium roistricki và nhất là Flavobacterium
aurantiacum (chủng NRRL B. 184) có khả năng làm thoái biến các Aflatoxin. Cấy các loài
vi khuẩn này vào thức ăn bị nhiễm độc (khô lạc, lúa mì, sữa, dầu chưa lọc) sau 44 giờ,
phần lớn các Aflatoxin đã bị phá huỷ. Flavobacterium aurantiacum phá huỷ cả Aflatoxin
B1, G1 và M1.

132
133

Một số loài thuộc giống Rhizopus làm biến đổi Aflatoxin G1 thành một chất chuyển
hoá là Aflatoxin B3. Các hydroxy - đồng vị không gian tách được từ Aflatoxin B1 do khử chức
keton trên vòng cyclopentan trong cấu trúc Aflatoxin B1.
- Động vật nguyên sinh: Loài động vật nguyên sinh Tetrahymena pyriformis đã làm
thoái biến 58% Aflatoxin B1 (trong 24 giờ) thành một hợp chất huỳnh quang màu lam tươi.
Đó là Aflatoxin R0 do gốc carbonyl của nhân cyclopentan bị biến đổi thành nhóm hydroxyl.
Loài côn trùng Trogium pulsatorium cũng làm thoái biến các Aflatoxin G1 và G2 .
Chuyển hoá sinh học là một giải pháp tốt, không làm biến chất protein, không làm hư
hại đến các yếu tố cấu thành gây ảnh hưởng đến giá trị lương thực, thực phẩm. Để đưa vào
ứng dụng cần phải có một quá trình thực nghiệm lâu dài và chính xác.
b. Khử độc lực của Aflatoxin trong cơ thể động vật.
* Biện pháp vật lý: Có thể khử hoạt Aflatoxin trong cơ thể động vật bằng cách gắn
chúng với các chất hấp phụ.
- Các chất khoáng sét (Clay minerals): Các chất khoáng sét là các chất khoáng thứ cấp
được hình thành do quá trình phong hoá của các loại silicat và đặc trưng bởi cấu trúc tầng lớp.
Chất khoáng sét 3 lớp - montmorrilonite - có khả năng hấp phụ cao, có tính không đặc hiệu và
phụ thuộc vào thể tích của màng hợp thuỷ. Các phân tử độc chất bị hút tới màng và bị cản lại.
Liên kết này không phải là cố định hoá học, chỉ là một phức hợp sáng, dựa trên cầu nối H-O-H
(lực hút Van - der - waal) ở trong màng hợp thuỷ, nó có thể mở nếu môi trường thích hợp. Các
chất khoáng sét là những chất hấp phụ rẻ tiền và có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên chúng hút cả
các vitamin và chất dinh dưỡng.
- Các chất khoáng Zeolit: Zeolit là các chất khoáng thứ cấp có cấu trúc tinh thể. Có cả
Zeolit thiên nhiên và tổng hợp. Trên bề mặt của Zeolit có một vật tích điện đặc biệt. Zeolit hút
các phân tử nước cũng như các phân tử khác. Khả năng hút độc tố Aflatoxin của các Zeolit
phụ thuộc vào nguồn gốc của chúng. Vì kích thước của các phân tử là một yếu tố quan trọng
trong sự liên kết, loại Zeolit hấp phụ Aflatoxin cũng hấp phụ các phân tử chất dinh dưỡng có
cùng kích thước.
- Các chất trùng phân như Polyvinylpolyrrolidone: Polyvinyl-polyrrolidone là một
homopolymer của N - vinyl - 2 - pyrrolidon. Là chất bột trắng mịn, có trọng lượng phân tử
cao, tan trong nước và các dung môi hữu cơ. Các chất trùng phân này có cơ chế tác dụng
tương tự như clay minerals. Các thành phần polymer hút các phân tử nước, các liên kết
cầu nối hydro hình thành một màng hợp thuỷ. Nhờ có màng này, cùng với các phân tử
nước, các thành phần phân cực khác cũng bị hấp phụ. Khả năng hấp phụ của các chất
trùng phân tốt nhưng chúng có nhược điểm rất lớn là các phân tử phân cực có cùng kích
thước như vitamin dễ bị hấp phụ. Những phân tử độc tố nấm không phân cực sẽ không bị
hấp phụ.
- Than hoạt tính: Là chất bột màu đen, không mùi, không vị, không tan trong nước
và nhiều dung môi khác. Than hoạt tính được đốt từ gỗ, máu, xương động vật và các vật
chất hữu cơ khác. Đặc tính quan trọng nhất của than hoạt là có khả năng hấp phụ rất cao.
Khác với một số chất hấp phụ khác, than hoạt hấp phụ tất cả các phân tử mang điện tích
dương và điện tích âm.
* Biện pháp hoá học

133
134

Khi độc tố Aflatoxin đã vào trong cơ thể người và động vật thì biện pháp hoá học
thường ít có giá trị. Trên thực tế, không có chất đối kháng đặc hiệu để giải độc Aflatoxin. Mặt
khác, các chất hoá học dùng giải độc đều có các tác dụng phụ không có lợi cho cơ thể.
* Biện pháp sinh học
- Chế phẩm sinh học Mycofix Plus do hãng Biomin (Austria) sản xuất được bổ
xung vào thức ăn gia súc gia cầm, có tác dụng làm vô hoạt các độc tố nấm mốc, trong đó
có Aflatoxin. Cơ chế tác dụng của Mycofix Plus một mặt thông qua sự hấp phụ
mycotoxin, mặt khác phá huỷ cấu trúc hoá học của mycotoxin dựa trên các men có trong
chế phẩm. Quá trình hấp phụ mycotoxin xảy ra trên màng hợp thuỷ do chất hấp phụ tạo ra.
Các phân tử Aflatoxin và một số mycotoxin phân cực khác bị hút tới màng, cố định trên
bề mặt màng và trở lên hoàn toàn vô hoạt. Các khoảng xúc tác trên màng hợp thuỷ điều
chỉnh điện thế riêng của đa số các nhóm mycotoxin tạo nên cách hấp phụ đặc biệt của
Mycofix Plus. Quá trình này bắt đầu từ khoang miệng khi con vật tiết nước bọt (hoặc ngay
trong thức ăn trước khi được tiêu hoá), tiếp tục ở dạ dày và ruột. Các độc tố bị cố định
bởi Mycofix Plus không hấp thu được vào trong máu. Hợp chất Mycofix Plus và
mycotoxin được hấp phụ cùng thải ra ngoài theo phân.

Hình 6.7: Cơ chế hấp phụ Aflatoxin của Mycofix Plus:


Các mycotoxin không phân cực hoàn toàn bị các men có trong Mycofix Plus phá huỷ.
Men epoxydase phá cấu trúc của nhóm chức năng 12, 13 - epoxy (phần độc nhất của
Trichothecenes).

134
135

Mycofix Plus làm vô hoạt Aflatoxin B1 với các liều lượng: 400 và 1000 ppb Aflatoxin,
2kg Mycofix Plus/1 tấn thức ăn bổ xung trong thức ăn của gà công nghiệp.
- Tác dụng của 1,2 - dithiole - 3 - thione (DTT), một chất cảm ứng enzym đơn chức
năng đến quá trình hình thành các liên kết Aflatoxin - ADN trong gan chuột. Các liên kết
ADN chính như Aflatoxin B - N7 guanin thải theo nước tiểu chuột được cho uống DTT giảm
đi rất đáng kể. Từ đó rút ra kết luận DTT là chất có thể chống lại ung thư do Aflatoxin gây ra.
Chế phẩm Oltipraz được trong nhân y để chống ung thư do nhiễm độc Aflatoxin.
Tác dụng của chế phẩm curcumin ức chế sự hình thành 50% các mối liên kết
Aflatoxin B1 - ADN. Nó có thể hạn chế quá trình ung thư do các chất hoá học thông qua việc
điều chỉnh chức năng của cytochrom P450.
Các thuốc làm tăng cường bài tiết chất độc, tăng cường công năng giải độc gan, hạn
chế độc hại do Aflatoxin gây ra cho cơ thể trong đó có cây Actiso. Tác dụng hạn chế độc hại
do Aflatoxin gây ra của Actiso là tác dụng nhiều mặt. Trong thành phần của Actiso có hoạt
chất cyranin, quyết định tác dụng thông mật, lợi tiểu, nhuận gan dẫn đến tăng cường công
năng giải độc của gan. Mặt khác các hoạt chất có trong Actiso như Silymarin, một loại
antioxydant flavonoid (còn được gọi là anti - hepatoxic) có tác dụng hạn chế ung thư gan thực
nghiệm. Cùng có tác dụng như vậy là 2 loại triterpen hydroxyd: Taraxasterol và fradiol được
chiết từ hoa Actiso.
Câu hỏi ôn tập
1. Nêu tên các loài nấm mốc và độc tố gây độc cho vật ?
2. Giải thích cơ chế gây độc của aflatoxin?
3. Ngộ độc độc tố nấm ở vật nuôi?
4. Trình bày các biện pháp phòng chống nấm mốc và độc tố nấm mốc trong thức ăn
chăn nuôi?

135
136

chương VII

chất độc nguồn gốc thực vật, động vật


Chương này gồm hai phần chính: chất độc có nguồn gốc thực vật và chất độc có nguồn
gốc động vật. Chất độc được phân loại theo nhóm và giới thiệu những cây độc, những độc tố
động vật mà vật nuôi hay bị trúng độc. Các nhóm chất độc cũng như cây độc đều được giới
thiệu về nguồn gốc, nguyên nhân, triệu chứng, bệnh tích trên cơ sở đó đề ra biện pháp phòng trị
Thực tế một chất độc có thể tồn tại trong nhiều cây tuỳ hàm lượng, thời gian phát triển
của cây, bộ phận dùng hay loài súc vật nuôi. Có cây độc với loại vật nuôi này nhưng lại không
độc cho loài khác. Hay thậm chí các cây chứa cùng một chất độc nhưng khi bị ngộ độc lại có
những triệu chứng, bệnh tích khác nhau trên các loại súc vật.
1. Chất độc nguồn gốc thực vật.
1.1. Phân loại.
a. Alcaloit.
Alcaloid là các hợp chất hữu cơ có tính kiềm nhẹ - kiềm thực vật. Đa số có nguồn gốc
từ thực vật. Các alcaloid có dược tính rất mạnh. Hiện nay có khoảng > 3000 loại alcaloid khác
nhau, trong đó có khoảng 3% đã nghiên cứu kỹ và được sử dụng rộng trong cả nhân y, thú y
và nông nghiệp (các thuốc trị sâu tơ).

136
137

Trong cây alcaloid tồn tại dưới 3 dạng: alcaloid thực; alcaloid giả và các dạng tiền
alcaloid. Hàm lượng alcaloid trong cây cũng rất khác nhau từ 0,2% đến 2 - 5% hoặc nhiều
hơn. Một cây có thể chứa một vài loại alcaloid, thậm chí còn tới hơn 20 loại khác nhau như
nhựa thuốc phiện, rễ cây dừa cạn, vỏ canh ký na, hạt cây vông nem - Erythrina americana, E.
breviflora (Sotelo. 1993). Một số alcaloid gây độc hay gặp trong lâm sàng.
+ Cây thuốc phiện (Papaver somniferun L), trong nhựa có khoảng hơn 20 loại ancaloit
khác nhau, trong đó chủ yếu là: mocphin, codein, papaverin, naxein....
+ Cây ô đầu (Aconitum fortunei Hemsl) rễ củ rất độc do có chất aconitin. Chỉ cần 2 - 3
mg đã gây chết người; 5 mg gây chết ngựa. thường do uồng quá liều hay do cách chế biến
chưa làm giảm được độc chất theo qui định.
+ Cây mã tiền (Strychnos nux vomica L) trong hạt có strychnin, bruxin.
+ Cây cà độc dược (Dutura metel L) trong lá có atropin, hyoscyanin.
+ Cây thuốc lá (Nicotiana tabacum L) trong lá có nicotin độc tính rất mạnh, tác dụng
nhanh. Lá được sử dụng để chế vitamin PP.
+ Cây lá ngón (Gelsemium elegans Benth) toàn câo có gelsemin, kumin,
kuminidin...là ancaloit có độc tính rất mạnh, chỉ dùng để đầu độc hay tự tử. Không dùng làm
thuốc
+ Pyrrolzidine
3. Structure

a. Pyrrolizidine nucleus

b. Alkaloid base ( necines ) ( Các ancaloid bazơ có gốc necines )

CH2OH
CH2OH

N N
137
Lindelofidie Supinidine
138

CH2OH CH2OH
OH OH

N N
heliotridine Retronecine

c. The base must have the following characteristics to be toxic:


(1) Double hydroxyl groups ( có hai nhóm hydrroxyl)
(2) Double bond in basic ring ( có nối đôi trong vòng )
(3) Be esterified with a necic acid ( bị este hoá với acid necic)

d. Typical structure of active alkaloids ( các dạng cấu trúc tiêu biểu của alcaloid
có hoạt tính )

138
139

H3C CH3
CH
H H3C OH CH
C H
C = C – CH2 –CH – C – CH3 HO CH2 – O – CO – CH – CH3
H3C
CO CO HO OCH3

N
O CH2 - O
Heliotrine
( single esterified )

N
Senecionine
( double esterified)

a. N – oxide

139
140

H3C CH3

CH

HO CH2 - O - CO - C - CH - CH3

HO OCH3
N

O
Heliotrine

(1) Amount varies in the plant ( Hàm lượng biến thiên phụ thuộc vào loại cây
)
(2) More palatable ( Dễ ăn hơn )
(3) Toxicity is slightly less ( Có độc tính ít hơn )

140
141

+ Ankaloid bazơ (necines) gồm:


- lindelofidine; Supinidine không độc (non toxic)
- Playnecine, Heliotridine và Retronecine là các chất độc.
+ Dạng ankaloid bazơ rất độc khi trong công thức phân tử có:
- Hai nhóm hydroxin - OH (double hydroxyl groups)
- Có nôi đôi trong vòng cơ sở (nhân chung).
- Ơ dạng esther với gốc a xit.
+ Các kiểu cấu trúc khác có tác dụng gây độc của ankaloid
- Senecionine ( double esterfied)
- Heliotrified (single esterified)
+ N - oxyde
- Heliotrine
- Kể cả mọi dạng varies ở trong cây
- Cần phải được ăn qua miệng.
- Độ độc không biểu hiện rõ (không biểu hiện các triệu chứng điển hình)
b. Glycozit.
Glucozid là hợp chất hữu cơ có nguồn gốc thực vật, cấu trúc gồm 2 phần: phần oza và
genin. Chỉ có phần genin mơí có tác dụng dược lý đặc trưng. Tuỳ theo công thức, tác dụng
dược lý, chía thành các nhóm glucozid khác nhau. Thuộc glucozid độc gồm 4 nhóm: glucozid
chứa cyanide, glucozis cường tim - cardiac glycosides, saponin và thioglucozid.
* Glucozit chứa Cyanide - cây độc chứa Cyanide
+ Các cây có chứa cyanogenetic
- Cây thuộc họ Sorghum halpense - Graminaceae. Họ cỏ dại có hạt có cỏ cỏ dại có hạt
- Johnson grass. Phần lớn các cây lúa miếm (cây kê) thuộc chi Sorghum Vulgare. Những cây
này chỉ có độc tố trong điều kiện có sương muối, khô hạn.
- Sroghum vulgare - cây cỏ cho hạt thường giống như cây lúa miến.. Những cây chính:
Sroghum hegarie, S. milo.
- Cây lúa miến có chứa chất nhầy Sroghum vulgare var sudanesis. Cỏ Sudan grass -
ngoài độc tố là a cid cyanhydric, trong cỏ còn chứa nhiều chất nhầt, đặc biệt cỏ non. Cỏ ba lá
trifolium repens hay trifolium pratense.
- Cây cho củ có chứa tinh bột: cây sắn - Triglochin maritima. Arrow grass
- Họ trúc đào Prunus spp . P. demissa - western choke cherry - cây anh đào mọc ở miền
tây, trong nước là cây mơ, mận và đào - P. sertonia - wild black cherry - cây anh đào mọc

141
142

hoang - P. virginiana - choke cherry. Chúng chỉ trở thành độc tố khi cây bị cắt và làm héo
trên bãi chăn thả, Hạt cây anh đào cũng có độc tố.
- Họ bông - Linum usitatissimum. Flax - cây bông, cây lanh
- Các cây cho gỗ mầu phớt đỏ: Cercocarpus spp. Mountain mahogany, Rocky
mountain States - cây dái ngựa . Cây mọc ở vùng núi cao, núi đất, đá. Chúng chỉ trở thành độc
khi loài nhai lại, nhất là cừu, hươu...ăn phải trong trường hợp cây đã bị bẻ hay cất héo.
- Cây - Suckleya Suckleyana chất độc là suckleya.
- Cây cỏ lông mịn - Holcus lanatus. Cỏ tai gấu - Vevet grass (Verbascum thapsus),
hay rau tầu bay - Gynura crepidioides; cỏ giết muỗi - mosquito grass, cây hương nhu xanh
- Ocimum veride.
- Họ táo - Malus sp. Hạt táo gây độc cho người.
* Cơ chế: Trong cơ thể, khi được giải phóng ra, nhóm cyanide tác dụng vào men hô
hấp nội bào (cytochrome oxidase) của hồng cầu, gây MetHb. Hồng cầu không thể vận chuyển
được oxy tới các tế bào, máu động vật chuyển thành mầu đen. Hầu như mọi loại động vật đều
mẫn cảm với cyanide, nhất là ấu súc và trẻ nhỏ. Khả năng gây độc tuỳ thuộc lượng cyanide,
tốc độ giải phóng cyanide ra khỏi dạng liên kết trong đường tiêu hoá, khả năng hấp thu cũng
như độ mẫn cảm của từng loại vật nuôi.
* Liều độc: Liều gây độc tối thiểu (MIC) trên động vật từ 2 - 2,3 mg/kg thể trọng
(Humpherys 1988). Liều này còn phụ thuộc nguồn gốc và khả năng thuỷ phân glucozid chứa
cyanide của từng loại vật nuôi. Nếu động vật ăn nhiều, với tốc độ hấp thu nhanh (chú ý với
loài có dạ dày đơn), chỉ cần 4 mg/kg thể trọng đã giết chết vật nuôi. Chỉ khoảng 20 mg acid
cyanhydric/100 gam thức ăn sẽ gây nguy hiểm cho động vật.
Để xác định chính xác ngộ độc do cyanide nên kiểm tra lượng cyanide trong gan và
chất chứa dạ dày. Khi bị ngộ độc hàm lượng cyanide trong gan tối thiểu là 1,4 mg/g (thể mãn
tính); trong dạ cỏ phải có từ 10 mg/g trở lên (thể cấp tính).
* Triệu chứng: Thể cấp tính do ăn quá nhiều thực vật có chứa cyanide gây trạng thái
MetHb cho vật nuôi. Có thể gây chết ngay lập tức, thường vật chết sau một vài phút đến vài
giờ với các biểu hiện: co giật, sùi bọt mép, hôn mê, giãn đồng tử mắt. Vật thiếu tự chủ, tiểu
tiện bừa bãi. Niêm mạc mắt, múi, miệng tím tái, dịch nhầy chẩy ra ở mọi nơi: miệng, mũi và
cả các tổ chức dưới da. Ngừng thở trước khi ngừng tim. Động vật mắc chứng khó tiêu, tích
thực. Vật chết nhanh trong trạng thái ngạt thở.
Thể mãn tính do súc vặt ăn thường xuyên, với lượng ít nên đã gây ngộ độc cho gan.
Gan bị độc do phải oxy hóa khử cyanide nhở các a cid amin chứa lưu huỳnh thành dạng ít độc
hơn - thioglucozid. trong cơ thể, chất thioglucozid lại ức chế sự đồng hoá, hấp thu iode của
tuyến giáp trạng. Nếu tích nhiều thioglucozid vật sẽ bị bướu cổ.
* Bệnh tích: Xác chết không có sự biến đổi trừ máu đen, loãng vẫn chẩy ngay cả khi
xác chết đã khô ==èmáu không đông.
* Chẩn đoán phân biệt: Kiểm tra những cây nghi có chứa cyanogenetic.
- Kiểm tra lượng cyanide trong chất chứa dạ dầy.
Nếu nghi vật bị trúng độc bới cây chứa cyanide, ta cần phải lấy mẫu của chất chứa trong
dạ dầy bằng cách đặt ống thông dạ dầy. Kiểm tra lượng cyanide trong chất chứa của dạ dầy.

142
143

* Chữa trị: Truyền vào tĩnh mạch 75 - 150 ml dung dịch gồm: 1% muối nitrat natri và
25% thiosulphat natri.
* Cơ chế giải độc:
ferricytochrome + CN ===è Ferricytochrome oxidase cyanide
(Respiratory enzyme) ( R.E. inhibited)
NaNO2 + Hb =====è Methemoglobin
MetHb + CN ====è Cyanmethemoglobin
(Temporary tie -up of cyanide)
Na2S2O3 + CN + O===èSCN - + Na2SO4
(Sodium thiocyanata) (Permanent tie - up of cyanide)
- Sử dụng dung dịch thiosulphat đưa vào dạ dầy để loại trừ acid cyanhydric trong dạ
đầy. Cách pha chế dung dịch gồm 30% thiosulphat natri và 2% nitrite natri. Liều dùng từ 30 -
50 ml/đai gia súc; 10 - 20 ml/tiểu gía súc (cừu, hươu).
- Chuyển động vật ra khỏi khu vực đồng cỏ có các cây độc.
* Glucozid cường tim - cardlac glucozid.
Lá cây dương địa hoàng chứa digitalis. Lá cây trúc đào Nerium oleander chứa
nerionin. Cây sừng dê, sừng trâu gồm toàn cây, nhất là hạt chứa Strophantin. Trong hạt cây
thông thiên Thevetia yellow oleander chứa thevertin
Công thức phân tử của glucozid cường tim gồm 2 phần, phần đường oza và phần
không phải đường là genin hay glycon. Phần genin có tác dụng đặc hiệu trên tim. Phần đường
quyết định độ hòa tan và khối lượng phân tử.
Cây khác nhau chứa các glucozid khác nhau nhưng lại có tác dụng tương tự nhau trên
tim - kích thích hoạt động của tim.
* Thioglucozid
Là glucozid đặc trưng cho loài thực vật hoa chữ thập. Trong cây, tuỳ theo loài, tuỳ bộ phận:
thân, lá, hạt hàm lượng thioglucozid khác nhau. Đây là dạng glucozid có chứa lưu huỳnh trong
phân tử. Nhóm này có cầu trúc phân tử luôn thay đổi tuỳ loài thực vật. Hiện có khoảng trên 50 loại
thioglucozid khác nhau, nhưng loại gây độc tập trung trong 2 loại: Isothiocianat (ITC) và
Viniloxolidotion (VTO). Glucozid thuộc nhóm ITC nếu trong phân tử có chứa nitril có tác dụng ức
chế sinh trưởng mạnh hơn gấp 10 lần so với loại không chứa nitril. Loại VTO có khuynh hướng
gây bứu cổ rất mạnh, nên còn gọi thyreostatikus VTO - glucozide. Chất này có tác dụng ức chế,
ngăn cản sự hấp thu iod của tuyến giáp để tạo thyroxin.
Thioglucozid rất nhạy cảm với động vật động vật non. Loại VTO glucozid có thể qua
màng thai vào tuần hoàn bào thai, gây chết thai hay dị tật. Trường hợp này đã gặp trên cừu cái
chửa ăn nhiều cải bắp, cải dầu. Chất nay làm thai chậm phát triển hay bị bướu cổ khi còn
trong bào thai. Động vật trưởng thành ăn nhiều gây bướu cổ. Khi đẻ con có thể bị chết hay
quái thai. Chất cơ bản đầu tiên gây độc là glucozinolat.
Khi chăn thả gia súc trên đồng cỏ có nhiều loại thực vật thuộc họ hoa chữ thập (họ hoa
cải) hay gặp sự cố dung huyết (hemolysis) nghiêm trọng, nước tiểu mầu nâu hay mầu nước
vối do huyết sắc tố của máu bị phá huỷ. Nguyên nhân của hiện tượng nay do trong thực vật có

143
144

chứa các a cid amin bất thường có lưu huỳnh trong phân tử. Khi đó hợp chất S - methyl -
cystein - sulphoxide trong dạ cỏ sẽ bị phân giải thành Dimethyl - disulphide. Chất này rất độc,
có tác dụng gây dung huyết theo phản ứng sau.

O
2CH3-S-CH2CHNH2COOH+H2 ==è CH3-S-S-CH3 +2CH3-CO-COOH+ NH3
S – methylcysteine- sulphoxide Dimethyl disulphide a cid pyruvic
Trong họ cải có giống green brassicas có chứa 10 - 20 g S - methylcysteine-
sulphoxide/kg chất khô. Bò ăn 15 g/100 kg thể trọng/ngày sẽ bị trúng độc do dung huyết. Nếu
ăn 10 g/100 kg thể trọng/ngày sẽ bị thiếu máu nhẹ. Qui định trong khẩu phần của loài nhai lại,
nhất là bò, lượng thức ăn thuộc họ hoa chữ thập không được quá 1/3 tính theo vật chất khô để
tránh nhiễm độc. Ngoài ra trong các cây thuộc họ cải này còn một chất độc nữa là nitrat gây
độc cho súc vật.
Bảng 7.1: Sự phân bố các thio - glucozid trong thức ăn thực vật
Tên Glucozid Loại thực vật Đường Aglycan
Gluconapin Cỏ hoa bông chữ Glucoza ISO-thiocynat, H2SO4
thập, cải củ.
Brassiconapin Cải bắp Glucoza Sinapin, nitril, H2SO4
Progoitrin Cải ngồng trắng, đen Glucoza Vinioxolidonthion (VOT)
và hạt của nó. H2SO4

Vị cay đặc trưng của tinh dầu cải là a cid erukanic. Do có S - methylcysteine- sulphoxide
hay thio - glucozid, người ta đã hạn chế sử dụng khô dầu cải trong chăn nuôi. Để hạn chế tác hại
của các cây họ cải kể trên, trong chăn nuôi đã sử dụng các biện pháp sau: - Hiện nay, với những
tiến bộ của công nghệ gen, di truyền và lai tạo giống,... Người ta đã tạo ra được giống cải trong
dầu của nó có ít a cid erukanic nên đã làm giảm lượng thio - glucozid.
Khi sử lí bằng nhiệt hồng ngoại (mirozinase) khô đầu của chúng thì enzyme
glucozinolase bị phá huỷ và cũng chứa rất ít thio - glucozid. Từ đó có thể dùng cho tất cả mọi
loại động vật ăn được.
* Các saponozid
Phần không đường của glucozid có chứa saponozid rất dễ gây bọt, khi gia súc ăn với
lượng lớn sẽ gây độc do hiện tượng lên men sinh hơi dạng bọt khí trong dạ cỏ (loài nhai lại),
hay manh tràng (ngựa) và các động vật khác.
Saponozid phân bố khá rộng rãi trong thực vật, đối với súc vật nuôi cần chú ý các cây
sau: cỏ Konkoly - cỏ lộc vực mọc lẫn trong lúa, khi làm cỏ lúa đã nhổ về cho trâu bó ăn. Nếu
hạt cỏ này lẫn nhiều trong các hạt ngũ cốc > 0,5% cũng gây độc. Ngoài ra một số cỏ họ đậu
như cỏ alfalfa sp. Những cỏ non mọc về mùa xuân, dây khoai lang, lá dâm bụt... loài nhai lại
ăn quá nhiều. Do khả năng dễ tạo bọt, thú ăn cỏ, đặc biệt thú nhai lại trong đường tiêu hoá có
nhiều vi sinh vật lên men, sinh hơi. Khi hơi sinh ra bị các chất nhầy trong cây tạo bọt khí. Kết
quả thú không ợ được hơi. Bệnh chướng bụng, đầy hơi của gia súc phát sinh.

144
145

Chất saponozid trong cỏ alfalfa sp còn là chất kháng dinh dưỡng (antinutritive). Chất
chiết ra từ cỏ alfalfa sp đã ức chế sự sinh trưởng đối với gà, lợn, bê. Dịch chiết từ cỏ alfalfa
sp cũng chứa ức chế tiêu hoá (antiproteinase).
c. Các acid amin không protein (non protein amino acid)
Các acid amin nay có tên khác acid amin bất thường. Có trong cây họ đậu cố định đạm
(nitrogen - fixing trees). Trước tiên nitrogen liên kết với các hợp chất hữu cơ tạo các alkaloid
hay những acid amin bất thường. Các chất này tích luỹ lại trong cây, tạo sản phẩm thứ cấp
không hại cho cây. Các acid amin này có công thức giống những acid amin không thay thế
(acid a min cần thiết) rất cần cho sự sinh trưởng và phát triển của vật nuôi. Nhưng khi vào cơ
thể, chúng không giữ được vai trò sinh học, trở thành yếu tố đối kháng với acid amin cần thiết
gần giống nó. Khi động vật ăn phải, nó sẽ được hấp thu vào cơ thể làm thay đổi và gây rối
loạn quá trình trao đổi chất, gây độc.
Nhiều cây thuộc họ đậu nhiệt đới chứa a cíd amin bất thường như cây đậu chàm -
Indigofera spicata, cây Lathyrus cicera.

Bảng 7.2: Sự phân bố của acid amin bất thường trong hạt cây họ đậu

Acid amin bất thường Các giống cây họ đậu Hàm lượng (g/kg)
Neurolathyrogens
b - cyanoalanine Vicina sativa 1.5
b - (N-oxalylamino) alanine Lathyrus sativa 25,0
a, g - diaminobytiric a cid Lathyrus latifotius 16,0
Arginine analogues
Canavalia ensiformis 51,0
Gliricidia sepium 40,0
Canavanine Robinia pseudoacacia 98,0
Indigofera spicata 9,0
Vicia Villosa 29,0
Indospicine Indigofera spicata 20,0
Homoarginine Lathyrus cicera 12,0
Aromatic
Mimosine Leucaena leucocephala 145,0

* Chất mimosin.
* Sự phân bố: Mimosin có nhiều trong cây họ đậu nhiệt đới, nhất là cây bình linh -
Leucaena.

145
146

* Cơ chế: Do có công thức tương tự như thyrosine và DOPA (3,4 - Dihydroxyphenylamine)


- chất chuyển hoá của thyrosine. Mimosin ức chế trao đổi thyrosine, chất Iodothyrosine (MIT,
DIT- chất ban đầu của quá trình tổng hợp thyrosine T3 và T4) không được tạo thành. Khi gia
súc ăn nhiều lá cây có chứa mimosin sẽ gây ra bướu cổ.
* Tác đụng gây độc của mimosin trên cừu: Hàm lượng mimosin trong cây biến đổi
tuỳ theo giống, mùa vụ trong năm. Liều gây độc của mimosin đối với các thú rất khác nhau.
Theo D.J.Hamphréys 1988; và Szska & Ter Meulen, 1984. liều gây độc của mimosin tính
theo g/ngày/kg bằng đường uống: loài nhai lại trâu, bò, dê: 0,18; cừu: 0,14; thỏ: 0,23; gà:
0,16. Nếu ăn quá nhiều lá cây binh linh > 30% sẽ gây bướu cổ, giảm hoạt động của tuyến
giáp ở loài nhai lại. Với gà, khi cho ăn khẩu phần có 150g lá bình linh/kg thức ăn không ảnh
hưởng đến sinh trưởng. Khi bổ xung thêm sắt hay nhôm trong thức ăn có lá binh linh sẽ làm
giảm khả năng hấp thu các kim loại trên, do mimosin liên kết với chúng ở đường tiêu hoá.
Trong khẩu phần có bổ xung 5% bột lá bình linh, gà chậm lớn; từ 8 - 10% gà sẽ bị rụng
lông, to tuyến giáp.
Bảng 7.3: ảnh hưởng của chất mimosin trên cừu lấy lông

Đường đưa thuốc ảnh hưởng của mimosin


Tiêm tĩnh mạch liều 20 mg/kg Không gây ảnh hưởng

Tiêm tĩnh mạch 8 g/con/2ngày Rụng lông, giảm độ dai của lông
tương đương liều 77 - 96 mg/kg

Tiêm tĩnh mạch 24g/4 ngày tương Giảm độ dai của lông. Trụi lông, kém ăn, chẩy nhiều
đương liều 147 mg/kg. nước bọt. Thanh quản bị viêm, hoại tử, chết.

Cho uống liều 450 - 600 mg/kg Rụng lông

* Các chất giống arginine: canavanin, indospicrine, homoarginine


Arginine có vai trò quan trọng trong việc chuyển hoá 0rnithine - arginine để tổng hợp
lên ure. Khi chu trình này bị canavanin và các chất tương tự thay thế vào vị trí arginine, súc
vật sẽ bị rối loạn chuyển hoá. Vì thế chúng được coi là độc tố kháng dinh dưỡng của a cid
amin arginine.
Acid amin cần thiết có công thức gần giống với arginine là lysine. Arginine và lysine
là yếu tố đối kháng với canavanine. Cả ba a cid amin này được phân bố khá rộng với hàm
lượng cao trong cây họ đậu. Canavanine lại dễ dàng hấp thu ở đường tiêu hoá gia súc, gia
cầm, nhanh xuất hiện trong máu ảnh hưởng đến sinh trưởng, khả năng tiêu hoá đạm của động
vật.
* Chất neurolathyrogens
Thuộc nhóm này gồm: b - cyanolanine; b - (N - oxalylamino) alanine và a, g -
diaminobytiric a cid. Đây là những sản phẩm chuyển hoá có liên quan đến quá trinh trao
đổi chất của một số loại cỏ nhiệt đới. Những giống cỏ lathyrus khác nhau, có làm lượng
BOAA cũng khác nhau. Gia súc ăn thường xuyên cỏ này sẽ bị ngộ độc do chất
lathyrogenic a cid. Lathyrogenic a cid có tác dụng kháng dinh dưỡng đối với các a cid
amin gần giống nó. Gia cầm con rất mẫn cảm. Còn trên động vật và người, nó là chất gây
độc thần kinh (neurotoxic).

146
147

Bảng 7.4: Độc tính của lathyrogenic amino acid trên hệ thần kinh gia cầm
Lathyrogenic Loại gà Đường dùng và liều lượng Triệu chứng
b - cyanolanine Gà con, dò TA (0,75 g/kg) hay tiêm dưới Co giất tetanos, chết LD50 =
da 70 mg/kgP
Gà con, dò Phúc mạc 20 mg/con đầu và cổ co giật
Gà trưởng 30 mg/con Chết
thành
BOAA 100 mg/con Ngộ độc
a,g Gà con, dò Phúc mạc 3,2- 6,5 mgl/kgP Chưa có triệu chứng ngộ độc
diaminobutiri 12,9 mgl/kgP Tăng hàm lượng glutamin
c acid trên não

* Chất Fluoroacetic acid.


Cũng là chất thứ cấp có nhiều trong cây: Acasia, Oxylobium và Gastrolobium thuộc họ
đậu. Nó có 2 dẫn xuất độc Fluoroacetate và Fluoroacetamide, tồn tại dạng bột, tan trong nước,
không vị có độc tính cao với loại gậm nhấm, người và động vật.
Cơ chế gây độc: Chất Fluoroacetat ức chế men aconitase, không đáp ứng được đủ các
bước tiếp theo trong chu trình citrar, tricarboxylic acid. Gây hậu quả citrate bị tích luỹ, không
phân giải, dẫn đến trúng độc toan. (Peters 1054).
d. Những hợp chất chứa phenolic
* Tanin.
Trong cây tồn tại dưới 2 dạng; tanin thuỷ phân (hydrolysable - HTs) và tanin không
thuỷ phân (condensed - CTs). tanin là những chất có chứa phenolic hoà tan, phân tử lượng >
500. Có khả năng kết tủa gelatin, protein, kim loại năng.
Tanin phân bố rộng rãi trong cây, nhất là các chồi non. Nó gây ảnh hưởng lớn cho
động vật chăn thả, nhất là các cây có hàm lượng tanin cao 15 - 30% chất khô. Tanin - chất
kháng dinh dưỡng, do làm giảm tính thèm ăn, thay đổi khu hệ vi sinh vật trong đường tiêu
hoá, nhất là loài nhai lại (toxicity). Tanin có ảnh hưởng lớn tới tính ngon miệng, khả năng tiêu
hoá hấp thu.
* Những hợp chất phenolic
Bản chất hoá học của phenolic là một vòng nhân thơm phenol có chứa nhóm hydroxyl,
phân bố khà rộng trong thực vật. Khi thuỷ phân tanin sẽ được acid phenolic. Phenolic chiếm
20% trọng lượng lá khô trong các loại cây thân bụi nhiệt đới (Lowry, Thahar, 1983), dao động
từ 13 - 50%. Trong chừng mực phenolic có tính độc vì nó kích thích hoặc bào mòn tổ chức.
Trong cây, nó liên kết với tanin thành dạng không hoà tan (Conjugeted Tannin: CT).
Mặt khác, phenolic còn có tác dụng ức chế sự phát triển của vi sinh vật thông qua tác
động bịt kín các trung tâm hoạt động của enzyme. Nếu vừa có tanin, vừa có acid phenolic, tác
dụng gây hại càng nhiều vì tanin làm co các tế bào niêm mạc, biến tính chất niêm dịch, giảm
đáng kể sự hấp thu, còn phenolic thì ức chế men tiêu hoá, kết quả cuối cùng là giảm đáng kể
sự tiêu hoá thức ăn.

147
148

Sự liên kết, giải độc phenolic với glyxin, acid glucoronic hoặc sulfat... những giới hạn
khi sử dụng thức ăn có lượng phenolic cao cũng là những vấn đề được các nhà khoa học quan
tâm nghiên cứu để sử dụng tốt nguồc thức ăn này.
e. Những chất kháng enzyme tiêu hoá protein (Proteinase Inhibitors)
Thức ăn có chất kháng enzym tiêu hoá protin khá phong phú.
Trong sữa đầu có antitrypsine chống lại sự hoạt động của men trypsin và
chymotrypsin. Do vậy lượng kháng thể trong sữa mẹ mới chuyển sang cho con.
Trong các hạt của cây họ đậu đều có chứa antitrypsine, nhiều nhất là đậu nành, cô ve,
sau đến các hạt đậu khác: Hà Lan, ngựa, hạt lanh, đậu phộng... cũng có nhưng ít hơn.
Thí nghiệm của Chan và Lume 1982 trên chuột ăn đậu sống winged liều 280 g/kg
khẩu phần. Chuột giảm trọng lượng và chết sau 12 ngày. Mổ khám thấy tuyến tuỵ phát
triển to hơn bình thường. Cũng loại đậu này, hấp chín ăn liều 300 g/kg chuột vẫn phát
triển bình thường.
J.P.F D`Mello thí nghiệm trên gà đưa ra kết quả tương tự như trên chuột, tuyến tuỵ
của gà thịt ăn đậu sống cũng to hơn.
Các thí nghiệm trên thú, cho vật nuôi ăn đậu nành sống sự tăng trọng chỉ bằng 1/3 so
với ăn đậu nành chín.
Thành phần chất kháng enzyme tiêu hoá protein trong đậu nành
+ Glycinin - là dạng protein, chất này ức chế sự tiết men, làm giảm hoạt động cuả men
trypsin, chymotrypsin và amylase. Để bù lại sự thiếu hụt men, buộc tuyến tuỵ phải làm bù.
Kết quả, tuyến tuỵ bị phình to (hypertrophia). Chất này có tác dụng trên mọi thú nuôi, nhất là
gà con, chuột, heo khi cho ăn đậu nành sống.
+ Lectin hay protein lectin, có đặc tính gây dung huyết, ngưng kết hồng cầu -
hemagglutinin. Chất này có tác dụng ức chế sự sinh trưởng của động vật non, nhất là chuột,
lợn và gà con...
+ Soyin ức chế sự hoạt động của trypsin và lipase, làm giảm sự tiêu hoá đạm và mỡ.
Cả ba chất trên đều là chất kháng dinh dưỡng (antinutritiv), chúng rất nhậy cảm với
nhiệt độ, giống như men urease cũng có nhiều trong hạt đậu nành sống. Chúng bị diệt ở 105 -
110 0C /10 - 30 phút.
f. Các chất nhạy cảm quang học - phostosensitive compounds.
* Nguyên nhân
Các chất nhạy cảm quang học có nhiều trong một số cây dùng làm thức ăn chăn nuôi:
Các cây thuốc họ kiều mạch cỏ Fagopyrum vulgare, Fagopyrum esculentum - gây độc
cho loài nhai lại trong đó mẫn cảm nhất là bò sữa.
Với lợn, nếu ăn thường xuyên cỏ alfalfa chỉ có lợn ngoại do thiếu sắc tố da nên đã bị
viêm. Còn với lợn nội da mầu chúng không có biểu hiện viêm da.
Chất này cũng có nhiều trong hạt của thực vật ammi visnaga và ammi majus - gây độc
cho gia cầm: vịt, gà, ngan, ngỗng. Trong đó gà tây mẫn cảm nhất do trên cơ thể có nhiều da
không có lông che phủ.

148
149

Khi thú nuôi ăn cỏ này nhiều đã xuất hiện loại bệnh có triệu chứng rất điển hình, người
ta đã dùng tên này để đặt tên cho bệnh - fagopirizmus.
*Cơ chế: Sau khi được hấp thu vào máu, chúng được chuyển đến dưới da nơi không
có sắc tố bảo vệ. Dưới tác dụng của tia tử ngoại, trong ánh sáng mặt trời với bưiớc sóng 540 -
610 nm làm cho da đỏ ửng lên, gây đau, ngứa, sau đó viêm dộp da.
* Triệu chứng
Trên thú: sự viêm nhiễm này hay thấy ở xung quanh mắt, cổ, các khớp chân, các ngón
chân thấy đau. Nếu cứ tiếp tục cho ăn, gia súc sẽ bị viêm dộp, bong tróc da. Động vật bị kích
ứng mạnh, rất khó chịu, thích chui chỗ tối, mát. Do đó trao đổi chất bị rối loạn, giảm khả năng
chuyển hoá thức ăn, giảm sức sản xuất. Với bò sữa sẽ bị giảm lượng mỡ trong sữa, mùi và vị
của sữa cũng không bình thường. Bệnh nặng có thể chết. Với bò không nên cho ăn cỏ
Fagopyrum vulgare, Fagopyrum esculentum quá 10kg /con/ngày.
Trên gia cầm triệu chứng rất rõ, da xung quanh mỏ, mép, tích, mào, tai và bàn chân
đều bị viêm. Gà tây bị rất nặng do phần da tiếp xúc với ánh sáng nhiều. Tỷ lệ chết có thể tới
20%. Ngoài ra còn gây giảm sức sản xuất: giảm đẻ, chậm lớn.
*Phòng trị
Muốn trị bệnh này, phải tránh không cho vật nuôi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Nhốt
vật nuôi trong bóng tối hay nếu cần chăn thả nơi nào trên da không có sắc tố bảo vệ cần được
che phủ kín bằng mầu tối. Cần tránh không cho gia súc ăn nhiều cỏ Fagopyrum vulgare,
Fagopyrum esculentum, gia cầm ăn nhiều hạt hạt của thực vật ammi visnaga và ammi majus,
lợn ăn thường xuyên cỏ alfalfa.
g. Các protein của thực vật- Toxanbunin
Gồm các protein thực vật có độc tính cao như: rixin có trong hạt Thầu dầu, croton
trong hạt ba đậu, abrin trong hạt cây cam thảo dây. Các protein này có thể gây độc do làm
dung huyết hay huỷ hoại tế bào ở nồng độ thấp.
h. Các axit hữu cơ
Trong cây nó tồn tại dưới thể tự do hay kết hợp với chất khác. Cả 2 trạng thái đều gây
độc cho động vật nuôi khi ăn phải với số lượng lớn. Trong đó đáng chú ý nhất là: axit oxalic
có trong khế chua, chua me, chút chít...với liều lớn gây phù nề, xuất huyết đường tiêu hoá.
Axít cyanhydric trong củ sắn, măng tre, lá và hạt mơ, mận, đào.
i. Chất nhựa
Nhiều loại nhựa cây khi ăn phải có thể gây tổn thương đường tiêu hoá hoặc chạm
phải sẽ kích ứng da hay niêm mạc. Các cây mang lông ngứa chứa a xít formic ở lá han. Các
cây thuộc loại sơn manh nhựa độc bay hơi, dễ gây dị ứng do tiếp xúc.
1.2. Một số cây độc
Cây độc chứa Glucozid cường tim
* Nguồn gốc
Lá cây dương địa hoàng chứa digitalis. Lá cây trúc đào Nerium oleander chứa
nerionin. Cây sừng dê, sừng trâu gồm toàn cây, nhất là hạt chứa Strophantin. Trong hạt cây
thông thên Thevetia yellow oleander chứa thevertin
* Công thức chung

149
150

Công thức phân tử của glucozid cường tim gồm 2 phần, phần đường oza và phần
không phải đường là genin hay glycon. Phần genin có tác dụng đặc hiệu trên tim. Phần đường
quyết định độ hòa tan và khối lượng phân tử.
Cây khác nhau chứa các glucozid khác nhau nhưng lại có tác dụng tương tự nhau trên
tim - kích thích hoạt động của tim. Các tác dụng khác ngoài tim của glucozid cường tim được
taọ ra do hiệu quả tổng hợp của hai tác nhân trên (phần đường và không đường của từng cây
một). Mỗi cây còn có một kiểu gây độc khác ngoài tim. Các glucozid cường tim còn có tác
dụng trên đường tiêu hóa: tuỳ từng cây, chúng có thể gây viêm cata hay xuất huyết ruột ở các
mức độ nặng nhẹ khác nhau. Mọi loài động vật đều rất mẫn cảm. Đồng bào da đỏ đã dùng
những cây có chứa glucozid cường tim này làm thuốc tẩm tên trong săn bắn thú trên rừng.
* Triệu chứng: Các glucozid cường tim đều có tác dụng đặc hiệu đến hoạt động của
tim; đồng thời vẫn còn tác đụng khác trong cơ thể ngoài tim. Đau bụng, lợm giọng, buồn nôn,
nôn, tiêu chảy, co giật. Tứ chi lạnh, nhiệt độ cơ thể bình thường hay giảm thấp. Mạch nhanh
nhưng yếu (trầm). Hô hấp tăng cả về tần số và biên độ (thở sâu). Liệt và chết (trước khi chết
thường không co giật). Các triệu chứng trên thường kéo dài không quá 24 giờ
* Bệnh tích: Xác chết có các biểu hiện: Viêm cấp hay chảy máu dạ dày - ruột. Máu
chuyển mầu nâu đen, loãng không đông chứa đầy khắp các xoang trống trong cơ thể.
* Chữa trị: Nhanh chóng loại trừ tất cả chất chứa trong dạ dày và ruột. Động vật nhỏ
cho uống thuốc gây nôn sau đó thụt rửa dạ dày. Ngựa và trâu, bò dùng thuốc tẩy và thụt rửa
trực tràng. Loài nhai lại chú ý đến sự ổn định của vi sinh vật trong dạ cỏ.
Hãy nhớ rằng: chỉ với một liều rất thấp - một chút lá còn đọng lại lâu trong dạ cỏ có
thể giết chết động vật.
Không có thuốc chữa đặc hiệu cho từng loài động vật. Hiện nay đang chữa thí nghiệm
theo hai cách sau
Uống procain 10 - 20 gam/con cừu hay trâu, bò. Cứ sau 4 giờ lại uống nhắc lại.
Uống Kali glutamate 10 - 25 gam/con cừu hay trâu, bò.
Một số trường hợp ngộ độc ở gia súc do ăn cây trúc đào.
- Một trại chăn nuôi gia súc ở Bacơ đã bị chết 8 con ngựa trong 2 tuần do là của cây
Trúc đào lẫn vào cỏ cắt. Mọi ngựa đều chết đột tử, không bị ốm. Một con ngựa ở Los Angeles
đã bị chết do ăn phải các mẩu cắt nhỏ của lá cây trúc đào lẫn trong bó cỏ cắt ở vườn. Cây này
được chủ gia súc trồng làm hàng rào ở quanh vườn.
- Tại Los Angeles có một nhóm bò bị chết rất nhanh (đột tử) với các triệu chứng
không điển hình. Khi kiểm tra đã tìm được lá của cây Trúc đào trong bó cỏ khô. Các bó cỏ
khô này lại được tìm thấy ở gần hàng rào, nơi có cây Trúc đào mọc. Lá cây Trúc đào đã rơi
lẫn trong bó thức ăn khô. Có 4 con bò cái tơ đã bị chết do chúng ăn lá cây Trúc đào khi đang
rất đói. Trường hợp khác, một người chủ chăn nuôi đã bị chết 15 con bò hậu bị do bãi chăn
thả và phơi thức ăn cho gia súc ở cạnh lô đất có cây trúc đào.
cây dương xỉ Tên khác: cây lông khỉ, cẩu tích (bracken)
Tên khoa học Cibotium barometz L. Họ lông cu ly Dicksoniaceae
* Đặc điểm thực vật: Lá kép lông chim, có hình tam giác đối xứng cả 3 tầng. Đôi khi
mép là có răng cưa hay hình lược. Rễ cây ăn sâu vào khe đá.

150
151

* Nguyên nhân: Bình thường động vật không thích ăn, nhưng do bị đói hay thiếu thức
ăn buộc phải ăn cây này trong 30 - 60 ngày hay lâu hơn. Khi gia súc ăn nhiều, trong thời gian
dài cây này, sẽ bị độc. Động vật bị ngộ độc dường như thường xuyên, bị quanh năm, hay gặp
nhất vào mùa khô, khi lượng cỏ giảm.
*Triệu chứng: Hay gặp trên loài ăn cỏ, trâu, bò, ngựa thường bị ngộ độc do thiếu
vitamin B1. Lợn có biểu hiện không rõ. Triệu chứng trên trâu, cừu khi ngộ độc như sau: Bệnh
tiến triển rất nhanh.
Xuất huyết là triệu chứng hay gặp nhất. Chẩy máu có thể nhìn thẩy ở bất kỳ chỗ nào
trên cơ thể: tiết niêm dịch nhầy có lẫn màu ở niêm mạc mũi, miệng. Da xuất huyết... Chẩy máu
ở các khoang trống trên cơ thể. Viêm ruột, tiêu chẩy ra máu. Hạ huyết áp, giảm nhịp tim. Khó
thở do dịch thẩm xuất hay xuất huyết ở thanh quản, các khí quản. Nhiều khi động vật chết mà
chưa kịp quan sát được các triệu chứng trên do bệnh tiến triển quá nhanh. Thường chết sau 1 -
10 ngày. Tỷ lệ mắc bệnh rồi ốm yếu chiếm 20%. Tỷ lệ tử vong cao. Triệu chứng có thể bị phát
hiện trong khoảng thời gian 2 - 3 tuần sau khi di chuyển đàn gia súc tới đồng cỏ mới.
* Bệnh lý: Nhận biết đầu tiên đối với đại gia súc là sự giảm các tế bào bạch cầu hạt
và tiểu cầu ở máu ngoại vi. Chúng chính là các tế bào nhân khổng lồ (tế bào đại thực bào) ở
tuỷ xương. Giảm thể thực bào. Giảm khả năng đề kháng khi bị nhiễm khuẩn. Giảm lượng
thrombocytes gây nên bệnh chẩy máu. Giảm khả năng sản sinh tế bào hồng cầu, nhưng xuất
hiện chậm hơn bởi vì nó có liên quan với cuộc sống lâu dài của rbc ở mach máu ngoại vi.
Bức tranh về máu khi loại ăn cỏ bị ngộ độc như sau: Giảm bạch cầu trung tính. Giảm
tiểu cầu máu và rbc bị giảm ở giai đoạn sau. Với cừu: bị giảm hồng, bạch cầu tổng số -
thường gọi là “bệnh sáng mắt”
* Chẩn đoán phân biệt với các bệnhngộ độc sau: Bệnh leptospilosis, huyết nhiễm
khuẩn, sốt phát ban, da bị nhiễm bức xạ, nhiễm tia X, bệnh say nắng, nhiễm các hoá chất:
benzen, dinitrophenol, trinitrotoluene, các chất kháng chuyển hoá - chống lại sự trao đổi chất -
diaminopurine, mercaptopurine, chất kháng vitamin - antivitamin, các thuốc: aminopterin,
urethane, các tác nhân kiềm sinh học - nitrogen mustard (cây cải có nitrogen), triethylene
melamone gọi là “ myleran” - chứng gây sạm, tím da, tác nhân trichlorethylene được chiết ra
từ dầu đậu, một số muối của arsenicals.
*Chữa trị khi trâu, bò bị ngộ độc: Dùng kháng sinh đề phòng bội nhiễm. Truyền
máu, nhất là các nguyên tố khoáng trong máu.

họ cỏ lúa miến - orghum spp


Trong họ cỏ lúa miến có các giống hay gây độc Sorghum vulgare - giống cỏ lộc vực;
S. sudanense cỏ sudan trồng; S. halepense - cỏ dại mọc hoang hai bên đường hay vùng đầm
lấy.
*Độc tố: Trong các cây cỏ này chứa cyanogenetic glucozid tên dhurrin. Chất dhurrin
là chất thứ cấp không gây độc cho cây. Khi động vật ăn nhiêu, trong cơ thể nó bị thủy phân
thành a cid cyanhydric tự do mới gây độc.
Trong cỏ non chứa nhiều cyanogenetic glucozid. Chất dhurrin sẽ giảm dần theo sự
phát triển của cây, rồi trở nên không độc ở cỏ trưởng thành. Nhưng khi chuyển từ mùa khô,
lạnh sang mùa mưa, cỏ non mọc nhiều, súc vât dễ nhiễm. Nếu cỏ được trồng, không nên cắt
hay cho bò khi độ cao của cỏ chưa đủ 50 cm. Trong cỏ non có chứa men thủy phân
cyanogenetic glucozid, khi ta phơi cỏ các men này sẽ thủy phân cyanogenetic glucozid cho ra

151
152

acid cyanhydrac tự do bay vào không khí. Súc vật ăn cỏ khô sẽ không bị độc. Nhưng trong cỏ
non có khoảng 30% a cid cuanhydric, lượng này sẽ giảm dần và mất đi sau 4 - 4,5 tháng
* Cơ chế: Trâu, bò, cừu và ngựa đều mẫn cảm. Khi vào cơ thể dưới tác dụng của dịch
tiêu hóa và men phân giải đặc trưng của cyanogenetic glucozid, a cid cyanhydrac tự do được
giải phóng. Khi đó a cid cyanhydrac tự do khử hoạt tính của men vận chuyển điện tử
cytochrome oxidase, ức chế Fe+++ của hồng cầu, gây methemogbin. Kết quả hồng cầu không
vận chuyển được oxygen cho các tế bào.
* Triệu chứng: Vật sẽ chết nhanh trong 30 phút đến 2 giờ, nhiều chủ không hiểu lý
do, vật gần như không bị ốm. Khi chết vật có các biểu hiện: chảy nước bọt, dãi nhiều; khó
thở, rối loạn vận động các chi, sau kiệt sức do cơ bắp bị co giật liên tục, không khống chế
được. Vật chết còn do liệt trung khu hô hấp. Với gia súc cái gây xẩy thai, đẻ non. Với ấu súc
gây viêm khớp.
* Kiểm tra chất độc: kiểm tra nồng độ a cid cyanhydric trong mẫu cỏ tươi và chất chứa
dạ dày của súc vật.
* Bệnh tích: Bệnh cấp tính: viêm cầu thận có tơ huyết
Bệnh mạn tính: viêm loét đại tràng dạng hạt. Tổn thương và thoái hoá sợi thần kinh
các đột sống lưng, khum, tuỷ sống
Xuất huyết nghiêm trọng dưới da. Các khí quan nội tạng bị xung huyết. Màu có mầu
đỏ sáng. Đó là những biểu hiện đặc trưng khi súc vật bị trúng độc HCN trong thực vật. Phù
dọc đường hô hấp. Dịch nhầy chứa dầy từ mũi, hầu, thanh và các nhánh khí quản - phổi.
Chú ý: giữa ngộ độc cyannide và cỏ lúa miến có sự giống nhau về cơ chế hoá học gây
ngộ độc. Triệu chứng lâm sàng và mức độ tổn thương.
+ Neuro lathyrism (dipeptide) được sản xuất ra bởi R - glutamyl - B - cyanoalanine.
+ Cyanide metabolism là sản phẩm tiền thân của dipeptidas.
+ Phản ứng.
L - cystine + HCN ==è H2S + B - cyanoalanine (R - glutamyl transferase).
B - cyanoalanine ====è R - glutamyl - B - cyanoalanine.
* Chữa trị: Truyền vào tĩnh mạch 75 - 150 ml dung dịch gồm: 1% muối nitrat natri và
25% thiosulphat natri.
Cơ chế giải độc:
ferricytochrome + CN ===è Ferricytochrome oxidase cyanide
(Respiratory enzyme) (R.E. inhibited)
NaNO2 + Hb =====è Methemoglobin
MetHb + CN ====è Cyanmethemoglobin
(Temporary tie -up of cyanide)
Na2S2O3 + CN + O===èSCN - + Na2SO4
(Sodium thiocyanata) (Permanent tie - up of cyanide)
- Sử dụng dung dịch thiosulphat đưa vào dạ dầy để loai trừ acid cyanhydric trong dạ
đầy. Cách pha chế dung dịch gồm 30% thiosulphat natri và 2% nitrite natri. Liều dùng từ 30
-50 ml/đại gia súc; 10 -20 ml/tiểu gía súc (cừu, hươu).

152
153

- Chuyển động vật ra khỏi khu vực đồng cỏ có các cây độc.

Cây mơ tên khác: ô mai, khổ hạnh nhân, abrricotier (Pháp)


Tên khoa học Prunus armeniaca. L. Họ hoa hồng - Rosaceae.
Cây mọc hoang hay được trông rất nhiều nơi trong cả nước: Hà Tây, Nam Định,
Thanh Hóa, Lao Cai, Sapa…Thường trồng thành rừng hay hai bên đường đi.
* Nguyên nhân: Toàn cây, cả cành con và lá đều chứa chất độc tại bất kỳ thời điểm
nào. Lá chứa nhiều độc tố vào mùa xuân và giảm dần trong cả mùa hè. Mặc dù vậy, song
cũng có một vài vùng lại hay gặp trúng độc vào mùa hè sau khi thu hết quả thường cắt bỏ
cành, động vật bị ép ăn quá nhiều cành non của cây mơ, mận, đào do thiếu thức ăn xanh.
* Độc tố: Trong toàn cây, nhất là hạt chứa độc chất amygdalin - glucozid chứa
cyanhydric, khi thủy phân cho ra acid cyanhydric, acid andehybenzoic
* Cơ chế: Loài nhai lại: Trâu, bò, cừu hay bị và cũng mẫn cảm hơn các loài vật khác,
do quá trình tiêu hóa cenlulo ở dạ cỏ đã giải phóng ra a cid cyanhydric. A cid cyanhydric
được hấp thu vào máu và ức chế sự vận chuyển sắt trong men cytochrome oxidaza của tế bào
máu gây methemoglobin. Máu không vận chuyển, cung cấp được oxy cho tế bào. Máu đỏ
nâu, không đông, da tím tái.
* Triệu chứng: Động vật có biểu hiện chung giống như các trường hợp trúng độc
những hợp chất chứa cyangenetic glucozid trong cây: khó thở là triệu chứng điển hình, nhiều
chủ nhà không biết vật chết do nguyên nhân gì vì nó không ốm. Cũng có thể gặp các trạng
thái khác: mất thăng bằng, kiệt sức, suy sụp và chết. Vật chết rất nhanh trong vài phút, đến 1
hay 2 giờ, vùng phổi xẹp xuống do các phế nang bị phá hủy. Khi chết từ mũi, hậu môn máu
đen không đông chảy ra.
* Bệnh tích: Máu mầu mâu đen không đông chảy ra từ mũi, hậu môn. Đường tiêu
hóa bị xung, xuất huyết.
* Chữa trị: Xem phần chữa trị cyanozid hay cỏ lúa miến.

CÂY RAU dền


Tên la tinh: Amaranthus reetroflexus. L. Họ Thuỷ tiên Amaranth
* Đặc điểm sinh học: Cây có nhiều vào vụ xuân hè. Cây mọc hoang ở hai ven đường,
cánh đồng, sân nuôi gà vịt, quanh nhà kho… Cây dền cơm, dền gai, dền tím. Lá đơn, h́nh tim hay
hơi tṛn, mọc cách, Thân tròn, mầu xanh, có khi có gai mầu xanh. Hoa mầu xanh nhạt hay tím tía,
mọc trên ngọn hay kẽ lá.
* Độc tố: Trong cây có chứa độc tố gây phù chân lợn - độc tố thận (nephrotoxic). Khi
phơi khô, trong cây chứa hàm lượng muối oxalate tới 30%. Đây chính là độc tố gây tích nước
trong tổ chức và tế bào. Các cây khác cùng họ thuỳ tiên này còn chứa nhiều muối nitrat. Đây
cũng là một dạng độc tố của cây.
* Cơ chế: Phù chân là triệu chứng nhận thấy rõ nhất trên lợn 15 - 60 kg được nuôi
theo kiếu nhốt, không thả rông, đột nhiên trong khấu phần ăn có quá nhiều cây Amaranthus
reetroflexus tươi, non. Trong thí nghiệm đã có từ 5 - 50% số lợn bị chết do ăn cây

153
154

Amaranthus reetroflexus ở dạng tươi mặc dù đã qua lửa. Các trường hợp khác lợn bị ốm sau 2
- 3 ngày khi cho ăn cây Amaranthus reetroflexus được 5 - 10 ngày tuỳ liều lượng.
Chất độc nitrate cũng hay gây độc cho loài ăn cỏ. Khi trên bãi chăn thả có lẫn cây
Amaranthus reetroflexus ở dạng tươi, non. Cũng có khi gặp trâu, bò bị nhiễm độc do cho ăn
cỏ non đã được bón quá nhiều đạm, phân hay sau khi trời mưa qua một vài ngày làm lượng
chất độc, nhất nitrate trong cây đột nhiên tăng cao.
* Triệu chứng: Mọi động vật cả dạ dày đơn và dạ dày kép đều mẫn cảm, tuy nhiên
triệu chứng của mỗi loài có khác nhau. Trước tiên chúng đều có biểu hiện chán ăn, suy nhược,
sau chuyển sang co giật, mất thăng bằng. Đặc biết các chi đều bị sưng tấy và viên các khớp
ngón, khớp cổ chân bị dính chặt (ở lợn triệu chứng này rất rõ). Hầu như động vật bị sưng, sau
kéo lê chi sau trước rồi chuyển nhanh sang trạng thái liệt. Cuối cùng hôn mê và chết trong
trạng thái nằm nghiêng. Một số trường hợp khác lại xuất hiện phù nơi vùng thấp (dọc bụng,
yếm). Lạc đà hay bị phù toàn thân. Nhiệt độ vẫn bình thường, không tăng nhưng BUN lại
tăng. Động vật thường bị chết sau 24 giờ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên, một số nhẹ chết
sau vài ngày.
Với động vật nhai lại, vi sinh vật trong dạ cỏ có khả năng biến nitrate trong cây thành
amoniac để tổng hợp protein. Sau đó prototzoa trong dạ cỏ sẽ thực bào vi sinh vật và sử dụng
thêm các gốc adenin, guanin và uraxin để tổng hợp nên a cid nucleic. Như vây thông qua vi
sinh vật và protozoa cộng sinh trong da cỏ, loài nhai lại đã sử dụng protein cao cấp. Khi hàm
lượng nitrate trong cây cao sẽ làm tăng độc tính của cây với loài nhai lại do lượng dư thừa
nitrate không được vi sinh vật sử dụng sẽ hấp thu vào máu gây methemoglobin. Khi trong
máu có khoảng 10% số hồng cầu bị chuyển thành dạng methemoglobin, khi đó lượng
cyanozid tiếp tục hấp thu vào máu báo vào bề mặt hồng cầu làm máu của hồng cầu chuyển
mầu nâu đen. Kết quả động vật chết do thiếu lượng oxy trong tổ chức tế bào.
* Bệnh tích: Độc tố của cây là độc tố thận (nephrotoxic) tấn công chủ yếu vào thận.
Bệnh tích chủ yếu xuất hiện trên thận. Thận không sưng to nhưng nhạt mầu. Vỏ thận bị xuất
huyết. Ôngs thận bị viêm, thoái hoá. Cầu thận và bể thận có sỏi không tan hay gặp ở lợn, trâu,
bò, ít gặp trên lạc đà. Xét nghiệm nước tiểu có nhiều tế bào ống thận.
Ngộ độc nitrate cấp tính thường gây bệnh tích trên niêm mạc mắt, mũi, miệng và da
toàn cơ thể mầu tím tái. Máu mầu nâu đen chocolat.
* Chữa trị: Không có thuốc chữa đặc hiệu cho chứng phù chân.
Chữa methemoglobin bằng cách tiêm tĩnh mạch liều 4 ml/25 kg thể trọng dung dịch
gồm 1ml natri nitrit 20% và 3 ml dung dịch natri thiosulphat 20%. Cũng có thể dùng 2 - 3 g
xanh methylen/220 kg thể trọng pha thành dung dịch có nồng độ 1 - 4% trong đường glucoza
5% truyền tĩnh mạch.

Cây thường lục - tên khác: trường bất lão, kim thất nương
Tên khoa học Phytolacca amercana L Họ Thường lục - Phytolacaceae.

* Đặc điểm thực vật: Thường lục là cây thảo sống lâu năm, cao khoảng 1 mét. Hoa
chum, mầu trắng, hoa nở tháng 5 - 7. Quả mọng, hình cầu dẹt, có 8 - 10 múi, chín vào tháng 8
-10 Khi chín có mầu đỏ hay tím đen. Quả chín chứa 8 - 10 hạt. Cây mọc hay được trồng làm
thuốc tương đối phổ biến ở Việt Nam. Trong tập sách “thân nông bản thảo” biên soạn đầu tiên
200 năm trước công nguyên cũng đã ghi nhận rễ cây này có độc.

154
155

*Độc tố: Chất độc có trong cây là do saponozid cùng với lượng nhỏ của ancaloid và
phytolaccin. Chất độc có trong toàn cây, nhưng rễ chứa nhiều nhất. Nhiều khi chồi non của
cây này được dùng làm rau xanh cho người. Tuỳ trường hợp, mùa vụ, ít khi thấy độc. Nhưng
cũng đã có những bằng chứng ghi nhận độc tố của cây, đặc biệt là rễ.
* Nguyên nhân: Động vật ăn cỏ thường bị nhiễm vào mùa xuân, do mưa phùn làm đất
ướt nhào, trong khi gặm cỏ chúng đã kéo cả rễ của cây từ dưới đất lên. Mùa hè khô, thức ăn
tốt rất ít khi gặp súc vật nhiễm độc. Cũng có thể do cây độc lẫn trong cỏ khô hay các hạt thức
ăn tinh: ngô, thóc, đậu dùng chế thức ăn cho động vật.
* Triệu chứng: Trâu, bò, cừu mẫn cảm với chất độc trong cây hơn các loài khác,
nhưng ngỗng, ngựa và lợn cũng có thể bị ngộ độc.
Chất độc trong cây kích thích mạnh niêm mạc ống tiêu hoá dạ dày - ruột. Vật bị nóng,
sinh rát ruột, thường tiêu chảy ra máu. Giảm sản lượng sữa sau vài ngày với bò. Trường hợp
nặng gây dung huyết do saponozid. Giai đoạn cuối nhận thấy vật bị sình bụng dữ dội do cơ
trơn bị co thắt. Súc vật bị chết trong 6 giờ do không thở được.
* Bệnh tích: Bệnh tích biến đổi rõ nhất ở đường tiêu hóa. xung, xuất huyết ở niêm
mạc dạ day - ruột rõ. Phổ biến là hiện tượng thiếu máu. Có thể bị dung huyết.
* Chữa trị: Dùng dầu và các chất bảo vệ niêm mạc đường tiêu hóa. Dùng a cid acetic
loáng để trung hòa độc tố. Dùng thuốc kích thích và các thuốc chữa triệu chứng khác. Có thể
truyền máu, chữa cho từng cá thể riêng biệt khi cần.
Việc làm bắt buộc là tìm ra cây độc có lẫn trong kho.

Cây ké đầu ngựa - cocklebur


Tên khoa học - Xanthium spp. Họ Cúc - Composite
* Đặc điểm thực vật: Cây mọc hoang khắp mọi miền trên thế giới và trong nước: đồi
núi, trung du, đồng bằng. Ké gồm nhiều loại: ké hoa vàng, ké đồng tiền, ké hoa tím, ké đầu
ngựa - xanthium strumarin L.... Riêng ké đầu ngựa ở Việt Nam đã được trong làm thuốc. Cây
cao 0,7 - 2 mét tuỳ điều kiện đất đai, thổ nhưỡng và cách chăm sóc. Thân có khía rãnh, lá gồm
3 cạnh, mép có răng cưa, lông ngắn, rặm. Quả hình thoi, cũng có lông cứng, hay dính trên
lông mình gia súc.
*Độc tố: Trong cây chứa glucozid-xanthostrummarin, khi thuỷ phân cho
hydroquinone là độc tố chính. Độc tố hydroquinone chỉ tim thấy khi cây còn non, đặc biệt có
nhiều trong hai lá mầm khi cây mới mọc khỏi mặt đất. Khi cây trưởng thành không tìm thất
chất độc nữa.
Liều gây chết tối thiểu của cây non (cây giống-seedling) khoảng 1,5% trọng lượng cơ
thể. Liều gây chết một lợn nặng 20 kg là 500 cây con.
* Nguyên nhân: Bình thường, động vật không hay ít ăn cây và quả. Cuối xuân, đầu hè
hay khi thời tiết ẩm ướt, cây canh thang mọc nhiều, động vật sẽ bị nhiễm. Cả lợn, trâu, bò,
cừu, dê đều bị nhiễm, trong đó lợn mẫn cảm nhất.
* Triệu chứng: Triệu chứng xuất hiện đầu tiên sau khi ăn vài giờ: vật nôn mửa nhiều
nên suy sụp nhanh, mất thăng bằng. Kiểm tra thấy nhiệt độ thường dưới trung bình. Vật bị sinh
bụng dữ dội do xuất hiện những cơn có thắt cơ trơn đường tiêu hoá. Cơ vân cũng bị co thắt gây co
cóp tứ chi. Thường chết sau khi ăn 48 giờ và khoảng 3 - 4 giờ sau khi xuất hiện triệu chứng đầu
tiên.

155
156

Loài nhai lại: trâu, bò trưởng thành nhìn chung có sức chịu đựng cao hơn tiểu gia súc,
nhưng với bê, nghé lại mẫn cảm hơn. Bê nghé thường chết sau khi ăn 12 giờ hay chết ngay.
Nhiều con bị mù do bị kích thích quá mẫn, xuất hiện những cơn co, giật nổi u, cục trên khắp
các cơ bắp là triệu chứng khá điển hình.
*Bệnh tích: Dạ dày bị kích thích mạnh gây xung, xuất huyết mạnh. Gan xuất huyết,
mầu vàng, thô nhám. Chất độc chủ yếu tấn công vào gan. Bệnh lý của gan biến đổi từ từ
giống như trúng độc độc tố nấm mốc. ống thận bị thoái hoá. Xét nghiệm nước tiểu có nhiều tế
bào ống thận. Trên lợn bệnh sơ gan tiến triển rất rõ, nhìn rõ tế bào gan bị hoại tử.
* Chữa trị: Dùng các chất gây nôn và khử độc là biện pháp hiệu quả nhất. Ngăn cản
sự hấp thu chất độc vào cơ thể bằng cách cho vật uống dầu thực vật hay mỡ lợn. Chú y giữ ấm
cho cơ thể là điều kiện bắt buộc.
Cần thiết tiêm physostigmine vào bắp liều 5 - 30 mg/con tuỳ trọng lượng; tiêm nhắc
lại sau 30 phút đến 1 giờ.
Những cây giống keo giậu Cassia spp senna
Tên la tinh: Leguminosae. Thuộc các họ Trinh nữ pulse hay bean family.
Trong nhóm này có nhiều cây, trong dó có những cây gây độc sau: C. Fasciculata
michx; C. Lindheimeriana scheele, Lindheimeriana senna; C. Occidentalis coffee senna. L; C.
Tora; C. obtusifolia. L; C. sicklepod, seckle senna.
* Đặc điểm thực vật: Cây cỏ sống hàng năm hay lâu năm: trinh nữ, keo dậu (C.
Lindheimeriana scheele, Lindheimeriana senna). Lá kép lông chim chẵn gồm 4-6 lá lớn. Hoa
mọc ở nách lá hay ngọn cành mầu vàng, trắng, tím dễ phát hiện. Quả giác dài có nhiều hạt.
Cây mọc thẳng hay thành bụi tự quấn lên nhau ở hai bên đường đi, đất hoang, đồng cỏ.
* Độc tố: Hạt của các cây này chứa chất độc giống như chất tẩy. Độc tố trong hạt tuy
chưa được phân loại nhưng có khả năng gây độc cho cơ trơn ống tiêu hóa, gan. Trong lá và
cành cây C.Occidentalis cũng chứa chất độc.
* Nguyên nhân: Mọi loài ăn cỏ đều mẫn cảm với chất độc. Hay gặp vào mùa hè khi
cây phát triển lẫn trong cỏ tốt. Cũng có khi gặp do cho ăn cỏ khô.
* Triệu chứng: Triệu chứng đầu tiên: biếng ăn, sình bụng, tiêu chảy, rất hiếm khi gặp
động vật chết.
Cây trong nhóm này: C. Occidentalis, C. perhaps, C. Tora, đều chứa chất độc là
nguyên nhân gây nên chứng co thắt cơ trơn, quáng gà. Thân nhiệt không tăng là đặc trưng
điển hình trên trâu, bò. Ngoài ra còn có thêm chứng đái dục, mất thăng bằng, hay nằm
nghiêng rồi chết sau 5 -7 ngày. Tiêu chảy, mất tính thèm ăn, mất nước. Khi chết trạng thái bị
thay đổi, cơ co giật. Với bê, nghé có triệu chứng co giật cơ bắp, co cuộn từ bắp này chuyển
sang bắp khác rất rõ sau đó sẽ chết.
Chất độc của vài cây thuộc cassia spp cũng có thể thấy trên gia cầm. Còn chất độc
trong hạt khô C. fasciculata là catharic lại chỉ gây độc cho gia súc.
* Bệnh tích: Chất độc cuả các cây C. Occidentalis là nguyên nhân tái diễn hoại tử các
tế bào cơ trơn đường tiêu hóa rất khác nhau. Chất độc tấn công vào dạ dày - ruột, gan gây
thoái hóa mỡ, viêm thận cấp và thoái hóa các ống thận.
* Chữa trị: Sử dụng thuốc bảo vệ để niêm mạc đường tiêu hoá là biện pháp điều trị hiệu
quả nhất. Kết hợp dùng thêm thuốc giảm đau, an thần - sedatives. Sử dụng các thuốc: thuốc tẩy,
thuốc làm săn, se niêm mạc và thuốc chống co thắt cơ trơn tùy theo triệu chứng cụ thể của từng

156
157

con vật. Thường với loài nhai lại để lấy lại sự cân bằng ở đường tiêu hóa phải mất khoảng vài
tuần.

Cây thầu dầu tên khác: đu đủ tía, dầu sinh, tỳ sinh.


Tên khoa học Ricinus communis L Họ thầu dầu Euphorbiaceae
* Đặc tính thực vật:
Cây cỏ sống lâu năm thân mảnh, cao 1 - 2 mét (nhiều cây cao hơn), lá mọc so sinh có
cuống dài, phiến lá hình chân vịt, có nhiều thùy, thường 5, 7, 9 có khi tới 11 thùy. Hoa mọc
thành chùm trên ngọn. Quả có 3 mảnh vỏ, hạt hình trứng, hơi dẹt giống sinh ký sinh mầu xám
có vân đỏ nâu hay đen.
* Độc tố: Độc chất chính là ricin và phytotoxin, chúng có mặt ở mọi bộ phận của cây,
đặc biệt nhiều trong hạt. Phytotoxin và ricin là protein thực vật gây độc cho tế bào. Cơ chế
gây độc của nó giống như kháng nguyên có khả năng tạo kháng thể trong cơ chế gây dị ứng.
Độc tố rất mạnh. Liều gây chết của ricin 0,0001 mg/kg thể trọng.
* Nguyên nhân: Do cây có mùi nên phần lớn động vật thường không ăn, trừ khi bị thiếu
thức ăn hay bỏ đói. Động vật bị nhiễm thường do trong thức ăn có lẫn hạt đã bị nghiền nát.
* Triệu chứng: Tất cả các loài động vật đều mẫn cảm với dầu và hạt thầu dần.
Thường có hai dạng. Dạng quá mẫn hay bị shock do độc tố protein thực vật là phytotoxin và
ricin có trong hạt. Dạng tiềm tàng thường diễn ra chậm sau vài giờ hay vài ngày trước khi có
các triệu chứng điển hình phát triển. Chính phytotoxin là nguyên nhân gây độc với các triệu
chứng giống như nhiễm độc độc tố của vi khuẩn. Sốt cao, nôn, sinh bụng do cơ trơn đường
tiêu hóa bị co thắt gây tiêu chảy, cơ bắp co vặn, sau co giật, hôn mê rồi chết. Với ngựa có thể
chết sau 24 - 36 giờ.
* Bệnh tích: Đường tiêu hóa bị viêm chứa nhiều chất nhày, chảy máu dạ dày, ruột. Có
nhiều nốt, cục, u ở hạch lâm sinh màng treo ruột. Hạch màng treo ruột bị sưng to, phù.
* Chữa trị: Giữ ấm cho cơ thể. Dùng thuốc chống dị ứng - antihistamin, thuốc tẩy và
thuốc bảo vệ niêm mạc ống tiêu hóa như dầu đặc biệt hay các dầu thực vật. Dùng thuốc giảm
sinh sedatives. Tốt nhất là truyền huyết thanh miễn dịch chống ricin.

Cây ba đậu
Tên khoa học croton tiglium. L. Họ Thầu dầu - Euphorbiaceae.
Các cây có độc bao gồm: C. sagittalis, C. spectabilis, C. retusa và C. giant striata.
Trong số đó độc nhất là cây C. sagittalis.
* Đặc điểm thực vật: Ba đậu cây gỗ cao 3 - 6 mét, cành nhẵn, lá mọc so levels, hình
trứng. Trong cây có một số lá mầu đỏ nâu trên ngọn cành. Hoa mọc thành chùm ở đầu cành.
Qủa giác, nang nhẵn, vỏ có 3 mảnh. Hạt hình trứng dài 10mm, rộng 4 - 6 mm vỏ hạt cứng,
mờ, mầu nâu xám. Cây mọc nhiều ở Đông - Nam nước Mỹ, Trung Quốc. Trong nước mọc
nhiều ở tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Thái Nguyên và các tỉnh miền Trung Bộ.
Thu quả chín từ tháng 7 - 8 về tách hạt hay phơi cả vỏ khô dùng dần.
* Độc tố: Chất độc tồn tại trong tất cả các thời kỳ phát triển của cây, nhưng khả năng
gây độc cao nhất vào cuối mùa hè, khi sức đề kháng của cơ thể kém và cả mùa đông. Hạt
chứa nhiều chất độc nhất. Tùy từng loại, trong hạt có khoảng 30 -50% dầu. Trong dầu chứa
crotonozid, anbumoza là protein thực vật rất độc và một ancaloit gần giống như ricin của hạt

157
158

thầu dầu. Chất độc gây tẩy mạnh là croton resin. Croton chính gồm croton-anbumin và
croton- globulin là protein thực vật độc với nguyên sinh chất tế bào niêm mạc suốt dọc niêm
mạc đường tiêu hoá từ dạ dày đến ruột. Đôi khi còn làm đông vón máu. Dầu ba đậu có độ độc
gần gấp 30 lần so với dầu thầu dầu.
Chất độc ancaloid, monocrotaline được lấy ra từ C. sagittalís và C. retusa rất nguy
hiềm. Các chất ancaloid, monocrotaline vừa gây độc cho tế bào dạ dày - ruột vừa gây đông
vón máu. Chất chiết lấy ra từ hạt C. spectabilis ít độc nhất, không gây đông máu. Khả năng
nhiễm độc cũng rất khác nhau điều này còn tùy thuộc loài động vật.
Chất độc của C. spectabilis rất độc với gia cầm, dùng nồng độ 0,05% hạt sẽ ức chế tốc
độ lớn của gia cầm con, nồng độ 0,3% sẽ có 100% gà con chết sau 18 ngày. Trên gà trưởng
thành chết sau 30 - 60 ngày.
Bê, nghé đực nặng 120 - 130 kg đã bị chết bởi 0,4 kg hạt trong 4 ngày. 2 gam hạt đã
làm chết một lợn 22 kg trong 7 ngày.
Độ độc của C. giant atriata thấp hơn. Trâu, bò, ngựa, cừu, lợn có thể chịu được nồng
độ 5% trong khẩu phần ăn. Với gia cầm lại rất độc chỉ 0,1% đã có biểu hiện ngộ độc. Hạt C.
retusa độc hơn C. spectabilis.
* Nguyên nhân: Động vật ăn cỏ cũng có thể bị nhiễm độc do ăn phải cây độc mọc trên
đồng cỏ, hai bên đường lẫn trong cây thức ăn. Cũng có khi ăn phải hạt có trong khẩu phần.
Với lợn lá có thể gây độc mạnh hơn hạt do một phần hạt có trong khẩu phần không
được hấp thu ở đường tiêu hóa. Những chất độc có trong cây C. rentusa khi dùng với nồng độ
thấp lại có tác dụng kích thích tiêu hóa, không có biểu hiện độc.
* Triệu chứng: Trâu, bò, ngựa, la, cừu, dê, lợn và gia cầm đều mẫn cảm. vật nuôi bị
nhiễm độc ở hai thể cấp và mạn tính.
- Thề cấp tính: Xuất hiện triệu chứng đầu tiên sau khi ăn cây 24 giờ, và chết sau 96
giờ. Biểu hiện: chán ăn, viêm miệng, họng do dầu kích thích gây phồng, rộp. Đau bụng dữ dội
do dạ dày ruột bị kích thích, tiêu chảy phân lẫn máu. Mạch nhanh, yếu, huyết áp hạ. Khi chết
máu vẫn tiếp tục chảy ra ở hậu môn.
- Thể mạn tính: Thường kéo dài 2 - 6 tháng với các triệu chứng phát triển dần. Ngựa,
la có thể chết khoảng 6 - 8 tháng sau khi ăn cây với liều thấp và được nhắc lại thường xuyên,
cá biệt có con chết trong 1 - 2 tuần. Triệu chứng bệnh mạn tính: giảm cân, chán ăn, suy sụp.
Cả trâu, bò, lợn và gia cầm đều có trạng thái bị kích thích mạnh ở đường tiêu hóa dạ dày, ruột
nên bị sinh bụng, tiêu chaỷ thường xuyên.
* Bệnh tích: Gan bị xơ và thoái hóa là biểu hiện đầu tiên, nhìn bên ngoài gan bị sần
sùi, nổi u, cục cuộn lên. Do gan bị bệnh nên thịt lợn bị vàng. Thận trâu, bò bị xuất huyết.
Theo Berry và Bras chính ancalois của crotalaria là độc tố hepatotoxic gây bệnh tích của gan.
* Chữa trị: Thể cấp tính sau khi dùng thuốc tẩy mạnh cho vật uống nước lạnh hay nuốt
đá cục để giảm kích thích ở đường tiêu hoá, giảm sinh bụng. Dùng thuốc chữa triệu chứng như
các thuốc bảo vệ niêm mạc đường tiêu hóa bảo vệ gan. Cần thiết có thể truyền máu.

Cây mắc kẹn - tên khác cây bàm bàm, may kho, sinh keyeng
Tên khoa học Aesculus sinensis Bunge. Họ Bồ hòn - Sapindaceae.
Trong họ Aesculus spp này có các cây gây độc sau: A. californica buckeye, A. glabra
willd, Ahippocastanum L,

158
159

* Đặc điểm thực vật: Cây mọc hoang hay được trồng ở một số tỉnh miền núi: Lạng
Sơn, Cao Bằng, Hòa Bình, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Hà Tây, Thái Nguyên… Trong dân
thường dùng quả để ăn hay ép dầu, vỏ cây dùng thuốc cá.
Cây gỗ mọc phổ biến, cao khoảng 3 - 5 mét, lá kép chân vịt chung một cuống gồm 5 - 7
lá chét hình mác thuôn. Khi trồng được 4 - 5 năm cây sẽ cho quả. Một cây cho khoảng 25 kg.
Ra hoa vào tháng 3 - 4, thu quả tháng 9 - 10. Quả chùm, trong quả chứa 1 - 3 hạt, mầu shocola.
* Độc tố: Trong cây chứa glucozid: aesculin, fraxin, có một saponozid có độc với cá
và ngoại ký sinh trúng, ở cây A. glabra willd còn có ancaloid - narcotic. Cả vỏ, quả, hạt và lá
đều chứa chât độc.
* Triêụ chứng: Động vật ăn cỏ hay bị trúng độc từ đường tiêu hóa: trâu, bò, cừu, ngựa.
Các triệu chứng: nôn, vô thức, hoảng loạn, dán đồng tử mắt xuất hiện nhanh sau khi ăn. Với cơ
bắp, lúc đầu xuất hiện co giật sau chuyển sang liệt, hôn mê rồi chết. Với ngựa gây sình bụng.
* Chữa trị: Uống thuốc tẩy, than hoạt tính, lòng trắng chứng. Dùng thuốc kích thích
hệ thần kinh, chống hôn mê.

Cây ban - tên khác điền vương, điền cơ vàng, nọc sởi, châm hương
Tên khoa học - Hypericum japonicum Thunb. Họ Hoa ban Hypericaceae.
* Đặc điểm thực vật: Cây cỏ nhỏ cao 10 - 20cm, thân nhẵn lá mọc đối, hình bầu dục.
Hoa nhỏ, mọc đơn ở kẽ lá, mầu vàng. Cây mọc nhiều ở ruộng nên có tên điền cơ vàng. Cây
bắt đầu mọc ở mùa xuân, hè có hoa, cuối thu sang đông cây lụi.
*Độc tố: Chất độc có trong cây là hypericin, là dẫn xuất của helianthrone.
Helianthrone chính là nguyên nhân gây nên sự quá mẫn cảm với ánh sáng của động vât.
* Nguyên nhân: Cây cỏ này có mùi vị khó chịu, chính động vật cũng không thích ăn,
chỉ khi nào thiếu thức ăn xanh, hay đói, hoặc đồng cỏ có cây này mọc lẫn.
* Triệu chứng: Những động vật ăn cỏ mẫn cảm hơn: trâu, bó, cừu, ngựa. Tăng khả
năng mẫn cảm với ánh sáng sau khi ăn phải cỏ này là biểu hiện đầu tiên. Những vùng da mầu
trắng, phía dưới của cơ thể cũng bị ảnh hưởng. Trước tiên xuất hiện ban đỏ trên da, sau đó sẽ
bị phù. Nơi phù luôn di chuyển trên da. Những nơi da hay bị phồng trên cổ ngựa trắng. Hoại
tử và bong tróc da là triệu chứng chính. Phần cuối cùng của tai có thể bị mất, lông không mọc
lại được ở những chỗ da đã bị hoại tử. Mắt sưng to, căng phồng, viêm giác mạc, là nguyên
nhân dẫn đến mù ở động vật. Một số trường hợp bị ngứa khắp cơ thể là nguyên nhân làm cho
vật bị cuồng loạn sau đó chuyển sang co giậy. Động vật cố gắng tìm bóng mát và rất mẫn cảm
khi ta sờ vào mình chúng hay khi lạnh. Tỷ lệ động vật chết thấp, song đấy là nguyên nhân gây
nhiễm trùng kế phát.
* Bệnh tích: Chủ yếu gây tổn thương da do phù, da bị hoại tử, bong, tróc. Nước bọt
tăng tiết, dịch nhày, nhớt chảy nhiều xung quanh miệng. Dịch nhày, nhớt chảy ra từ mũi,
xoang mũi. Viêm kết mạc mắt chuyển từ mầu tím xanh đỏ sang mầu sáng nhợt nhạt
* Chữa trị: Tìm mọi cách loại bỏ chất độc của cây là biện pháp hàng đầu. Sau đó trị triệu
chứng cục bộ. Không cho vât tiếp xúc với ánh sáng mặt trời: chăn thả vào buổi tối, trong bóng
mát hay che phủ phần da của cơ thể bằng các thuốc các vải mầu đen hay thuốc nhuộm mầu đen.

Thuỳ tiên
Tên khoa học: Narcissus tazetta L. Họ Thuỳ tiên Ampicillinaryllidaceae.

159
160

* Đặc điểm sinh vật: Cây thảo sống hàng năm, thân, củ giả giống như cây hành, lá hình
bản dài 30-40cm, rộng khoảng 2cm. Cụm hoa trên ngọn cây gồm 6-8 hoa. Quả nang. Cây mọc
ở các nước vùng Đông Nam á: Nhật bản, Trung Quốc. Nước ta hiện được trồng làm cảnh.
* Độc tố: Toàn cây, đặc biệt thân giả có các chứa ancloid: narxipotein, narxisin độc
cho gia súc.
* Nguyên nhân: Trâu, bò, dê, lợn... đều mẫn cảm., động vật ăn phải thân củ của cây
do người đào lên vứt bỏ quanh vườn hay trên bở ruộng lẫn trong cỏ.
* Triệu chứng: Triệu chứng xẩy ra nhanh ngay sau khi súc vật ăn phải với các triệu
chứng sau: Trên lợn nôn, mửa, tiêu chảy.
Với loài ăn cỏ gây viêm đại tràng, táo bón. Thân nhiệt tăng, thở nhanh, sau chuyển
sang suy sụp toàn thân, chán ăn, sinh bụng, co giật cơ. Sang ngày thứ 2 thứ 3 bệnh nặng hơn.
* Chữa trị: Dùng thuốc bảo vệ niêm mạc và thuốc tẩy. Trước tiên uống các chất kết
tủa, hấp phụ chất độc: đất sét, tanin, than hoạt. Sau đó uống thuốc tẩy. Kết hợp điều trị triệu
chứng của từng loài động vật.
Cây cần độc poisonhemlock cây cần tây, mùi tây
Tên khoa học Cinium maculatum L; Họ hoa tán Umbelliferae
Trong họ nay có các cây độc: C. Maculata, C. Douglasis, C. Occidentalis.
* Đặc điểm thực vật: Cây cỏ sống hàng năm, mọc lề đường hay được trồng nhiều ở
vùng đất thấp có nước.
* Độc tố: Chất độc có trong quá trình phát triển của cây là c - coniceine, trong hoa và
quả hàm lượng coniien và N - methylconiine tăng dần lên, ngược lại hàm lượng c - coniceine
lại giảm dần. Trong quả ancaloid chính gây độc là N - methylconiine. Hai ancaloid khác,
conhydrine và pseudoconhydrine có hàm lượng rất nhỏ. Các chất Coniine và c - coniceine có
tỷ lệ nghịch với nhau trong quá trình phát triển của quả. Công thức phân tử của chúng chỉ
khác nhau có 2 nguyên tử hydrogen của vòng benzen. Hai ancaloid này trong cơ thể ức chế
phản ứng oxy hóa của nguyên sinh chất tế bào. Hàm lượng ancaloid trong cây đạt cao vào
mùa hè, khi có mưa. Coniine là ancaloid được tổng hợp đầu tiên.
* Nguyên nhân: Động vật bị độc là do ăn phải cây lẫn trong bãi chăn thả.
* Triệu chứng: Dường như tất cả động vật đều mẫn cảm, nhưng trâu, bò bị nhiều hơn.
Độc tố làm suy nhược hệ thần kinh tự động sau đó gây liệt, co giật, mất thăng bằng, tăng tiết
nước bọt, suy sụp nhanh chóng, sinh bụng. Con vật thích năm nghiên. Thở chậm, sau chuyển
thở không đều (thở shelstock). Vật co giật, thờ ơ. Ngừng thở trước khi tim ngừng đập. Vật
chết do không thở được. Nước tiểu mầu xám, mùi đặc trưng, kiểu hô hấp, thở như đã nêu đó
là các triệu chứng điển hình trong chẩn đoán.
* Bệnh tích: Thay đổi không điển hình.
* Chữa trị: Nhanh chóng lấy chất độc ra, dùng các thuốc bảo vệ niêm mạc đường tiêu
hóa. Cho uống a cid tanic để kết tủa ancaloid. Dùng thuốc kích thích hô hấp, kết hợp chữa các
triệu chứng cục bộ. Trong đó kích thích hô hấp là biện pháp đầu tiên, cần thiết nhất. Tìm cách
loại các ancaloid có trong đường tiêu hóa.

Cây thuốc lá, thuốc lào - tabacco

160
161

Tên khoa học Nicotiana tabacum L Thuốc lá, Nicotiana. rustica L


Thuốc lào. Họ Cà Solanceae
* Nguyên nhân: Thường cây có mùi nên động vật không ăn, chúng bị nhiễm độc là do
ăn phải cỏ có chứa thuốc bảo vệ thực vật.
* Độc tố: Trong toàn cây chứa chất độc nicotin, tập trung nhiều trong lá chuyển mầu
vàng. Nicotin rất độc với động vật máu nóng. LD50 trên chuột 58 - 60 mg/kg thể trọng. Với
người 20 - 60 mg tuỳ độ mẫn cảm của hệ thần kinh. Liều gây chết tối thiểu ở ngựa 200 -300
mg; cừu 100 - 200 mg; chó, mèo 20 - 100 mg/con. Liều độc trên trâu, bò 4,5 mg/kg thể trọng.
Trâu, bò trưởng thành ăn 300 - 500 gam thuốc khô có thể chết.
* Cơ chế: Độc chất hấp thu tốt qua da tổn thương, niêm mạc đường tiêu hoá, hô hấp.
Thuốc tác dụng trực tiếp lên cả hệ thần kinh trưng ương và thần kinh tự động. Trên các sợi
thần kinh, nó tác dụng vào synap thần kinh. Giai đoạn kích thích thường qua đi rất nhanh và
rơi vào trạng thái ức chế. Động vật chết do bị liệt cơ hô hấp, gây ngạt thở.
Nicotin tác dụng mạnh trên thần kinh tự động, trước tiên kích thích hạch phó giao cảm
làm tụt huyết áp, tăng phân tiết của các tuyến: nước bọt, dịch dạ day, ruột gây tiêu chảy, tăng
tiết mồ hôi, gây co đồng tử. Sau đó chuyển sang kích thích giao cảm gây tác dụng ngược lại:
tăng huyết áp, dãn đồng tử. Khi cả hai hạch đều liệt sẽ gây co giật, làm run cơ.
* Triệu chứng: Với động vật thường xẩy ra rất nhanh chỉ vài phút sau khi nhiễm. Vật
không yên tĩnh, thải phân bừa bãi, chảy nhiều dãi, nhớt. Bệnh tích không điển hình.
* Chữa trị: Không có thuốc đặc hiệu. Có thể dùng thuốc rửa dạ day như thuốc tím
0,1%, uống thuốc tẩy, than hoạt tính hay nước a cid acetic loãng. Dùng thuốc trợ sức, trợ tim.

bạch hoa xà Tên khác đuôi công, cây chiến, bươm bướm tích lan
Tên khoa học Plumbago zeylanica L. Họ đuôi công Plumbaginceae.
* Đặc điểm sinh học: Cây thảo, mọc hoang hay được trồng ở nhiều nơi trong nước ta.
Cây mọc nhiều ở các nước: Trung Quốc, Nhật Bản, ấ Độ, Inđônexia, Malaixia và các nước
Châu Phi. Cây cao khoảng 1 mét, nhiều cành. Là mọc so sinh, hình trứng, đầu nhọn. Hoa
chùm, mọc ở ké lá có nhiều hoa nhỏ mầu trắng.
* Độc tố: Là, cành non và rễ cây chứa chất độc plumbagin gây viêm da và dung huyết.
Dung dịch plumbagin tiêm cho chuột có thai sẽ gây chết thai và rối loạn sự phát triển của
trứng. Tại ấn Độ dùng plumbagin chiết từ bạch hoa xà chữa khối u ung thư trên chuột thực
nghiệm làm giảm sự phát triển của u tới 70%.
* Nguyên nhân: Thường lá, rễ cây này có mùi hắc, động vật gặm cỏ ít khi ăn, khi bị
đói, chúng sẽ ăn. Trên da khi tiếp xúc với cây (dùng lá và rễ cây giã nát, đắp, sát trên da đã
bị nấm gây rụng lông, bệnh hủi) nếu đắp lâu trên da đã bị tổn thường sẽ gây viêm đỏ, bỏng
da.
* Triệu chứng: Tuỳ hàm lượng, khi trâu, bò ăn sẽ gây ngộ độc: tiêu chảy, ăn nhiều
gây nôn, tiêu chảy ra máu. rối loạn vận động, tê liệt nửa thân sau. Con cái có thể gây xẩy thai.
* Chữa trị: Với vết thương trên da dùng nước hay dung dịch a cid boric loàng rửa
sạch. Nếu có loét bôi thuốc mỡ a cid boric. Khi ăn phải dùng thuốc bảo vệ niêm mạc, gây
nôn, rửa dạ dày hay uống than hoạt, lòng trắng trứng. Khi đã liệt nửa thân sau dùng thuốc trợ
sức, truyền đường glucoza. Gia súc có thai tiêm progesterol và vitamin E. để bảo vệ thai.

161
162

Tảo độc (blue - green algae)

* Đặc điểm của tảo độc: Tảo sống dưới nước tùy loài có dạng mọc rất tốt, dầy kín cả
mặt nước của ao, hồ, nhưng cũng có loại chỉ có một lớp váng rất mỏng mầy xanh trên mặt
nước. Phần lớn tảo không độc thường làm thức ăn cho động vật dưới nước: cá, tôm, cua,
ốc...Việc nhận biết ra tảo độc cần có chuyên môn. Thường hay gặp độc đối với động vật trên
cạn được uống nước trong hồ. Trong hồ khi có tảo mọc, nước thường xanh. Tảo phát triển
mạnh khi nước trong hồ đang bị cạn, nơi nước đọng, ao tù.
* Độc tố: Tảo sản sinh ra nội độc tố chứa trong các tế bào. Động vật uống nước có
chứa tảo, trong ống tiêu hoá, tảo chết nội độc tố được giải phóng. Độc tố gây chết của tảo
Microcystis aeruginosae là photosensitization. Khi tảo còn sống, không tìm thấy độc tố. Độc
tố tăng rất nhanh trong khoảng 18 - 20 giờ sau khi bị chết. Nước trong ao, hồ do một nguyên
nhân nào đó làm chết tảo, khi đó mọi vật sống sử dụng nước đó uống sẽ bị nhiễm độc. Trâu
bò mẫn cảm nhất, chết rất nhanh.
Nhận dạng: nước ao, hồ tự nhiên chuyển mầu đỏ trong vài ngày, sau lại chuyển mầu
hồng đỏ khi mùa đông xuất hiện. Lúc đầu chỉ là các cum tảo rất mỏng có hoa mầu đen xanh,
sau đó cả hồ có váng mỏng mầu xanh. Động vật ăn thịt uống nước hồ này sẽ bị nhiễm độc.
Nước nhiễm độc tảo thường xuất hiện hàng năm khi mùa đông tới.
* Triệu chứng: Tất cả động vật có vú, gia cầm kể cả vịt, cá và chim ăn cá đều bị
nhiễm độc. Trong đó trâu, bò, cừu, ngựa mẫn cảm nhất có thể chết trong khoảng một giờ. Các
triệu chứng điển hình: tiêu chảy ra máu, khó thở, cơ bắp bị co giật, mất thăng bằng. Chất độc
photosensitization của tảo có thể làm vật suy kiết gần như chết.
* Bệnh tích: Phần lớn các trường hợp trên đại gia súc đều không có bệnh tích hay
bệnh tích không điển hình. Khi mổ khảm có thể thấy máu mầu đen, xuất huyết cả nội, ngoại
tâm mạc. Phổi xuất huyết lốm đốm. Gan to có vệt lốm đốm. Số khác có thể bị viêm dạ dày.
* Chữa trị: Không có thuốc đặc hiệu. Có thể sử dụng dung dịch natri nitrit 20% 10 ml và
natri thiosulphat 20% 30 ml trộn đều, tiêm tĩnh mạch cứ 10ml/100 kg thể trọng. Nên dùng thêm
calxium gluconate đường dextrose hay xanh methylen tiêm mạch. Diệt tảo độc trong ao, hồ trước
khi mùa đông đến bằng đồng sulphat nồng độ 1 ppm hay disodium endothal nồng độ 2 - 3 ppm.
2. chất Độc nguồn gốc động vật
2.1. Nọc độc của các động vật sống trên cạn
a. Nọc độc của loài rắn
* Nọc độc của rắn: Có nhiều loài rắn, nhưng không phải loài rắn nào cũng có độc.
Thực tế chỉ có một phần trong chúng có nọc độc rất nguy hiểm cho người và động vật. Các
loài rắn có nọc độc gồm:
Loài rắn vipers sống trong hang đất ở khắp châu lục: rắn chuông Crotalus sp, hổ mang
Agkistrondon mokasen, rắn lục xanh sống trên cây trong rừng... Loài rắn sống trong rừng
đước Boiga dendrophila.
Loại sống ở biển: rắn đỏ hay loại nhiều mầu sắc sống trong hang ngầm san hô của biển
Micrurus euryxanthus. Loại sống dưới nước - rắn nước Agkistrodon piscivorus.
* Khả năng gây độc của rắn

162
163

Tuỳ loài, kích thước rắn. Thường các loài rắn nhỏ (rắn lục xanh), tuỳ lượng nọc ít
nhưng lại có độ độc rất nguy hiểm. Tuỳ thời gian bị kéo dài kể từ lúc bị cắn đến khi chữa. Tùy
loài động vật bị cắn, tuổi, trọng lượng và trạng thái của động vật khi bị rắn cắn. Số răng độc
(răng chính là nọc). Vị trí rắn cắn: đầu, mình hay tứ chi. Hướng tấn công của nọc độc: thần
kinh, sinh lý hô hấp, tuần hoàn...
Phụ thuộc loài động vật bị rắn cắn: chó mẫn cảm với nọc độc của rắn hơn mèo. Lợn
tùy thuộc từng cá thể và vị trí cắn. Nếu lợn bị cắn vào phần mỡ sẽ không có phản ứng. Ngựa
đề kháng hoàn toàn với nọc độc của rắn.
Bảng 7.5: Bảng so sánh về cường độ nọc độc của các loài rắn
Loài rắn Lượng nọc/lần cắn LD50/lần tiêm tĩnh mạch
Hổ mang bành châu á 170 - 325 0,40
Rắn cạp nong ấn Độ 8 - 20 0,09
Rắn đuôi chuông Nga 13- - 250 0,08
Rắn hổ mang châu âu 30 - 70 0,04
Rắn biển đại tây dương 4 - 20 0,01
Rắn hổ mang châu Phi 130 - 200 3,68
Rắn cạp nong, nia miền Đông 370 - 720 1,68
Rắn đuôi chuông biển Bắc 75 - 160 1,29
Rắn đá hoa cương đuôi chuông Mojave 50 - 90 0,21
Rắn đuôi chuông trên rừng núi châu á 40 - 72 10,92
Rắn đá hoa ở ngần san hô biển Đông 2-6 0,97

Chú ý: khả năng tiết nọc/lần khai thác của rắn càng ít, nọc rắn càng độc.
*. Chẩn đoán phân biệt
Nhìn rõ vết cắn. Nếu cắn ở chi có thể bị què, sau chuyển hủy hoại rất nhanh qung
quanh vết cắn. Vật ngạt thở nếu bị cắn ở phần đầu. Động mạch bị viêm, tế bào bị huỷ hoại.
*. Chữa trị
Dùng thuốc chống dị ứng: nếu nọc rắn quá độc, con vật có thể chết ngay tức khắc.
Cũng có thể cấp cứu bằng adrenalin hay corticosteriods. Tiêm thuốc kháng histamin - điều này
còn phụ thuộc giá trị kinh tế của động vật bị cắn. Ngăn cản sự hấp thu nọc độc vào cơ thể động
vật: buộc garo, chườm lạnh, nặn vết cắn cho đến khi hết máu chảy ra, rửa sạch vết thương.
Dùng thuốc chữa rắn cắn antivenin - crotalidae - polyvalent liều 10 - 50 ml/con
Trị triệu chứng: truyền calcium glucoza, thuốc trấn tĩnh (giảm đau) hay thuốc kích
thích (hôn mê). Cho thở oxygen, mở khí quản chống ngạt nếu bị rắn độc cắn vùng đầu gây
viêm sưng tấy chẹn đường dẫn khí. Thuốc chống viêm: tetanus antitoxin; antihiotic. Chống
chảy máu: truyền calcium gluconat, truyền máu, dịch hoa quả. Trị hủy hoại tế bào: chườm
lạnh hay enzym proteolytic
Những điều cần lưu ý khi chữa trị. Biện pháp buộc garo và chườm lạnh rất quan
trọng, nó sẽ ngăn chặn nọc độc rắn hấp thu vào gây hủy hoại tế bào tràn lan.

163
164

Vết thường bên ngoài dùng thuốc tím rội rửa để phá hủy nọc độc của rắn. Trong số các
biện pháp nêu trên, việc dùng thuốc đặc hiệu chữa rắn cắn vẫn là biện pháp có hiệu quả nhất.
* Nọc độc của rắn đuôi chuông cắn
Triệu chứng khi bị rắn đuôi chuông cắn: Phù, nổi ban đỏ vị trí cắn, cũng có khi ban đỏ
khắp người, hay chỉ một phần cơ thể gần vị trí cắn hoặc một chi bị cắn. Rất đau do vết cắn
sưng tấy rất nhanh, có khi sưng cứng các chi. Vật rất khát nước, đòi uống liên tục. Shock quá
mẫn rất quan trọng với động vật nhỏ, ít khi gặp ở động vật lớn. Buồn nôn, nôn, tiêu chảy với
động vật nhỏ. Chán ăn do quá đau. Có triệu chứng thần kinh, hay bị liệt nửa người phía chi
sau. Rất khó thở, đặc biệt khi bị cắn vào mũi, mõm. Nếu cắn ở mũi, da mũi bị tróc, chảy nước
có bọt sùi ra ở lỗ mũi. Mù do mắt sưng quá to, mắt nhắm chặt không mở được. Máu chảy có
khi hàng giờ. Sau đó vết cắn bị viêm cục bộ
Khả năng gây độc của nọc rắn còn phụ thuốc mùa trong năm. Thường mùa xuân khi bị
ngã rắn sẽ cắn vùng đầu, gây nguy hiểm nhất. Đặc biệt chú ý quan sát loại rắn cắn để có biện
pháp tích cực, phù hợp khi tìm thuốc chữa.
b. Nọc độc của loài bò sát có 4 chi - Lizards
Có nhiều loài bò sát, trong đó chỉ số ít chứa nọc độc: loài Gila manster Helodema
suspectum; loài Mexican beaded lizard có Heloderma horridum.
Kỳ nhông của Caliornia - Taricha torosa. Châu âu - Triturus spp; Tai Anh - UNK có
Bombia spp
* Đặc điểm chung của bò sát có nọc độc.
Có hàm răng chắc, khỏe, trong đó có 4 tuyến độc nằm cạnh 4 răng cửa. Đặc biệt, tất cả
4 răng có độc đều mọc chia ra ngoài. Khi săn mồi, mọi loại bò sát đều dùng miệng cắn để giữ
con mồi. Sau khi cắn, nhiệm vụ của các răng cửa là truyền nọc độc ngấm vào cơ thể động vật
bị. Thông thường hàng ngày, những con có độc khi săn mồi hay giấu mình, nằm giả chết,
không tấn công.
* Triệu chứng: Trước tiên đau, phù nơi cắn, sau có thể đau, sưng toàn thân. Shock,
nôn, thần kinh trung ương bị suy nhược.
c. Nọc độc của loài lưỡng thê – Amphibian.
Nhìn chung các loài lưỡng thê (sống cả nước và trên cạn) đều có các tuyến tiết chất
nhờn dấu trong da. Mục đích giữ cho da luôn luôn ẩm ướt, một số loài còn để nuôi trứng nở
thành con ngay trên lưng. Có thể kiểm tra sự phát triển của tuyến dưới da bằng các do hiệu
lực của độc tố với hệ tuần hoàn. Trong số các loại lưỡng thê, cần lưu ý loài cóc - toad. Tất cả
cóc đều có nhiều mụn tuyến nằm dưới da với mục đích chống lại sự tấn công của động vật săn
mồi, đặc biết chó nhà. Ngộ độc thường xuyên và hay gặp là chó nhà.
Những cóc có chứa độc tố: Loài Bufo alvarius có Colorado river toads. Loài Bufo
marinus có Marine toads. Loài Dendrobates Spp có Arrow poison frogs (ếch độc sống ở trung
tâm châu Mỹ).
Chất độc của các loài cóc và ếch trên đều chứa trong tuyến dưới da, nhiều nhất nằm
cạnh mang tai, ngay sau mắt. Độc tố của chúng có tác dụng giống như glucozid cường tim.
Tuỳ theo loại, có loài rất độc như Dendrobates. spp lớn lên bằng cách ăn con nhái. Ơ
nước ta loại cóc phổ biến là Bufonis melanostictus, trong đó cóc tía, cóc mắt đỏ rất độc. Thịt
cóc không chứa chất độc, nhưng do không biết cách làm, để nhựa cóc - thiềm tô (rất độc)

164
165

dính vào thịt. Nhựa cóc rất độc do chứa các chất có dược tính mạnh như: cholesterol, a cid
ascocbic, các chất gây dung huyết, tác dụng trên hệ tim, mạch, huyết áp: bufogin, bufotalin,
bufotoxin...
* Triệu chứng: Trên chó. Tăng tiết nước bọt, cơ thể suy nhược nhanh, loạn nhịp tim,
phù, tăng huyết áp, co giất và chết trong khoảng 15 phút.
* Chữa trị: Rửa sạch mõm, mũi chó bằng mước vòi.Tiêm atropin ức chế tiết nước bọt;
thuốc ngủ chống co giật, truyền calxium - gluconat. Cần thiết có thể tiêm thuốc chống shock
dị ứng bằng phenoxybenzamine hay propranolol chữa loạn nhịp tim.
d. Nọc độc của Lớp nhện - Arachnids
* Các nhện có độc
Nhện đen cửa sổ - lactrodectus mactans gây co thắt cơ bắp.
Nhện Tarantukas - Eurypelma spp có độ độc trung bình.
Nhện nhiều mầu: đen, violet, vàng... loài này rất độc.
Nhện sống quanh nhà, trong các tủ chứa đồ nên người và gia súc rất dễ bị cắn. Tuy vết
cắn nhỏ, nhiều khi không gây đau nhưng lại gây sốt, cơ thể suy nhược, buồn nôn, nôn, xuất
huyết, máu chảy không đông.
* Chữa trị: Dùng các thuốc chữa triệu chứng.
e. Nọc độc của Lớp côn trùng - insects
* Ong độc
Gồm ong bắp cày Black hornet - Vespula macuaat.
Ong có nhiều vạch đen xen lẫn vàng Wasps - Polistes spp.
Ong mật (Apis honey) - Apis mellifera.
Ong to mình có lông (Bumble bee) - Bumbus californicus.
* Chất độc của nọc ong Apis cerana, apis mellifica
Ong thường ít khi tấn công gia súc, có thể làm chết gia súc, gia cầm, nhất là ong rừng.
Mức độ mẫn cảm của động vật với nọc ong khác nhau tuỳ vị trí đốt, số lượng ong đốt. Với
động vật, loài vịt mẫn cảm nhất. Vị trí đốt càng gần thần kinh trung ương (vùng đầu) càng
nguy hiểm.
Thành phần hoá học của nọc ong thay đổi tùy theo loài ong, Ong bò vẽ, ong đất có nọc
rất độc. Thành phần của nọc bao gồm: axetylcholin, histamin, các amino acid tự do, các
protein, các enzyme: cholinesteraza, hyaluronidaza, nhiều loại dehydrogenaza và
photpholipaza - A. Chất gây độc là mellitrin có tính kiềm và một lượng lớn a cid mercuric.
Khi bị ong đốt, dưới tác dụng của hyaluronidaza, các chất độc trong nọc ong được
phân tán rất nhanh vào tổ chức xung quanh vết đột gây đau buốt, rát, sưng... Nếu bị nhiều ong
đốt có thể tụt huyết áp.
Chất mellitrin có trong nọc ong ức chế hệ thống thần kinh, gây dung huyết.
Photpholipaza - A thúc đấy sự sự dung giải hồng cầu, giải phóng hemoglobin do biến
leuxitin thành ioleuxitin gây dung huyết.
* Triệu chứng: Đau, sưng các mốt cắn. Cũng có vài trường hợp gây shock, dị ứng

165
166

với súc vật nhỏ ở những con vật quá mẫn cảm. Khi bị quá nhiều con cắn, sẽ gây sưng, đau
toàn cơ thể, vật có thể chết sau vài phút đến một giờ. Phần lớn triệu chứng trên động vật khi
bị ong đốt, côn trùng cắn chỉ gây triệu chứng viêm cục bộ. Khi bị ong đốt, nơi đốt động vật có
cảm giác đau, triệu chứng chung bị kích thích, nặng gây rối loạn nhận thức, co giật, tụt huyết
áp, dung huyết. Phổi bị phù, rối loạn hoạt động siêu lọc ở thận.
* Điều trị: Dùng thuốc điều trị triệu chứng: adrenalin thuốc giảm đau, thuốc chống viêm...
f. Kiến có độc
Kiến lửa - Solenopsis xyloni
Kiến mắt muỗi - Pogonomymex californicus.
* Triệu chứng: Chỉ đau, sưng nốt cắn. Cũng có vài trường hợp gây shock, dị ứng nếu con
vật quá mẫn cảm. Khi bị quá nhiều con cắn, sẽ gây sưng, đau toàn cơ thể, vật chết sau vài phút
đến một giờ.
2. 2. Ngộ độc chất độc động vật
a. Ngộ độc do ăn cá nóc fugu ocellatus
Có khoảng trên 60 loại cá nóc khác nhau sống ở vùng biển ấm, nhiều nhất ở vùng biển
ấn Độ, Thái Bình Dương. Trong số này chỉ có một số có độc. Cá nóc độc do chứa các chất
độc: Ciguatoxin, chất này tan cả trong lipít và nước. Hai chất khác: aminopehydroquinazolin,
tetrodotoxin. Các chất độc tập trung chủ yếu ở phủ tạng: gan, ruột, trứng và da bụng. Độ độc
của cá nóc tăng cao trong mùa đẻ trứng (từ tháng 2 - 7).
Các chất độc của cá nóc không bị nhiệt độ phá huỷ. Ngược lại, khi nấu chín đã làm
tăng thêm độ độc. Thịt cá nóc không chứa chất độc, nhưng do khi săn, bắt, đưa cá vào kho
bảo quản làm chết cá. Khi cá chết hay bị làm dập các phủ tạng, trứng cá. Chất độc từ đó ngấm
vào thịt gây ngộ độc. Do vậy không nên ăn những con cá đã bị ôi, đập nát. Chọn con tươi, loại
bỏ hết phủ tạng, trứng và da.
Triệu chứng trên người, tuỳ theo loài, lượng cá có độc ăn vào và trạng thái cơ thể. Sự
ngộ độc xẩy ra sau khi ăn 30 phút đến 30 giờ. Nạn nhân thường bị tê trên môi, lưỡi, kiến bò ở
tứ chi. Sau đó nôn mửa, váng đầu, đau khắp mọi nơi, đồng tử rãn, liệt, tụt huyết áp, da tím tái.
Nạn nhân chết do liêt hô hấp. Tỷ lệ tử vong cao, trên 60% trong vòng 1 - 24 giờ nếu không
cấp cứu kịp thời. Theo Phúc Điền Đắc (Nhật Bản), chỉ ăn 10 gam thịt cá nóc có thể bị ngộ độc
và chết. Trên động vật, với chó ăn 0,01 mg/kg chết sau 30 phút. Tiêm 4 mg/kg thể trọng cũng
đủ làm chết thỏ.
b. Ngộ độc do ăn phải loài nhuyễn thể
Loại hào Mytilus oedulis có chứa chất rất độc mytilotoxin gây chóng mặt buồn nôn,
tiêu chẩy, tê, liệt tay chân, bồn chồn, lo lắng. Sau chết do bị liệt cơ hô hấp. Trong loài hào còn
có loại hào Mytilocongestin chứa độc tố hường đường tiêu hoá gây tiêu chẩy, xung, xuất
huyết toàn bộ niêm mạc đường tiêu hoá tuỳ lượng độc tố ăn phải... Không phải tất cả loại hào
đều độc, chỉ có một số con đặc biệt, khi ăn phải biết chọn.

Câu hỏi ôn tập


1. Kể tên các cây có chứa ancaloid và glucozid độc hay gây ngộ độc cho vật nuôi?
2. Kể tên các nhóm chất độc chính có trong cây và tác hại của chúng?

166
167

3. Nguyên nhân, cơ chế, triệu chứng, bệnh tích và cách chữa trị khi vật nuôi ngộ độc
glucozid chứa cyanide? nêu các cây có chứa cyanide ?
4. Nguồn gốc, triệu chứng, bệnh tích và cách chữa trị khi gia súc trúng độc glucozid cường
tim?
5. Nguồn gốc, triệu chứng, bệnh lý, cách chẩn đoán, chữa trị khi gia súc ngộ độc cây
dương xỉ, cây thường lục, cỏ lúa miến, cây ké đầu ngựa, các cây thuộc họ trinh nữ, cây
thầu dầu, các cây ba đậu, các cây thuốc lá, thuốc lào, cây bạch hoa xà?
6. Độc tố, triệu chứng, bệnh tích và cách chữa trị khi gia súc ngộ độc do uống nước trong
ao hồ có chứa tảo độc?
7. Nguyên nhân ngộ độc chất độc có nguồn gốc động vật?
8. Nêu các loại chất độc có nguồn gốc động vật hay gặp ở Việt Nam?
9. Trình bày các biện pháp phòng chống ngộ độc chất độc có nguồn gốc động vật?

Tài liệu tham khảo chính


1. Trần Tử An. Môi trường và độc chất môi trường. Trường Đại học Dược Hà Nội, 2002.
2. Curtis D. Claassen. Toxicology - the basic science of poisons. fifth edition, 1998.

167
168

3. Nguyễn Thị Dụ. Tư vấn chẩn đoán và xử trí nhanh ngộ độc cấp. NXB Y học, 2004.
4. Gary D. Osweiler. Veterynary Toxicology. Iowa State Univercity Press/AMES, 1996
5. Đậu Ngọc Hào, Lê Thị Ngọc Diệp. Nấm mốc và độc tố Aflatoxin trong thức ăn chăn nuôi.
NXB Nông nghiệp, 2003.
6. Henry J. A. H. M. Wismen. Management of poisoning. World Health Organisation, 1997.
7. Phạm Khắc Hiếu Độc chất học thú y. Giáo trình Sau Đại học. NXB Nông nghiệp, 1998.
8. Konie H. Plumlee. Clinical veterinary toxicology. Iowa State Univercity Press/AMES,
2003.
9. Trần Công Khanh. Cây độc ở Việt Nam. Nhiễm độc - Giải độc và cách điều trị. Nhà xuất
bản y học 1992.
10. Dương Thanh Liêm. Độc chất học. Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, 2001.
11. Đỗ tất Lợi. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học, 1999.
12. Susan E. Aiello. The Merck veterinary manual. 8th edition, 1998.
13. Wallace A. Hayes. Principles and methods of toxicology. Third edition, 1998.
14. Wolfdietrich Eichler. Toxicants in food. Nguyễn Thị Thìn dịch. NXB Khoa học kỹ thuật.

168
169

mục lục
Trang
Phần A: Độc chất học đại cương
Chương I
một số vấn đề cơ bản về độc chất học 1
1. Một số khái niệm 1
1.1. Độc chất học 1
1.2. Chất độc 2
1.3. Ngộ độc 7
2. Động học của chất độc 8
2.1. Sự xâm nhập của chất độc 8
2. 2. Sự phân bố chất độc 10
1.3. Sự chuyển hoá chất độc 12
1.4. Sự đào thải chất độc 14
3. Cơ chế tác dụng của chất độc 14
3.1. Cơ sở phân tử của tổn thương tế bào do ngộ độc, nhiễm độc 15
3.2. Cơ chế gây độc đặc trưng trên cơ quan, tổ chức 20
3.3. ảnh hưởng độc hại của chất độc 23
4. Các yếu tố ảnh hưởng đến tác dụng của chất độc 25
4.1. Các yếu tố thuộc về chất độc 26
4.2. Các yếu tố thuộc về cơ thể 27
4.3. Các yếu tố môi trường 31
Chương II
Chẩn đoán và điều trị ngộ độc 35
1. Chẩn đoán ngộ độc 35
1.1. Khái niệm 35
1.2. Chẩn đoán ngộ độc 35
1.3. Lấy mẫu cho các xét nghiệm chẩn đoán ngộ độc 40
1.4. Chẩn đoán phân biệt 43
2. Điều trị ngộ độc 44
2.1. Loại chất độc ra khỏi cơ thể 44
2.2. Phá hủy hoặc trung hòa chất độc bằng các chất kháng độc 47
2.3. Hối sức cấp cứu và điều trị triệu chứng 49
51
Phần b: Độc chất học chuyên khoa
Chương III
Các chất độc vô cơ 51
1. Đại cương 51
1.1. Nguyên nhân gây ô nhiễm kim loại nặng 51
1.2. Tác hại của các kim loại nặng 51

169
170

2. Ngộ độc các chất độc vô cơ 52


2.1. Ngộ độc kim loại nặng 52
2.2. Ngộ độc các chất độc vô cơ khác 65
Chương IV
Hóa chất bảo vệ thực vật 71
1. Đại cương 71
1.1. Phân loại các hóa chất Bảo Vệ Thực Vật. 71
1.2. Sự tồn lưu của hoá chất bảo vệ thực vật trong môi trường 73
1.3. Độc tính và độc lực của hoá chất bảo vệ thực vật. 75
2. Ngộ độc các hóa chất bảo vệ thực vật 75
2.1. Ngộ độc các hợp chất phospho hữu cơ: 75
2.2. Ngộ độc các hợp chất carbamat 85
2.3. Ngộ độc các hợp chất clo hữu cơ 88
2.4. Đề phòng người và gia súc nhiễm độc hoá chất bảo vệ thực vật 95
3. Thuốc diệt chuột 97
3.1. Phân loại thuốc chuột 97
3.2. Các thuốc diệt chuột 97
Chương V
Ngộ độc thuốc thú y 100
1. Đại cương 100
1.1. Nguyên nhân 100
1.2. Biện pháp đề phòng 100
1.3. Hiện tượng dị ứng thuốc 101
1.4. Tác dụng phụ của thuốc 103
2. Độc tính của một số thuốc thú y 103
2.1. Thuốc kháng sinh 103
2.2. Các chất sát khuẩn 108
2.3. Thuốc hạ sốt, giảm đau và chống viêm 110
Chương VI
Độc tố nấm mốc 112
1. Một số loài nấm mốc gây độc cho gia súc, gia cầm 112
1.1. Nấm mốc ở đồng ruộng trước và trong thu hoạch 112
1.2. Nấm mốc trong quá trình bảo quản 112
2. Độc tố nấm mốc và bệnh độc tố nấm mốc 113
2.1. Định nghĩa độc tố nấm mốc và bệnh độc tố nấm mốc 113
2.2. Cơ chế chính của sự hình thành độc tố nấm mốc 114
2.3. Một số độc tố nấm mốc gây bệnh ở vật nuôi (Mycotoxin) và bệnh
độc tố nấm mốc (Mycotoxicosis) 114

170
171

3. Các biện pháp phòng chống độc hại của độc tố nấm mốc 126
3.1. Các biện pháp hạn chế sự phát triển và lan nhiễm của nấm độc trong
lương thực, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi 126
3.2. Các biện pháp khử độc tố nấm mốc 128
Chương VII
chất độc nguồn gốc thực vật, động vật 132
1. Chất độc nguồn gốc thực vật 132
1.1. Phân loại 132
1.2. Một số cây độc 140
2. Chất độc nguồn gốc động vật 153
2.1. Nọc độc của các động vật sống trên cạn 153
2. 2. Ngộ độc chất độc động vật 156

171

You might also like